Câu chuyện danh hiệu nghệ sĩ:

Nỗi buồn không của riêng ai

Thứ Hai, 06/07/2015, 14:00
Còn nhớ, cách đây không lâu, khi nghệ sĩ Văn Hiệp qua đời, mọi người mới vỡ lẽ rằng, "vị trưởng thôn" được công chúng yêu quý ấy chưa có một danh hiệu gì dù ông đã trở thành nghệ sĩ của nhân dân từ chính các vai diễn của mình. Rồi NSND Phương Thanh, NSƯT Anh Dũng cũng phải dùng đến hai chữ "truy tặng" danh hiệu NSND khi họ đã ở bên kia thế giới. Niềm vui đó mang theo bao nỗi ngậm ngùi.

Khi trò chuyện với NSƯT Minh Thu, bà nói với tôi rất nhiều đến những bậc thầy tiền bối của mình, những người thầy, những đồng nghiệp, người còn, người mất, nhưng đóng góp và sự ảnh hưởng của họ đối với sân khấu chèo thì không thể phủ nhận.

Có người đã về nơi chín suối nhưng mãi mãi không biết đến danh hiệu, như nghệ sĩ Trịnh Ngọc Mai, cây sáo số 1 của làng chèo Việt Nam, rồi nghệ sĩ Đỗ Văn Vịnh. Chính người thầy của nghệ sĩ Minh Thu, người đã âm thầm truyền dạy vai Thị Kính - vai diễn kinh điển của làng chèo cho bà và rất nhiều thế hệ học trò - nghệ sĩ Trần Lệ Xuân, năm nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng chưa một lần biết đến danh hiệu. 

Thời của bà Trần Lệ Xuân, những năm 60-70 của thế kỷ trước, chiến tranh, gian khổ, mấy ai quan tâm đến huy chương. Bà lặng lẽ làm nghề, truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò. Các học trò giờ đều đã thành danh. Còn bà... Chính nghệ sĩ Minh Thu đã trực tiếp làm hồ sơ cho thầy, nhưng: "Thầy tôi già rồi, chẳng lẽ lại còn phải đi xin chỗ này chỗ kia chữ ký xác nhận để được cái danh hiệu".

Từ trái sang: Nghệ sĩ Minh Thu, nghệ sĩ Chí Trung, nghệ sĩ Hoài Linh, nghệ sĩ Minh Hằng.

NSƯT Xuân Hinh năm nay không làm hồ sơ, sau đợt xét tặng cách đây 4 năm, hồ sơ NSND của anh đã lọt qua vòng cấp Bộ nhưng vẫn bị gạt ra ngoài vì một lý do khó hiểu nào đó. Trên trang facebook của anh, hàng triệu người chia sẻ và ghi nhận, anh là nghệ sĩ trong lòng nhân dân, bởi sự "phổ biến" của Xuân Hinh đến từng hang cùng ngõ hẻm, từ trẻ con đến người lớn. Người của hàng ngàn vai diễn, hàng ngàn tác phẩm ấy vẫn đang miệt mài lao động, cống hiến cho khán giả.

Gọi điện cho anh, anh bảo còn rất nhiều việc phải làm và không còn bận tâm đến câu chuyện danh hiệu. Bởi với anh, cả cuộc đời gắn bó với nghề không phải để trông chờ một danh hiệu nào đó. Anh quan niệm, phục vụ nhân dân tốt đã là nghệ sĩ của nhân dân rồi.

Không hiểu tại sao, năm nào, câu chuyện phong tặng danh hiệu nghệ sĩ cũng khiến chúng ta suy nghĩ. Những quy định dường như đã quá cứng nhắc, đã có sự không công bằng đối với nghệ sĩ, khi chúng ta chỉ căn cứ cơ học vào việc đo đếm các huân, huy chương. Chẳng lẽ, cuộc đời người nghệ sĩ chỉ lo thi thố để vun vén cho bản thân mình mà không nhường sân cho những người trẻ, không quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ kế cận. NSƯT Khắc Tư, NSƯT Thúy Ngần, NSƯT Thanh Ngoan, NSƯT Minh Thu, họ đều là những cây đa cây đề trong làng chèo. Rồi NSƯT Chí Trung, Thành Lộc, Hoài Linh, Minh Hằng là những người "vua biết mặt, chúa biết tên" trong làng kịch, nhưng danh hiệu NSND vẫn là một điều gì đó còn xa vời đối với họ.

Chẳng lẽ, vẫn cứ ham hố đi thi, bon chen vai diễn với lớp trẻ. Việc của họ bây giờ là truyền dạy cho các thế hệ kế cận, để bảo tồn nghệ thuật truyền thống. Điều đó không đáng được ghi nhận sao? Có nhiều nghệ sĩ, học trò của họ đã được phong tặng danh hiệu, trong khi những đóng góp, sự lan tỏa của họ không được ghi nhận. Thậm chí, có người được phong tặng danh hiệu nhưng nói đến vai diễn thì ngơ ngác không biết vai nào.

Đành rằng, phải có những quy định, cái khung cứng của luật, nhưng nói như ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, trong cái lý phải có cả tình, cả sự nhìn nhận về những đóng góp và sức lan tỏa của nghệ sĩ trong lòng công chúng. Điều đó cũng giá trị không kém những tấm huy chương kia.

Có lẽ, chỉ có nghệ sĩ mới thấu hiểu được hơn ai hết đằng sau những vinh quang đó là nỗi nhọc nhằn, những cay đắng, vật lộn với nghề. Nên có lẽ, cần hơn hết sự công tâm và linh hoạt hơn trong việc xét tặng danh hiệu, để sau mỗi mùa phong tặng, chúng ta không phải mang vác thêm những nỗi buồn.

Nhà văn Ngô Thảo: "Người nhận danh hiệu chắc gì đã vui"

Tôi nghĩ, vấn đề ở đây là họ đưa ra những điều kiện, quy định không xuất phát từ đặc điểm riêng của từng ngành nghệ thuật, bởi cùng lĩnh vực sân khấu, nhưng mỗi ngành có những đặc điểm khác nhau. Bản thân những người ngồi trong hội đồng cũng chưa chắc đã là những người chuyên môn tốt, chưa có sự chuẩn bị thấu đáo, nên làm sao đánh giá hết cống hiến của nghệ sĩ. Hội đồng khen thưởng phải là những người chuyên môn làm chuyên trách, lâu dài chứ không phải theo nhiệm kỳ. Hơn nữa, mỗi hội diễn chỉ có vài người tham gia thôi. Những người đã thành danh mà cứ liên tục tham gia hội diễn, không nhường cho lớp kế cận thì cũng phải xem lại mình. Còn những nghệ sĩ giỏi, có tâm và có tầm, họ sẽ lùi lại, cho lớp kế cận.

Nhà văn Ngô Thảo.

Người biết nhường sẽ thiệt thòi. Cho nên, mới có chuyện nhiều người trẻ có đầy đủ huy chương và được phong tặng danh hiệu trước thầy của mình. Ngoài ra, ở đây cũng có sự phân biệt huy chương của Hội và huy chương của Bộ. Tôi nghĩ, 2 cái đó là một. Nếu xét 2 huy chương của Hội bằng một huy chương của Bộ là coi thường Hội, dù chuyên môn họ có kém gì đâu. Hiện nay chúng ta đã xã hội hóa sân khấu.

Có nhiều người họ tham gia các hoạt động xã hội hóa, đưa sân khấu đến gần với công chúng như nghệ sĩ Thành Lộc, thì cũng cần ghi nhận đóng góp của họ. Cứ buộc chặt những quy định cứng nhắc sẽ rất khó. Người nhận danh hiệu cũng chẳng thể vui. Ngoài ra, chúng ta cũng bỏ sót những thành phần quan trọng, công việc của họ khá thầm lặng như biên tập kịch bản, phim. Họ cũng nằm trong quy trình sáng tạo nên đưa vào xét tặng danh hiệu.

NSƯT Khắc Tư: "Không có danh hiệu, tôi vẫn đắm đuối, sống chết với nghề"

Tôi rất buồn khi nghe tin mình không được phong tặng NSND đợt này. Tôi theo nghiệp tổ hơn 40 năm rồi, luôn tâm niệm giữ gìn vốn cổ của ông cha và truyền dạy lại cho đời sau. Bên cạnh đó tôi cũng tham gia làm những vở chèo mới, phù hợp với đời sống hiện đại. Những tác phẩm của tôi liên tục phát sóng trên Đài Tiếng nói Việt Nam. 40 năm qua, tôi vẫn miệt mài làm việc bằng niềm đam mê của mình và bằng cả trách nhiệm mà nghiệp tổ giao. Có lẽ, tên tuổi của tôi trong làng chèo ai cũng biết. Vậy mà, cho đến lúc phong tặng danh hiệu, một món quà tinh thần cho các nghệ sĩ như chúng tôi thì không hiểu sao họ lại gạt ra.

Tiêu chí gì mà khó khăn với những người làm nghề thực sự như chúng tôi đến thế. Tôi chỉ làm đơn lần đầu tiên từ năm 1993 khi xét tặng danh hiệu NSƯT, lần này chính nghệ sĩ Thanh Ngoan động viên tôi làm hồ sơ, vì bạn bè cùng lứa, thậm chí nhiều người trẻ hơn tôi cũng đã được phong tặng NSND cả rồi. Tôi đã đi truyền dạy cho nhiều thế hệ học sinh, những nghệ sĩ được Huy chương vàng trong các kỳ hội diễn cũng do tôi dạy. Chẳng lẽ, tôi không xứng đáng được tôn vinh sao?

Tôi nghĩ, những người ngồi trong hội đồng, họ phải có sự thấu hiểu với những nghệ sĩ theo đuổi con đường âm nhạc truyền thống, họ mới chia sẻ với những cống hiến và cả những thiệt thòi của chúng tôi. Hội đồng đó phải biết vì nghệ sĩ, ghi nhận những ảnh hưởng của nghệ sĩ đối với công chúng.

Thực tế, có nhiều người được phong tặng danh hiệu NSND, nhưng sự ảnh hưởng của họ thế nào, tác phẩm của họ có tác động gì đến đời sống? Nghệ sĩ chèo chúng tôi rất thiệt thòi mà không hiểu tại sao, bởi trong chúng tôi có nhiều người tài năng được công chúng và bạn nghề ghi nhận. Tôi đã về hưu, nhiều năm nay, tôi không tham gia hội diễn, vì tôi nghĩ phải nhường sân cho thế hệ trẻ chứ.

Lẽ ra việc xét tặng phải thấu đáo hơn, không nên quá khắt khe vào một tiêu chí nào, và nên chú trọng đến sự ảnh hưởng của người nghệ sĩ trong lòng công chúng. Bao năm nay tôi làm nghề có phải vì danh đâu. Bởi suy cho cùng, không có danh hiệu thì tôi vẫn đắm đuối, sống chết với nghề mà thôi.

Ông Phạm Ngọc Tuấn - Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam: "Cần đánh giá những cống hiến và ảnh hưởng của nghệ sĩ"

Giám đốc Nhà hát Tuồng Phạm Ngọc Tuấn.

Với các nghệ sĩ ở nghệ thuật tuồng, tôi nghĩ, chúng tôi đã làm tốt việc xét tặng danh hiệu. Có những người không đủ điều kiện phần cứng đâu (huy chương), nhưng chúng tôi vẫn đưa họ vào danh sách vì những đóng góp và sự ảnh hưởng của họ đối với khán giả và với nghệ thuật tuồng. Tuy nhiên, nhìn chung vẫn còn có nhiều vấn đề bỏ ngỏ. Tôi không nói việc đúng hay sai ở đây. Nhưng xét tặng danh hiệu, ngoài việc định lượng, chúng ta phải xem xét cả vấn đề định tính. Nhiều nghệ sỹ hiện nay có ảnh hưởng rộng lớn, tên tuổi của họ đã và đang ở trong lòng khán giả nhưng hội đồng cũng chưa tính đến họ như Thanh Ngoan, nghệ sĩ Khắc Tư... Những nghệ sỹ này làng chèo khi nói tên ai cũng biết đến họ...

Vì thế, ngoài những quy định về huy chương, chúng ta cần xem xét cống hiến và tầm ảnh hưởng của nghệ sĩ trong nghề cũng như đối với công chúng. Những nghệ sĩ mà ai cũng biết đến tài năng của họ thì nên xem xét để tôn vinh. Nếu chúng ta cứ bỏ sót như thế sẽ đánh mất niềm tin của người nghệ sĩ, dù họ làm nghề không phải vì danh hiệu.

Chẳng hạn như NSƯT Thanh Ngoan, những vai diễn tính cách không ai qua được chị, nếu chị đi diễn lấy hết Huy chương vàng, nhưng chị đã chuyển sang làm quản lý, chả lẽ cứ đi thi. Phải nhường sân cho lớp trẻ chứ. Còn nghệ sĩ Thúy Ngần, chị chuyển qua công tác giảng dạy, đào tạo rất nhiều học trò đạt huy chương vàng. Còn rất nhiều nghệ sĩ vẫn miệt mài làm việc, cống hiến thầm lặng và tên tuổi họ đã ở lại trong lòng công chúng, chẳng lẽ họ không đáng được tôn vinh sao.

Việt Hà
.
.
.