Nỗi buồn thần tượng

Thứ Năm, 13/08/2015, 11:14
Câu chuyện nữ nghệ sĩ Như Quỳnh về nước biểu diễn bị xăm soi nhan sắc, bị các fan chê xấu, không giống hình ảnh giai nhân của cô trong các băng đĩa nhạc hải ngoại và trong lòng công chúng bấy lâu khiến chúng ta nhói lòng vì sự nghiệt ngã của nghề ca hát. Làm nghệ thuật, trở thành thần tượng trong mắt công chúng đã khó, giữ cho được hình ảnh đó, không làm công chúng thất vọng, sụp đổ thần tượng lại càng khó hơn.

Như Quỳnh sinh năm 1970, năm nay chị đã ở tuổi 45. Một người phụ nữ ở tuổi 45 chắc chắn không thể giữ được sắc vóc như tuổi 20. Dấu hiệu làn da bị lão hóa, hay cơ thể đẫy đà hơn là chuyện dễ hiểu. Là phụ nữ, ai cũng phải chấp nhận chuyện tuổi tác. Người có ý thức giữ gìn thì dấu hiệu tuổi tác đến muộn hơn. Chiến thắng thời gian là câu chuyện cực kỳ khó khăn. Đó là lý do vì sao nền công nghiệp dao kéo càng ngày càng phát triển mạnh. Chống lại sự già nua, ngoài tập luyện, xu hướng làm đẹp bằng dao kéo đang hấp dẫn quý bà quý cô ở mọi lĩnh vực, không riêng gì những người hoạt động trong ngành giải trí.

Nghệ sĩ Như Quỳnh.

Như Quỳnh theo gia đình sang Mỹ định cư cách đây đã 25 năm. Cô là giọng ca được khán giả trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích. Gương mặt trong sáng thuần Việt, mái tóc dài buông lơi đắm say lòng người, giọng hát ngọt ngào dường như cũng rất "xoẹt tông" với vẻ đẹp dịu dàng thuần khiết của Như Quỳnh, nên cô dễ dàng trở thành thần tượng của khán giả.

Dù 25 năm chưa một lần về nước biểu diễn, nhưng tên tuổi Như Quỳnh đã phủ sóng khắp nơi, đến từng gia đình nhỏ. Những băng đĩa nhạc hải ngoại của Trung tâm Thúy Nga phần lớn có sự xuất hiện của Như Quỳnh. Yêu mến, ngưỡng mộ cô qua giọng hát, dĩ nhiên khán giả nóng lòng chờ đón thông tin Như Quỳnh về nước, dù lần này cô không về để biểu diễn, mà về để động viên hai người em của mình làm live show.

Vì sao lại có sự sụp đổ thần tượng như vậy?

Nhiều nghệ sĩ được công chúng thần tượng từ lúc trẻ tới lúc già, không có chuyện bị sốc hay sụp đổ, là vì họ đã quen với hình ảnh nghệ sĩ cả trên sân khấu lẫn đời thường, một cách dần dần, từ từ nên họ thích nghi được. Còn Như Quỳnh, cô ở xa Tổ quốc, những hình ảnh đời thường của cô rất ít trên truyền thông, và lần đầu tiên khán giả trong nước nhìn thấy cô ngoài đời bằng da bằng thịt, lại vào thời điểm nhan sắc của cô đã qua thời tuổi trẻ. Trong khi đó, những băng đĩa nhạc mới và cũ ở hải ngoại vẫn là những hình ảnh Như Quỳnh lung linh xinh đẹp.

Phải nói rằng các nghệ sĩ hải ngoại được trau chuốt hình ảnh rất tốt. Các chương trình của Thúy Nga Paris thường được dàn dựng trên sân khấu đẹp, chuẩn nhất có thể. Công nghệ ánh sáng, công nghệ make up, công nghệ chỉnh sửa hình ảnh cực kỳ hoàn hảo. Không chỉ Như Quỳnh, một số ca sĩ hải ngoại tuổi đời còn trẻ hơn, khi về nước, khán giả gặp gỡ giao lưu cũng có chút cảm giác thất vọng vì "thần tượng ngoài đời không đẹp như trên tivi".

Câu chuyện Như Quỳnh càng nhấn mạnh một điều rằng, công chúng là người tình bạc bẽo của nghệ sĩ. Người nghệ sĩ khi còn trẻ, tài năng đang độ rực sáng, họ hâm mộ tôn vinh nghệ sĩ làm thần tượng. Chính khán giả chứ không ai khác đã tạo ra thần tượng, rồi khi gặp một phát ngôn không vừa lòng của nghệ sĩ, khi nhan sắc của nghệ sĩ tàn phai… thì cũng chính họ tự làm đổ thần tượng mình đã xây dựng đôi khi bằng những ứng xử đau lòng.

Hình ảnh mới nhất của Như Quỳnh khi chị về nước sau 25 năm.

Thời đại công nghệ, một hình ảnh được post lên có thể phát tán qua hàng ngàn địa chỉ. Cùng với đó, những comment chỉ trích, những nặng lời cay nghiệt cũng ngay lập tức được up lên, vô tình làm đau thần tượng, làm tổn thương thần tượng.

Nhân câu chuyện Như Quỳnh, nhớ lại một trường hợp khác là bé Xuân Mai. Những hình ảnh dễ thương nhí nhảnh ngày nhỏ của Xuân Mai đã ám vào tuổi thơ của rất nhiều em bé, cũng như các bậc phụ huynh. Tuy nhiên khi Xuân Mai lớn lên, thành thiếu nữ, giọng hát và ngoại hình thay đổi, một số khán giả đã không chấp nhận nổi sự thật đó. Họ tỏ ý thất vọng và có biểu hiện "kéo" đổ hình tượng.

Một vài câu chuyện sụp đổ thần tượng khác có thể kể ra như ca sĩ Siu Black làm ăn thua lỗ bị vỡ nợ phải cầu cứu bạn bè, diễn viên Chánh Tín vỡ nợ phải lạy lục đại gia…Thần tượng nếu trước đó đã được nhận bao lời cảm mến, yêu thương, kính trọng, ngưỡng mộ, nể phục, thì khi khán giả "vỡ mộng", thần tượng lại phải chịu những lời nặng nề, khó chịu, thậm chí đau lòng không kém.

Thôi thì chuyện yêu rồi hết yêu, ngưỡng mộ rồi thất vọng cũng là chuyện thường ở đời. Vấn đề ở đây là văn hóa ứng xử của đám đông- những người mới hôm nào đặt một ai đó lên bệ cao chót vót để ngưỡng vọng, rồi chính họ hôm nay lại hạ bệ người đó xuống. Công chúng có quyền đòi hỏi người nghệ sĩ lúc nào cũng phải hát hay, diễn hay, lúc nào cũng phải đẹp. Người nghệ sĩ sinh ra dường như cũng là để yêu chiều những đòi hỏi đó của đám đông. Nhưng công chúng hiểu biết cần phải nhận thức rằng nghệ sĩ cũng là con người và phải chịu chi phối bởi quy luật của tạo hóa.

Không ai có thể trẻ mãi, đẹp mãi, và tài năng cũng chỉ có thời tỏa sáng. Tuổi tác là thứ không ai muốn nhưng rồi ai cũng phải chấp nhận, dù người bình thường hay nghệ sĩ. Vậy nếu là một công chúng văn minh, hãy trân trọng thần tượng khi họ còn đang là ngôi sao sáng, và xin cũng trân trọng thần tượng ngay cả khi họ tuổi đã nhiều, ngoại hình đã kém phong độ và tài năng có thể đã tàn lụi. Bởi tất cả những gì đẹp đẽ, thơm thảo họ đã hiến dâng cho cuộc đời, cho mọi người.

Mặt khác, không thể nào phủ nhận rằng, những thần tượng mà mỗi người trong chúng ra tạo ra đã góp phần kiến tạo những giá trị tinh thần nhất định nào đó, có ảnh hưởng ít nhiều đến đời sống của chính chúng ta. Nếu không có thần tượng, có thể một vài ai đó trong chúng ta, ở một khoảnh khắc nào đó, thậm chí là một giai đoạn nào đó của cuộc đời thiếu lý do để sống, để phấn đấu, để hy vọng vào tương lai.

Chỉ như vậy thôi, đã đủ để biết ơn họ, những người mà một thời ta đã ngưỡng vọng. Thần tượng thực ra chính là những tấm gương, dù đôi khi chính người được tôn làm thần tượng chưa chắc đã muốn làm tấm gương đó. Nghịch lý đó vừa là niềm hạnh phúc, vừa nỗi khổ của người nghệ sĩ, của những người nổi tiếng.

Ca sĩ Minh Thu: Tôi thấy mình bị tổn thương lây

Là một ca sĩ, tôi cũng cảm thấy mình bị tổn thương lây theo chị Như Quỳnh. Nữ ca sĩ thì ai cũng vậy thôi, ai cũng có thời tuổi trẻ hương sắc. Ai mà chiến thắng được thời gian, tuổi tác. Vậy khán giả dành những lời nặng nề cho chị Như Quỳnh có đáng không. Chị ấy là phụ nữ U50 rồi mà, sao có thể như tuổi 20 được. Hãy nhìn vào những gì chị ấy đã đóng góp cho âm nhạc.

Một người có giọng hát đẹp, vũ đạo điêu luyện, cách diễn giỏi và hấp dẫn, nhất là gương mặt. Giờ chị ấy già hơn, mập hơn chút thì cũng là bình thường. Người nghệ sĩ ai cũng có lúc sơ sểnh về mặt hình ảnh, tránh sao được.

Trong giới làm nghề ca hát, có nhiều kiểu nghệ sĩ lắm. Có nghệ sĩ ra đường thì cầu kỳ về mặt hình ảnh, nhưng có người rất nổi tiếng đấy nhưng cực kỳ xuề xòa giản dị. Ví như các bà chị tôi biết chẳng hạn. Chị Thanh Lam thì cứ ra khỏi nhà thì chu tất, luôn make up đẹp. Nhưng chị Mỹ Linh hay chị Minh Ánh lại chẳng mấy khi trang điểm kỹ, hay để mặt mộc và ăn mặc như muốn lẫn vào đám đông.

Nếu lỡ gặp một nghệ sĩ nổi tiếng mà nhìn giống như một người bình thường không có gì đặc biệt, tôi nghĩ cũng là điều bình thường. Vì ai cũng có phần đời sống thường ngày của họ, họ muốn được sống bình yên trong cái phần thường nhật ấy. Họ chỉ cầu kỳ lộng lẫy trên sân khấu thôi. Cho nên, không chỉ riêng tôi, mà chắc chắn nhiều nghệ sĩ khác sẽ cảm thấy xót chị Như Quỳnh, khi mà gặp phải những comment không đáng có của một số khán giả.

Hãy nhìn vào những gì người nghệ sĩ đã cống hiến hơn là săm soi quá kỹ ngoại hình của họ. Ở đây tôi thấy một điều nữa là khán giả nhà mình cái gì cũng háo quá, hóng quá. Việc một đội bóng nổi tiếng đến Việt Nam, hay việc một nghệ sĩ hải ngoại về nước khán giả hay làm quá lên, rồi khi có điều gì không vừa ý lại thất vọng.

Ca sĩ Phương Anh: Người nghệ sĩ thực ra rất nhạy cảm...

Lần đầu tiên về lại quê nhà mà gặp phải câu chuyện vừa rồi, chị Như Quỳnh chắc chắn cảm thấy rất tổn thương. Nỗi buồn này đối với một người nghệ sĩ, lại là nữ nghệ sĩ, chắc khó mà nguôi ngoai. Nhiều năm sau nghĩ đến chuyện về quê hương biểu diễn có khi chị vẫn buồn. Tôi là nghệ sĩ trẻ thế hệ sau, nhưng tôi thực sự cảm thấy xót xa bởi cách mà một số khán giả "đón" chị Như Quỳnh như vậy.

Nói là khán giả nhưng tôi muốn nhấn mạnh khán giả "truyền thông" ở đây. Một vài báo mạng đã giật tít cùng với bài viết đầy tính ám chỉ đăng kèm hình ảnh của chị Như Quỳnh. Còn khán giả theo nghĩa đám đông, những người ném đá trên facebook chẳng hạn, thực ra là những người hành xử theo trào lưu thôi. Và đó cũng chỉ là những khán giả nông nổi, còn những người hâm mộ ca sĩ thực lòng, yêu quý ngưỡng mộ ca sĩ thật lòng, họ sẽ không xử sự theo kiểu buông lời lẽ làm tổn thương thần tượng của mình như vậy.

Những người nghệ sĩ thực ra rất nhạy cảm và mong manh, họ chỉ biết cống hiến những gì đẹp đẽ nhất cho công chúng và mong nhận lại những yêu thương trìu mến ấm áp từ công chúng, chứ không phải những vết thương.

Trang Nguyên
.
.
.