Giải Cánh diều vàng 2016 Diều có còn bay cao?

Thứ Tư, 06/04/2016, 08:50
Với tiêu chí: "Đề cao tác phẩm điện ảnh truyền hình có dấu ấn sáng tạo trong nghệ thuật thể hiện, đậm đà bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn và đạt hiệu quả xã hội tích cực", Ban tổ chức cho biết, năm nay có 18 phim truyện điện ảnh, 14 phim hoạt hình, 24 phim truyền hình, 37 phim tài liệu, 12 phim khoa học, 33 phim ngắn và 6 công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình điện ảnh tham dự giải.


Nói không với kịch bản ngoại

Quả là một năm bội thu của các thể loại. Trong đó, hạng mục phim truyện điện ảnh vẫn luôn được quan tâm hàng đầu. 18 phim tham gia Cánh diều vàng, một con số mơ ước so với năm ngoái, dù thực tế, số lượng phim sản xuất năm nay phải lên tới con số 40.

Chúng ta lại thấy những cái tên đã quen thuộc ở mùa Liên hoan phim trước như "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Cuộc đời của Yến", "Người trở về". Đặc biệt, năm nay, có sự tham gia hùng hậu của các hãng phim tư nhân chiếm phần lớn số phim dự giải như "Quyên", "Gái già lắm chiêu", "Trúng số", "Bộ ba rắc rối", "Ngày nảy ngày nay"…

“Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” đã đạt kỷ lục về doanh thu năm 2015.

Một năm nhiều cảm xúc khi điện ảnh Việt có những phim ra rạp và đạt doanh thu phòng vé cao: "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh", "Em là bà nội của anh", "Gái già lắm chiêu"… Những bộ phim gây hiệu ứng tốt trong lòng công chúng như "Người trở về" của đạo diễn trẻ Đặng Thái Huyền, đó là những thước phim về chiến tranh dưới góc nhìn của một người trẻ về thân phận người phụ nữ trở về sau chiến tranh. Lâu lắm rồi, khán giả mới có cảm giác xúc động đến thế khi xem "Người trở về", bởi sự chân thực, sống động và chạm tới nỗi đau, mất mát.

Và điều quan trọng, nó không bị cường điệu hóa, mắc lỗi hay gặp ở những bộ phim về đề tài chiến tranh. Điều đó cho thấy, khán giả Việt không ngoảnh mặt với phim Việt. Điều quan trọng là phim Việt có đủ sức hấp dẫn kéo họ đến rạp giữa một rừng những lựa chọn với rất nhiều phim bom tấn của nước ngoài. Dù sao, nhìn trên bề mặt chung, đây được đánh giá là năm có nhiều khởi sắc của phim Việt.

Tuy nhiên, trong xu hướng các nhà làm phim đang chọn kịch bản ngoại để sản xuất và sự thành công của "Em là bà nội của anh" là một ví dụ, thì Cánh diều vàng lại nói không với những phim có kịch bản nước ngoài. Nhiều ý kiến lo ngại, liệu hội có tự làm khó mình trong bối cảnh phim Việt đang rất chật vật như hiện nay.

Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát, Phó Chủ tịch Hội Điện ảnh cho rằng: "Cánh diều vàng có những tiêu chí riêng, vì một nền điện ảnh của Việt Nam, nên sẽ tôn vinh sự sáng tạo của các nghệ sĩ. Phim không có tính sáng tạo, không phải là phim Việt thì Cánh diều từ chối để tập trung cho các nghệ sĩ Việt. Chúng ta không thiếu phim để phải mời những kịch bản nước ngoài vào giải. Tôi nhớ, mấy năm trước, khi đưa một tác phẩm có kịch bản nước ngoài vào giải, báo chí đã làm rùm beng lên rồi. Nhìn chung, chúng tôi muốn tôn vinh một nền điện ảnh thuần Việt".

"Bó đũa chọn cột cờ"

Năm 2015 có thể nói là một năm khởi sắc của điện ảnh Việt khi chúng ta có "Người trở về", "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh"… Tuy nhiên, bên cạnh đó, có những phim được nhà nước đầu tư hàng chục tỷ, thậm chí vài chục tỷ, nhưng âm thầm ra rạp, rồi âm thầm cất vào kho như "Nhà tiên tri", "Mỹ nhân", "Trên đỉnh Bình yên".

Việc dung hòa giữa phim nghệ thuật và giải trí đang là một bài toán đau đầu của các nhà làm phim. Nhìn trên mặt bằng chung của phim Việt năm nay thì chiếm thế thượng phong vẫn là phim hài, phim giải trí chứ không phải là phim nghệ thuật. Thế nên mới có chuyện, mấy năm nay, Ban tổ chức, Ban giám khảo Cánh diều vàng chịu không ít dư luận về chất lượng phim, khi quá nửa phim dự giải thuộc thể loại hài.

“Người trở về” - Bộ phim về chiến tranh thành công của đạo diễn Đặng Thái Huyền.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát chia sẻ: "Năm nào cũng có phim hay, không hay, cũng là so bó đũa, chọn cột cờ". Tuy nhiên, còn một nghịch lý khác nữa, một số mùa Cánh diều trao giải cho những bộ phim "cúng cụ", sản xuất theo đơn đặt hàng nhà nước. Phim được vinh danh còn khán giả ngơ ngác, không biết hình hài bộ phim ra sao, vì chưa được xem phim. "Một tác phẩm có giá trị, nó phải có đời sống, phải đi vào lòng công chúng", đạo diễn Phan Đăng Di khẳng định.

Một điều đáng tiếc nữa là hiện nay các nhà làm phim độc lập không mấy hào hứng với các giải thưởng trong nước, mặc dù từ phía Hội Điện ảnh đã chủ động gửi giấy mời đến từng người và rất chào đón các tác phẩm của họ. Trong khi đó, các tác phẩm của các nhà làm phim độc lập lại tham dự rất nhiều giải thưởng quốc tế, thậm chí phim của họ cũng được chiếu rộng rãi ở nhiều Liên hoan phim quốc tế, như "Đập cánh giữa không trung"…

Đây cũng là một khoảng trống của điện ảnh Việt Nam, phải chăng vì chúng ta đang "bó hẹp" mình. Bởi chính những nhà làm phim độc lập đang góp phần không nhỏ trong việc vực dậy nền điện ảnh Việt và mang nó ra với thế giới. Đạo diễn Phan Đăng Di cho rằng, phim "Cha và con và…" của anh chưa công chiếu trong nước nên không thể tham gia liên hoan phim. Nhưng lý do cốt lõi là các nhà làm phim độc lập cần những tiêu chí rõ ràng hơn của giải thưởng, chấp nhận những sáng tạo mới, những giọng điệu mới. Theo anh, Hội Điện ảnh phải đối thoại với các đơn vị làm phim trong Hội và đối thoại với thế giới, để mở rộng hơn nữa con đường cho phim Việt, để Cánh diều sẽ không ngừng bay cao.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát: Nếu có một cơ chế thoáng hơn…

Đây là giải thưởng thường niên của Hội, để đánh giá lại một năm làm việc, cống hiến của nghệ sĩ. 18 phim truyện điện ảnh tham gia dự thi cho thấy sức sáng tạo của nghệ sĩ. Nhiều tác giả, nhiều giọng điệu, nhiều đề tài phong phú. Tuy nhiên, vì tiêu chí của Cánh diều vàng là tôn vinh nền điện ảnh Việt nên có những bộ phim thành công về doanh thu và được đánh giá cao như "Em là bà nội của anh" không phù hợp với tiêu chí của Cánh diều vàng.

Đây là kịch bản của Hàn Quốc, bộ phim này đã gây cơn sốt ở Hàn Quốc rồi, đạo diễn chỉ nhào nặn lại nó ở Việt Nam mà thôi. Do đó, dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ không nhiều. Trong khi đó, tiêu chí của Cánh diều vàng là đề cao những sản phẩm của đạo diễn Việt. Phim này có thể tham gia Liên hoan phim quốc tế với những tiêu chí rộng hơn.

Về chất lượng phim, chúng ta có cái nhìn lạc quan khi năm nay có nhiều tác phẩm giá trị, doanh thu phòng vé của phim khá cao. Nhưng nếu nhìn ngược lại lịch sử, thì rõ ràng, nền điện ảnh chúng ta đang bị kéo tụt lùi. Những năm 1980, chúng ta có "Bến không chồng", rồi xa hơn, "Cánh đồng hoang", "Bao giờ cho đến tháng 10"… Vì sao, lâu lắm rồi, chúng ta không được xem những thước phim như vậy.  Tôi nghĩ, một phần do cơ chế quản lý và kiểm duyệt phim bây giờ quá chặt, điều đó hạn chế sự sáng tạo của người nghệ sĩ, phải lo làm đúng, chứ chưa nghĩ đến hay.

Đạo diễn Phan Đăng Di: Các nhà làm phim độc lập không mặn mà với giải thưởng trong nước

Tôi nghĩ, điều quan trọng của một giải thưởng là phải đặt ra được tiêu chí, mục đích của giải thưởng là gì. Cánh diều vàng là giải tổng kết nghề nghiệp trong một năm. Dường như giải thưởng này bây giờ không được quan tâm nhiều lắm. Tôi nghĩ, nếu trong một năm đó, không có phim hay, phim chất lượng thì chúng ta không nên trao giải, bởi trong dòng chảy đương đại, giải thưởng nó không còn quá nhiều quyền lực nữa. Quan trọng là tác phẩm đó có đến được với công chúng hay không. Còn giải thưởng có giá trị phải là bản thân tác phẩm đó đã là một giá trị.

Tôi nghĩ, chúng ta cần có sự khắt khe trong việc đánh giá các tác phẩm điện ảnh, phải có những tiêu chí rõ ràng, muốn tìm cái gì, có gì mới. Vậy chúng ta phải cập nhật với thế giới, xem xu hướng điện ảnh của thế giới đang đi đến đâu. Bản thân hội nghề nghiệp cũng phải đối thoại với các thành viên và đối thoại, mở rộng hợp tác với thế giới, nếu chỉ bó hẹp trong đất nước mình thì điện ảnh không thể phát triển được.

Những nhà làm phim độc lập ít tham gia vào các giải thưởng trong nước, bởi họ bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố. Họ cần một sự ghi nhận công tâm, có tiêu chí rõ ràng hơn, chấp nhận và lắng nghe những giọng điệu mới, những cách nghĩ mới và cập nhật những xu hướng mới của thế giới. Họ cũng cần có những người có uy tín, có tư duy mới tham gia chấm giải. Đó là những lý do mà các nhà làm phim độc lập không mặn mà với giải thưởng trong nước.

Tôi nghĩ, giải Cánh diều phải đặt ra tiêu chí tác phẩm có phát hiện gì mới, có ra được với công chúng không. Bởi bản thân một tác phẩm độc đáo nó đã có tiếng nói riêng, giá trị riêng của nó. Không nên gán ghép cho nghệ thuật quá nhiều trách nhiệm phải mang vác.

Hà Nguyễn
.
.
.