Nỗi niềm thầy trẻ cầm quân V.League

Thứ Hai, 25/04/2016, 10:59
Sau thời thịnh trị của các ông thầy ngoại, V.League giờ đã trở về với các HLV nội (thực tế tất cả các đội bóng V.League năm nay đều dùng thầy nội), trong đó có những người rất trẻ, và có những người được nhận định là "tuổi trẻ tài cao". Song, không phải thầy trẻ nào cũng có một hành trình cầm quân suôn sẻ.


Bi kịch thầy họ Phạm

Trước thềm V.League năm nay, khi HLV Phan Thanh Hùng đột ngột ra đi, CLB Hà Nội T&T đã lập tức thay thế bằng thầy trẻ Phạm Minh Đức. Ông thầy này là người gắn bó với các lứa trẻ HN.T&T từ nhiều năm nay, là người đã giúp U.21 HN.T&T vô địch giải U.21 Quốc gia năm ngoái. Và ai cũng bảo đấy là một cái tên phù hợp nhất để thay thế Phan Thanh Hùng.

Tuy nhiên sau 4 vòng đầu tiên dưới thời HLV Phạm Minh Đức, HN.T&T không giành được bất cứ chiến thắng nào, và lần đầu tiên kể từ năm 2009 - năm họ mới lên chơi hạng đấu cao nhất bóng đá Việt Nam, cấp CLB, đội bóng mới lại phải tồn tại ở vị trí cuối cùng trên bảng tổng sắp.

Nhưng vấn đề của HLV Phạm Minh Đức khi ấy không đơn thuần nằm ở những rạn nứt chuyên môn, vì theo nhận xét của một lãnh đạo HN.T&T thì với việc ồ ạt trẻ hoá, năm nay đội bóng chấp nhận những sự sa sút chuyên môn nhất định. Vấn đề là từ cách hành xử với các cầu thủ đến giới truyền thông, ông Đức đều mất điểm trầm trọng.

Phạm Như Thuần đã thất bại nhanh chóng ở Quảng Ninh.

Với các cầu thủ, với thói quen dẫn dắt tuyến trẻ nhiều năm, ông Đức tiếp tục áp dụng một chính sách quản lý, huấn luyện mang màu sắc "bóng đá trẻ", bất chấp việc ở đây có những cái tên rất gạo cội như Văn Quyết, Thành Lương, và đấy được xem là lý do chính khiến không nhiều cầu thủ HN.T&T thực sự tin tưởng, ủng hộ ông. Còn với giới truyền thông, sau trận đấu trên sân Khánh Hoà, ông Đức đã tạo ra một cuộc họp báo xưa nay chưa từng có khi liên tục phồng môi trợn má bốp chát với báo giới.

Lần ấy, khi một nhà báo đặt vấn đề: "Có phải cầu thủ HN.T&T đưa bóng lên trên rồi hoặc mất bóng, hoặc chuyền về quá nhiều hay không?" thì nhà cầm quân này, với một gương mặt và một giọng nói đầy thách thức lập tức "bộp" lại: "Nói như thế là không biết xem bóng đá. Tôi đề nghị bạn nên đi học một khoá huấn luyện bóng đá trước khi làm nhà báo".

Với một CLB rất chú trọng tới phương diện phát triển hình ảnh như HN.T&T, những phát ngôn như thế khiến cho ngay cả giới lãnh đạo cũng không hài lòng. Và vì thế, không bất ngờ khi sau đó nhà cầm quân này đã viết đơn từ chức, trở lại vị trí đào tạo trẻ của mình.

Ở đây, cần nói thêm Minh Đức là cựu cầu thủ của Hàng Không Việt Nam - đội bóng có tiền thân là Công An Hà Nội. Những năm 2000 - 2002, Minh Đức nổi lên như một trong những cầu thủ bám biên xuất sắc nhất Việt Nam, và sau đó đã được HLV Henrique Calisto gọi vào ĐTQG tham dự Tiger Cup 2002 trên đất Indonesia.

Mặc dù sau này đã chuyển từ Hàng Không Việt Nam đến Hoàng Anh Gia Lai trong một phi vụ khá ồn ào và gây tranh cãi thì Minh Đức vẫn được đánh giá là một tài sản hiếm của bóng đá Hà Nội. Thế nên khi một người Hà Nội như Minh Đức cầm quân HN.T&T thì đã có rất nhiều kỳ vọng về một thứ bóng đá mang "chất Hà Nội" được xây dựng và thể hiện rõ nét.

Tiếc là thời gian ngắn ngủi với hàng loạt sai lầm ở hàng loạt phương diện khác nhau khiến Minh Đức không thể thực hiện được kỳ vọng này.

Sau khi Phạm Minh Đức rời HN.T&T không lâu, V.League lại chứng kiến cuộc chia tay của một HLV họ Phạm khác ở Quảng Ninh, đấy là Phạm Như Thuần. Cuối mùa giải năm ngoái, Như Thuần được mời về Quảng Ninh thay cho ông thầy địa phương Đinh Cao Nghĩa, và theo chiến lược phát triển của CLB, Như Thuần sẽ là cái tên gắn bó lâu dài với mảnh đất này.

Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn Phạm Như Thuần cầm quân,  những người am hiểu nội tình bóng đá Quảng Ninh đồn rằng việc HLV này ra đi chỉ là vấn đề thời gian. Lý do là: ông thầy họ Phạm không thật sự hiểu các học trò, và với nghề HLV bóng đá ở Việt Nam - cái nghề mà "ghế thầy 4 chân, cầu thủ nắm tới 3 chân" thì điều này là một bi kịch lớn. Đến khi HLV Phan Thanh Hùng từ chức ở HN.T&T thì lập tức làng bóng đồn rằng ông Hùng sẽ về Quảng Ninh thay Phạm Như Thuần.

Nhưng thực tế là khi ấy ông Phan Thanh Hùng được mời về Quảng Ninh làm Giám đốc kỹ thuật, và trong những phát biểu đầu tiên của mình trên cương vị mới, ông từng bày tỏ niềm tin là sẽ hợp tác tốt với Như Thuần để giúp đội bóng phát triển.

Như thế, về danh nghĩa, ông Hùng làm GĐKT, còn Như Thuần là HLV trưởng, thế nhưng trong các trận đấu của Quảng Ninh sau đó, người ta lại chứng kiến cảnh Như Thuần ngồi lặng im trong cabin huấn luyện, và Phan Thanh Hùng mới là người đứng trên đường piste chỉ đạo các cầu thủ thi đấu. Là một người có lòng tự trọng, Như Thuần rất khó chấp nhận thực cảnh này, thế nên trong một cuộc họp báo sau trận đấu, Như Thuần đã nói thẳng với giới báo chí: "Tôi sẽ sớm nói chuyện với chủ tịch CLB để làm rõ mọi điều".

Và không lâu sau cái tuyên bố: "Tôi sẽ sớm nói chuyện" ấy, Phạm Như Thuần lặng lẽ rời Quảng Ninh.

Sáng chói Trương Việt Hoàng

Trong khi hai ông thầy họ Phạm ở HN.T&T và Quảng Ninh đều đã thất bại chóng vánh thì trái lại, V.League năm nay chứng kiến sự sáng chói của thầy trẻ Trương Việt Hoàng. Sau 6 vòng đấu đầu tiên, Hải Phòng của Trương Việt Hoàng toàn thắng cả 6 trận, ghi 14 bàn thắng, chỉ để lọt lưới 2 bàn - một thành tích mà trước đó, ngay cả những người Hải Phòng giàu mơ mộng nhất cũng không nghĩ tới.

Còn với những người hiểu lịch sử bóng đá Hải Phòng, hiểu số phận hẩm hiu của những ông thầy ngoại tỉnh khi cầm quân ở Hải Phòng (Việt Hoàng là người Hà Nội) thì đấy chẳng khác gì một câu chuyện cổ tích.

Trương Việt Hoàng đang cùng Hải Phòng bay bổng.

Điều quan trọng nhất tạo nên thành công bước đầu của Trương Việt Hoàng đó là sự am hiểu tường tận vào tập thể của mình. Ở phương diện chuyên môn, Việt Hoàng xác định Hải Phòng không phải là đội bóng có nhiều ngôi sao, có khả năng áp đặt thế trận tốt nên ngay từ đầu đã xây dựng một lối chơi lấy phòng ngự làm chủ đạo. Trong lối chơi này, số đông các cầu thủ Hải Phòng thường phòng thủ kỹ trước khung thành đội nhà, và khi có cơ hội là phất bóng dài lên tuyến đầu cho cặp tiền đạo ngoại Stevens - Fargan đua tốc độ, ghi bàn.

Đấy là một lối chơi xù xì, thực dụng  đến tàn nhẫn, nhưng với con người và vốn liếng mà Hải Phòng đang có hiện nay thì đó là cách chơi không thể phù hợp hơn. Trong quản lý đội bóng, với tính cách giản dị, gần gũi, pha chút hài hước vốn có của mình, Trương Việt Hoàng cũng rất được lòng cầu thủ.

Tuy nhiên vẫn có một lấn cấn được đặt ra cho ông thầy trẻ này, đó là rốt cuộc đội bóng của ông liệu có đi hết, đi đến tận cuối cùng hành trình thăng hoa hay không? Mùa giải năm ngoái, Hải Phòng cũng từng khởi đi rất ấn tượng, nhưng đến giai đoạn lượt về, khi đã đủ điểm trụ hạng thì họ lại có những trận đấu lạ, mà lạ nhất là trận thua trên sân Cần Thơ.

Đấy là trận thua mà Hải Phòng cất hàng loạt cầu thủ trụ cột trên ghế dự bị, trong đó có cả ngoại binh chất lượng cao với lý do "chấn thương", nhưng sau đó thì chính cầu thủ ngoại này lại khẳng định: "Tôi không hề chấn thương". Đấy là trận thua mà Hải Phòng bị chính những cổ động viên ruột già của mình căng bandrone phản ứng, đòi mang vấn đề lên VFF để mổ xẻ đến nơi đến chốn. Năm nay, Việt Hoàng có giúp đội bóng thoát khỏi thực cảnh này hay không là điều mà rất nhiều người đang chờ đợi.

Thực tế gần chục năm trước đây, khi mới cầm quân V.League, những HLV như Lê Huỳnh Đức, Trương Việt Hoàng, Hoàng Anh Tuấn cũng đều là những nhà cầm quân trẻ tuổi, và cũng đã thành công tức thời. Nhưng đấy đều là những con người mà trước khi cầm quân đều mang hình ảnh "đại ca" trong đội bóng của mình.

Họ là cầu thủ chủ lực ở đội bóng, là người có tiếng nói trong nhiều sinh hoạt ngoài bóng đá với các đồng đội, thế nên khi chuyển sang công tác huấn luyện, họ rất thuận lợi trong việc đưa đội bóng về một mối. Nó khác và khác rất nhiều so với cái cảnh Trương Việt Hoàng năm ngoái chân ướt chân ráo tới Hải Phòng, lạ nước, lạ cái, nhưng bây giờ thì lại đang cùng đội bóng của mình trải qua những ngày sáng chói.

Từ những ông thầy họ Phạm như Phạm Minh Đức, Phạm Như Thuần đến một Trương Việt Hoàng ở đất Cảng, chúng ta đã ít nhiều nhìn ra những tâm trạng khác nhau, những nỗi niềm khác nhau, những câu chuyện khác nhau của những ông thầy trẻ ở trận đồ V.League.

Cái khác ấy chắc chắn không đơn giản và đơn thuần do... số!

Long đong Đức Thắng

Trong số những thầy trẻ cầm quân V.League năm nay, Đức Thắng có lẽ là một người long đong. Bốn vòng V.League đầu tiên, đội bóng của Đức Thắng mang tên "CLB Hà Nội", nhưng sau đó lại đã chuyển thành "CLB Sài Gòn", cùng với đó là sự chuyển đội địa bàn hoạt động từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh. Mặc dù xác định với một HLV, một cầu thủ chuyên nghiệp, mọi thay đổi nào cũng hoàn cảnh cũng phải thích ứng, nhưng nói gì thì nói việc phải đột ngột chuyển từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh khiến Đức Thắng không tránh khỏi những ưu tư, những nỗi niềm khó nói. Đấy là còn chưa kể, trong lộ trình hoạt động sắp tới của CLB Sài Gòn, với hàng loạt tham vọng và mục tiêu lớn được đặt ra, rốt cuộc cái ghế của Đức Thắng có tuổi thọ như thế nào cũng đang là đề tài khiến người ta bàn luận. (Ngọc Anh)

Diệp Xưa
.
.
.