Nóng "cuộc chiến" bản quyền hình ảnh cầu thủ tại Việt Nam

Thứ Tư, 07/02/2018, 20:45
Sử dụng hình ảnh cầu thủ nổi tiếng để quảng cáo cho các thương hiệu nổi tiếng đã khá quen thuộc trên thế giới, nhưng ở Việt Nam, đó vẫn hoàn toàn là một lĩnh vực mới mẻ.


Không thiếu cầu thủ Việt Nam độc quyền quảng bá cho một thương hiệu nào đó, thậm chí còn cao giá hơn cả nghệ sĩ trong showbiz. Nhưng khán giả đặt câu hỏi, ai là người độc quyền hình ảnh cầu thủ, Câu lạc bộ chủ quản hay là một đơn vị truyền thông đứng sau cầu thủ quản lý.

 Bắt đầu từ cơn sốt U23

Sau khi đội tuyển U23 Việt Nam giành ngôi á quân với những màn trình diễn mãn nhãn, thuyết phục, cho tới thời điểm hiện tại, sự ngưỡng mộ của khán giả Việt Nam vẫn chưa hạ nhiệt. 

Kì tích của U23 vượt qua sự mong đợi của mọi người, gây chấn động lớn trong làng thể thao châu Á cũng như quốc tế. Các cầu thủ trẻ đang từ chỗ ít người biết tới bỗng phút chốc vụt sáng, được tôn vinh như những người hùng. Truyền thông săn đón, báo chí đưa tin và giá trị của các cầu thủ lúc này cũng được nâng lên một tầm cao mới, không chỉ trong bóng đá.

Thủ môn Bùi Tiến Dũng.

Đây cũng là thời điểm mà các thương hiệu tìm mọi cách để mời chào những gương mặt hot như Xuân Trường, Quang Hải, Bùi Tiến Dũng… để quảng bá cho sản phẩm của mình. 

Sự săn đón đó thậm chí còn “hot” hơn một nghệ sĩ trong showbiz. Đó là điều dễ hiểu bởi bóng đá là một môn thể thao vua, được khán giả toàn thế giới mến mộ và có sức hút lớn nhất không chỉ ở Việt Nam. 

Nhất cử nhất động của các cầu thủ đều được khán giả, truyền thông theo dõi và khai thác triệt để. Tuy nhiên, khi một bảng báo giá cát xê quảng cáo của thủ môn Bùi Tiến Dũng được tính bằng đô la lộ diện, dù không biết là giả hay thật nhưng dường như mọi việc đã đi quá xa.

Sau khi bảng báo giá đó được đăng tải, nhiều mâu thuẫn đã nảy sinh. Trên trang cá nhân giữa CLB chủ quản FLC Thanh Hóa và Công ty truyền thông tự cho là đại diện cho thủ môn Tiến Dũng đã có lời qua tiếng lại, đưa ra những giải thích có lợi thế cho mình trong việc tranh chấp bản quyền hình ảnh của thủ môn Tiến Dũng. Điều đó vô tình tạo nên scandal không đáng có cho chính thủ môn này.

"Miếng bánh" bản quyền

Với một số nước có nền bóng đá phát triển như Anh, Ý, Đức, Tây Ban Nha, bản quyền hình ảnh cầu thủ không còn là điều mới mẻ. Trước hết cần phải hiểu thế nào là bản quyền hình ảnh. Bản quyền hình ảnh là một khái niệm rộng. 

Nó không chỉ là quyền sở hữu hình ảnh mà còn là tên cầu thủ, biệt danh, chữ ký, tên viết tắt, phát biểu, tiếng nói, đặc điểm cá nhân,… (Hiện tại có thể là trạng thái trên facebook (status), quay quảng cáo,…). 

Các CLB hay một thương hiệu sẽ trả tiền cho cầu thủ nếu muốn sử dụng vào các mục đích thương mại cụ thể. Khi bóng đá phát triển thành một nền công nghiệp, một cầu thủ và cả HLV không chỉ có giá trị trên sân cỏ mà còn có thể kiếm tiền dựa trên danh tiếng của mình. 

Tuy nhiên, vì CLB chủ quản cũng nhìn thấy mối lợi này, từ đó sinh ra cái gọi là bản quyền hình ảnh - một giao dịch thương mại về những gì liên quan đến cầu thủ, từ tên, chữ ký, biệt danh, hình ảnh, phát ngôn và các nhận dạng cá nhân khác. 

Quan hệ ngoài chuyên môn sân cỏ được đẩy mạnh, với sự thương mại hoá bóng đá được tăng lên, các đội bóng cũng tìm cách kiếm được nhiều tiền hơn (tất nhiên là có trả cho cầu thủ) trên các khía cạnh thương mại khác.

Bảng giá quảng cáo “khủng” được đưa lên mạng.

Các thương hiệu nổi tiếng đặc biệt quan tâm đến các đội bóng lớn và những siêu sao trong các CLB này. Thế nên mới có thống kê rằng một số đội tại Anh có tới 70 đối tác làm ăn, tất cả đều liên quan đến bản quyền hình ảnh của các ngôi sao trong những quảng cáo của họ. 

Điều đó đồng nghĩa với việc các cầu thủ không nhất thiết phải ký hợp đồng bản quyền hình ảnh với đội bóng chủ quản. Nhưng nói thế không có nghĩa là cầu thủ được toàn quyền sử dụng bản hình ảnh của mình và đặc biệt là giao cho đối tác thứ 3 làm đại diện cho mình mà tất cả vẫn thông qua CLB chủ quản, người đang quản lý về chuyên môn các cầu thủ này.

Trong quy định chung về tuyển dụng cầu thủ (ví dụ ở giải Ngoại hạng Anh), đã có sẵn một số điều khoản cho phép CLB sử dụng hình ảnh của cầu thủ cho mục đích quảng bá. Mặc dù vậy, nó khá hạn chế, như việc “hình ảnh một cầu thủ không được quá mức trung bình của những người khác trong đội một”. 

Vì vậy, nhất thiết phải sinh ra hợp đồng bản quyền hình ảnh, giúp CLB thuận lợi hơn cũng như tận dụng triệt để giá trị cầu thủ. Nhưng cần nhấn mạnh ở đây, bản quyền hình ảnh là một hợp đồng riêng rẽ, không liên quan tới hợp đồng chính giữa cầu thủ và CLB. 

Khi một cầu thủ đến với CLB sẽ có 2 hợp đồng, một là hợp đồng lao động, bao gồm thời hạn, lương thưởng, tiền lót tay, phí cho người đại diện; và một thỏa thuận khác, về bản quyền hình ảnh có sự tham gia của bên thứ 3. Tất nhiên, CLB cũng sẽ đảm bảo quyền lợi cho đối tác thương mại khi hợp đồng hai bên ký kết.

Khi tổ chức được chuyển quyền nắm bản quyền hình ảnh thì khi một cầu thủ chuyển sang CLB khác, anh ấy có thể tự (hoặc nhờ người/công ty đại diện cho mình) đàm phán thoả thuận về bản quyền hình ảnh với tổ chức kia. CLB sẽ không đồng ý cả hai. Họ sẽ đàm phán về thoả thuận giá trị hình ảnh rồi sau đó sẽ tiếp tục đến thu nhập mà cầu thủ kia có thể nhận được dựa trên hiệu suất cống hiến cho đội đó trên sân bóng.

"Lương hưu" cho cầu thủ

Quay trở lại với câu chuyện của thủ môn Bùi Tiến Dũng. Dũng thuộc biên chế của CLB FLC Thanh Hóa. Khi bảng báo giá nghìn đô của Dũng được tung lên mạng thì một cuộc khẩu chiến quyết liệt xảy ra. 

Phía FLC bức xúc đưa ra thông cáo báo chí cho rằng: “Bản báo giá quảng cáo này ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh của cá nhân cầu thủ Bùi Tiến Dũng, tập thể đội U23 Việt Nam, đội bóng chủ quản FLC Thanh Hoá và cả nền bóng đá Việt Nam. 

Nó khiến cho NHM Việt Nam, người dân Việt Nam có cái nhìn sai lệch và thiếu thiện cảm về cầu thủ, về đội bóng U23 Việt Nam và về nền bóng đá của chúng ta. Niềm tin, tình yêu dành cho bóng đá Việt Nam, cho cầu thủ Việt Nam vừa được thổi bùng lên sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều sau vụ việc đáng tiếc này.

Qua thông cáo này, CLB FLC Thanh Hoá, với tư cách là cơ quan chủ quản của thủ môn Bùi Tiến Dũng khẳng định một cách chính thức: Mọi hoạt động liên quan đến việc khai thác và sử dụng hình ảnh của các cầu thủ CLB FLC Thanh Hoá - trong đó có thủ môn Bùi Tiến Dũng - đều do câu lạc bộ quản lý. Tất cả các cầu thủ của Câu lạc bộ FLC Thanh Hoá chỉ được cấp quyền khai thác hình ảnh cho những đối tác có được sự đồng ý bằng văn bản của Câu lạc bộ".

Còn Công ty Truyền thông OFT được cho là đại diện độc quyền hình ảnh của Bùi Tiến Dũng lại cho rằng, thì thu nhập theo bảng báo giá nghìn đô của Dũng vẫn chưa phải là cao so với các cầu thủ hạng A trên thế giới. Cụ thể, mức giá độc quyền của cầu thủ Tiến Dũng là 3 tỷ/năm độc quyền. 

Tạm thời không nói tới việc chính thống hay không (vì đến thời điểm hiện tại Dũng chưa đăng 1 post quảng cáo nào và chưa ký 1 hợp đồng nào). Nếu xét trên mức độ ảnh hưởng: Giá đó chỉ bằng 1/3 ca sỹ nếu độc quyền nhãn hàng, bằng khoảng 1/2 diễn viên hài.

Bùi Tiến Dũng và đội ngũ truyền thông.

Không thể phủ nhận rằng Công ty Truyền thông OFT đang đi đúng hướng phát triển của nền bóng đá chuyên nghiệp tiên tiến trên thế giới. Công ty được thành lập cuối năm 2017, trước khi các cầu thủ trẻ U23 tỏa sáng được cả nước mến mộ. 

Nếu đúng theo hướng phát triển thì sau này những cầu thủ trẻ như Tiến Dũng sẽ có nhiều cơ hội để tăng thêm thu nhập cho gia đình bởi phần lớn đó là những cầu thủ có hoàn cảnh khó khăn. Như đã biết, “tuổi nghề” của một cầu thủ Việt Nam chỉ kéo dài khoảng 15 năm với những người có phong độ ổn định. 

Nếu không có thêm nguồn thu nhập ngoài lương của CLB để làm nguồn tích lũy cho tương lai, một cầu thủ sẽ rất khó đứng vững trong cuộc sống sau khi giã từ sân cỏ. Đâu phải ai cũng có thể làm HLV hay đâu phải CLB nào cũng như đội bóng Thanh Hóa, tạo điều kiện công ăn việc làm trong ban huấn luyện của các đội trẻ cho những cầu thủ “về hưu”.

Thế nhưng trong vụ việc này, theo nguyên tắc tất cả vẫn phải thông qua CLB chủ quản của các cầu thủ. Giá như OFT có sự thỏa thuận ngầm với CLB FLC Thanh Hóa, giá như bảng báo giá không xuất hiện thì có lẽ sẽ không ảnh hưởng đến thủ môn Tiến Dũng như bây giờ. Các cầu thủ vẫn còn trẻ, tương lai vẫn còn phía trước, cái cần nhất vẫn là sân cỏ chứ không phải là cát xê quảng cáo. 

Giả thiết nếu các CLB không để cho cầu thủ được cống hiến, không có cơ hội thể hiện mình thì một vài năm sau tiếng tăm của các em sẽ thế nào. Lúc đó, đâu còn cơ hội quảng bá hình ảnh của mình để mang về thu nhập tích lũy cho tương lai. 

Và lúc ấy người chịu thiệt thòi nhất sẽ là các cầu thủ, những người chỉ biết đá bóng, cống hiến cho khán giả những trận cầu đẹp mắt chứ không phải là CLB hay là công ty truyền thông kia. 

Ngọc Phong
.
.
.