Nuốt cả quả vẫn còn mùi

Thứ Tư, 04/11/2015, 15:00
Trong nghề ăn trộm thì có lẽ trộm văn - báo chí bây giờ hay dùng từ "đạo văn" - là dễ lộ nhất.

Dễ lộ, vì mục đích của nó. Trộm tiền trộm vàng, hay trộm bất cứ thứ gì khác, cứ dấm dúi tìm cách tiêu đi được, hay giấu cho kỹ, là coi như phi tang. Nhưng trộm văn không thế. Trộm văn chủ yếu vì thèm danh, vơ véo của người hòng thêm thắt cho tí danh của mình. Tiếng là trộm, nhưng lại phải đem cái đồ ăn trộm ấy phô ra trước mắt thiên hạ. Như thế thì trước sau cũng bị lộ thân phận.

Báo chí thời gian vừa rồi nóng rãy lên, sôi sục lên vì chuyện đạo văn. Cấp tập những vụ việc liên quan đến các tên tuổi trong giới cầm bút hẳn hoi! Nhưng rốt cuộc, tình hình xem ra vẫn lùng nhùng. Kẻ bị vu cho ăn trộm, người tự nhận mình mất trộm tranh cãi nhau ì xèo. Ai cũng cố đưa ra những lý lẽ, bằng chứng nhằm chứng minh mình là người ngay thẳng.

Muốn gì thì gì, chân lý rốt cuộc cũng chỉ thuộc về một người. Chuyện đâu còn đó, hạ hồi phân giải. Nhưng có một điều cũng rất đáng quan tâm là khi vở diễn "đạo văn" còn chưa kết thúc thì trong số khán giả, tức công chúng, đã xảy ra khối chuyện thú vị.

“Cầm nhầm” trong văn chương không phải là chuyện hiếm.

Cứ tưởng cầm nhầm của nhau, giống nhau đến từng chữ như thế, gọi là "đạo" thì có gì oan? Hóa ra không hẳn đâu nhé! Cách gọi đích danh bản chất sự việc như thế xem ra lỗi thời rồi. Giờ người ta tế nhị hơn, uyển chuyển hơn, chỉ dùng chữ "nghi án". Thêm nữa, chuyện chưa lộ thì chẳng nghe điều ong tiếng ve gì. Lúc bị công luận phanh phui, bỗng nhiên có bác khoe tài ngửi văn: trước đấy tớ đã thấy có mùi! Vâng, có mùi ngờ ngợ, nhưng bác cho qua. Thậm chí bác cùng với các đồng chí của mình còn ủng hộ nhiệt liệt cái áng văn "có mùi" ấy. Lại có nhiều người khác hăng hái nhảy vào cuộc, bày tỏ lòng vị tha vô bờ bến: "Chuyện nhỏ, đừng dồn người ta tới chân tường.

Ngoài kia (tức là ngoài làng văn) còn có khối chuyện ăn cắp tày đình ra kia, sao các vị không nhảy vô đó mà chiến đấu?". Vị tha thường cặp đôi với thương xót. "Khổ, đam mê cầm bút, mà lại có tài như nó, bây giờ quý lắm. Trẻ người non dạ, như con như cháu mình, trót nghịch dại, xoa đầu vỗ vai bảo ban nó vài câu rồi cho qua!".

Nghe cái giọng cha chú mãi nhàm tai, bác khác đùng đùng nổi giận, nhảy ra quát: "Bốn mươi tuổi còn non dại, vậy đến bảy mươi mới gọi là trưởng thành chắc?". Chưa hết. Khi số đông vẫn đang phẫn nộ vì chuyện ăn cắp, một bác bỗng lên giọng hùng hồn: "Đạo văn là chuyện thường xưa nay! Tây đạo, ta cũng đạo. Phát hiện ra thì ầm ĩ lên. Không phát hiện ra thì coi như chìm xuồng. Hơn nhau là ở chỗ có biết cách phi tang hay không". Bác này viện dẫn lời phát biểu của một vài nhà văn cỡ bự trên thế giới để chứng minh cho quan điểm của mình. Ơ hay? Thế cứ thấy chỗ này chỗ kia đạo mà vô can, thì mình cũng a dua tranh thủ cầm nhầm à? Chẳng hóa ra những nhà văn trung thực, suốt đời tâm huyết với con đường sáng tạo của riêng mình, cố gắng không giống ai, cố tránh dẫm lên chân người khác, lại biến thành lũ khờ? Nghe bác này "dạy khôn" trên báo, có người phì cười: "Bố ông bảo thế, chứ bố tôi không bảo thế!...".

Cứ thế, mọi cấp độ tình cảm, mọi thang bậc suy xét, mọi tầm cỡ chính kiến, bộc lộ ra muôn hình muôn vẻ, theo đà này xem ra còn kéo dài bất tận...

Chỉ có điều, đạo văn không phải xảy ra lần đầu, nếu chưa muốn nói là càng ngày càng có nguy cơ gia tăng. Từ đạo ý tưởng tiến thẳng đến đạo nguyên văn câu chữ. Đạo ở địa phương nâng tầm lên trung ương. Đạo nghiệp dư loanh quanh thăng hạng thành chuyên nghiệp hoành tráng. Xin lỗi một lần, xin lỗi thêm lần nữa, chẳng chết thằng tây nào!

Mình sực nhớ hồi còn nhỏ, ở cái vườn hàng xóm cạnh nhà mình, có một cây quýt rất ngon. Mùa quả chín, cả vầng cây lùm lùm đỏ ối như đĩa xôi đầy. Thỉnh thoảng mình vạch hàng giậu trúc nhìn sang, thèm rỏ rãi. Mấy lần bắt gặp, mẹ mình nghiêm mặt. Léng phéng chết với bà. Nhưng sợ mẹ thì sợ, không át nổi cơn thèm quýt. Vậy là một lần mẹ vắng nhà, mình đã tìm cách lỏn sang…

Lúc mẹ về, mình cứ lẳng lặng tỉnh bơ như không. Nào ngờ, bà cũng lẳng lặng rút cái roi dâu giắt trên mái hiên xuống, lẳng lặng ra hiệu cho thằng con nằm ra giường. Quất luôn cho mấy roi đau quắn. Quất xong, bảo: "Mày có nuốt chửng cả vỏ quýt lẫn hạt quýt, thì vẫn còn cái mùi quýt, con ạ".

Cái mùi không cầm nắm được, không chụp ảnh hay ghi âm được. Nó lảng vảng trong không khí, nhưng đủ trở thành bằng chứng để trừng phạt. Lộ ra tí mùi là ăn đòn ngay. Mình cứng họng, không dám cãi.

Thế mới biết ăn cắp văn bây giờ so với ăn cắp quýt ngày xưa còn… "dễ thở" chán! Mùi văn giống nhau chả là cái đinh gì!

Trần Đức Tiến
.
.
.