Nút thắt nào trong quy trình tuyển chọn Việt kiều?

Thứ Ba, 15/09/2020, 09:15
Việc Filip Nguyễn - một thủ môn Việt kiều tài năng, từ chối rồi lại đồng ý khoác áo ĐT Việt Nam vì phải chờ đợi thủ tục pháp lý quá lâu khiến cho rất nhiều người đặt câu hỏi: Trách nhiệm xoay quanh câu chuyện này thuộc về ai, rào cản nào trong thủ tục pháp lý khiến Filip Nguyễn chấp nhận từ bỏ như vậy?


Oan cho VFF

Ngày 6-9, đội tuyển CH Czech rơi vào tình cảnh dở khóc dở cười khi hai thành viên trong đội hình chính của họ dương tính với COVID-19. Hậu quả là cả lực lượng mạnh nhất của CH Czech phải cách ly 14 ngày theo quy định. Liên đoàn Bóng đá CH Czech buộc phải triệu tập gấp một đội hình chữa cháy để kịp cho trận đấu gặp Scotland vào ngày 8-9 sau đó. Kết quả, Filip Nguyễn lần đầu tiên được triệu tập lên CH Czech.

Thủ thành Việt kiều mất một ngày để cân nhắc. Bởi trước đó, anh đã có tới 3 năm chờ đợi và chuẩn bị cho kế hoạch được khoác áo ĐT Việt Nam, sau khi CH Czech ngoảnh mặt làm ngơ. Nhưng sau cùng, Filip Nguyễn quyết định tìm cho mình một vận may. Đó là tuyên bố từ bỏ cơ hội trong tương lai được chơi cho ĐT Việt Nam (rồi sau trận đấu lại khẳng định muốn tìm cơ hội cho ĐT Việt Nam) để lựa chọn điểm đến gần ngay trước mắt. Đấy là có lần đầu lên tập trung với CH Czech.

Filip Nguyễn bất ngờ nhận được đợt triệu tập bất thường lên ĐT CH Czech hôm 6-9.

Filip Nguyễn đã không được chơi một phút nào trong trận đấu đó. Người ta nói Filip Nguyễn quá vội vàng khi sớm tuyên bố từ chối ĐT Việt Nam. Để rồi sau trận đấu, anh lại trả lời một tờ báo rằng mình vẫn đợi cơ hội ở Việt Nam. Filip Nguyễn có thể bất nhất về quan điểm giữa đồng ý và từ chối khoác áo ĐT Việt Nam nhưng mọi thứ phải có nguyên do của nó.

Anh đã mất tới 3 năm chờ đợi mà vẫn chưa có đủ điều kiện để nhận tín hiệu triệu tập lên ĐTQG Việt Nam. Hẳn nhiên, khi một nhân tài như Filip Nguyễn quyết định lắc đầu và hướng theo tiếng gọi của CH Czech, dù chỉ là trong đội hình "chữa cháy" vì không thể kiên nhẫn thêm nữa thì trách nhiệm được truy cứu bắt đầu hướng về VFF.

VFF có vô trách nhiệm trong việc hướng dẫn cho Filip Nguyễn nhập tịch Việt Nam? Thực tế, chính ông Nguyễn Minh - bố của Filip Nguyễn đã dành lời cảm ơn trước sự hỗ trợ nhiệt tình của VFF. Ông nói: "Thời gian qua VFF đã hỗ trợ chúng tôi rất nhiều. Lãnh đạo VFF thường xuyên giữ liên lạc với tôi để cập nhậttình hình. Năm 2020, VFF gọi Filip Nguyễn về Việt Nam để trực tiếp nộp hồ sơ nhập tịch vì quy định là đích thân Filip Nguyễn phải thực hiện công đoạn quan trọng này, không ủy quyền cho người khác được".

VFF còn nhiệt tình đến mức mà một đại diện của cơ quan này còn bật mí đã xin phép Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ. VFF còn vận dụng cả Nghị quyết của Bộ Chính trị về sử dụng nhân tài là người Việt Nam ở nước ngoài. Ông Lê Hoài Anh, Tổng thư ký VFF, cũng cho biết rõ quan điểm, đội tuyển Việt Nam sẽ cải thiện khả năng cạnh tranh thành tích thể thao khi quy tụ được các cầu thủ có tài năng, có khát vọng được cống hiến cho màu cờ sắc áo của Tổ quốc.

Vì sao Filip Nguyễn vẫn chưa thể nhập tịch?

Ngay cả khi Filip Nguyễn từ chối ĐT Việt Nam và có mặt trong danh sách đăng ký thi đấu của CH Czech (dù anh không thi đấu), VFF vẫn mở ra cánh cửa cho thủ môn này. Cụ thể, một đại diện của VFF nói trên báo chí ngày 8-9 - thời điểm mà trận đấu giữa CH Czech và Scotland đã khép lại, rằng: "Nếu cá nhân Filip Nguyễn vẫn tha thiết được nhập tịch Việt Nam thì chúng tôi vẫn luôn chào đón anh. VFF sẵn sàng mở rộng cánh cửa tiếp nhận nhân tài. Trên thực tế suốt thời gian qua, chúng tôi cũng đã liên lạc với gia đình Filip Nguyễn cũng như có một số cuộc làm việc với bộ phận chức năng của Bộ Tư pháp nhằm hỗ trợ anh". Bản thân bố của Filip Nguyễn cũng khẳng định con trai ông vẫn muốn khoác áo đội tuyển Việt Nam.

Nút thắt của vấn đề phụ thuộc vào việc Filip Nguyễn có thể về Việt Nam vào cuối năm nay hay không.

Về mặt lý thuyết, dù đã có tên trong danh sách đội tuyển CH Czech như vừa đề cập ở trên nhưng nếu như Filip Nguyễn vẫn giữ ý định xin nhập tịch Việt Nam thì Luật Quốc tịch Việt Nam và Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) vẫn cho phép nếu như anh thỏa mãn các quy định có liên quan.

Vậy, nút thắt trong quy trình nhập tịch với Filip Nguyễn nằm ở đâu? Đối với vấn đề liên quan đến cầu thủ chưa có quốc tịch Việt Nam, cầu thủ cần phải thực hiện các thủ tục đã được quy định trong Luật Quốc tịch Việt Nam.

Ông Nguyễn Minh - bố của Filip Nguyễn, cho biết: "Filip dự định vào giữa năm khi kết thúc mùa 2019 - 2020 trong màu áo Slovan Liberec sẽ về Việt Nam để nộp hồ sơ. Tiếc là dịch COVID-19 bùng phát đã làm đảo lộn mọi thứ. Filip Nguyễn muốn về Việt Nam cũng không được vì không có chuyến bay. Trong khi đó, Slovan Liberec sẽ thi đấu tại Europa League từ ngày 17-9 tới nên thời gian nghỉ rất ít.

Trên facebook được đăng ký chính chủ của Filip Nguyễn, anh khẳng định sẽ chọn CH Czech. Nhưng sau đó, Filip Nguyễn lại thông báo vẫn đợi cơ hội từ ĐT Việt Nam

Các chuyến bay từ CH Czech về Việt Nam vẫn chưa được nối lại. Rồi chưa kể đến thời gian cách ly 14 ngày cho mỗi lượt đi - về khiến kế hoạch bị lỡ hết. Với tình hình hiện tại, cơ hội để Filip Nguyễn về Việt Nam làm thủ tục phải đợi đến cuối năm. Hy vọng đến lúc đó, tình hình dịch COVID-19 sẽ khả quan hơn".

Theo quy định của Luật Quốc tịch, người muốn xin nhập quốc tịch Việt Nam thì phải trực tiếp nộp hồ sơ tại Sở Tư pháp nơi người đó cư trú. Nếu gia đình ông Nguyễn Minh có nhà ở Hải Phòng thì Filip Nguyễn phải về Hải Phòng nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp địa phương này. Nhưng đúng như thông tin từ ông Nguyễn Minh, vì dịch COVID-19 mà Filip Nguyễn đã chưa thể, Việt Nam khi VFF đề nghị anh có mặt ở Việt Nam để nộp hồ sơ".

Thêm vào đó, Filip Nguyễn không nằm trong diện được miễn một số điều kiện nhập tịch, trong đó vẫn phải thỏa mãn điều kiện: Đã thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch Việt Nam. Filip Nguyễn cũng phải được cơ quan Công an cấp thẻ cư trú. Thời gian thường trú của anh được tính từ ngày được cấp thẻ thường trú (hiện Filip Nguyễn chưa có và không biết bao giờ sẽ có nếu như chưa thể về Việt Nam).

Rõ ràng, nút thắt có được cởi bỏ hay không phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm tháng 12 tới. Chỉ khi Filip Nguyễn trở về Việt Nam, thủ tục nhập tịch mới cótiến triển. Để từ đó anh có thêm cơ sở để đợi lời kêu gọi của ông Park Hang- seo.

Lee Nguyễn mở đường trở về Việt Nam

Tương lai của một Việt kiều khác cũng đang được quan tâm những ngày qua. CLB Inter Miami và Lee Nguyễn xác nhận "đường ai nấy đi" sau chưa đầy 1 năm gắn bó. Lee Nguyễn về chung nhà của David Beckham hồi năm 2019 nhưng tiền vệ 33 tuổi này ít được trong dụng. Anh chỉ ra sân từ ghế dự bị, chơi vỏn vẹn 38 phút ở 2/9 trận đội nhà thi đấu tại MLS 2020. Trước mắt, Lee Nguyễn sẽ quay trở lại CLB New England nơi anh bắt đầu sự nghiệp ở MLS vào năm 2012. Tại New England, Lee Nguyễn thi đấu 6 mùa giải từ 2012 đến 2018, ghi 51 bàn thắng, 49 đường kiến tạo trong 185 lần ra sân và là 1 trong những ngôi sao của đội.

Nhưng không loại trừ khả năng ở giai đoạn cuối sự nghiệp, Lee Nguyễn có thể lại quay về Việt Nam chơi bóng. Trước đó hồi đầu mùa giải, CLB TP Hồ Chí Minh từng rất muốn có anh trong đội hình. Thậm chí, đội bóng này sẵn sàng trả tới 1 triệu USD để có cái gật đầu từ cầu thủ Việt kiều.

Lee Nguyễn từng thi đấu cho Hoàng Anh Gia Lai ở V.League 2010 với số tiền lót tay cùng mức lương lên đến 10.000 USD/tháng mà bầu Đức đưa ra khiến anh không thể từ chối. Lee Nguyễn không tiết lộ số tiền lót tay chính xác là bao nhiêu và ông Nguyễn Văn Phẩm - bố của Lee Nguyễn cũng từ chối cung cấp thông tin. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào mức lương 250.000 USD mỗi năm mà Lee Nguyễn đang nhận được từ Randers FC khi đó, có thể hình dung số tiền "điên rồ" mà bầu Đức đề nghị với cha con Lee Nguyễn có thể còn lớn hơn cả bản hợp đồng nửa triệu USD mà Lee Nguyễn nhận được từ một hãng thể thao.

Lee ghi 13 bàn và kiến tạo 16 lần cho Hoàng Anh Gia Lai trên tất cả các mặt trận ở mùa đầu tiên. Thế nhưng, sau khi Kiatisak Senamuang lên làm HLV trưởng, một cuộc tranh cãi quyết liệt giữa 2 "bom tấn" lịch sử của Hoàng Anh Gia Lai nổ ra ngay khi Kiatisak để Lee Nguyễn ngồi dự bị liên tiếp trong 2 trận đầu tiên. Mâu thuẫn lớn đến mức Lee Nguyễn phải rời Hoàng Anh Gia Lai không lâu sau đó. Anh phải "cuốn gói" sang B.Bình Dương nhưng không còn giữ được thành công như trước đó. Lee Nguyễn sau cùng phải trở về Mỹ.

Đơn Ca
.
.
.