Olympic 2016: Mạnh tay với doping

Thứ Tư, 20/07/2016, 09:56
Ông Mario Andrada, người phát ngôn của Thế vận hội Olympic 2016, việc Quyết định cấm Phòng thí nghiệm Olympic "không quan trọng" vì mẫu xét nghiệm có thể được đưa bằng máy bay tới các phòng thí nghiệm ở Mỹ và Âu châu mỗi ngày. Đồng thời cho biết, ban tổ chức đã và đang áp dụng chính sách mạnh tay đối với tất cả vận động viên sử dụng thuốc cấm.

Quyết định cấm Phòng thí nghiệm Olympic tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil hoạt động của Cơ quan Chống doping thế giới (WADA) hôm 24-6 đang khiến dư luận quan tâm. 

Nhưng theo ông Mario Andrada, người phát ngôn của Thế vận hội Olympic 2016, việc này "không quan trọng" vì mẫu xét nghiệm có thể được đưa bằng máy bay tới các phòng thí nghiệm ở Mỹ và Âu châu mỗi ngày. Đồng thời cho biết, ban tổ chức đã và đang áp dụng chính sách mạnh tay đối với tất cả vận động viên sử dụng thuốc cấm.

Từ cuộc chiến doping

Trước đó (21-6), Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) đã giữ nguyên lệnh cấm đối với Liên đoàn Điền kinh Nga, nhưng vẫn để ngỏ khả năng cho phép một số vận động viên điền kinh nước này tranh tài tại Olympic 2016 với tư cách thành viên thuộc Ủy ban Olympic Nga. 

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế Thomas Bach.

Chủ tịch IOC Thomas Bach cũng loại trừ bất kỳ lệnh cấm toàn bộ nào đối với Ủy ban Olympic Nga. Đồng thời cho rằng, những vận động viên và Ủy ban Olympic Nga có thể đệ đơn chống lại quyết định của IOC. 

Chủ tịch Ủy ban Olympic Nga Alexander Zhukov xác nhận, những vận động viên sạch sẽ đệ đơn chống lại lệnh cấm của Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) tại Tòa án Trọng tài Thể thao. 

Ngày 17-6, IAAF đã quyết định không khôi phục tư cách thành viên của Liên đoàn Điền kinh Nga. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử 120 năm của Olympic, một đội tuyển quốc gia bị cấm thi đấu. 

Bộ trưởng Thể thao Nga Vitaly Mutko cho rằng, có điều không rõ ràng trong vụ bê bối doping bởi theo ông, mục đích của vấn đề này là giảm khả năng cạnh tranh của các vận động viên Nga.

Kênh truyền hình Đức ARD từng chiếu bộ phim tài liệu "Bí mật của doping: Cách Nga tạo ra nhà vô địch", nói về tình trạng sử dụng doping và tham nhũng trong giới thể thao Nga. Giới truyền thông cho rằng, doping đã trở thành tên gọi của một loại "vũ khí mới" trong cuộc chiến giữa Nga và phương Tây sau khi IAAF quyết định cấm Liên đoàn Điền kinh Nga thi đấu tại các giải quốc tế, kể cả Olympic 2016, vì liên quan đến việc sử dụng doping có hệ thống. 

"Ai làm người đó chịu" là tuyên bố của Tổng thống Nga Putin đối với lệnh cấm các vận động viên Nga tham dự Thế vận hội Olympic 2016 do IAAF đưa ra. Đồng thời coi đây là quyết định không công bằng đối với vận động viên Nga. 

Trước đó, ông Putin đã yêu cầu mở cuộc điều tra nội bộ, đồng thời kêu gọi ngăn chặn việc sử dụng doping của vận động viên Nga và trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng các biện pháp mạnh tay để trấn áp vấn nạn này.

Và nhân viên điều tra liên bang Nga vừa quyết định mở cuộc điều tra hình sự đối với cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm chống doping Nga về tội lạm quyền. Bởi sau khi chạy sang Mỹ, ông Grigory Rodchenkov đã tiết lộ "chiêu thức" che giấu doping quy mô lớn tại Olympic Sochi năm 2014 có liên quan tới ít nhất 15 người đoạt huy chương. 

Theo ông Vladimir Markov, người phát ngôn của Uỷ ban Điều tra Nga, ông Grigory Rodchenkov bị tố cáo đã phá huỷ hơn 1.400 mẫu thử nghiệm doping tại phòng thí nghiệm ở Moskva năm 2014 sau khi Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA) yêu cầu bảo tồn những mẫu đó để điều tra sau khi có tố cáo "các vận động viên Nga dùng thuốc cấm tại Olympic Sochi 2014". 

Ông Vladimir Markov cũng nhấn mạnh, việc phá huỷ mẫu thử nghiệm của cựu Giám đốc Phòng thí nghiệm chống doping Nga đã gây thiệt hại đáng kể tới danh dự, uy tín quốc gia.

IOC cũng vừa thông báo, 31 vận động viên đến từ 12 quốc gia và tranh tài ở 6 môn thể thao tại Olympic Bắc Kinh 2008, có thể bị cấm tham gia Olympic 2016 sau khi việc tái xét nghiệm những mẫu thử của họ từ Olympic Bắc Kinh 2008 cho kết quả dương tính với chất cấm. Kết quả xét nghiệm dương tính được đưa ra đối với 454 mẫu thử doping từ Olympic Bắc Kinh 2008 được xét nghiệm lại và IOC đang chờ kết quả tái xét nghiệm 250 mẫu thử từ Olympic London 2012. 

IOC còn cho biết, sẽ tái xét nghiệm đối với những vận động viên đoạt huy chương từ Olympic Bắc Kinh 2008 tới Olympic London 2012 và họ sẽ bị tước huy chương nếu có kết quả dương tính với chất cấm. Cũng theo thông báo của Chủ tịch IOC Thomas Bach, 10 vận động viên là người tị nạn đến từ châu Phi và Trung Đông sẽ tranh tài (điền kinh, bơi lội và judo) như một đội tại Olympic 2016.

Tới công tác đảm bảo an ninh

Trưởng đoàn Olympic Australia, bà Kitty Chiller vừa yêu cầu Ban tổ chức Olympic 2016 phải áp dụng thêm các biện pháp bảo đảm an ninh càng sớm càng tốt trước khi có một vận động viên nào bị hại. Kiến nghị này được đưa ra sau khi vận động viên khuyết tật Liesl Tesch (thi đấu môn bóng rổ xe lăn và thuyền buồm) bị 2 tên chĩa súng cướp của, khi đang đi cùng nhà vật lý trị liệu Sarah Ross trong một công viên ở thành phố Rio de Janeiro. 

Ban tổ chức Olympic 2016 đã hứa tăng cường an ninh trước Thế vận hội và lực lượng bảo vệ an ninh sẽ tiếp tục nhiệm vụ tại Paralympic. Thị trưởng thành phố Rio de Janeiro Eduardo Paes đã tăng thêm 8.500 nhân viên cảnh sát, đồng thời cam kết tăng cường an ninh trong suốt thời gian diễn ra Thế vận hội (từ 5 đến 21-8).

Phòng thử doping phục vụ Olympic 2016.

Bộ trưởng Tư pháp Brazil Alexandre de Maraes vừa thông báo quyết định của chính phủ nước này - hỗ trợ khẩn cho thành phố Rio de Janeiro 2,9 tỷ reais (khoảng 850 triệu USD) để chi trả cho các dự án cơ sở hạ tầng và công tác đảm bảo an ninh. Ông Alexandre de Maraes khẳng định, cho đến nay không còn vấn đề gì liên quan tới việc bảo đảm an ninh tại thành phố Rio de Janeiro. 

Bộ trưởng Tư pháp Brazil cũng cho biết, cơ quan chức năng của nước này đã phối hợp với cảnh sát Pháp và Mỹ để ngăn ngừa khả năng bị tấn công khủng bố. Trước đó, Cơ quan Tình báo Brazil (Abin) thông báo, đã tăng cường bảo vệ an ninh và các biện pháp chống khủng bố sau khi phát hiện có mối đe dọa từ IS. 

Theo tiết lộ của Abin, họ đã phát hiện ra một ứng dụng nhắn tin đa nền tảng bằng tiếng Bồ Đào Nha mà IS có thể dùng để kích động những phần tử cực đoan, cũng như liên kết để lên kế hoạch khủng bố. Abin khẳng định, cuộc chiến chống khủng bố ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp hơn bởi mức độ tinh vi của các tổ chức tội phạm, đồng thời khẳng định Brazil có quan hệ và trao đổi thông tin chặt chẽ với tình báo Mỹ, châu Âu và Israel về các tổ chức khủng bố.

Lực lượng cảnh sát và an ninh Brazil cũng từng cảnh báo về nguy cơ các phần tử khủng bố đơn lẻ, còn gọi là "sói đơn độc" có thể thực hiện các vụ tấn công trong thời gian diễn ra Olympic 2016. Tổng thống lâm thời Michel Temer và Bộ trưởng Quốc phòng Raul Jungmann đã tới Rio de Janeiro để làm việc với nhà chức trách thành phố về các kế hoạch đảm bảo an ninh cho Thế vận hội. 

Theo giới truyền thông, để tăng cường đảm bảo an ninh cho Olympic 2016, một trung tâm quốc tế chống khủng bố đã được thành lập tại Rio de Janeiro, với sự tham gia của các chuyên gia giỏi đến từ 55 quốc gia. Không những đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng các công trình và nhiều hạng mục hạ tầng cơ sở phục vụ Thế vận hội, Brazil còn huy động 85.000 cảnh sát và binh sỹ quân đội tham gia đảm bảo an ninh cho Thế vận hội, nhiều gấp đôi so với lực lượng an ninh được huy động tại sự kiện tương tự ở London, Anh, cách đây 4 năm.

Quốc vụ khanh phụ trách an ninh các lễ hội lớn của Brazil Andrei Rodrigues từng tuyên bố, nước này sẽ đảm bảo an ninh tối đa cho Thế vận hội Olympic 2016 và đây là thử thách lớn đối với quốc gia Nam Mỹ này. Đồng thời khẳng định, các lực lượng sẽ được đặt trong trạng thái "trực chiến" suốt thời gian diễn ra Olympic Rio de Janeiro. 

Theo giới chức Rio de Janeiro, mặc dù 85.000 cảnh sát và binh sĩ đang được triển khai trong thành phố để bảo đảm sự an toàn cho thế vận hội, nhưng các biện pháp này không mấy ảnh hưởng tới tình trạng bạo lực tại các khu ổ chuột và việc này đang đe dọa tới sự thành công của Olympic 2016.

Brazil đã quyết định dỡ bỏ quy định thị thực đối với công dân Australia, Canada, Nhật Bản, Mỹ trước thềm Thế vận hội Olympic 2016. Dự kiến có khoảng 14.000 vận động viên tranh tài tại Thế vận hội, khoảng 25.000 nhà báo đến từ 100 quốc gia sẽ tới đưa tin và khoảng 500.000 du khách tới Brazil trong thời gian diễn ra Olympic lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Mỹ. 

Từng có tin nói rằng, các vận động viên tham dự Olympic 2016 tại thành phố Rio De Janeiro, sẽ phải tự trả tiền nếu muốn dùng điều hòa nhiệt độ ở khách sạn. Bởi Ban tổ chức Olympic 2016 cho rằng, khoản phí điều hòa nhiệt độ tốn kém, nên sẽ cắt giảm. 

Hãng Reuters từng dẫn kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học, khi họ tìm thấy một loại siêu vi khuẩn kháng thuốc nguy hiểm (có thể gây bệnh ở đường tiết niệu, tiêu hóa, phổi, nhiễm trùng máu, viêm màng não) tại các bãi biển ở Rio de Janeiro, nơi sẽ diễn ra nhiều môn thi đấu của Olympic 2016...

Trịnh Huyền My
.
.
.