Olympic Toyko 2020 giữa hai lằn ranh sức khỏe và kinh tế

Thứ Tư, 25/03/2020, 03:55
EURO 2020 ban đầu có kế hoạch tổ chức từ ngày 12/6 đã phải hoãn sang năm sau, báo hiệu ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch COVID-19 tới thể thao dù là trong tương lai 3 tháng tới.


Vậy câu hỏi là tại sao Olympic 2020 - một sự kiện thể thao quy mô còn khổng lồ hơn, vẫn kiên quyết tổ chức đúng lịch trình từ ngày 24/7? Đây là một quyết định liều lĩnh có tính toán hay Nhật Bản đã rơi vào thế không còn lựa chọn?

Sức ép từ nhiều phía

Đại dịch COVID-19 chưa hề có dấu hiệu được khống chế và đang diễn biến cực kỳ phức tạp, đặc biệt là ở châu Âu. Riêng với Nhật Bản, hiện đã có hơn 1.600 ca nhiễm và 34 ca tử vong. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng con số chính xác phải lớn hơn nhiều bởi quốc gia có 125 triệu dân này thực hiện rất hạn chế xét nghiệm. Nhật Bản đã tăng cường tốc độ và quy mô xét nghiệm, nhưng chỉ đạt mức 5% so với con số ở Hàn Quốc, dù dân số đông hơn.

Tính đến ngày 18/3, Nhật Bản đã tiến hành xét nghiệm hơn 15.000 người. Dù không khuyến khích thực hiện đối với những người không có triệu chứng hoặc không tiếp xúc với mầm bệnh, thì tỷ lệ nhiễm bệnh ở quốc gia này vẫn ở mức 5,6%. Trong khi đó, ở Hàn Quốc chỉ là 3%.

Cùng với đó, một loạt sự kiện lớn của thể thao thế giới như EURO 2020, giải đua xe công thức 1 hay giải bóng rổ nhà nghề Mỹ đều phải hoãn hoặc hủy. Tổng thống Mỹ, Donald Trump đã đề xuất nên hoãn Olympic Tokyo 2020 lại một năm, còn hơn phải thi đấu trong bối cảnh các khán đài trống vắng trong cuộc thảo luận với G7.

Nhưng trong động thái mới nhất, Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) ủng hộ Nhật Bản tiến hành Thế vận hội đúng kế hoạch từ ngày 24/7, và cam kết các biện pháp đã được thực hiện để đảm bảo "sự an toàn và lợi ích của các vận động viên (VĐV), huấn luyện viên (HLV) và đội hỗ trợ". Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khẳng định sẽ có được sự ủng hộ của G7 để Olympic 2020 diễn ra "đầy đủ nhất".

Dẫu vậy, quyền quyết định cuối cùng không nằm trong tay Nhật Bản mà của IOC và hạn chót sẽ vào cuối tháng 5. Những tuyên bố cứng rắn của người đứng đầu Chính phủ Nhật Bản chỉ thể hiện thái độ quyết tâm của giới lãnh đạo, chứ ngay bên trong nội bộ ban tổ chức đã có sự mâu thuẫn.

Ông Kaori Yamaguchi, thành viên Ủy ban Olympic Nhật Bản, nói với tư cách của một cựu VĐV judo từng giành Huy chương Đồng Olympic 1988 rằng: "Olympic không nên tiến hành trong hoàn cảnh mọi người trên thế giới không thể chung vui".

Bóng ma COVID-19 đang bao phủ Olympic 2020.

Thiệt hại khủng khiếp về kinh tế

Không phải chưa từng có kỳ Olympic bị hủy trong lịch sử. Thế vận hội năm 1916 đã không thể diễn ra do sự leo thang của Thế chiến I. Hai kỳ Olympic 1940 và 1944 cũng chịu chung số phận vì Thế chiến II. Nhưng hãy nhớ, chưa từng có kỳ thế vận hội nào bị hủy trong thời bình và Olympic 2020 không muốn trở thành ví dụ đầu tiên.

Nhưng ngoại trừ cái mác "kẻ tiên phong" không ai mong muốn đó, thiệt hại nặng nề về kinh tế được xác định là nguyên nhân chính khiến chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe kiên quyết tiến hành Olympic. Ngay sau khi trúng quyền đăng cai tổ chức Olympic Tokyo, Chính phủ Nhật Bản đã chi 1.350 tỷ Yên (12,6 tỷ USD) để xây dựng cơ sở vật chất và hạ tầng.

Trong số này, thành phố Tokyo đóng góp 597 tỷ Yên, 603 tỷ Yên đến từ Ủy ban Olympic Nhật Bản và Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ 150 tỷ Yên. Tổng kinh phí thực cao gấp khoảng 10 lần con số dự kiến ban đầu là 1.060 tỷ Yên (9,81 tỷ USD). Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản đã đổ tiền tài trợ cho sự kiện này với số tiền kỷ lục là 349 tỷ Yên (3,3 tỷ USD), trong đó có Toyota, Bridgestone, Panasonic.

Bên cạnh đó, việc huỷ Olympic Tokyo 2020 có thể gây thiệt hại khoảng 240 tỷ Yên (2,28 tỷ đô la) đối với ngành du lịch. Ban tổ chức Olympic Tokyo 2020 từ chối cho biết có bao nhiêu du khách nước ngoài dự kiến tới Nhật Bản trong dịp Thế vận hội. 

Tuy nhiên, Bộ Du lịch Nhật Bản năm 2018 đưa ra con số khoảng 600.000 người. Đến nay, 4,5 triệu/7,8 triệu vé xem các sự kiện thể thao đã được bán ở Nhật Bản, trong đó 20-30% người mua là người nước ngoài.

Ngoài ra, hủy Olympic Tokyo 2020 cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiêu dùng trong nước, vốn đã chịu áp lực sau đợt tăng thuế bán hàng gây tranh cãi vào năm ngoái. Các nhà kinh tế Nhật Bản dự báo, nếu phải hủy kế hoạch tổ chức Olympic Tokyo 2020 thì GDP của đất nước trong năm 2020 sẽ giảm 1,5%. 

Chuyên gia kinh tế Takashi Miwa nói rằng việc hủy bỏ Thế vận hội có tác động chính tới tiêu dùng trong nước, bởi nó “sẽ ảnh hưởng xấu đến niềm tin của người tiêu dùng”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mất mát đo đếm được bằng tiền, điều chính quyền Thủ tướng Abe lo ngại nhất là việc hủy Olympic Tokyo 2020 sẽ làm tổn thương hình ảnh quốc gia. Nhật Bản muốn dùng kỳ thế vận hội này để quảng bá hình ảnh hồi phục kiên cường của đất nước mặt trời mọc sau những thảm họa động đất, sóng thần, hạt nhân khiến gần 20.000 người thiệt mạng và 2.500 người mất tích trong 9 năm qua.

Người dân Nhật Bản hy vọng linh vật Miraitowa sẽ là bùa may mắn trong thử thách này.

Giải pháp cấm khán giả?

IOC cho rằng Olympic Tokyo 2020 chỉ có khả năng diễn ra bình thường hoặc bị hủy bỏ, chứ sẽ không tạm hoãn vì nhiều yếu tố khác liên quan. Chính vì điều này, Nhật Bản đang cân nhắc đến khả năng sẽ “hy sinh” doanh thu 800 triệu USD tiền bán vé, tuy nhiên họ vẫn còn thu được 3-4 tỷ USD từ quyền phát sóng và tiếp thị, khi “cấm cửa” hoặc hạn chế khán giả đến các địa điểm thi đấu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tham gia.

Nghe qua thì có vẻ là một giải pháp toàn vẹn nhất có thể nhưng yếu tố chính là sức khỏe thì lại chưa được ưu tiên. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng ban tổ chức sẽ khó tổ chức một Olympic 2020 an toàn với hàng ngàn VĐV sinh hoạt gần nhau. “Chỉ riêng trong làng Olympic đã tập hợp 17.000 - 18.000 người đến từ khắp nơi trên thế giới, họ sống gần nhau, tương tác với nhau”, Andrew Zimbalist, một nhà kinh tế tại Đại học Smith chuyên về thể thao, nói.  

Ngoài sức khỏe thể chất, sức khỏe tinh thần cũng bị ảnh hưởng. Olympic ra đời với mục đích tuyên truyền nâng cao sức khỏe cộng đồng và thật khó cho các VĐV có thể “dửng dưng” thi đấu khi bên ngoài kia, những người thân của mình đang chống chọi với virus. Thi đấu trong những địa điểm thiếu sự cổ vũ còn làm giảm khả năng hưng phấn của người tham gia, qua đó khó lòng đạt thành tích cao nhất.

Và quan trọng nhất, Olympic không chỉ là một sự kiện tôn vinh thể thao, nó còn là nơi gắn kết mọi người trên toàn thế giới. Sẽ chẳng có ý nghĩa gì khi ăn mừng trên một SVĐ vắng bóng khán giả. Giống như trung vệ Virgil van Dijk chia sẻ về chức vô địch Anh sau 30 năm chờ đợi của Liverpool bị ngăn cách một vài bước chân vì COVID-19: “Tôi thà chờ đợi thay vì nâng cúp trong im lặng”.

VĐV là những người tổn thương nhất

Với rất nhiều VĐV thể thao, thi đấu và giành huy chương ở Olympic là ước mơ cả đời, là khoảnh khắc định nghĩa sự nghiệp, là sự đền đáp cho những giọt mồ hôi, nước mắt và máu đã hy sinh. Đỉnh cao của một vài môn thể thao nằm ở ngưỡng 20-30 tuổi, thậm chí ngắn hơn, nghĩa là các VĐV không có nhiều cơ hội để giành danh hiệu ở thế vận hội. Hủy bỏ Olympic 2020 có thể là bước ngoặt thay đổi cuộc sống của họ.

Thậm chí, đến bây giờ, rất nhiều VĐV vẫn chưa vượt qua được vòng loại để giành tấm vé tới Toyko. Họ vẫn cần nâng cao số điểm trên bảng xếp hạng trong các sự kiện vòng loại. Tuy nhiên, các giải đấu này lại bị hoãn vì COVID-19. Ví dụ như vòng loại cuối cùng môn bóng chày dự kiến tổ chức ở Đài Loan vào tháng 4 đã phải dời sang tháng 6.

Khi ngọn đuốc Olympic bắt đầu hành trình xuyên Nhật Bản từ ngày 23/3, rất nhiều người hy vọng đất nước này có thể tiến hành một thế vận hội an toàn. Tuy nhiên, kết quả vẫn là thứ không thể chắc chắn như tương lai của virus Corona. 

"Dù muốn hay không, vẫn đang có một đám mây đen bao phủ toàn thế giới và Nhật Bản là một phần trong đó", Keith Henry, Chủ tịch Hội đồng chiến lược châu Á nhận định. "Chúng ta có hàng ngàn VĐV dành hết tâm sức chuẩn bị kỹ càng cho sự kiện mà họ còn không chắc có diễn ra hay không. Vì thế, có một luồng năng lượng tiêu cực đang bao quanh Olympic, và nó sẽ còn ở đó khá lâu đấy". 

Nhưng không phải không có hy vọng. Nhật Bản có thể đã có sẵn một số lợi thế, ví dụ như văn hoá bắt tay và ôm hôn không phổ biến như các quốc gia G7. Ngoài ra, người dân Nhật cũng thường xuyên rửa tay hơn châu Âu. Các trường hợp cúm theo mùa đã sụt giảm trong 7 tuần liên tiếp, ngay khi dịch COVID-19 bùng phát. 

Điều này cho thấy rằng người Nhật đã áp dụng một số bước cơ bản để ngăn chặn sự lây nhiễm. Dữ liệu năm 2004 đến nay từ Trung tâm Giám sát bệnh Truyền nhiễm thủ đô Tokyo cho thấy các trường hợp cúm năm nay thấp hơn bình thường, với số người nhiễm trên toàn quốc ở mức thấp nhất.

Hà My
.
.
.