PSY - virus "Gangnam Style" hết thời?

Thứ Tư, 22/05/2013, 15:49

Anh chàng đình đám với "Gangnam Style" luôn được một đám đông yêu thích, nhưng một đám đông khác thì ngược lại, coi như một thứ rác rưởi. Ra tiếp sản phẩm mới, PSY đã không tạo được sức hút như mong đợi, bởi sự thô thiển và vô văn hoá…

Nhắc đến Hàn Quốc người ta thường nghĩ đến những bộ phim tình cảm sướt mướt, ẩm thực đặc sắc và trào lưu nhạc gọi nôm na là K-pop khiến bao bạn trẻ ngày đêm say mê với những giai điệu tiết tấu nhanh, vui tươi khỏe khoắn được biểu diễn bởi những cô nàng, anh chàng "oppa" sành điệu, vũ đạo bốc lửa.

Tuy nhiên, mãi cho đến khi K-pop ghi dấu xuất hiện của một anh chàng ngoại hình không hề bắt mắt, có tuổi nhưng lặn hụp mãi mới có tên PSY, thì vòi bạch tuộc của K-pop mới chính thức vươn ra và tấn công mạnh mẽ tới các bảng xếp hạng của thế giới đặc biệt là châu Âu và Mỹ - nơi vốn là "mảnh đất vàng" ngôi sao ca nhạc đến từ châu Á.

Với màn chào sân thành công ngoài mong đợi mang tên Gangnam Style. Không thể phủ nhận độ phủ sóng của Gangnam Style một con virus có tốc độ lan truyền nhanh đáng ngạc nhiên. Với lượt nghe cán mốc một tỷ trong vòng nửa năm và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Chính sự châm biếm hài hước của Gangnam Style khiến thế giới phát cuồng mà càng ngày màu đen càng nổi loạn trong chàng ca sĩ PSY càng đậm hơn. Sống thật với bản thân mình luôn là hạnh phúc của nhiều người nhưng chắc chắn rằng bản thân người đó vẫn còn rất nhiều khiếm khuyết và PSY là ví dụ điển hình.

Các bạn trẻ hâm mộ PSY và dần dần sống theo cách mà PSY vô tình khuyến khích thế giới làm theo: Thể hiện cái tôi quá lớn, bài xích những gì không vừa ý. Nó vô tình cổ xúy cho lối sống ích kỉ, làm loạn và có phần nông nổi. Nếu chỉ nói về mặt giải trí thì Gangnam Style và PSY đã làm tròn vai, mang đến làn gió mới cho nền âm nhạc thế giới cũng như điệu nhảy ngựa làm mê mẩn nhiều bạn trẻ cũng như các ngôi sao nổi tiếng như Britney Spears, Katy Perry...

Và dường như sau Gangnam Style, thế giới đã đặt lên vai PSY hy vọng về phần 2 bùng nổ và vui nhộn hơn nữa. Chính sự mong đợi và hâm mộ cuồng nhiệt đó mà Gentleman ra đời và... gây thất vọng vì những pha làm trò vô cùng lố lăng và giai điệu đã bắt đầu một màu với Gangnam Style. Phải chăng chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề, chúng ta có yêu chiều thần tượng của mình quá mức khi mà “quý ông”  của chúng ta từ một người hùng đã biến thành đứa trẻ hư, kệch cỡm và kết quả là PSY bị chính người dân Hàn Quốc phản đối. Rõ ràng đối tượng khán giả của PSY đã bị chính anh giới hạn bởi những biểu hiện được cho là tái hiện sinh động con người thật của PSY.

Đồng ý rằng cuộc sống này rất nhàm chán và âm nhạc đã làm dịu đi sự căng thẳng đó nhưng để vui còn rất nhiều cách, niềm vui đến từ những gì rất tự nhiên, gần gũi phản ánh đúng thực trạng xã hội chứ không phải được mua từ những trò lố rẻ tiền. Tai hại ở chỗ, càng cấm càng tạo sự tò mò, và đối tượng tò mò nhất không ai khác chính là trẻ em và những thế hệ trẻ đang trong quá trình hình thành nhân cách.

Những gì PSY truyền đạt trong Gentleman hoàn toàn trái lại những quy tắc, chuẩn mực đạo đức vốn có. Vi phạm luật giao thông, xì hơi và cho bạn gái ngửi mùi không phải là một điều hay ho mà một người đàn ông nên làm. Nhiều bạn trẻ sẽ nghĩ PSY cá tính, sống thật với bản thân nhưng thật sự tính cách của PSY cá biệt đến mức tiêu cực hay còn gọi nôm na là nhảm nhưng không có vui!

Bản thân anh chàng PSY này cũng thừa nhận Gentleman không hề phù hợp với phần đông khán giả và những màn xin lỗi đính chính chung chung. Đây không phải lần đầu tiên hiện tượng PSY vấp phải sự đả kích lớn từ dư luận. Trước đây vào năm 2002, PSY đã bày tỏ thái độ phẫn nộ của mình thông qua bài biểu diễn trước 37.000 binh sĩ Mỹ trú tại bán đảo Triều Tiên bằng cách đập vỡ mô hình xe tăng trên sân khẩu để tưởng nhớ hai nữ sinh Hàn Quốc bị xe tăng Mỹ gây thương vong.

Tiếp tục vào năm 2004, anh lại dùng những lời lẽ vô cùng tiêu cực để chống đối người Mỹ gây chiến tranh tại Iraq và hậu quả đã làm một nhà truyền giáo người Hàn Quốc (nước đồng minh với Mỹ) bị xử tử.

Cụ thể anh đã rap: "Hãy giết bọn Yankee chết tiệt đã tra tấn các tù binh Iraq/ Hãy giết bọn Yankee chết tiệt đã ra lệnh cho chúng tra tấn họ/ Hãy giết con gái, mẹ, con dâu và bố chúng/ Hãy giết chúng thật chậm rãi và đau đớn". Những hành động "dằn mặt" vô cùng thiếu suy nghĩ đó của anh đã khiến PSY nhận lấy hậu quả khi nhiều tờ báo Mỹ đồng loạt moi lại quá khứ không mấy tốt đẹp này.

Dù rằng lời xin lỗi đã được nói ra rất nhiều lần nhưng đã làm người nổi tiếng phải chấp nhận một sự thật rằng việc tốt thì không ai nhớ lâu mà việc xấu sẽ in sâu muôn đời. Tuy đã rất thành công với Gangnam Style, được cả thế giới biết đến sau nhiều năm lặn ngụp tìm kiếm cá tính âm nhạc nhưng chỉ sau những việc làm ngông cuồng của mình, PSY giờ đây đã là một hiện tượng "nước sôi để nguội". Người ta vẫn sẽ còn nhắc đến PSY nhưng sẽ với thái độ dè chừng hơn, không hoàn toàn truy hô như trước đây nữa.

Rõ ràng, để nói về PSY, hình ảnh khiến người ta liên tưởng đến sẽ là một quả bong bóng được bơm thật nhiều hơi vào để cuối cùng vỡ tan trong khoảng thời gian ngắn ngủi. Để làm được như PSY không phải là dễ nhưng để trụ lâu hơn với showbiz vốn lắm thị phi thì càng khó hơn. Và PSY cũng không nằm ngoài quy luật đó chỉ bởi vì quá khứ và sự nổi loạn của anh là miếng mồi ngon của truyền thông. Nếu muốn làm hiện tượng trước hết hãy học cách sống của một biểu tượng!

Uyên Phương
.
.
.