Petr Cech và hồi kết của Mourinho

Thứ Bảy, 22/08/2015, 08:51
Với danh hiệu đương kim vô địch Premier League, Mourinho đang có một chỗ đứng vững chắc trong năm thứ 3, lần thứ 2 đến với Chelsea. Thế nhưng, dường như Petr Cech đang trở thành nỗi ám ảnh cho "con số 3" mà Mourinho đang đối diện. Dĩ nhiên, Cech chẳng thể "trù ẻo" Mourinho, nhưng sự ra đi của thủ môn này có thể là tín hiệu cho một sự sụp đổ của triều đại Mourinho-Chelsea lần thứ 2.

1.Họ chẳng còn duyên nợ gì với nhau. Thậm chí, trận đấu chính thức đầu tiên của Petr Cech cho Arenal cũng là trận gặp chính Chelsea tại Siêu cúp nước Anh hồi đầu mùa, cuộc đấu mà Cech đã chơi cực hay và khuất phục Chelsea (1-0). Kết thúc trận đấu, Cech giơ hai ngón tay ăn mừng, như thể đó là một sự khẳng định cho giá trị của một thủ môn từng được coi là huyền thoại của Chelsea, cũng có thể đó là hành động đánh dấu sự hài lòng, cũng như một "lời nguyền" nhắm vào Mourinho.

Những suy đoán ấy của báo chí Anh đều được coi là hợp lí, bởi lẽ Cech có thể sẽ hoàn toàn thay đổi cuộc sống của mình tại Arsenal, không còn là kẻ dự bị như ở Chelsea nữa. Bên cạnh đó, Cech chính là nhân vật có thể kéo dài "cái dớp" mà Mourinho đang gặp ở mùa thứ 3 dẫn dắt bất kì CLB nào. Và hơn nữa, sự ra đi của thủ môn này còn đánh dấu một cuộc chiến khác phía sau hậu trường, một trận chiến quyền lực cũ rích nhưng chưa bao giờ nguội lạnh giữa Abramovich và Mourinho.

Bộ tứ công thần của Mourinho (Terry, Lampard, Drogba, Cech) giờ chỉ còn Terry.

Đây là mùa thứ 2 liên tiếp Chelsea mất đi một huyền thoại, những người đã tạo ra triều đại Chelsea-Mourinho lần thứ nhất cách đây 1 thập kỉ. Năm ngoái, họ để Frank Lampard ra đi với bản hợp đồng không được kí lại. Nhưng mùa này, trường hợp của Cech hoàn toàn khác hẳn. Chelsea đã chủ động bán thủ môn nằm trong bộ khung siêu hạng ngày xưa (Lampard, Terry, Cech, Drogba, giờ chỉ còn lại Terry) để đổi lấy 10 triệu bảng.

Đây là một trong những bản hợp đồng hiếm hoi trong vòng 1 thập kỉ qua giữa hai CLB kình địch cùng thành phố, chuyển nhượng một cầu thủ ngôi sao lớn như vậy. Nó giải quyết 2 vấn đề: thứ nhất, Chelsea không cần một thủ môn lớn ở băng ghế dự bị khi mà T.Courtois quá hay và không thể không ra sân. Thứ hai, Arsenal giải quyết được bài toán ở khung gỗ với số tiền không hề cao. Và Chelsea đương nhiên đã giúp đối trọng của mình mạnh lên trông thấy. Vấn đề nằm ở đây.

Cech muốn ở lại London, không phải ở lại Chelsea càng tốt. Anh được toại nguyện, nhưng không phải West Ham, QPR, Tottenham mà lại là Arsenal, đội bóng được coi là sẽ góp 1 chân trong cuộc đua phế truất ngai vàng của Chelsea. Điều này Mourinho không thích, cực kì không thích.

Cái ngày Cech ra mắt Arsenal, Mourinho bực dọc và thủng thẳng trả lời báo chí: "Các anh đừng nói đến chuyện mâu thuẫn nội bộ. Tôi là tôi, ngài Abramovich là chuyện khác. Năm ngoái, Cech đã tỏ ý muốn ra đi, khi chỉ ngồi dự bị, nhưng với tôi, cậu ấy vẫn rất quan trọng. Nếu tôi được quyết định, dứt khoát tôi sẽ giữ Cech ở lại. Đây là việc trái với ý muốn, nhưng nó đã và phải diễn ra. Và tôi nghĩ, CLB quan trọng hơn một cá nhân".

Trong lời nói của Mourinho, có một chút chua chát, một chút tiếc nuối, và cả một chút hờn trách, bởi ai cũng biết Mourinho ghét Arsenal đến tận cùng, và Wenger với ông cũng như nước với lửa, đến mức sẵn sàng đánh nhau trên sân.

Còn nhớ cách đây 3 năm khi trở lại Chelseaa, Mourinho cũng từng muốn mua một thủ môn dự bị cho Cech từ Arsenal, nhưng Wenger đã dứt khoát không bán ai cho Chelsea. Bây giờ, Mourinho có lí để bực tức, và mục tiêu nhắm vào ai thì cũng đã rõ. Không dưng Mourinho lại nhắc đến Abramovich. Và bất kì ai cũng nhận ra rằng, người quyết định bán Cech là Abramovich.

2.Vậy thì vai trò của Mourinho ở Chelsea lúc này là gì? Trước mùa giải năm ngoái, chính Mourinho dường như đã lấy được uy tín cũng như vị thế thống soái của mình. Ông đưa ra một "yêu sách" và lời cam kết tới tỷ phú Abramovich với những "gạch đầu dòng ngắn gọn và rõ ràng. Chơi đẹp. Mua Fabregas và Diego Costa, mang về Courtois, bán ngay David Luiz, sử dụng tốt Terry và giúp Chelsea vô địch. Abramovich đáp ứng tất cả. Mourinho cũng thực hiện đúng những gì ông hứa. Một sự phối hợp hoàn hảo, mặc dù nhiều người cho rằng Abramovich có vẻ đang "nhún nhường" Mourinho đôi chút so với nhiệm kì đầu.

Mourinho không còn quyền phủ quyết ở Chelsea?

Thực tế không hoàn toàn như vậy. "Với tôi, quyết định sáng suốt nhất là giữ bằng được Cech. Trường hợp thứ 2, nếu phải bán, phải để cậu ấy đi, điểm đến sẽ là ngoài nước Anh. Nhưng tôi nhắc lại, tôi chỉ là HLV, còn ông ấy (Abramovich) là người có quyền với CLB với những gì ông ấy đã làm với đội. Vì thế, nếu quyết định của ông ấy có khác với quan điểm của tôi thì tôi cũng chấp nhận". Mourinho đã nói thêm như thế.

Một năm sau cái ngày Mourinho đưa ra yêu sách, dường như gió đã đổi chiều. Mourinho bất ngờ đã không còn sức mạnh của quyền phủ quyết. Cả 2 phương án của ông đều không thành. Mối nghi ngờ bắt đầu với câu hỏi: Liệu Mourinho mất đi quyền phủ quyết ở mùa hè này hay thực chất ông đã không còn quyền hạn từ lâu?

Cuộc đấu tranh quyền lực thực sự giữa một HLV và một ông chủ nghe qua có vẻ lạ lùng, nhưng nó đã ngấm ngầm diễn ra từ lâu. Chính những rạn nứt này là nguyên nhân chính khiến Mourinho rời Chelsea năm 2007. Abramovich luôn chỉ đạo, muốn Chelsea đá đẹp thay vì lối chơi cứng nhắc, phòng ngự. Ông cũng là người có tiếng nói quyết định đến chuyển nhượng, bởi đơn giản ông là người có tiền. Mourinho cũng muốn sự độc lập với các quyết định nhân sự, lối chơi, nên mâu thuẫn xảy ra thường xuyên.

Ngày Mourinho đến Chelsea năm 2004, những hợp đồng được chú ý là tiền đạo Shevchenko, tiền vệ Ballack đều do Abramovich mua. Tiếp đó, ở Real Madrid, Mourinho cũng rơi vào cuộc chiến lớn với các ông chủ (hoặc chủ tịch), kết cục là Mourinho đều thất bại.

Từ những thất bại của Mourinho khi đối đầu chủ tịch, các ông chủ, các cầu thủ Chelsea thừa hiểu họ nên đứng về phía ai. Chắc chắn, dù có mất lòng Mourinho thì họ cũng sẽ ở lại CLB lâu hơn HLV của mình. Cụ thể là trường hợp của Torres.

Khi Abramovich không cho Mourinho quyết định, ông có thể sẽ nhận những hệ quả khôn lường. Đầu tiên là việc Lampard (khi chuyển đến Man City mùa trước), đã ghi bàn vào lưới Chelsea ở những phút cuối (trận hòa 1-1). Tiếp đó, Cech là cầu thủ chơi hay nhất trận Siêu cúp giúp Arsenal giành danh hiệu trên tay Chelsea. Và khi nhận ra vị trí của mình, Mourinho nói: "Một ngày nào đó, Ngài Abramovich nghĩ rằng tôi không đủ tốt cho Chelsea, tôi sẽ đi. Nhưng tôi muốn làm việc. Và nếu có thể, tôi sẽ muốn tiếp tục làm việc ở Anh". Lampard có thể đối đầu, ghi bàn trước Chelsea. Cech có thể ngăn cản đội bóng cũ ghi bàn vào lưới mình. Thì Mourinho cũng có thể "quay súng" bắn lại Chelsea. Hay thực ra, Mourinho muốn "bắn" thẳng vào quyền lực, niềm kiêu hãnh của Abramovich.

Cech giúp Arsenal đánh bại Chelsea ở Siêu cúp Anh mùa này.

Không có gì phải nghi ngờ nữa, Mourinho đã bắt đầu cảm thấy áp lực từ Abramovich. Quyền lực của ông đang bị đe dọa, tước đoạt. Sự ra đi của Cech có thể là bước đi tiếp theo để đưa ra tín hiệu cho con đường sụp đổ của Mourinho. Thực tế, sau thất bại trước chính Cech ở trận Siêu cúp, Chelsea bắt đầu khởi động mùa giải với sự tồi tệ chưa từng thấy. Sau 2 trận đầu tiên, Chelsea mới chỉ có 1 điểm. Đỉnh điểm của sự nghi ngờ đến ở thất bại tuyệt đối tới 0-3 trước Man City hồi tuần trước.

Ngược lại, dù Arsenal cũng mới chỉ có 3 điểm, nhưng họ lại được đánh giá là ứng cử viên lớn cho cuộc đua đến chức vô địch. Với Cech trong đội hình, người ta lờ mờ nhận ra một Arsenal cân bằng hơn, giống như thế hệ Arsenal của Lehmann, những người đã đi đến trận chung kết Champions League năm 2006 (thua Barca 1-2).

Cũng phải nói rằng, Cech là bản hợp đồng đáng giá nhất, đáng chú ý nhất và tạo cho Arsenal sự vững vàng ở mùa giải năm nay. Không chỉ vì Cech là thủ môn đầy kinh nghiệm, là một tên tuổi lớn, mà còn bởi Arsenal luôn may mắn, có duyên với những cầu thủ mua được từ những CLB kình địch, hoặc những người luống tuổi.

Có thể kể đến thủ thành Lehmann (mua từ Dortmund khi 34 tuổi), Sol Campbell mua từ đại kình địch Tottenham, một thương vụ mà Sol Campbell bị coi là Judas. Cùng với những Oezil, Alexis Sanchez, Ramsey, Giroud.. trong đội hình, Arsenal có lí do để tin rằng, có Cech họ sẽ hoàn thiện hơn và có quyền nghĩ đến chức vô địch.

Nếu điều đó xảy ra, thậm chí là chỉ cần thêm 1 trận thắng nữa của Arsenal trước Chelsea thôi, Mourinho sẽ càng có cớ để tiếc nuối, và để "lên mặt, dạy cho Abramovich" một bài học về cách dùng người, bán người và ứng xử.

Những bản hợp đồng từ kình địch nổi tiếng

Thương vụ Petr Cech đến Arsenal gây xôn xao không chỉ bởi anh là thủ môn lớn ở giải Ngoại hạng Anh, mà bởi Arsenal đã mang về người của đối thủ lớn nhất, đáng ghét nhất cùng thành phố London. Rất nhiều thương vụ kiểu như vậy giữa hai CLB kình địch, đã tạo nên những bước ngoặt lớn. Thành công dành cho các cầu thủ chuyển nhượng kiểu như Cech (sang CLB đối thủ) khá nhiều, và đó là nền tảng giúp Cech và Arsenal tự tin. Và đây là những ví dụ cụ thể:

1. Sol Campbell: Tại London, trận đấu nóng nhất, được coi là truyền thống nhất là cuộc gặp giữa Arsenal và Tottenham. Việc Campbell bỏ Tottenham để đến Arsenal năm 2001 trở thành một trong những vụ chuyển nhượng đáng sợ nhất lịch sử Premier League. Nhưng tại Arseal, Sol Campbell trở thành mắt xích quan trọng, đưa Arsenal lên đỉnh cao.

2. Luis Figo: Ai cũng biết đến sự thù hận giữa Real và Barca. Thế mà Figo lại rời Barca để tới Real (năm 2000). Figoo cũng bị coi là Judas, bị căm thù ở mọi nơi. Nhưng ở Real, sự nghiệp Figo lên đỉnh điểm.

3. Samuel Eto'o: Ở chiều ngược ại, Eto'o rời Real để khoác áo Barca và trở thành chân sút hay nhất của CLB này trong vòng hơn 1 thập kỉ qua.

4. Andrea Pirlo: Tạm biệt AC Milan sau 10 năm gắn bó, Pirlo đến Juventus và tiếp tục thăng hoa. Đỉnh cao là việc Juventus vào chung kết Champions League mùa giải năm ngoái.

Phan Đăng
.
.
.