Phải có sự đầu tư xứng đáng cho phim nghệ thuật

Thứ Hai, 19/08/2019, 17:45
Phim nghệ thuật vốn được mặc định là dòng phim kén khán giả. Tuy vậy, sự ra đời của những bộ phim mới đây như "Hai Phượng" hay phim Hàn Quốc "Ký sinh trùng" lại cho thấy sự đón nhận của công chúng rất đáng kể thông qua doanh thu các phòng chiếu.


Liệu rằng dòng phim này có kén khách hay từ trước đến giờ chúng ta vẫn đang chạy theo cái gọi là "đẳng cấp trí tuệ"? Và nếu muốn có thêm những bộ phim thu hút được đông đảo công chúng cần có những chính sách đầu tư như thế nào? Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã về vấn đề này.

Đến với đại chúng là nỗ lực tất yếu của điện ảnh

- Thưa nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, chúng ta vẫn thường nói "Phim nghệ thuật là phim kén khán giả". Vì sao lại như vậy?

+ Trong thực tế người ta nói "Phim nghệ thuật là phim kén khán giả", coi đó là mẫu số chung. Khi đẳng cấp nghệ thuật ở cấp độ cao thì nó không hoàn toàn thuận lợi trong tiếp nhận với đại chúng. Phim có tính triết lý và tính ẩn dụ trong hình ảnh đòi hỏi người xem có một nền tảng tri thức nào đó. Tuy nhiên thời gian thay đổi, xã hội thay đổi thì chúng ta sẽ có những hiện tượng.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

- Ý bà đang nói đến hiện tượng "Ký sinh trùng" khi làm mưa làm gió tại các phòng chiếu ở nhiều nước, với doanh thu khủng?

+ Tất nhiên hiện tượng đó không phổ biến. Một bộ phim đạt chất lượng nghệ thuật cao được khán giả đại chúng yêu thích không nhiều. Lý do là các vấn đề của đại chúng thường đơn giản. Các vấn đề trong "Ký sinh trùng" hết sức đại chúng, rất dễ hiểu. Đây là điều hi hữu xảy ra, với câu chuyện không quá phức tạp, không nhiều tính chất biểu tượng trong phim nhưng vẫn đạt được chất lượng kĩ thuật cao. Có một trường hợp khác với phim Việt Nam trước đây. Khi nó ra đời thì không ai quan tâm, nhưng sau khi được giải Châu Á Thái Bình Dương thì khán giả lại xếp hàng đi xem. Đó chính là phim "Đời cát". 

- Việc phim đoạt giải ở nước ngoài đã khiến khán giả tò mò nên đi xem?

+ Việc thu hút khán giả có mấy nguyên nhân. Thứ nhất bộ phim phải nghiêm túc, chững chạc nhưng quan trọng hơn nó chạm đến vấn đề của đại chúng quan tâm. Đó là lần đầu tiên có một bộ phim về đề tài hậu chiến đạt đến cấp độ nghệ thuật cao. Điều đó đã chạm vào tâm thức dân tộc của mọi người. Ban đầu, ai cũng biết là những bộ phim làm bằng ngân sách của nhà nước thường kém về mặt quảng bá. Do việc giới thiệu phim không được tốt nên không ai xem.

Nhưng nhờ vào sự quảng bá qua một giải thưởng quốc tế, bộ phim ngẫu nhiên được nhiều người biết đến. Vì thế khán giả nhận ra có phần mình trong đó và họ đã đi xem. Về mặt lý thuyết, phim nghệ thuật là phim kén khán giả, đòi hỏi một nhóm khán giả ưu tú có thể đối thoại với nhau. Nhưng trong khá nhiều trường hợp, do chuyển dịch xã hội, sự giao thoa giữa vấn đề đại chúng và nghệ thuật cao ngẫu nhiên xuất hiện trong một bộ phim thì nó sẽ đạt được hai yếu tố vừa hay, có tính chất nghệ thuật cao, vừa đáp ứng được đại chúng.

Cảnh trong phim “Những tháng năm rực rỡ”.

- Có nghĩa là hai con đường nghệ thuật và đại chúng luôn tiệm cận?

+ Nói về quan điểm của người trong nghề thì tôi vẫn nhớ câu nói của Đạo diễn, Nghệ sĩ nhân dân Nguyễn Bạch Diệp tại một hội thảo: "Đừng cố gắng phân biệt phim nghệ thuật và phim thị trường. Phim chỉ có một thứ thôi: hay hoặc không hay. Cái hay thì ai cũng sẽ thấy hay. Còn những bộ phim không làm cho đại chúng rung cảm được thì có nghĩa là có gì khiếm khuyết. Không nên cho rằng đại chúng không hiểu nghệ thuật". Nhưng thực tế trong lịch sử điện ảnh thế giới, tất cả các phim đạt những  giải lớn như Canner, như Oscar, Gấu vàng... hầu hết đều kén khách.

Không phải chỉ mỗi Việt Nam. Nhưng những người làm phim trong nước cho rằng "Phim của tôi là phim nghệ thuật, là phim kén khách". Họ nói không sai nhưng thiếu một vế rằng "Con đường đến với đại chúng là con đường tất yếu của điện ảnh. Điện ảnh không có đại chúng là chết". Vì thế, bằng cách nào đó, không phải ai cũng làm được nhưng nỗ lực tiến đến với đại chúng là nỗ lực tất yếu của điện ảnh.

"Chọn mặt gửi vàng"- đầu tư xứng đáng cho phim nghệ thuật

- Nhìn vào những bộ phim điện ảnh được thực hiện trong 10 năm trở lại đây, bà thấy những nỗ lực đến với đại chúng của các nhà làm phim như thế nào?

+ Mười năm trở lại đây các nhà làm phim Việt Nam đã có ý thức đầy đủ về việc đến với đại chúng dù là những phim độc lập hay những phim do nhà nước tài trợ, thậm chí những phim thị trường. Mong muốn đến với đại chúng của các nghệ sĩ rất lớn, không hẳn chỉ vì tiền. Ví dụ như phim "Tháng năm rực rỡ" mà rất nhiều người cho rằng nó đã chạm tới hai yếu tố, vừa hay vừa thuyết phục đại chúng, khiến cho khán giả nhớ lại tuổi trẻ của mình. Bộ phim không sai một chút nào về nghệ thuật.

“Hai phượng” của Ngô Thanh Vân  là một phim gây ấn tượng rất mạnh cho tôi. Không triết lý gì cao siêu và mọi hình ảnh đều được chắt lọc một cách tỉ mỉ. Hình ảnh gây bất ngờ với khán giả cũng như cách thể hiện tâm lý qua ánh sáng, qua diễn xuất của diễn viên rất xuất sắc. Vì thế, tôi nghĩ đây là một bộ phim mà nếu gọi nó là một phim thị trường thì không đúng. Tuy vậy,  một bộ phim khác như "Đảo của dân ngụ cư" thì về mặt nghệ thuật tôi thừa nhận đã nỗ lực hết mình nhưng chưa chạm đến đại chúng vì câu chuyện như ở một nơi nào đó...

- Có một thời chúng ta hay giễu cợt phim nghệ thuật là kén khán giả bởi thực tế đã có những bộ phim khiếm khuyết được làm bằng tiền nhà nước. Điều đó lại vô tình đẩy những nhà làm phim rời xa khán giả?

+ Những người làm phim ai cũng muốn có phim hay, phim tốt nhưng nhiều khi lực bất tòng tâm. Chưa kể phim làm từ ngân sách nhà nước thiếu hai điểm căn bản: trách nhiệm thu hồi vốn không được đặt lên hàng đầu đối với toàn hệ thống chứ không riêng nghệ sĩ. Thứ hai là không có cách thức quảng bá, truyền thông tốt. Ngân sách nhà nước đã đầu tư rất là lớn nhưng nó lại không đủ lớn để cho dự án đã được phê duyệt. Thứ hai, nó không đủ các giải pháp quản lý để đưa nó trở thành một sản phẩm người ta gọi là chính danh, chính vị. Vì thế mà  hệ thống quản lý cùng với nhu cầu của truyền thông làm cho bộ phim luôn luôn vừa thiếu vừa thừa.

- Thế còn những câu chuyện của các nhà làm phim tư nhân thì sao khi mà các nhà làm phim vẫn phải phụ thuộc vào nhà đầu tư hay phải chịu những áp lực như phải bán được nhiều vé để thu về lợi nhuận?

+ Đương nhiên các nhà làm phim nhất là các nhà làm phim tư nhân có nghĩa vụ là phải bảo toàn vốn của họ, không chỉ nghĩa vụ đối với khán giả. Khán giả đến với họ để bảo toàn vốn cho họ chứ không phải là để được giải trí thuần túy. Nhưng mà dù sao đi chăng nữa, đến lúc này tôi vẫn đang nghĩ rằng các nhà làm phim trẻ hiện nay như chị Ngô Thanh Vân vẫn nhận là mình già rồi nhưng tôi vẫn cho rằng đó là một người trẻ ít nhất là so với thế hệ chúng tôi. Tôi gọi họ là những chiến binh bởi những bộ phim của họ đã làm với ý thức để lại căn cước văn hóa rất mạnh mẽ. Căn cước văn hóa dân tộc rất mạnh mẽ trong các phim của họ chính là sức thu hút mà rất hiếm phim của chúng ta có được trong giai đoạn 10 năm trước.

-Như bà chia sẻ những nhà làm phim tư nhân thì bà gọi họ là những chiến binh. Tuy vậy, trong cảm nhận của nhiều người thì họ vẫn phải “ăn đong” có nghĩa là làm đến đâu thì biết đến đấy, còn đi đường dài rất là khó khăn?

+ Nhiệm vụ của Nhà nước là đầu tư làm phim để có được nghệ thuật đỉnh cao. Nhưng bây giờ, những người sản xuất tư nhân đang làm thay việc đó. Nhưng họ sẽ đuối hơi rất nhanh. May mắn nếu phim của họ có được doanh thu tốt thì họ có thể đi bước nữa. Nhưng nếu họ không thể đi tiếp được nữa, bị quên lãng như thời làm phim “Dòng máu anh hùng”, “Áo lụa Hà Đông”.

Cảnh trong phim Hai Phượng.

Và Nhà nước đã không làm gì để giúp cho êkip có thể tái sản xuất. Đó là những bộ phim tôi tiếc vô cùng, vừa nghệ thuật, vừa chính trị, phản ánh thân phận con người trong một đất nước chiến tranh triền miên. Họ đã chiến đấu và giành cho mình lẽ sống, vì lòng tự hào dân tộc. Nhưng mà, chúng ta đã không nâng niu họ và dòng phim này chết yểu. Tôi vẫn cho rằng những dòng phim vừa mang tính tuyên truyền, vừa mang tính nghệ thuật phải là nhiệm vụ của Nhà nước.

- Giá trị thật của điện ảnh là những câu chuyện về con người và nó mang những thông điệp mang tính toàn cầu, như vậy thì sẽ thuyết phục được khán giả. Vậy thì theo bà có những nguyên nhân sâu xa nào nếu như nhìn vào điện ảnh Việt Nam hiện tại để chúng ta có được những ngôn ngữ điện ảnh như thế?

+ Tôi nghĩ giải pháp cho điện ảnh hiện nay không bế tắc như chúng ta nghĩ. Bằng chứng là chúng ta đã có những phim đạt được doanh thu cao. Về mặt nghệ thuật những khán khó tính cũng không thể nào mà chê trách họ. Tuy nhiên, có một đặc điểm trong phim điện ảnh Việt Nam đấy là các phim này phần lớn từ các nhà sản xuất tư nhân. Tôi nghĩ đã đến lúc nhà nước phải nhìn nhận lại cái cách chúng ta ứng xử với những bộ phim thành công như thế với các nhà sản xuất đã đi trên con đường của họ một cách tiên phong như thế.

Phương Thúy
.
.
.