Những ông "vua" bị treo còi vĩnh viễn:

Phần nổi của tảng băng chìm?

Thứ Hai, 16/05/2016, 14:30
Bóng đá Việt Nam bỗng sôi sùng sục với quả 11m tưởng tượng cùng tiếng còi "méo xệch" của ông trọng tài Hà Anh Chiến trong trận FLC Thanh Hoá - Sông Lam Nghệ An (SLNA) tại vòng 9 V.League 2016. Những thông tin hậu trường cho hay, có nhiều khả năng, "ông vua" này sẽ bị treo còi vĩnh viễn. 


Cần nhắc lại, ngay sau khi Hà Anh Chiến chỉ tay vào chấm 11m, giúp FLC Thanh Hoá gỡ hoà 2-2 ở những phút cuối cùng trận đấu, các cầu thủ, Ban huấn luyện SLNA đã tức phát điên. HLV trưởng Ngô Quang Trường nhảy bổ vào sân, lao về phía Hà Anh Chiến để chỉ trích một "sản phẩm tưởng tượng không thể nào tin nổi". Nói như vậy là bởi đấy là tình huống mà Chiến đứng từ giữa sân, không dễ gì quan sát cảnh cầu thủ hai đội va chạm trước khu vực 16m50 của SLNA. 

Thế mà chỉ cần đợi cầu thủ Thanh Hoá ngã ra là lập tức Chiến chỉ tay vào chấm 11m, mà không có chút lăn tăn, suy nghĩ gì. Nói theo cách của một chuyên gia bóng đá gạo cội thì: "Cứ như thể, cậu ấy chỉ đợi cầu thủ Thanh Hoá ngã xuống là thổi phạt". Vị này phân tích tiếp: "Nếu không có một vị trí quan sát thuận lợi, lẽ ra cậu ấy nên tham khảo ý kiến của trọng tài biên, thế mà...". 

Trọng tài Hà Anh Chiến đã phải trả giá cho sai lầm chết người của mình. Ảnh: H.M.

Sau trận đấu này, CLB SLNA thậm chí đã có văn bản gửi lên VPF, đề nghị treo còi vĩnh viễn trọng tài Hà Anh Chiến, và rất nhiều khán giả trung lập của bóng đá Việt Nam (không phải fan của SL) cũng bày tỏ sự bất bình cực độ với tiếng còi méo xẹo, rất khó chấp nhận của "ông vua" này. 

Có lẽ vì thế mà lần đầu tiên kể từ đầu V.League tới nay, Trưởng ban Trọng tài Quốc gia Nguyễn Văn Mùi đã công khai kết luận: "Trọng tài đã sai", thay vì giữ kín thông tin như với trường hợp các trọng tài trước đây, và cũng theo ông Mùi, thoạt tiên, Hà Anh Chiến bị treo đến hết lượt đi V.League. Nhưng những thông tin hậu trường cho hay, sẽ không bất ngờ nếu ngay cả khi lượt đi V.League kết thúc, người ta vẫn không thấy sự xuất hiện trở lại của trọng tài này.

Trường hợp "vua" Chiến khiến giới mộ điệu phải nhớ lại trường hợp hai ông trọng tài Trần Công Trọng và Nguyễn Văn Quyết cũng bị treo còi vĩnh viễn ở mùa giải V.League 2011. Trong khi ông Trọng “đè ngửa” Hoà Phát Hà Nội ra ép trong trận "chung kết ngược" với chủ nhà Hải Phòng trên sân Lạch Tray thì ông Nguyễn Văn Quyết, ngay ở vòng đấu sau cũng tưởng tượng ra một quả 11m cho Hải Phòng, giúp đội này giành điểm trên sân Bình Dương. Và nhờ những điểm số "lấy được từ trọng tài" như thế, mà bóng đá Hải Phòng mùa giải ấy đã trụ hạng trong đường tơ kẽ tóc. 

Ở đây, cần nhắc lại một chuyện có thể liệt vào dạng bi hài kịch của bóng đá Việt Nam, đó là khi nhận thấy nguy cơ xuống hạng hiển hiện trước mắt mình, bóng đá Hải Phòng lúc ấy thành lập cả một ban có tên "Ban chống xuống hạng", với chi phí hoạt động là 10 tỷ đồng cho 4 trận đấu then chốt cuối mùa. 

Bao giờ thì trọng tài thôi “giết” đội bóng?

Năm nào cũng thế, trước mỗi mùa giải thì công tác tập huấn trọng tài luôn được thực hiện rất chu đáo. Họ được xem băng ghi hình, được phân tích các tình huống và được giảng dạy về nghiệp vụ. Gần đây hơn còn có cán bộ của cơ quan điều tra xuống tận lớp giảng cho các trọng tài về những vụ án được bóc mẽ, trong đó có cả các vụ án mà trọng tài khi ra vành móng ngựa rồi vẫn nghĩ rằng mình không có tội.

Một trọng tài kỳ cựu chia sẻ rằng làm trọng tài ở Việt Nam khó hơn đi làm ở nước ngoài bởi gắn đến nhiều mối quan hệ và bởi các đội bóng hay biếu xén, nhờ vả. Có khi chỉ là câu “Giúp anh bắt công bằng là được rồi!”, tuy nhiên hiếm có trọng tài nào mà nhận tiền chỉ để bắt công bằng. Nói đội bóng làm trọng tài hư cũng đúng vì có nhiều ông chủ muốn có thành tích để thực hiện những mục tiêu ngoài bóng đá.

Năm 1997, trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng bị treo còi vĩnh viễn vì “giết” đội Bình Dương cũng bằng quả 11m tưởng tượng trong trận Bình Dương - Sông Lam Nghệ An. Cũng năm đấy lần đầu tiên Hội đồng Trọng tài Việt Nam có bản nhận xét đạo đức các trọng tài. Tuy nhiên, điều mà chính các trọng tài khi ấy cảm thấy bị tổn thương là những dích dắc của đội bóng với “sếp” của ông trưởng ban trọng tài hay với chính bộ phận điều hành bóng đá thì có lúc lại quan hệ như môi với răng.

Trọng tài “giết” đội bóng lỗi trước tiên ở trọng tài nhưng sâu xa hơn lại là lỗi của một nền bóng đá còn nhiều nhiễu nhương và chưa chuyên nghiệp. Nguyễn Nguyên (Báo Pháp luật TPHCM)

Dĩ nhiên, cho đến lúc này, không ai tìm ra bằng chứng về mối quan hệ giữa đồng tiền Hải Phòng với những tiếng còi méo xẹo, phản cảm của hai “vua”, nhưng ngay cả khi không có bằng chứng thì PCT tài chính VFF thời điểm ấy - ông Lê Hùng Dũng (giờ đang là Chủ tịch VFF) cũng không ngại tuyên bố giữa thanh thiên bạch nhật: "Phải đuổi vĩnh viễn hai ông trọng tài này". Đáng nói hơn, sau khi bị đuổi vĩnh viễn, cả hai trọng tài đều không một lời hé răng phản ứng, vì thực tế làng bóng, ai cũng biết, cũng hiểu lý do thực sự khiến tiếng còi của họ "méo xệch" nằm ở đâu.

Có một điểm trùng hợp đặc biệt giữa bóng đá Hải Phòng mùa giải 2011 với bóng đá Thanh Hoá mùa giải 2016, đó là cả hai đội bóng này đều có rất nhiều tiền, và không ngại chi tiền, vung tiền để đạt bằng được mục đích của mình. Đơn cử như với FLC Thanh Hoá năm nay, họ đã vung một số lượng tiền kỷ lục để mua hàng loạt cầu thủ xuất sắc, và mời HLV Lê Thuỵ Hải "xuất tướng", bất chấp việc trước đó chính ông Hải từng tuyên bố giã từ làng bóng. 

Câu hỏi về tính minh bạch, công bằng

Về nguyên tắc, Ban Trọng tài VFF độc lập so với BTC trong mọi hoạt động cũng như công tác tổ chức. Với việc phân công trọng tài, Ban trọng tài hoàn toàn chủ động và độc lập, chỉ phải thông báo cho BTC. Tuy nhiên, đó chỉ là trên lý thuyết.

Thực tế, với việc ông Trưởng ban Nguyễn Văn Mùi trở thành Phó Trưởng BTC V.League, Ban trọng tài đã trực thuộc BTC và là cấp dưới. Chỉ với sự vô lý đó đã có thể trả lời cho câu hỏi: Liệu Ban trọng tài có duy trì được sự độc lập, không bị chi phối của BTC? Liệu việc phân công trọng tài chẳng hạn, ông Phó Trưởng BTC Nguyễn Văn Mùi có dám và có thể tự chủ, không bị tác động của Trưởng BTC?

Nghịch lý còn nằm ở chỗ, VPF là một công ty cổ phần được thành lập để làm nhiệm vụ quản lý, điều hành các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (V.League, hạng Nhất và Cúp quốc gia) và BTC giải với nhiều thành phần trong đó có đại diện của các CLB tham dự giải như Nguyễn Trọng Hoài (FLC Thanh Hóa), Nguyễn Húp (QNK Quảng Nam), Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp). Thế nên khi đại diện Ban trọng tài lại có chân Phó BTC, nghĩa là vừa làm công tác trọng tài lại vừa làm công tác tổ chức, thế không phải “vừa thổi còi, vừa đá bóng” thì là cái gì? Lộc Phong (Báo Lao Động)


Cũng phải nói thêm là trước khi trọng tài Hà Anh Chiến tưởng tượng ra quả 11m, giúp Thanh Hoá giật lại 1 điểm vào phút chót thì ở trận đấu trước đó, ông trọng tài Nguyễn Đức Vũ cũng điều khiển trận đấu theo đúng kiểu "đè ngửa" Hoàng Anh Gia Lai, góp phần không nhỏ giúp Thanh Hoá giành 3 điểm. Vì điều này mà ngay cả một cầu thủ HA.GL nổi tiếng là ngoan hiền, một người trưởng thành ở lò HA.GL JMG nổi tiếng là mẫu mực như tiền đạo Văn Toàn cũng không thể không phản ứng. 

Lại có một chi tiết cần nói nữa, đó là trước trận Thanh Hoá - Sông Lam, đích thân ông Hồ Văn Chiêm - một lãnh đội Sông Lam điện thoại trước với Trưởng ban Trọng tài QG Nguyễn Văn Mùi để cảnh báo tình trạng "còi méo trên sân Thanh Hoá", vì theo lời ông Hồ Văn Chiếm: "Quan sát từ đầu giải, chúng tôi thấy rất nhiều đội bóng đến sân Thanh Hoá đã phải gặp khó bởi... công tác trọng tài".

HLV trưởng SLNA Ngô Quang Trường "không thể không phản ứng" khi đội nhà chết oan. Ảnh: H.M.

Từ trường hợp của các ông Hà Anh Chiến, Nguyễn Đức Vũ, đặc biệt là việc ông Chiến nhiều khả năng sẽ bị treo còi vĩnh viễn, có lẽ những vòng đấu tới đây các ông “vua” khác sẽ không đi vào "vết xe đổ" của hai ông “vua” này. Nhưng ngay cả khi dự báo này là đúng thì câu chuyện cũng không nên và không thể chấm dứt ở đây.

Những ông “vua” mắc lỗi đều đã bị trừng phạt, bằng cách này hay cách khác, nhưng có thể "những ông vua mắc lỗi" chỉ là bề nổi của một tảng băng chìm. Cái tảng băng mà với nó, không loại trừ khả năng cuộc chơi V.League sẽ bị chi phối, và người hâm mộ sẽ mất niềm tin trầm trọng.

Hai mặt trọng tài

Khi kết quả các trận đấu vẫn còn thực thực, hư hư, thì những cú phất cờ, toét còi thật giả lẫn lộn, chẳng biết đâu mà lần là dễ hiểu.

Có một thực tế, trọng tài (TT) sai sót, việc Ban TT nhìn mặt để xử, có cả bao che cho TT A, biến TT B thành tốt thí, vừa trừng trị làm gương vừa trấn an dư luận, càng làm cho một bộ phận TT tốt, có tâm trong giới TT khiếp sợ. Sự cô đơn, tủi nhục cho cái nghề cầm cân nảy mực từ chính cách ứng xử chua chát “trong nhà” với nhau, chúng tôi từng thẩm thấu qua không ít tâm sự của TT.

Ném một TT xuống bùn thì dễ, nhưng kéo họ lên là chuyện cực khó. Trước khi cần sự chia sẻ của xã hội, thì chính giới TT, lãnh đạo Ban TT, phải ứng xử văn minh với nhau.

Quả thật, cuộc chơi thời bóng đá kim tiền đã đẩy TT trở thành nghề khá nguy hiểm.

Nhưng, việc phấn đấu để lên bắt giải chuyên nghiệp bằng mọi giá, nhiều TT trẻ chỉ “chơi nghề trọng tài” trong ít năm nhưng giàu lên nhanh chóng, đi đến sân như ông trời con, cũng là vấn đề đáng suy ngẫm. Tuỳ Phong (Báo Thể thao & Văn hoá)

Diệp Xưa
.
.
.