Pháp tăng cường thêm lực lượng bảo vệ Euro 2016

Thứ Ba, 21/06/2016, 08:58
Giới chuyên môn cho rằng, khủng bố và cổ động viên quá khích đang là thách thức lớn đối với an ninh tại Euro 2016. Tờ Le Monde từng cảnh báo, nếu nguy cơ khủng bố luôn hiện hữu trong tâm trí mọi người, thì tình trạng bạo lực và côn đồ trên sân cỏ luôn ở trung tâm của các mối lo ngại về an ninh.


Trong khi đó, ông Antoine Boutonnet, người đứng đầu cơ quan an ninh về chống cổ động viên quá khích của Pháp cho biết, từ đầu tháng 6, Paris đã cấm gần 3.000 cổ động viên đến Pháp trên cơ sở các lệnh cấm vào sân của những quốc gia hữu quan. Ngoài ra, 322 người Pháp cũng không được vào sân, giống như 2.000 cổ động viên quá khích người Anh đã bị chính phủ Anh tịch thu hộ chiếu.

Từ lực lượng đặc nhiệm RAID

Giới chuyên môn khá quan tâm tới lực lượng đặc nhiệm RAID tại Euro 2016. RAID là đơn vị chiến thuật đặc biệt của lực lượng cảnh sát quốc gia (được thành lập năm 1985), và là một trong những lực lượng tinh nhuệ nhất của Pháp, thường xuyên xuất hiện để trấn áp các vụ tấn công bạo lực và luôn che kín mặt.

Biệt đội này có khoảng 180 người, tất cả đều dưới 40 tuổi, hoạt động trên khắp nước Pháp và có đặc quyền trong 21 quận, xung quanh thủ đô Paris. Nhân viên của RAID được trang bị tối tân như bộ đồ liền, găng, mũ trùm đầu chống lửa và chống đạn. Họ được phép chọn loại vũ khí mình thích và sử dụng thành thạo.

Cảnh sát Pháp.

Loại vũ khí cơ bản nhất mà mỗi sỹ quan RAID phải sử dụng thành thạo là súng HK-MP5. Khi cần tác chiến ở tầm xa, nhân viên của RAID sẽ sử dụng loại súng SIG SG551 5,56mm. Súng ngắn thông dụng của RAID là loại ổ quay MR-73.357 và súng tiểu liên Beretta.

Ngoài vũ khí và phương tiện hiện đại, RAID còn được bổ sung thêm "nhân viên" đặc biệt để tham gia bảo vệ tại Euro 2016. Đó là 10 chú chó nghiệp vụ, đã trải qua 3 tháng huấn luyện hết sức khắt khe. Chúng đều thuộc giống chó Malinois của Bỉ, giống chó duy nhất ở Pháp có khả năng phát hiện chất nổ - mũi của chúng có khả năng nhớ bất kỳ loại mùi nào, nhưng chỉ hoạt động hiệu quả trong khoảng 30 phút.

Do đó, ít nhất 15 tiếng/tuần, chúng phải trải qua các bài huấn luyện từ vượt rào cản âm thanh, không sợ bom đạn, vượt chướng ngại vật cho đến tập đánh hơi, phát hiện chất nổ trên mục tiêu di động. Ngoài ra, còn phải tập luyện chiến thuật tấn công cùng con người để củng cố sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa chó nghiệp vụ và người điều khiển.

Theo giới truyền thông, ngoài lực lượng cảnh sát, an ninh và đặc nhiệm Pháp, còn có 180 cảnh sát đến từ nhiều quốc gia cũng đã có mặt tại Pháp để theo dõi các cổ động viên quá khích. Trong số đó, khoảng 50 người được điều về Trung tâm Hợp tác cảnh sát quốc tế (CCPI), 130 người được tăng cường cho cảnh sát Pháp tại 10 thành phố đăng cai các trận đấu.

Và để bảo vệ các sân vận động và các khu vực dành cho cổ động viên, Pháp đã huy động 42.000 cảnh sát, 30.000 hiến binh, 5.200 người đảm bảo an ninh dân sự và 10.000 binh lính nhằm đảm bảo an ninh cho người dân Pháp và khoảng 8 triệu khán giả nước ngoài tham dự Euro 2016.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã triệu tập 180 cảnh sát nước ngoài tới Pháp từ hôm 6-6 để giúp truy tìm, nhận diện các cổ động viên có khuynh hướng bạo lực và tránh để xảy ra các vụ đụng độ trong và xung quanh sân vận động.

Theo nhận định của ông Geoff Pearson, chuyên gia về vấn đề cổ động viên cực đoan tại Trường Đại học Manchester (Anh), cảnh sát Pháp không đủ khả năng kiểm soát các nhóm cổ động viên quá khích người Nga.

Tờ Der Spiegel (Đức) cho rằng, cổ động viên quá khích không phải là chuyện gì mới mẻ, nhưng cảnh sát Pháp đã xem nhẹ việc này. Thị trưởng Marseille Jean-Claude Gaudin thừa nhận, giới chức địa phương đã "bị choáng ngợp" trước các hành động bạo lực, nhưng nhấn mạnh cảnh sát đã can thiệp và trấn áp quyết liệt.

Và các cuộc hỗn chiến đổ máu giữa các cổ động viên đã trở thành bài học cho chính quyền, cũng như lực lượng cảnh sát. Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve cho biết, đã đề nghị giới chức địa phương ra lệnh trục xuất đối với những cổ động viên nước ngoài có hành vi gây rối trật tự công cộng.

Cảnh lộn xộn trước trận đấu giữa Đức và Ukraine.

Tính đến nay, Pháp đã ban hành 2.533 lệnh cấm nhập cảnh với đối tượng tình nghi có thể gây ra hành vi quá khích. Từ tháng 5, trên tờ Liberation, ông Antoine Boutonnet, người đứng đầu Cơ quan quốc gia về chống hooligan (DNLH) thuộc Bộ Nội vụ Pháp đã đề cập tới nguy cơ cổ động viên Anh và Nga có thể sẽ liên kết để chống lại người Hồi giáo tại Marseille và cũng có thể sẽ choảng nhau.

Từ năm 1993, Pháp đã thiết lập hệ thống hồ sơ các đối tượng cấm đến sân vận động (IJS) và rất coi trọng đấu tranh chống lại những hành động bạo lực. Hình phạt dành cho tội danh liên quan thường khá nặng, ngoài các chế tài hình sự nếu bị xử lý, những đối tượng như vậy có thể không được phép tham gia hoạt động bóng đá tới 5 năm.

Tới những cảnh báo từ nhiều phía

Ngày 13-6, Tòa hình sự thành phố Marseille đã xét xử 10 cổ động viên quá khích tham gia các cuộc ẩu đả hôm 11-6, bên lề trận đấu giữa đội tuyển Anh và đội tuyển Nga. Theo đó, 6 cổ động viên người Anh, bị kết án 3 và 2 tháng tù giam, đồng thời bị cấm tới Pháp trong 2 năm. 4 bị cáo khác (1 người Áo và 3 người Pháp) cũng bị kết án tương tự.

Các cổ động viên Anh đập phá quán bar và đụng độ với cảnh sát ở Marseille.

Trong khi 10 cổ động viên kể trên bị xét xử, khoảng 150 cổ động viên quá khích người Nga không phải hầu tòa vì không bị bắt. Nhưng sáng 14-6, cảnh sát Pháp đã bắt và trục xuất 29 cổ động viên Nga vì có dính dáng tới vụ ẩu đả với cổ động viên Anh hôm 11-6 ở Marseille.

Công tố viên thành phố Marseille Brice Robin cho rằng, các cổ động viên quá khích người Nga đã "hành động cực nhanh và tránh được sự kiểm soát của cảnh sát bằng cách không đến Marseille theo đường hàng không". Cảnh sát Pháp cũng được huy động và sẵn sàng can thiệp mạnh để bảo đảm trật tự ở thủ đô Paris.

Theo thống kê, từ ngày 10-6, Bộ Nội vụ Pháp đã bắt giữ 116 người có liên quan tới những vụ ẩu đả bên lề sân cỏ, trong đó 63 người vẫn đang bị giam giữ, 3 người nước ngoài đã bị trục xuất về nước, 5 người bị cấm nhập cảnh vào Pháp.

Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve đã yêu cầu cảnh sát và các lực lượng chức năng phải làm tất cả các biện pháp cần thiết để kiểm soát việc bán và tiêu thụ bia rượu tại các khu fanzone và các địa điểm nhạy cảm nhằm tránh xảy ra vụ việc đáng tiếc như ở Marseille.

Giới chức Pháp từng tính tới khả năng cấm bán rượu tại khu vực công cộng tập trung nhiều người hâm mộ túc cầu. Bởi rượu đã biến Marseille xinh đẹp thành "chiến trường" của hooligan Nga và Anh. Sau vụ làm loạn thành phố Marseille và ẩu đả tại sân Veledrome của cổ động viên Anh và Nga, UEFA đã cảnh báo Liên đoàn Bóng đá Nga và Liên đoàn Bóng đá Anh.

Theo đó, nếu cổ động viên Anh và Nga tiếp tục làm loạn ở Euro 2016, hai đội tuyển này sẽ bị loại khỏi cuộc chơi. Nhưng theo giới truyền thông Nga, các cổ động viên Anh đã xúc phạm Tổng thống Putin, khiến các cổ động viên Nga nổi cáu và xung đột đã diễn ra.

Ông Igor Lebedev kích động CĐV Nga tiếp tục đánh nhau.

Và trên trang Twitter của mình, ông Igor Lebedev, Nghị sĩ đảng Dân chủ tự do Nga và là quan chức cấp cao của Liên đoàn Bóng đá Nga đã lên tiếng kích động cổ động viên Nga tiếp tục nổi loạn, bất chấp sự cảnh báo của UEFA. Ngoài ra, ông Igor Lebedev còn tiết lộ rằng, 90% người hâm mộ Nga sang Pháp đợt này để đánh nhau!

Daily Mail cũng vừa đăng tải đoạn video ghi lại toàn cảnh vụ hooligan Nga tấn công các cổ động viên Anh trên đường phố Marseille trước trận cầu tâm điểm ở bảng B. Và đoạn video này được quay bởi chính một kẻ quá khích trong nhóm hooligan Nga, được đưa lên trang GoPro.

Với những gì được nhìn thấy chứng tỏ, đây là cuộc tấn công được lên kế hoạch từ trước, nhằm vào những người hâm mộ đội tuyển Anh có mặt tại Marseille. Và nhiều người đã thực sự bị sốc với cảnh hooligan Nga tấn công cổ động viên Anh.

Thị trưởng thành phố Marseille Jean-Claude Gaudin cho rằng, việc kiểm soát cổ động viên quá khích đã không được tiến hành ngay từ quê hương họ và đã không có việc hạn chế lượng đồ uống có cồn đối với các cổ động viên trước trận đấu có nguy cơ xung đột cao như Anh và Nga. Cổ động viên Bắc Ailen và Ba Lan cũng ẩu đả nhau ở khu vực Rue Saint-Francois-de-Paule, trung tâm thành phố Nice. Thị trưởng thành phố Nice Christian Estrosi cho biết, cuộc hỗn chiến xảy ra và hành vi của những kẻ côn đồ là không thể chấp nhận được, đáng bị lên án mạnh mẽ.

Các cổ động viên quá khích còn tấn công nhau trong ngày đội tuyển Đức và đội tuyển Ukraine thi đấu. Chai nhựa, ghế và cả bom khói đã được họ mang ra sử dụng tại trung tâm thành phố Lille, nhiều cổ động viên đã hô vang những khẩu hiệu mang tính kỳ thị và vẫy cờ Đức quốc xã.

Trong khi đó, lực lượng cảnh sát và an ninh Pháp can thiệp quá muộn và cẩu thả. Và Paris đã phải ban hành lệnh cấm đồ uống có cồn tại các "khu vực nhạy cảm", như một biện pháp tình thế để ngăn chặn những sự việc tương tự.

Viện Nghiên cứu quốc tế Luxembourg vừa đưa ra cảnh báo, nhóm chiến binh Hồi giáo từng thực hiện vụ khủng bố tại Brussels đang có kế hoạch thực hiện một vụ tấn công vào cơ sở hạt nhân tại Bỉ, và IS đang tìm mọi cách để có vũ khí hủy diệt Bom bẩn (dirty bomb). Theo ông Des Browne, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh, thành viên của Viện Nghiên cứu quốc tế Luxembourg, bom bẩn không khó chế tạo và nó có sức tàn phá đối với môi trường, cơ sở hạ tầng, tâm lý của nạn nhân vụ tấn công và bọn khủng bố có thể sử dụng mạng để tấn công vào các cơ sở hạt nhân và đánh cắp chất phóng xạ". Cảnh báo kể trên diễn ra đúng thời điểm Pháp tổ chức Euro 2016 nên thu hút sự quan tâm, cũng như cảnh giác của giới chuyên môn.

Tuệ Sỹ - Trọng Hậu
.
.
.