Cuộc đua vô địch Premier League 2015-2016

Phép màu từ đâu ra?

Thứ Hai, 22/02/2016, 11:06
“Điên rồ” là tính từ thường xuyên xuất hiện trong những trích đoạn mô tả Premier League nhiều năm qua. Nhưng phải tới mùa này, nội hàm của cụm từ ấy mới thật sự được lột tả. Chưa bao giờ, bóng đá Anh khó lường như hiện nay.


Tốp 4 bây giờ là tình cảnh Premier League chưa từng chứng kiến. Số danh hiệu VĐQG cộng dồn của Tottenham và Leicester là… 2, Arsenal đã không lên đỉnh sau mùa giải vĩ đại 2003-2004. Man City là đội duy nhất thực sự xứng đáng với tên gọi “ông lớn” nhưng bản thân họ lại đang trong thế… bám đuối và có phần hụt hơi sau hai thất bại liên tiếp.

Trong khi đó, nhóm bám đuổi chẳng cho thấy một dấu hiệu khả quan nào. Man Utd hễ gặp đội yếu là… thua còn Liverpool và Chelsea đã nằm ngoài cuộc chơi. Sau rất nhiều năm, giải Ngoại hạng mới lại hấp dẫn tới kỳ lạ và khó hiểu đến vậy. Đâu là lý do cho trật tự điên rồ này, và kết cục cuối mùa sẽ ra sao?

Lợi thế của đội yếu

Việc Leicester đứng vững sau mùa Đông chứng tỏ bản thân The Fox phải sở hữu dàn cầu thủ đủ giỏi và đủ khỏe. Chất lượng cầu thủ về cơ bản tỷ lệ thuận với số tiền CLB bỏ ra. Đấy là tiền đề để giáo sư kinh tế Mark Gregory đi tìm nguyên nhân sâu xa dẫn tới bối cảnh bóng đá Anh mùa này.

Ngai vàng Premier League là màn tranh tài của Arsenal, Tottenham, Man City và Leicester.

Dựa vào các báo cáo chuyển nhượng được công bố rộng rãi trên mạng, Gregory phân loại EP – những cầu thủ trụ cột của mỗi đội và đánh giá tỷ lệ EP giữa đội mạnh và yếu. Ở đây, EP là các gương mặt có quốc tịch thuộc nhóm 10 nền bóng đá phát triển nhất thế giới (theo BXH FIFA).

Mùa 2010-2011, nhóm Big 6 (Arsenal, Man Utd, Man City, Chelsea, Liverpool, Tottenham) chiếm 60% tổng số EP ở giải Ngoại hạng. Sau 5 mùa, con số ấy giảm xuống 51%. Vậy 9% kia đi đâu? Trước đây, 10 đội thuộc nửa dưới BXH (thứ hạng tham khảo trước khi giải đấu khởi tranh) chỉ đăng ký 24 EP và năm nay, nó tăng lên 46, tương đương mức tăng trưởng gần 100%. Cùng kỳ, số EP của Big 6 sau từng ấy thời gian chỉ tăng từ 38 lên 49. 9% EP thâm hụt đã chảy vào danh sách nhóm đội yếu.

9% không phải con số nhỏ. Vì như đã biết, xu hướng của các đại gia là mua càng nhiều càng tốt, đặc biệt là ngôi sao. Lý giải hợp lý nhất cho quyết định “để sổng” nhóm cầu thủ trụ cột vào tay các đội yếu (bao gồm Leicester) là chế tài của FA và luật công bằng tài chính FFP.

Theo luật, mỗi CLB không được đăng ký quá 25 cầu thủ trên 21 tuổi, và 8/25 người này phải trưởng thành từ lò đào tạo trẻ CLB hoặc chơi bóng tại đây trên 3 năm. Đây là lý do mà ngoại trừ Man Utd, cả Arsenal, Chelsea, Man City – những đội lâu nay chuyên săn lùng lính đánh thuê không chi tiêu mạnh hè 2015.

Ngược lại, những đội nhỏ như Leicester sau nhiều năm sống trên hơi thở của các sản phẩm cây nhà lá vườn lại rảnh tay mua sắm vì họ chẳng có gì ngoài… cầu thủ bản địa. Riêng Leicester có tới 16 người thuộc diện này nên 9 suất còn lại, họ thích mua ai cũng được.

Tottenham là câu chuyện khác. “Gà trống” cũng thuộc Big 6 song đội chủ sân White Hart Lane là đại diện duy nhất không bị đe dọa bởi FFP. Trong 6 năm qua, Tottenham luôn làm theo công thức của chủ tịch Daniel Levy là “bán để mua”.

Tottenham ươm mầm ngôi sao, bán giá cắt cổ (Bale, Modric) rồi lấy tiền tiêu dần, dung nạp những cầu thủ khá, làm dày chiều sâu đội hình và quan trọng nhất, HLV của họ, Pochettino cực kỳ khôn ngoan với đồng tiền được cấp. Báo cáo tài chính của Spurs trong thế kỷ 21 không tồn tại khái niệm “thua lỗ” và bỗng dưng, hè nào họ cũng mua sắm rầm rộ, đảm bảo bão chấn thương không ảnh hưởng tiêu cực.

Đấy là khác biệt lớn nhất giữa Tottenham với Man City và Arsenal. Với 7 học trò làm bạn với giường bệnh, Pellegrini bất lực đứng bên đường pitch nhìn đội nhà bại trận. Arsenal tự đánh rơi lợi thế vì Arsene Wenger thiếu người tài lúc nguy nan. Tottenham thì lợi trăm đường, vẫn mua bán mà không sợ vi phạm luật, mặt khác lực lượng từ ghế dự bị luôn sẵn sàng tham chiến khi cần thiết.

Hay không bằng... may

Nền tảng tài chính và hệ thống luật lệ mới dừng lại ở bước cơ sở. Thành công Leicester và Tottenham giành được vẫn dựa vào tài cầm quân của giới huấn luyện và phong độ xuất thần trên sân của cầu thủ. Nhưng sự thật là, Leicester và Tottenham không “hoàn hảo” như chúng ta nghĩ.

Khá bất ngờ khi đội đầu bảng lại là đội có hàng thủ tệ nhất nhóm 6 đội dẫn đầu. Sau 26 vòng, Leicester thủng lưới tới 29 lần. Bên cạnh đó, họ là đội chịu nhiều bàn thua trong vòng 16m50 nhất giải đấu (20). Phòng ngự tốt xưa nay là đòn bẩy cho mọi thành công và Leicester đang bẻ gãy sự thật đó, một cách vô thức.

Tottenham và Leicester thực sự là ứng viên nặng ký cho chức vô địch giải Ngoại hạng.

Nói vô thức bởi thực ra, Leicester phòng ngự rất tệ. Tại Premier League 2015-2016, Leicester chịu 106 pha dứt điểm trong vòng cấm, chỉ kém… Bournemouth. Ở một diễn biến khác, Arsenal tạo ra 71 cơ hội trong vòng cấm với số lần dứt điểm trong phạm vi này là 136, đứng sau duy nhất Barca trong khuôn khổ 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu. Tuy nhiên, Arsenal dứt điểm kém (31 bàn), tức tỷ lệ chuyển hóa 22%. Giả như Arsenal chắt chiu hơn trong những tình huống tấn công, một đội phòng thủ lỏng lẻo như Leicester chưa chắc đã leo cao thế này.

Tất nhiên là thầy trò Ranieri ghi bàn tốt nên chuyện vẫn suôn sẻ. Nhưng ngạc nhiên ở chỗ, Leicester là đội duy nhất tại xứ sương mù chưa ghi bàn ngoài vòng cấm dù rằng, lối chơi phản công của họ theo lý thuyết phải ưu tiên những cú sút xa. Phương án tiếp cận cầu môn đội bạn của Leicester là “phản công thần tốc, không nhiều hơn 4 cầu thủ tham gia tấn công và diễn ra ở tốc độ chóng mặt, dưới 7 giây”.

Tạp chí Economist cho biết, 47% số bàn thắng đến từ kịch bản này tại giải Ngoại hạng thuộc về Leicester. “Cách chơi ấy chẳng khác nào đánh bom tự sát, ngoại trừ Leicester. Tôi cũng không hiểu bí kíp nào giúp họ lên đỉnh vì chẳng HLV nào dám chỉ đạo học trò đá bóng như vậy”, Sir Alex phát biểu.

Xem ra, Tottenham mới là ứng viên nặng ký nhất cho chức vô địch. Người hàng xóm của Arsenal sở hữu bộ tứ vệ chắc chắn nhất (20 bàn thua) và hiệu số bàn thắng-bại tốt nhất (+27). Như đã đề cập, Tottenham duy trì một đội quân tinh nhuệ, khỏe mạnh xuyên suốt mùa giải. Trớ trêu thay là ở giai đoạn sung sức nhất, lịch thi đấu là bất lợi quá lớn với họ.

Từ giờ tới tháng 5, Tottenham còn nguyên 4 cuộc thư hùng gặp Arsenal, Liverpool, Man Utd và Chelsea. Ba tháng hạ màn là quãng thời gian khó lường nhất và khi các đội lớn quyết bung sức, diễn biến có thể không còn thuận lợi cho Tottenham.

Đột nhiên, mọi thứ lại nghiêng về Leicester. Ngay cả lịch thi đấu cũng ủng hộ đội bóng vùng Midlands. Leicester không mất sức đá Cúp châu Âu, và chỉ còn hai chướng ngại vật mang tên Chelsea và Man Utd ở 3 vòng cuối. 7/9 đối thủ trước ấy lại nằm ngoài tốp 10. Nếu giành 20/27 điểm sắp tới, Leicester nhiều khả năng sẽ bước lên ngai vàng bất luận kết quả ở 3 vòng cuối ra sao theo dự đoán của máy tính thông minh Bloomberg.

Leicester chơi tuyệt hay, nhưng có vẻ vận may của họ mới quyết định cuộc đua Premier League mùa này. Nếu Leicester vô địch, đây sẽ là chủ nhân có điểm số thấp nhất trong lịch sử giải đấu, dao động từ 68-73. Kỷ lục cũ thuộc về Man Utd, 75 điểm mùa 1996-1997.

Nhà vua... kém cỏi

Penalty là dạng thức ghi bàn dựa nhiều vào may rủi. Sút 11m hiển nhiên không phải lựa chọn của các đội bóng muốn leo tới đỉnh cao nhất. Nhưng Vardy và đồng đội đang viết lại định nghĩa “nhà vua”, bằng chứng là họ đã 8 lần xé lưới đối phương nhờ chấm phạt đền, chiếm 15% số bàn thắng của đội, cao gấp đôi mức kỷ lục trước đây của Man Utd (6%, mùa 2012/13). Nếu coi mỗi quả penalty là một cơ hội thì Leicester đã nó chiếm 1/6 tổng số cơ hội đội tạo ra.

Ý trời dường như tiếp tục hậu thuẫn tham vọng tạo nên cơn địa chấn trong lịch sử bóng đá châu Âu của Leicester. Ở chặng đường còn lại, Leicester sẽ chạm mặt Sunderland và Norwich, hai đội bị thổi phạt đền nhiều nhất Premier League (mỗi đội 7 lần). “Leicester cần penalty để vô địch. Chỉ thế mà đăng quang thì bóng đá Anh tệ quá rồi!”, cựu danh thủ Gary Lineker nói với BBC.

Những dự cảm bất an

Vào tháng 12-2015, tờ Independent đã đưa ra một dự báo khác người: Chức vô địch sẽ rơi khỏi nhóm đại gia. Nhật báo của Anh đưa ra những thông số dưới đây. Một, Chelsea là nhà ĐKVĐ có khởi đầu tệ nhất trong 23 năm hình thành và phát triển giải đấu. Hai, khoảng cách giữa 4 đội dẫn đầu và đội đứng thứ 5 bị rút ngắn xuống điểm số của một trận hòa. Ba, Chelsea và Man City (hai đội dẫn đầu mùa trước) thua 12 trận sau 15 vòng, gợi nhớ lại hình ảnh của 10 năm về trước. Bốn, Leicester là ngựa ô đầu tiên trong kỷ nguyên mở trụ lại Tốp 4 sau ngày lễ tặng quà.

Khi ấy, chính Sir Alex đã tuyên bố nhiệm vụ của báo chí là đưa thông tin giật gân, gây hoang mang dư luận và chắc chắn Cúp bạc Premier League sẽ thuộc quyền sở hữu nhóm đội mạnh. Nhưng giờ đây, kịch bản hoang đường ấy đang từng bước trở thành sự thật. Chỉ cần Tottenham vô địch thôi cũng sẽ là cú sốc kinh điển rồi, chưa bàn tới Leicester.


Đơn Ca
.
.
.