Premier League mùa hè

Phía sau những chuyến đi

Thứ Sáu, 31/07/2015, 19:30
CLB Manchester City vừa kết thúc chuyến du đấu tại Hà Nội với khá nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, dưới khía cạnh và góc nhìn của đội bóng Anh, mọi thứ đã ổn thỏa. Mục đích của họ đã hoàn thành, giống như tôn chỉ của các CLB Premier League trong mùa hè bận rộn. Tuy nhiên, những chuyến du đấu đắt đỏ của họ cũng có những câu chuyện không hề được tô màu hồng.

1.Bóng đá Anh luôn đi đầu trong mọi lĩnh vực liên quan đến… tiền. Từ việc họ tạo ra mức lương trần, phá giá chuyển nhượng, phá vỡ mọi rào cản lương bổng, tạo ra ngành công nghiệp truyền thông bóng đá, giải trí, đến cả việc đưa đội bóng đi kiếm tiền, quảng bá hình ảnh vào mùa hè. Các CLB Anh chính là những người đi đầu trong kế hoạch khai phá thị trường nước ngoài với những trận đấu biểu diễn trong thời gian nghỉ hè, bất chấp đã có những phàn nàn, vấp phải nhiều sự phản đối.

Khá nhiều HLV, trong đó có ông Arsene Wenger của CLB Arsenal đã từng nói rằng, những chuyến du đấu hè kiểu này các cầu thủ được nghỉ ngơi, du lịch, thư giãn, nhưng thực tế họ cũng mệt mỏi chẳng kém thời gian thi đấu trong mùa giải. Lịch thi đấu không dày, nhưng mỗi đội có trung bình khoảng 4 đến 7 trận giao hữu trong vòng 2 tháng, di chuyển cỡ khoảng vài chục ngàn kilômét, thì đó quả thật là những chuyến đi không hề nhẹ nhàng như mọi người tưởng tượng. Thậm chí, nó còn xảy ra những chuyện có thể mang đến những hệ quả khôn lường.

Man City trong trận đấu giao hữu với ĐT Việt Nam.

Bóng đá Anh thì thứ gì cũng có. Kể cả các CLB nghỉ hè du đấu thì vẫn có đầy những thông tin và cả thống kê. Và những con số đó khiến nhiều người phải giật mình. Arsenal đã du đấu tổng cộng 55 nước trên thế giới. Các CLB Anh (chỉ tính 20 CLB tại Premier League mùa này) đã đi trung bình, mỗi CLB đến 42 nước.

Trong 5 năm gần đây, mỗi mùa hè, các CLB Anh di chuyển trung bình trên 100.000 dặm. Mùa hè 2015 này, họ lại tiếp tục lập kỉ lục khi bay tổng cộng 187.864 dặm (khoảng trên 300.000km), gấp 7,5 lần độ dài một vòng trái đất. Thực chất đó mới chỉ tính ở 19 CLB, trừ Leicester City không du đấu sau vụ scandal động trời trong chuyến đi đến Thái Lan hồi cuối tháng 5 vừa qua. Đó là một bi kịch, một sự kiện hy hữu mà tôi sẽ kể ở phần sau. CLB di chuyển nhiều nhất được tính toán là Liverpool với quãng đường 24.030 dặm, tiếp đến chính là Man City với 22,214 dặm. Đó là con số bằng gần 2/3 quãng đường mà họ di chuyển thi đấu sân khách trong cả mùa giải Premier League.

Với sự "vất vả" đó, đương nhiên các CLB cũng nhận lại rất nhiều. Mỗi mùa hè, một CLB tầm cỡ Man Utd, Man City, Liverpool hay Chelsea, Arsenal sẽ thu về khoảng 4 đến 5 triệu bảng tiền phí ra sân, đó là chưa kể phụ phí mà phía chủ nhà mời phải chi trả, hoặc những hợp đồng hợp tác. Hoặc có những trận đấu đặc biệt kiểu trận đấu giao hữu đắt giá nhất thế giới diễn ra năm 2009 giữa Man Utd và Real Madrid tổ chức tại Saudi Arabia. Họ đá 1 trận 90 phút, mỗi đội nhận 2 triệu bảng, nhưng chi phí tổ chức, tiếp đón và chiêu đãi 2 dàn sao thượng hạng này lên đến trên 10 triệu bảng với khách sạn 6 sao, nghi lễ Hoàng gia và các hoạt động tiếp đón chào mừng, quà tặng. Ngay như Man City, khi thi đấu ở UAE năm 2009, họ cũng được ở khách sạn 6 sao, được tặng mỗi thành viên 1 chiếc đồng hồng Rolex siêu sang, nhẫn có tổng giá trị gần 2 triệu bảng.

Mourinho và Chelsea trong chuyến du đấu đến Thái Lan.

2.Hoành tráng là thế, nhưng không phải lúc nào mọi chuyện cũng suôn sẻ. Các cầu thủ dù có là ngôi sao lớn cỡ nào cũng chỉ là những người bình thường. Thậm chí, họ còn có cái máu khác người, nên cũng có thể tạo ra những chuyện oái oăm. Và đây là câu chuyện về Leicester City. Không phải là đội bóng tên tuổi, nhưng Leicester cũng là đội bóng đặc biệt khi đi du đấu.

Ông chủ của CLB là một tỷ phú người Thái Lan, ông Vichai Srivaddhanaprabha. Với ông Vichai, Leicester được mời sang Thái Lan du đấu thiện chí ngay sau khi mùa giải 2014/15 kết thúc. Chuyến đi diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua, và nó trở thành một bi kịch không thể tưởng tượng nổi. Chuyến đi đã rất tốt đẹp nếu sau đó không có một đoạn clip được lưu truyền, trong đó ghi lại cảnh 3 cầu thủ Tom Hopper, Adam Smith và James Pearson (con trai của HLV Leicester, ông Nigel Pearson) cùng nhau sinh hoạt tình dục đồi trụy với nhiều phụ nữ bản địa trong một căn phòng khách sạn sang trọng.

Chưa dừng lại ở đó, bộ ba này còn có những lời lẽ rất bậy bạ, có ý phân biệt chủng tộc và miệt thị các cô gái được cho là người Thái Lan. Ngay sau khi phát hiện clip này, và được tờ Mirror đưa ra, Ban lãnh đạo Leicester đã lập tức sa thải cả 3 cầu thủ trên lẫn HLV Nigel Pearson, người vừa được tôn vinh sau khi đưa CLB này thoát hiểm, trụ hạng ngoạn mục.

Hệ quả của chuyến du dấu này để lại quá nặng nề. Nó ảnh hưởng không chỉ đến các cầu thủ với những án phạt nghiêm khắc, có thể hủy hoại cả sự nghiệp của họ, mà còn làm vấy bẩn hình ảnh CLB, và thậm chí là liên lụy đến cả Premier League. Ai cũng biết đây là giải đấu số 1 thế giới, nhưng cũng là nơi có quá nhiều scandal, quá nhiều vụ lùm xùm tình ái, tiền bạc của những ngôi sao bóng đá.

Những scandal kiểu như vậy không thiếu ở các CLB Anh. Ngôi sao của Liverpool, Don Hutchison từng chụp ảnh khỏa thân rồi tung ra cho mọi người cùng thưởng lãm khi đến du dấu ở UAE năm 1994. Kết cục là Hutchison cũng bị bán ngay vài ngày sau đó. Huyền thoại Alan Shearer từng bị rộp chân ở Majorca. Sau đó là năm 2004, trong màu áo Newcastel, Shearer và đồng đội dính phải một phen hớt hải ba chân bốn cẳng chạy khỏi khách sạn ở Milan vì chuông báo cháy reo vào lúc 5 giờ sáng. Trước đó, khi di chuyển đến Milan, máy bay chở đội còn bị hỏng 1 động cơ. Nó khiến thành viên đội bóng hồn vía lên mây. Năm 1995, Shearer từng phải nghỉ 18 ngày vì ngộ độc thức ăn ở Bồ Đào Nha.

Đi du đấu xa nhà, đến những nơi có nền văn hóa, truyền thống khác hoàn toàn, đặc biệt là châu Á, đã tạo ra nhiều phiền phức cho các CLB cũng như cầu thủ. Trước mỗi chuyến đi, toàn đội phải họp lại nghe phổ biến văn hóa, thói quen và những điều nên làm, cũng giống như họp đoàn đi du lịch vậy. Nhưng có điều khác biệt là các cầu thủ là những ngôi sao được chờ đón nên họ có những đặc quyền và nguyên tắc riêng.

Ví dụ: không trả lời phỏng vấn, không tiếp xúc truyền thông, không rời khỏi đội, không va chạm với CĐV nếu không có sự cho phép của BLĐ. Tất cả những lời nói bằng tiếng bản địa đều phải được duyệt và giao lưu trong các buổi giao lưu chính thức. Mọi hoạt động của đội được phân chia là thực hiện theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, vẫn có những chuyện không hay xảy ra. Vì thế, nói rằng các cầu thủ sướng vì được đi du lịch, nghỉ dưỡng, nhưng thực tế những chuyến đi ấy cũng chẳng được thoải mái lắm. Thậm chí, thời gian đó còn mệt mỏi hơn với những chuyến bay dài. Chẳng thế mà nhiều HLV cho rằng, mùa hè chẳng khác gì thi đấu thêm 5 vòng đấu nữa ở Premier League.

Liverpool, CLB di chuyển nhiều nhất mùa hè 2015.

3.Mặc dù có thể dính rất nhiều rắc rối, phiền phức, tiêu tốn rất nhiều sức lực, thậm chí nhiều người phản đối, đặc biệt là Liên đoàn Bóng đá Anh (FA), nhưng những chuyến du đấu liên miên vẫn diễn ra như một trào lưu thượng hạng. Luis van Gaal, HLV của Man Utd từng phải "chịu trận" tới 4 tiếng đồng hồ để họp báo ở Mỹ trước một trận đấu, nhưng ông vẫn khẳng định, những chuyến đi thế này giúp ích nhiều cho đội, giúp ông và đội bóng thư giãn, tìm ra những nhân tố mới hay hòa nhập các tân binh với tập thể.

Hơn nữa, trong thời gian mùa hè, đặc biệt là những năm không diễn ra World Cup hay EURO, đó là lúc bóng đá thế giới tê liệt. Các cổ động viên khát bóng đá như nắng hạn chờ mưa, vì thế, chuyện các đội bóng lớn thi đấu, với những ngôi sao lớn trong đội hình tạo ra sức hút khủng khiếp.

Và như thế, những chuyến du đấu vẫn diễn ra như những hành trình quảng bá, những màn trình diễn đầy hấp dẫn, và những trận đấu đắt đỏ. Các trận đấu kiểu như vậy vẫn là một phần không thể thiếu của các giải đấu lớn, các đội bóng lớn. Thế là hàng loạt chuyến đi vẫn cứ diễn ra, và người ta vẫn cứ tưởng tượng Premier League đang diễn ra. Dù là cảm giác, nhưng… cũng thấy vui. Xét cho cùng, tiền bỏ ra cũng chỉ để làm vui thôi mà!

Họ đi lại như thế nào?

Những chuyến du đấu đầu tiên được tiến hành khoảng cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước, và Man Utd là một trong những đội bóng đầu tiên mở dường đi "trình diễn" ngoài nước Anh và châu Á. Cho đến nay, những chuyến du đấu không chỉ là thi đấu với đội bóng bản địa, trào lưu mới được phổ biến rộng rãi là các giải đấu bao gồm nhiều CLB danh tiếng. Tại Mỹ, hằng năm đều diễn ra giải quốc tế gồm nhiều CLB nổi tiếng của Anh, Tây Ban Nha, Italia. Tại châu Á, đặc biệt là Malaysia, Thái Lan, Singapore thì có các giải Premier League với nhiều CLB Anh thi đấu với nhau.

Chi phí do nước chủ nhà đài thọ. Thậm chí, có những CLB yêu cầu có chuyên cơ riêng. Cho phí cho mỗi chuyến bay có khi lên đến cả triệu bảng. Mùa hè này, các CLB Anh di chuyển gần 190.000 dặm, với tổng cộng khoảng 320 chặng bay. Nhàn nhất đương nhiêu là Leicester, họ không đi đâu cả sau scandal ở Thái Lan. Và nhạt nhẽo nhất là West Brom. Họ di chuyển gần 1.000 dặm để thi đấu với Red Bull Salzburg tại sân vận động có… 700 chỗ ngồi.

3 CLB di chuyển nhiều nhất hè 2015

Liverpool: 24.030 dặm, đến Thái Lan, Australia, Malaysia và Phần Lan.

Man City: 22,214 dặm, đến Australia, Canada, Việt Nam.

Stoke City: 14.789 dặm, đến Singapore, Đức.

Lê Giang
.
.
.