Phiên đấu giá họa phẩm đầu năm 2018: Vẫn chờ đợi những cú hích mạnh mẽ

Thứ Bảy, 20/01/2018, 18:13
Nhiều họa phẩm có giá trị và hấp dẫn với thị trường quốc tế thì ở phiên đấu giá do Lý Thị Auction tổ chức tại TP Hồ Chí Minh vào ngày 13-1 vừa qua lại có vẻ hơi… chùng. Các đại gia, các nhà sưu tập nội địa có “giải cứu” được thị trường ấy mãi hay không? Hay chúng ta vẫn cần những cú hích mạnh mẽ từ cơ chế, từ các cấp cao hơn nhằm khởi động thị trường được xem là tiềm năng này?


Cuộc "trở về" của những họa phẩm vượt thời gian

Gọi là “cuộc trở về” là bởi trước đó, hội họa Việt Nam có những cái tên “làm mưa làm gió” ở nước ngoài như Lê Bá Đảng, Lê Phổ, Vũ Cao Đàm… nhưng chưa thực sự được đánh giá đúng mức về vai trò, vị trí ở trong nước.

Trong khi đó, những tác giả thành danh tại miền Nam Việt Nam trước 1975 như Nguyễn Trung, Đinh Cường, Hồ Hữu Thủ, Văn Đen, Tú Duyên, Thái Tuấn, Hiếu Đệ, Ngọc Dũng, Nguyễn Văn Phương, Hồ Thành Đức, Bửu Chỉ, Nguyễn Quỳnh, Trịnh Thanh Tùng… đã để lại dấu ấn, góp thêm màu sắc cho nền mỹ thuật Việt Nam nhưng do điều kiện lịch sử, chiến tranh mà những cái tên đó chưa đến được với đông đảo công chúng.

Bức “Tĩnh vật hoa” của danh họa Lê Phổ.

Theo đại diện Nhà đấu giá Lý Thị Auction, bà Lý Bích Ngọc, tranh của những họa sĩ này không chỉ được đánh giá cao về tính sáng tạo, mà còn ngày càng có giá trên thị trường mỹ thuật quốc tế. Cuộc trưng bày và đấu giá lần này sẽ giới thiệu tới công chúng 22 bức tranh của các tác giả miền Nam. Trong đó, có những tác phẩm của cái tên “làm nên chuyện” ở nước ngoài.

Đây được đánh giá là phiên đấu giá quy tụ đông đảo nhất những tác giả thành danh tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Những họa phẩm của các tác giả này được kì vọng là những thành tố mới, góp thêm nhiều giá trị cho thị trường nghệ thuật Việt Nam trong thời gian tới.

Có một điều đáng nói là, những sắc màu đó, dù được vẽ ở đâu đi chăng nữa, vẫn ngập tràn cảm hứng lãng mạn phương Đông. Chất Á đông đó thể hiện trong cách lựa chọn chất liệu, màu sắc và tình cảm của tác giả kí thác vào đó.

Lê Phổ thuộc thế hệ họa sỹ đầu tiên thành danh trên đất Pháp bên cạnh Vũ Cao Đàm, Lê Thị Lựu, Mai Trung Thứ. Ông được gọi là “danh họa Việt Nam trên đất Pháp”. Tranh của ông vận dụng rất khéo léo các chủ đề phổ quát của văn hóa phương Tây rồi lồng ghép vào khung cảnh Á đông, hoặc Việt Nam.   

Bức “Idylle” của danh họa Vũ Cao Đàm.

Được biết, trong suốt cuộc đời của mình, dù định cư tại Pháp từ năm 1937 và không còn về thăm lại quê hương sau đó, nhưng ông luôn đau đáu tinh thần “hoài hương” rất rõ. Trong tranh của danh họa này, con người hòa mình vào tự nhiên và thường xuất hiện những bông hoa. Một nhà phê bình mỹ thuật quốc tế từng nhận xét Lê Phổ thể hiện nỗi nhớ quê hương bằng hàng ngàn bông hoa.

“Tôi ở Pháp 60 năm nay, tôi mang quốc tịch Pháp nhưng không lúc nào tôi không nhớ đến quê hương. Vì thế tôi đã để riêng ra 20 bức tranh lựa chọn rất cẩn thận để biếu Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam”, ông từng chia sẻ trong những năm cuối đời.

“Tĩnh vật hoa”, một họa phẩm của ông, lưu lạc qua bao nhiêu phiên đấu giá, qua tay bao nhiêu nhà sưu tập, vừa được “ghé thăm quê hương” trong phiên đấu giá.

Danh họa Lê Phổ từng phát biểu nhiều lần trên các phương tiện truyền thông rằng: “Vũ Cao Đàm mới là bậc thầy, mới là bề trên của tôi”. Vũ Cao Đàm làm rất nhiều tượng cho các Tổng thống của Pháp. Ông có mối quan hệ thân tình với giới điện ảnh thời bấy giờ, được rất nhiều tài tử Holywood cũng như châu Âu mời vẽ tranh, làm tượng. Ông có kiến thức rất vững vàng, trọn vẹn nhưng ngay cả khi làm tượng cho Tổng thống Pháp, ông cũng làm tượng theo kiểu Việt Nam.

Vũ Cao Đàm ca ngợi nhiều tác phẩm của Việt Nam, trong đó có “Chinh phụ ngâm khúc”, “Cung oán ngâm khúc”, “Truyện Kiều”, “Truyện kỳ mạn lục”, thơ Hồ Xuân Hương… Tác phẩm “Idylle” trong phiên đấu giá lần này được mang cảm hứng đó, được cho là Thúy Kiều và Kim Trọng khi gặp nhau, ngồi hàn huyên phía đông nhà Thúy Kiều, với tạo hình rất quen thuộc và riêng của Vũ Cao Đàm. Không gian đó không ai có thể bắt chước ông và ông cũng không bắt chước ai.

Thuộc thế hệ thứ 2 của Pháp, nếu danh họa Điềm Phùng Thị là một tên tuổi lớn của nền điêu khắc thế giới thì Lê Bá Đảng được giới nghệ thuật gọi là “bậc thầy của hai thế giới Đông – Tây”. Tranh của ông được xuất hiện ở hầu hết các bảo tàng danh giá nhất của châu Âu. Ngoài tranh sáng tác, tài sản hội họa của danh họa Lê Bá Đảng còn có cả tranh in với số lượng được đánh theo thứ tự đến 300 hoặc 500 bản để bán.

Ông có một biệt tài là kết hợp sử dụng nghệ thuật tạo hình phương Đông và phương Tây, cổ - kim tạo được những mối liên kết trong các phần của một bức tranh, để làm nên không gian của Lê Bá Đảng mà không bị trộn lẫn bởi bất cứ họa sỹ nào.

Tác phẩm màu nước trên giấy croquis "Bức tranh không đặt tên" của Bùi Giáng.

“Trở về nước” lần này, nhìn vào một tác phẩm trong loạt “Tấn trò đời” được mang ra phiên đấu giá vừa qua, ta có thể thấy, Lê Bá Đảng lấy tinh thần của Pháp nhưng vẽ bằng kĩ thuật rất Việt Nam, nghĩa là bằng rất nhiều đồ họa. Những hình ảnh người trong tư thế của “tấn trò đời”, nhìn xa thì tưởng là tượng hình Hán tự. Theo ông từng chia sẻ, bức tranh tượng trưng cho tất cả cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố của con người.

“Hoài hương” được cho là tác phẩm cuối cùng của danh họa Thái Tuấn. Thái Tuấn quê Thanh Hóa, lớn lên ở Hà Nội, trưởng thành tại Sài Gòn, định cư tại Pháp. Những năm cuối đời, ông về sống tại TP Hồ Chí Minh. Sau khi rời Thanh Hóa, Thái Tuấn không trở về lần nào nữa. Người ta hỏi ông vì sao?

Ông bảo, quê hương đã ở trong hầu hết tác phẩm của mình rồi. Quê hương ấy là một cõi mơ, cõi đẹp. Người ta kể lại rằng, mỗi lần nhớ quê, ông lại vẽ tranh. Bức tranh này là niềm hoài nhớ của một người con xa quê, là bức tranh cuối cùng của một danh họa. 

Ngọc Dũng là một trong những họa sỹ nổi tiếng của miền Nam trước 1975. Những họa phẩm của Ngọc Dũng xuất hiện rất nhiều trên các bìa sách, tạp chí thời bấy giờ. Bản thân ông cũng là người lý thuyết về mỹ thuật.

Ngọc Dũng cùng Duy Thanh hay những cộng sự của mình như Nguyễn Quỳnh, Trịnh Cung, Nguyễn Trung… đã du nhập hầu hết lý thuyết đương thời của thế giới vào Sài Gòn. Bức tĩnh vật có mặt trong phiên đấu giá vào ngày 13-1 vừa qua, được Ngọc Dũng vẽ năm 1960, để kỷ niệm một tình bạn thắm thiết.

Theo Ban tổ chức, thời điểm đó, lịch sử có nhiều biến chuyển khốc liệt. Ngọc Dũng là một người tri thức, nhận thức được tất cả hoàn cảnh mình đang sống, nhưng ông đã chọn cách vẽ riêng tư và muốn xa lánh thế sự, để bày tỏ tình cảm với một người bạn.

Bức tranh vẽ tặng người bạn gái, để kỉ niệm một tình bạn thắm thiết. Cô gái đó ở độ tuổi không còn nhỏ nữa và lần đầu tiên lên xe hoa. Cô gái đó bây giờ đã thành một bà lão. Bà muốn bán lại bức tranh này làm của hồi môn cho đứa cháu gái của mình.

"đường về" còn xa

Giới thiệu tổng cộng 26 họa phẩm của các họa sỹ nổi tiếng lần này, Lý Thị Auction đã “chơi” một cuộc lớn trong những ngày đầu năm 2018. Kết quả, có 9 trong tổng số 26 tác phẩm đã được bán thành công, với tổng giá trị giao dịch lên đến 148.800 USD.

Trong đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi 2 vị trí đấu giá cao nhất thuộc về tác phẩm sơn dầu trên vải lụa và ván “Tĩnh vật hoa” của Lê Phổ, vẽ năm 1955 với 54.000 USD và bức sơn dầu trên toan “Idylle” của Vũ Cao Đàm, vẽ năm 1969 với 33.500 USD.

Nhiều người coi phiên mở màn năm mới của Lý Thị đã mang lại nhiều hứng khởi cho những người yêu nghệ thuật, hứa hẹn khởi sắc cho thị trường mỹ thuật. Tất nhiên, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhất là nạn tranh giả từ lâu đã “làm khó” cho cả giới sáng tác và cơ quan quản lý, sự ra đời và hoạt động của Lý Thị hay các nhà đấu giá nghệ thuật khác được xem là nỗ lực đáng khích lệ, một tín hiệu tốt đối với thị trường nghệ thuật èo uột của chúng ta trong nhiều năm qua.

Càng có nhiều nhà đấu giá nội địa tham gia, thị trường sẽ càng phát triển. Song, bỏ qua con số tổng giao dịch ở trên, nếu theo dõi phiên đấu từ đầu đến cuối, có thể thấy, “đường về” của những họa phẩm nổi tiếng vẫn còn xa lắm với một thị trường hãy còn non trẻ như Việt Nam.

Tác phẩm sơn dầu trên bố "Ngồi bên Sông Hương" của họa sỹ Đinh Cường (1973).

Một số tác phẩm của các họa sỹ thành danh được mang ra đấu giá với giá “thấp hơn giá sàn” với cái tên của họ, mục đích nhằm kích thích thị trường nội địa. 7 tác phẩm đấu giá thành công còn lại, các bước giá vẫn còn dè dặt. Không khí giống một cuộc triển lãm hơn là một phiên đấu giá. Ban tổ chức liên tục nhắc “đấu giá là có hơn 2 người mua”.

Do hoàn cảnh lịch sử, chiến tranh, nhiều họa sỹ không đến được với đông đảo công chúng nên Ban tổ chức vẫn phải thuyết trình về tác giả, tác phẩm. Việt Nam vẫn là một thị trường mới; trong tương lai, khoảng 2-3 năm tới, khi những người tham gia phiên đấu “tự chủ” được về thông tin, Ban tổ chức kì vọng sẽ đấu giá liên tục như các phiên đấu của quốc tế. Có một điều đáng tiếc là một số cái tên “có giá” với thị trường bên ngoài lại bị bỏ sót trong phiên đấu nội địa vừa qua. 

Để thị trường mỹ thuật trong nước phát triển, cần nhiều yếu tố. Thị trường đó đã bị bỏ quên hàng chục năm qua. Việc kiến tạo, định vị và xác lập không phải ngày một ngày hai. Bên cạnh những nhà sưu tập nội địa thì Nhà nước cũng nên có những biện pháp cụ thể, tránh tình trạng tranh được chuyển bán ra bên ngoài, rồi sau đó lại “nhập khẩu” về với giá cắt cổ.

Đậu Dung
.
.
.