Philipp Lahm: Lời từ giã của một cá tính đặc biệt

Thứ Ba, 22/07/2014, 15:33

Chỉ vài ngày sau khi nâng cao chiếc cúp vô địch thế giới lịch sử, đội trưởng Philipp Lahm bất ngờ nói lời chia tay ĐTQG Đức. Một quyết định không ai ngờ tới, nó tạo ra cú sốc lớn cho bóng đá Đức. Nhưng xét cho cùng, đó là một lời chia tay hoàn hảo của một người luôn có thể tạo ra sự hoàn hảo.

1.Trong cuộc đời cầu thủ, chức vô địch World Cup luôn là khát vọng cháy bỏng và khó khăn nhất. P.Lahm đã có được danh hiệu lớn cuối cùng còn thiếu để bước vào lịch sử. Ở tuổi 30, Lahm có thể còn thi đấu đỉnh cao vài năm nữa, nhưng hơn ai hết, chính anh hiểu được rằng mình có thể làm gì, có thể cống hiến được gì với chặng đường còn lại. Có lẽ từ lâu lắm rồi, ĐTQG Đức mới lại có một người đội trưởng khác biệt như Lahm, với một quyết định chia tay dễ dàng và cũng rất… khác biệt.

ĐT Đức năm 2002 thi đấu tuyệt vời và là á quân thế giới với Oliver Kahn, thủ môn duy nhất đến nay đoạt danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất World Cup. Nhưng đó cũng là World Cup cuối cùng Kahn là đội trưởng thực sự, thủ lĩnh đích thực. Bốn năm sau, với một cuộc tranh cãi lớn chưa từng thấy, Kahn không còn là đội trưởng nữa mà thay vào đó là Michael Ballack. Đó là một sự chuyển giao lớn, và cũng gây ra một cuộc đấu tranh lớn. Cũng chỉ 4 năm sau, trước khi World Cup 2010 khởi tranh, Ballack chấn thương không thể tham dự giải đấu tại Nam Phi, lại một cuộc đấu tranh nữa diễn ra. Lựa chọn mãi cuối cùng Lahm được chọn là người đeo băng đội trưởng thế chỗ Ballack.

Khi ấy, phần đông CĐV cho rằng Lahm không phù hợp ở 3 yếu tố. Thứ nhất là tính cách không bặm trợn, thiếu chất thép và cá tính như Kahn hay Ballack, mẫu thủ lĩnh truyền thống của Đức. Thứ hai anh là một hậu vệ biên, người ít có vai trò chỉ đạo ở hàng phòng ngự như thủ môn, trung vệ, và cũng không thể là trung tâm đội hình như tiền vệ Ballack, cũng chẳng dẫn đầu đoàn quân như một tiền đạo. Và thứ ba, Lahm mới 26 tuổi, đã chín về sự nghiệp, nhưng thiếu khả năng lãnh đạo, không hoàn toàn là một thủ lĩnh tinh thần cũng như một người có thể truyền lửa, kiểu như Schweinsteiger, mà đơn giản là một người miệt mài, điềm đạm và cần cù. Quan trọng nhất là chưa bao giờ có ai trẻ như vậy đeo băng đội trưởng ĐT Đức ở một kì World Cup.

Không chỉ có vậy, những xung khắc với Ballack nảy sinh, đẩy lên đến mức mâu thuẫn khi Ballack cho rằng mình bị Lahm "đánh cắp" vai trò đội trưởng. Đã có rất nhiều lời qua tiếng lại, tạo ra áp lực rất lớn lên chiếc băng mà Lahm đeo. Thậm chí nhiều người cho rằng Schweinsteiger xứng đáng hơn Lahm. Nhưng World Cup 2010, Lahm đã hoàn thành xuất sắc vai trò, với một hình ảnh rất mới, đúng như tính cách của mình. Nó phù hợp với đội hình cũng như phong cách và lối chơi hiện tại của Đức. Và từ đó, Lahm gắn bó với dải băng trên tay, như một hình ảnh mẫu mực của một thủ lĩnh, miệt mài, cần mẫn, biết thổi cảm hứng (chứ không hẳn là thổi lửa), và gắn kết cả một đội bóng vốn gồm hầu hết những đồng đội ở Bayern. Và thật hiếm có một ngôi sao nào gần như không có vết đen scandal, không chơi xấu, rất ít khi nhận thẻ, và có thể sẵn sàng hi sinh bản thân như Lahm. Sự hiền lành của Lahm thậm chí còn khiến người ta đồn thổi rằng anh là dân… đồng tính.

Ít ai đủ dũng cảm để đưa ra quyết định như Lahm.

2.Có lẽ Lahm là đội trưởng duy nhất trong lịch sử ĐT Đức từng chơi ở cả 3 vị trí khi "đương nhiệm": hậu vệ phải, hậu vệ trái và tiền vệ trung tâm. Lahm chấp nhận hi sinh vai trò sở trường cho thành công chung của tập thể, với mục tiêu duy nhất: chiến thắng. Sau 4 giải đấu liên tiếp thất bại, Lahm vẫn kiên trì để tạo ra sự hoàn hảo. Báo chí Đức đã tìm hiểu và phỏng vấn mẹ của Lahm. Bà nói rằng, Lahm là cậu bé có phẩm chất hoàn hảo từ khi còn phải nằm trên bàn thay tã. Và khi làm cha, Lahm cũng là người thường xuyên thay tã cho con một cách cũng rất… hoàn hảo. Lahm luôn hướng đến sự hoàn hảo, và luôn suy nghĩ, hành động thấu đáo mà không nghĩ cho riêng bản thân. Vì thế, việc Lahm từ giã ĐTQG là một cách anh thấy rằng mình không còn hoàn hảo cho ĐTQG, mà dành điều đó cho các đồng đội, lớp đàn em.

Cách suy nghĩ, và đưa ra quyết định của Lahm hoàn toàn khác so với Kahn, Ballack trước kia, và xa hơn nưa là Lothar Matthaeus, người nổi tiếng giữ băng đội trưởng và thi đấu đến lúc đạt cột mốc 150 trận cho ĐTQG. Không cố giữ lấy hào quang bằng mọi giá, không bảo thủ và không "cố vị", Lahm không muốn mình đến một ngày sẽ là gánh nặng, tạo ra sự khó xử cho tập thể. Đó là điều đáng ngưỡng mộ, xứng đáng nhận được những lời cảm ơn, và nể phục, hơn là sự nuối tiếc hay trách móc.

Khi đạt đến cột mốc 100 trận cho ĐTQG ngày 6/9/2013 (trận gặp Áo tại vòng loại World Cup 2014), Lahm đã trả lời câu chúc mừng của phóng viên rằng: "Trận đấu thứ 100. Đó là điều tuyệt vời. Nhưng quan trọng hơn là ngày mai đội bóng chiến thắng". Lahm coi đó là một thành tích chứ không phải một thành tựu, thứ mà nhiều cầu thủ lớn không thể vươn tới, ví dụ như chính người "tiền nhiệm" Ballack, "mắc kẹt" ở con số 98 trận cho ĐTQG.

Tính cách của Lahm tạo ra sự tin tưởng, từ đồng đội đến HLV. HLV Joachim Loew từng nói: "Lahm là cầu thủ mà tất cả HLV đều phải tin cậy tuyệt đối". Còn HLV Bayern, ông Guardiola thì khẳng định: "Tôi chưa bao giờ làm việc với một cầu thủ thông minh như cậu ấy". Đó cũng là điều tạo ra hình ảnh khác biệt ở Lahm, và sự có mặt của anh trên sân khiến đồng đội có niềm tin và cả sự trông cậy.

Một người đội trưởng cần mẫn, miệt mài.

Trong trận chung kết World Cup vừa qua gặp Argentina, sau khi Kramer phải rời sân vì choáng từ một pha va chạm ngay phút 30, Loew đã hội ý nhanh với Lahm sau đó đưa ra quyết định thay người. Schuerrle được tung vào sân và chính cầu thủ này tạo ra sự khác biệt về thế trận, cũng là người tạo dấu ấn với đường chuyền chết chóc cho Goetze ghi bàn quyết định.

3.Không còn Lahm trong đội hình, đương nhiên ĐT Đức mất đi một nhân tố quan trọng. Nhưng đó chỉ là lí thuyết, là những lời than vãn rất dễ nói ra trong lúc này, bởi ai cũng nhanh chóng cảm nhận điều ấy. Nhưng thực tế chưa chắc Lahm ở lại đã là hay. Nhiều người nói rằng, Lahm đã tính toán để cố tình ra đi trên đỉnh cao sự nghiệp, khi đã vô địch thế giới, và trốn chạy áp lực và trách nhiệm ở ĐTQG để tập chung cho Bayern. Tuy nhiên đó chỉ là tâm lí chung của những người đã từng yêu mến và quen với hình ảnh Lahm ở ĐTQG. Ở tuổi 30 đang cực chín, lại đã thi đấu 113 trận cho ĐTQG, chỉ cách kỉ lục của Matthaeus có 37 trận nữa, nếu đá đến World Cup 2018, Lahm hoàn toàn có thể trở thành kỉ lục gia. Nhưng ĐTQG không phải là nơi Lahm tìm kiếm những kỉ lục hay những dấu ấn dành riêng cho cá nhân. Chỉ 2 năm nữa thôi, khi dự EURO 2016, Lahm sẽ 32 tuổi, khi đó anh hoàn toàn có thể không giữ được phong độ này, không cáng đáng nổi 2 chiếc băng đội trưởng (Bayern và ĐTQG), 2 tham vọng quá lớn. Vì thế, lời chia tay này thể hiện trách nhiệm của một người thông minh, chín chắn và luôn đặt lợi ích tập thể lên trên lợi ích và những mục tiêu cá nhân.

Ngày nói lời chia tay ĐTQG, Lahm không hề khóc. Anh hiểu đó là sự ra đi trong vinh quang, và cũng hiểu đó là trách nhiệm của một người thủ lĩnh, một điều mà rất ít người có thể dũng cảm và đủ bản lĩnh để làm được. Không hối tiếc, không ủy mị, không vị kỉ và không coi chiếc băng đội trưởng là thứ trang trí cho hình ảnh cá nhân, Lahm xứng đáng nhận được sự tôn vinh, trân trọng.

Giã từ ĐTQG, Lahm sẽ có đủ thể lực, đủ sự tập trung, và đủ nhiệt huyết để cống hiến cho Bayern. Và nếu như Lahm tiếp tục là một trụ cột, một người đội trưởng mẫu mực, đưa Bayern tiếp tục chinh phục đỉnh cao, thì đó cũng chính là sự đóng góp tuyệt vời cho bóng đá Đức.

Lahm luôn là cầu thủ thông minh, một người đội trưởng hiền lành, chín chắn, luôn hướng về tập thể và sự hoàn hảo. Khi đó, quyết định của anh cũng sẽ chỉ mang tới lợi ích cho chính ĐTQG. Vậy thôi!

Và hãy thôi tiếc nuối, thôi chỉ trích. Hãy cảm ơn và dành sự ngưỡng mộ cho một cá tính đầy khí phách, dũng cảm ẩn phía sau một gương mặt hiền lành và thánh thiện! nÍt ai đủ dũng cảm để đưa ra quyết định như Lahm.

Những điều ít biết về Lahm

Trước khi kí hợp đồng thi đấu cho đội nghiệp dư Bayern, Lahm từng lựa chọn nghề làm bánh, sau đó là đi tìm việc trong ngành ngân hàng. Lahm là người sáng lập ra Quỹ từ thiện mang tên mình vào năm 2007, dành cho thể thao và giáo dục. Tại World Cup 2010 ở Nam Phi, Lahm cũng đã sử dụng quỹ này để hỗ trợ trẻ em ở đây. Ngoài bóng đá, Lahm còn yêu thích và chơi tốt các môn bóng bàn, golf, snooker, bóng rổ. Bóng bàn là môn thể thao thường xuyên được sử dụng ở ĐTQG Đức khi họ tập trung. Lam và T.Mueller là 2 người chơi bóng bàn hay nhất đội. Trong nhà Lahm có ảnh của những huyền thoại từng thi đấu cho Bayern như J.Klinsmann, G.Elber, L.Matthaeus và O.Kahn. Ngoài ra, anh còn treo ảnh những ngôi sao bóng rổ Michael Jordan, Scottie Pippen và Dennis Rodman. Hiện tại, Lahm mê Roger Federer. Mặc dù suýt làm ngân hàng, nhưng Lahm không thích đầu tư kinh doanh, không bao giờ mạo hiểm mà chỉ yên tâm… gửi tiền ngân hàng lấy lãi.

Ai sẽ thay Lahm?

Câu hỏi ai sẽ thay Lahm đeo băng đội trưởng ĐT Đức đang là chủ đề bàn tán khắp nước Đức. Trong danh sách có nhiều cái tên được nhắc đến, trong đó có 2 nhân vật được đánh giá cao nhất là thủ môn Manuel Neuer và tiền vệ Bastian Schweinsteiger. Trong điều tra thăm dò của tờ Spiegel, kết quả cho biết, có trên 57% số người ủng hộ Schweinsteiger, còn Neuer chỉ có 29%. Đây là kết quả hợp lí, bởi khi chọn người thay Ballack làm đội trưởng trước World Cup 2010, Schweinsteiger cũng được nhắc đến như ứng viên nặng kí bên cạnh Lahm, người đồng đội ở Bayern.

L. Trung
.
.
.