Phim Tết chưa thấy ngựa hay

Thứ Ba, 26/02/2013, 10:43

Vậy là lại qua một mùa làm ăn bận rộn nhất năm của điện ảnh Việt Nam. Miếng bánh năm nay cũng không quá chật, mà rạp chiếu thì tăng lên, nên phim nào cũng khoe mình có doanh thu ngất ngưởng. "Nổ" lớn nhất là Galaxy, công bố phim "Mỹ nhân kế" doanh thu (tính tới hết mùng 8 Tết) là 52 tỷ. Doanh thu lớn là tín hiệu vui cho… ngành thuế, nhưng nhìn về mặt nghệ thuật, chưa chắc là một vụ mùa bội thu cho phim Việt Nam…

1. "Mỹ nhân kế" - gái đẹp chơi trận giả

Bộ phim được chuẩn bị rất lâu, 3 năm, với dàn tên tuổi nổi bật. Nguyễn Quang Dũng được coi là cái tên chưa hề chiến bại, doanh thu của mọi phim đều rất cao. Tự Dũng thống kế, 5 phim của anh đã vượt con số doanh thu 100 tỷ, âu cũng là một kỷ lục. Riêng "Mỹ nhân kế", vượt ngưỡng 50 tỷ, bỏ qua kỷ lục 42 tỷ của "Long ruồi" trong năm trước.

Dàn diễn viên toàn là các cô gái ầm ĩ trên mạng, như Thanh Hằng, Tăng Thanh Hà, Ngọc Quyên, Diễm My… Bộ phim được chuẩn bị kịch bản rất lâu, thay đổi nhiều lần, bối cảnh cũng được chọn rất kỹ lưỡng. Câu chuyện phim được kể theo kiểu… giả cổ, nghĩa là bối cảnh không xác định thời đại, chủ yếu là mọi thứ được làm đẹp nhất có thể, theo kiểu thời trang. Thế nên, một nhà báo có nhận định, đây là phim resort và các cô gái trong phim chơi trò trận giả, quả cũng có cái đúng.

Bộ phim có một kịch bản và cách kể chuyện giả tạo, giống như một trò đùa. Đạo diễn đã quá mải mê với việc trưng trổ mảng miếng mà quên mất rằng, dù là một bộ phim giả tưởng thì cách kể câu chuyện phim cũng phải hết sức chân thật, để cuốn hút khán giả. "Mỹ nhân kế" giống một cuốn tạp chí thời trang, mượn những hình mẫu xưa cũ, cho các cô gái mặc áo yếm và… đá cầu mây để chú tâm vào hiệu ứng thị giác nhất thời. Nhịp phim rời rạc, câu chuyện phim bị giả tạo, khiến toàn bộ công sức sắp đặt của đạo diễn vào một bộ phim công phu, đã bị đổ bể. Khán giả không chấp nhận câu chuyện được kể. Và những tình tiết dẫn đến mâu thuẫn, và cách giải quyết mâu thuẫn của đạo diễn ít nhiều cho thấy màu sắc… game online.

Mỹ nhân kế.

Một cô gái được gài vào làm điệp viên trong một "sào huyệt" của các yêu nữ Đường Sơn Quán, mà dường như lại chẳng có bất cứ một kỹ năng nào, ngoài vẻ ngây thơ cố hữu. Và ngay vài cảnh đầu, cô đã bị lộ diện bằng… một câu thoại. Kịch bản của bộ phim bị nửa vời. Và đạo diễn đã không đủ tinh tế để xử lý câu chuyện cho có chiều sâu hơn. Một bộ phim có thể thắng về doanh thu (mà thắng hay thua thì người biết chính xác nhất là nhà đầu tư và cơ quan thuế chứ khán giả chỉ biết những con số ảo trên mạng mà thôi), nhưng chưa thấy có bước tiến nào về tay nghề của đạo diễn và các diễn viên chính!

2. "Bay vào cõi mộng" - tự nhiên chủ nghĩa

Lặng lẽ hơn rất nhiều so với "Mỹ nhân kế", nhưng "Bay vào cõi mộng" của hãng Rạng Đông vẫn chen được một chân vào rạp trong mùa Tết. Bộ phim kể về một cô gái bị bệnh mộng du, bình thường cô chỉ là một nữ sinh nhút nhát, một cô nhân viên rửa chén bị bắt nạt và sống trong một gia đình nghèo khó, ba nát rượu, mẹ bất lực.

Thế nên, cô chỉ có thể thực hiện được những dự định, những việc giỏi giang, trừ gian dẹp ác và bảo vệ chính nghĩa khi… cô mộng du. Cái tứ câu chuyện này khá thú vị, nhưng đạo diễn đã để câu chuyện diễn ra theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa và bị can thiệp thô bạo (không biết có phải từ ông bầu của ca sỹ hay không?I). Nữ diễn viên chính là Vĩnh Thuyên Kim, cô ca sỹ từng tạo nên thảm hoạ nhạc Việt với "Vọng cổ teen". Để lăng xê ca khúc thảm hoạ này, đạo diễn đã chấp nhận cho nó xuất hiện ở một tình huống "khó đỡ". Khi đó, nhân vật của Vĩnh Thuyên Kim cùng các bạn đang bị nhóm giang hồ truy đuổi. Họ chạy dọc những con hẻm ở quận 4.

Bay vào cõi mộng.

Và việc cần làm là, Vĩnh Thuyên Kim phải… ngủ được, để… mộng du, khi ấy cô mới có thể xuất thần đánh bại được giang hồ. Và cả nhóm ru cô ngủ bằng những bài hát ru hoài không được. Bỗng dưng, một ông bán đĩa dạo đi qua, mở loa bài "Vọng cổ teen", và ngay lập tức cô ngủ gục…

Hàng loạt những chi tiết vô duyên xuất hiện trong một câu chuyện tưởng như trọn vẹn, làm hỏng cả một tứ lạ. Nói tóm lại, nếu biết cách làm tốt, thì "Bay vào cõi mộng" đã là một phim thực sự hấp dẫn. Nhưng khi kịch bản được giao cho một đạo diễn non tay, bộ phim bỗng trở thành một sản phẩm chưa hoàn chỉnh và câu chuyện trở nên bông phèng. Điểm cộng duy nhất của "Bay vào cõi mộng" là miêu tả khá sinh động nhịp sống của người dân lao động trong những ngõ ngách của Sài Gòn.

3. "Nhà có năm nàng tiên" - em chỉ là giấc mơ

Được nhiều khán giả đánh giá là bộ phim hài hước và có duyên hơn cả, "Nhà có năm nàng tiên" đánh dấu cuộc dấn thân của đơn vị mới - Sóng Vàng - trong việc tìm kiếm lợi nhuận từ điện ảnh. Nói Sóng Vàng tìm kiếm lợi nhuận chứ không phải là tìm kiếm nghệ thuật, vì đây là một công ty quảng cáo, họ có rất nhiều khách hàng và đây là dịp để họ tìm tài trợ cho phim. Vốn thành công trong mảng phim truyền hình, và cuộc "xâm nhập" vào lãnh địa điện ảnh của Sóng Vàng cũng rất có chiến lược.

Trước tiên là việc trả cát sê 1 tỷ để có được hình ảnh độc quyền của Hoài Linh trong bộ phim mùa Tết này, rõ ràng là cuộc chơi khôn ngoan, đắt xắt ra miếng. Điều đó đã được chứng minh ngay lập tức, chỉ có Hoài Linh là độc quyền, tất cả các diễn viên còn lại của "Nhà có năm nàng tiên" đều xuất hiện đâu đó trong những bộ phim khác vào dịp này.

"Nhà có năm nàng tiên" có phần đầu khá tốt, với nhịp phim nhanh, cách kể chuyện duyên dáng, và những chi tiết hài hước gây cười nhưng không phản cảm. Bộ phim kể về cặp vợ chồng nhặt rác, hiếm muộn và mơ có con. Một ngày họ nhặt được 4 cô bé gái, và trong đêm anh chồng ngủ mơ thấy mai mốt lớn nhà anh có tới 5 cô con gái. Và giấc mơ đó chính là câu chuyện chính được kể trong phim.

Tỉnh mộng, họ nghe tiếng khóc ngoài cửa, ngó ra thấy một đứa trẻ bị bỏ rơi, đúng như điềm báo và nhặt về nuôi. Câu chuyện trong giấc mộng là 5 nàng tiên nhà vợ chồng nhặt rác lớn lên ai cũng xinh đẹp, làm công việc tử tế, có người yêu đẹp trai. Cô làm ca sỹ, cô làm nhân viên bảo hiểm, cô đi buôn phế liệu, cô thì làm võ sư, còn một cô thì làm nghề gì đó…

Cho đến một ngày cô gái tên Tiên Vân được mẹ đẻ đến xin nhận lại, nhưng mục đích cuối cùng là để gả cho đại gia tên So nhằm trừ nợ. Đến khúc này thì câu chuyện phim bị đảo chiều, nhịp phim bị gãy và câu chuyện trở nên gượng gạo, sắp đặt, vô duyên. Chưa kể cảnh cô con gái lớn trong nhà có một đại gia theo đuổi, bèn tìm cách… bào của để lợi dụng, bằng cách dẫn cả nhà đi cùng ăn nhà hàng 5 sao và mua hàng hiệu, những chi tiết phản cảm, dẫu có nhiều chi tiết gây cười.

Đạo diễn sẽ chỉ còn một cách duy nhất là bám vào lý do, đây là giấc mơ chứ không phải chuyện đời thật, để biện minh cho những chi tiết phản giáo dục vừa kể trên. Điểm trừ nữa cho bộ phim là quá nhiều hình ảnh quảng cáo sản phẩm bị lồng ghép, một cách sống sượng, khiến khán giả xấu hổ giùm những người làm phim, vì đồng tiền mà chấp nhận cho tác phẩm của mình ghim cài đủ mùi trên đó.

4. "Yêu anh, em dám không" - nhảm nhí, coi thường khán giả

Yêu anh em dám không.

Có thể nói "Nhà có 5 nàng tiên" là một công thức làm phim Tết mà Phước Sang đã chế ra trong khoảng 10 năm qua, nhưng Sóng Vàng đã khôn ngoan hơn và đã nâng cao lên, để tạo ra một bộ phim hài hước nhưng không… thô lỗ. Còn Phước Sang vẫn giậm chân tại chỗ, lấy thịt đè người và ngập tràn tấu hài trong một bộ phim dài. "Yêu anh em dám không" kể về một anh chàng tên Hùng, quá thành thật và tốt bụng nên thường thua thiệt. Nhưng cuối cùng, anh vẫn được đền đáp xứng đáng bằng tình yêu của một cô gái tốt bụng. Nhưng hành trình đi đến kết cục tốt đẹp đó là chuỗi dài của những sự cố. Có thể nói, dường như đạo diễn chỉ đưa ra một đường dây câu chuyện, còn các diễn viên sẽ tự diễn theo mảng miếng của mình.

Thế nên, nghệ sỹ Việt Anh duyên dáng trong mảng miếng của ông, nhưng khi xếp vào chung trong tổng thể, thì lại bị lệch tông. Chưa kể, có quá nhiều chi tiết vô lý được đưa vào, chỉ nhằm mục đích gây cười. Quá nhiều lỗi về kỹ thuật, sai chi tiết trong trang phục, đạo cụ nghèo nàn lặp lại, các diễn viên gần như mạnh ai nấy chạy khiến cho câu chuyện trở nên rời rạc. Nhảm nhí và vụng về, câu chuyện được kể chỉ ở mức tiểu phẩm nhưng cố kéo ra thành một bộ phim dài, nên phần đầu quá lê thê, không giải quyết được chuyện gì. Một bộ phim, không gì khác, lấy chuyện gây cười làm chính, nhằm đánh lừa khán giả, ép họ tin đó là một bộ phim hài…

Kết

Dù đầu tư triệu đô hay vài tỷ bạc, thì qua mùa Tết này cho thấy, cái thiếu nhất của điện ảnh Việt Nam hiện nay là những tài năng thực sự. Điểm mạnh của các đạo diễn Việt Nam là những tiểu tiết và họ vận dụng vào phim khá tốt. Nhưng điểm yếu của họ chính là không có tư duy tổng thể, không có khả năng kể một câu chuyện sâu sắc, mạch lạc mà vẫn cuốn hút. Người ta thường đổ lỗi cho nhiều thứ chứ hiếm khi nhận mình kém tài. Nhưng người sao của vậy, thực tế đã chứng minh nhiều lần. Bởi vậy mới nói, đường dài mà chưa thấy ngựa hay…

Nguyễn Minh
.
.
.