Phim Việt 2018: Xì-căng-đan nhiều, doanh thu ít

Thứ Ba, 05/02/2019, 16:48
Năm 2018 vừa trôi qua là một năm không mấy ấn tượng của phim Việt. Khác hẳn với kỳ vọng của giới chuyên môn và người làm nghề, bức tranh điện ảnh mang những gam màu kém tươi sáng.


Số lượng phim Việt phát hành trong năm không ít, nhưng bài toán doanh thu lại là một thất bại. Câu chuyện tìm hướng đi cho phim xem ra vẫn còn là một câu chuyện đau đầu nhức óc của những người làm điện ảnh.

Thông thường, với một bộ phim thành công, các nhà sản xuất thường công khai con số doanh thu trước công chúng, như một sự khẳng định ngôi vị của mình trong cuộc chiến gian nan giành thị phần khán giả. Một nền điện ảnh phát triển, lớn mạnh là một nền điện ảnh mà ở đó, mỗi nhà sản xuất khi phát hành phim ra rạp đều tự hào về một con số mình mang về. 

Nói giản dị là làm phim ra có nhiều người xem và thắng lợi về tiền. Nhưng trong một năm vừa khép lại, điện ảnh Việt tỏ ra khiêm tốn chuyện tiền bạc. Không có mấy nhà sản xuất lớn tiếng chuyện doanh thu. 

Theo thống kê, không có bất kỳ tác phẩm điện ảnh Việt nào ra rạp cán mốc 110 tỷ. Năm 2017, có một kỷ lục doanh thu phòng chiếu đã được lập, là phim “Em chưa 18” đạt doanh thu 171 tỷ đồng. Người ta đã chờ đợi 2018 sẽ là năm bùng nổ hơn, một năm mà kỷ lục của “Em chưa 18” sẽ được thay thế bằng một kỷ lục mới. Nhưng loanh quanh vỏn vẹn, chỉ có phim hài chiếu Tết 

Nguyên đán “Siêu sao siêu ngố” đạt 109 tỷ. Khoảng cách doanh thu giữa hai phim như vậy là rất xa, và có thể tiên đoán rằng, sẽ còn lâu phim Việt mới lập ra một kỷ lục đủ sức đè bẹp kỷ lục “Em chưa 18” đã đạt được.
Phim "Chú ơi đừng lấy mẹ con"- bộ phim thất bại cay đắng về doanh thu năm 2018.

Trong khoảng gần 40 phim Việt sản xuất và ra rạp năm qua, có thể điểm tên những phim như: “Lật mặt: Ba chàng khuyết tật” (đạo diễn Lý Hải), “Tháng năm rực rỡ” (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), “Chàng vợ của em” (đạo diễn Charlie Nguyễn - Thái Hòa), “Nhắm mắt thấy mùa hè” (Đạo diễn Cao Thúy Nhi), “100 ngày bên nhau” (Đạo diễn Vũ Ngọc Phượng), “Người bất tử” (đạo diễn Victor Vũ) “Hồn Papa, da con gái” (Đạo diễn Thái Hòa - Kaity Nguyễn) “Song Lang” (Đạo diễn Leon Quang Lê), “Chú ơi đừng lấy mẹ con” (Đạo diễn Đinh Tuấn Vũ)… 

Dù phim phát hành nhiều, nhưng số phim nhà sản xuất công khai doanh thu vô cùng ít. Mức doanh thu được công bố cũng kém xa so với kỳ vọng. Nhìn tổng thể, công chúng yêu điện ảnh khó khăn trong việc tìm ra được một tác phẩm ấn tượng nổi bật, vượt lên trên so với một số phim nổi tiếng trước đó. Ở đây không bàn vội chất lượng nội dung, vì ở ta, đôi khi phim hay lại chịu cảnh lèo tèo khán giả, vì nhiều yếu tố. 

Ở đây chỉ bàn chuyện doanh thu, câu chuyện sống còn của những bộ phim khi ra rạp. Trên thực tế, một bộ phim tốt về nội dung chưa đủ, cần phải có chiến lược dài hơi cho nó về truyền thông, PR, rạp chiếu. Thất bại về doanh thu, nếu mổ xẻ kỹ, phải xét đến nhiều khía cạnh khác nhau.

Nói về chiến lược phát hành, PR phim, trong năm qua công chúng đang phải chứng kiến một sự khủng hoảng. Có phim phải chịu thua lỗ điêu đứng vì PR sai, biến PR thành xì-căng-đan, như phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con”. Chỉ có trên 10 tỷ thu về, trong khi số tiền đầu tư cả trăm tỷ, là một bài học cực kỳ đau xót cho những nhà làm phim “Chú ơi đừng lấy mẹ con” nói riêng và người làm điện ảnh nói chung. 

Tình trạng lạm dụng truyền thông, PR một cách phản cảm, quá đà, thiếu tính toán của một số phim cho thấy trình độ thiếu chuyên nghiệp của phim Việt khi đến với khán giả. Môtip PR cho phim trước khi phim ra rạp là phim giả tình thật của diễn viên năm qua có chiều hướng tăng lên, đến mức khán giả phát ngán. 

Trên thực tế, cách PR kiểu này đã lỗi thời, thế giới không còn sử dụng nhiều nữa, và công chúng cũng đã quá nhàm chán. Tuy nhiên, nhiều nhà sản xuất, thậm chí là nghệ sĩ vẫn lạm dụng, vì đơn giản là họ không nghĩ ra được chiêu PR nào khả dĩ hơn, hoặc họ nghĩ công chúng còn dại dột lắm, và họ có thể “dắt mũi” được. 

Không phải là doanh thu khủng, mà là cái chết “bất đắc kỳ tử” của phim “Chú ơi, đừng lấy mẹ con” trong vấn đề doanh thu mới chính là điểm nhấn đáng buồn cho phim Việt năm qua.

Phim "Siêu sao siêu ngố" có doanh thu cao nhất trong số các phim Việt 2018.

Một vấn đề khác nữa cũng là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến thất bại doanh thu phim Việt là suất chiếu, giờ chiếu ở các cụm rạp. Tất yếu là một khi đã ra rạp, phim Việt phải tham gia vào cuộc cạnh tranh bình đẳng với phim ngoại. Cuộc cạnh tranh đó khốc liệt, không hề dễ dàng. 

Trong năm, nhiều bộ phim trong nước phát hành cùng lúc với các phim bom tấn khác. Ở những thời điểm như vậy, các cụm rạp thường ưu tiên các suất chiếu khung giờ đẹp cho những phim hút khách. Phim Việt thường phải ngậm ngùi chịu đựng các giờ chiếu không ưu tiên. 

Đây là một thiệt thòi rất lớn cho các nhà làm phim trong nước, không có tác dụng khích lệ dòng phim trong nước. Nhưng biết làm sao, phim Việt phải chơi bình đẳng trong thị trường. Những đơn vị khai thác cụm rạp thường ưu tiên cho những phim hứa hẹn doanh thu tốt. 

Chúng ta không thể kêu gọi chính sách hỗ trợ, bởi vì thực tế, phần lớn các cụm rạp chiếu từ Bắc chí Nam hiện nay đều thuộc sở hữu của các nhà khai thác nước ngoài. CGV, Lotte đang thống soái các điểm chiếu. Suất chiếu, buổi chiếu như thế nào phụ thuộc vào bên khai thác, nhà sản xuất không dễ can thiệp. Ở những khung giờ không thuận lợi, dĩ nhiên doanh thu của phim Việt bị ảnh hưởng.

Một lý do sâu xa nữa cần phải cắt nghĩa ở đây, dù thoạt nghe nó không liên quan mấy đến chuyện doanh thu phim Việt năm qua, đấy là vấn đề kịch bản. Như chúng ta đã biết, muốn “gột nên hồ” thì phải có bột. Kịch bản là khâu đầu tiên then chốt quyết định chất lượng một bộ phim. 

Thẳng thắn nhìn nhận, điện ảnh Việt còn kém khâu kịch bản. Việc này đã được đặt ra từ nhiều năm trước, nhưng xem chừng nó chưa thể cải thiện trong một sớm một chiều, bởi chúng ta đang thiếu những chính sách khuyến khích nhân tài trong lĩnh vực viết kịch bản. Kịch bản phim hay giờ tìm khó như mò kim đáy bể. Phân nửa những phim Việt phát hành năm qua đều là phim có kịch bản nước ngoài.

Xu hướng phim remark (phim có kịch bản nước ngoài được Việt hóa) rất thịnh hành trong năm qua, cả bên điện ảnh lẫn truyền hình. Đành rằng, Việt hóa kịch bản của những bộ phim hay của những nền điện ảnh phát triển khác có cái lợi là khán giả đã say mê tác phẩm đó rồi, họ sẽ tò mò với phiên bản Việt. Nhưng một cái lợi đi kèm với muôn vàn cái khó. 

Là đạo diễn phải vượt qua những áp lực để làm một bộ phim với phiên bản nếu không hay hơn phiên bản gốc thì cũng phải có những cái mới lạ nhằm thu hút công chúng. Và câu chuyện Việt hóa thế nào cho thành công một bộ phim nước ngoài là một bức tường thành không dễ vượt qua. Từ bối cảnh đến con người ở một vùng đất khác, một vùng văn hóa khác, phải Việt hóa sao cho sống động, phù hợp, chấp nhận được với tư duy người Việt chả dễ dàng chút nào. 

Phiên bản truyền hình của phim “Hậu duệ mặt trời” đang chiếu phải tạm dừng để chỉnh sửa những bất hợp lý về bối cảnh, tác phong quân nhân cho phù hợp là một ví dụ. Mặc dù nhà sản xuất đã rất tâm huyết, nhưng những hạt sạn trong phim remark kiểu như vậy vẫn có thể nhặt ra trong bất cứ bộ phim nào.

Để có một nền điện ảnh phát triển, hay chí ít ra là có những phim đạt doanh thu cao, cần phải đồng bộ rất nhiều yếu tố. Làm điện ảnh không thể không có tiền, lẽ dĩ nhiên. Nhưng làm điện ảnh mà không ra tiền, không có lợi nhuận, thì cũng không thể thúc đẩy sự phát triển được. Doanh thu luôn luôn là một thước đo quan trọng trong ngành công nghiệp phim ảnh. 

Phim Việt sẽ còn phải nỗ lực rất nhiều có thể cán được các cột mốc đáng ghi nhớ hơn. Điều này một cá nhân không thể làm nổi. Phải là công sức, tâm huyết của rất nhiều người, trong đó có các cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp, vừa củng cố các kỹ năng sản xuất, sáng tạo, phát hành, vừa chăm lo yếu tố con người. Chỉ có như vậy, mỗi năm nhìn lại công chúng mới có thêm những hy vọng mới cho phim Việt.

Quỳnh Vũ
.
.
.