Phim Việt 6 tháng đầu năm 2016:

"Lượng" nhiều mà "chất" chẳng bao nhiêu

Thứ Năm, 28/07/2016, 12:51
Vừa qua, nam diễn viên Thái Hòa đăng clip xin lỗi khán giả và thừa nhận doanh thu 9 tỷ đồng sau 3 ngày “Fan cuồng” công chiếu khiến cho “rủi ro về lỗ đang hiển hiện”. Sự thừa nhận của “ông vua phòng vé” Thái Hòa đối với bộ phim được dự báo “gây bão” phòng vé năm 2016  giống như một “bố cáo chung” cho phim Việt 6 tháng đầu năm 2016.


Số lượng nhiều, chiến lược PR hoàn hảo nhưng chất lượng… "phải xem đã"

Theo một thống kê, trong cả năm 2015 có hơn 30 phim Việt ra rạp (gấp đôi năm 2014) thì nếu điểm qua nửa đầu năm 2016, đã có khoảng 30 phim Việt cạnh tranh cùng phim ngoại. Dự kiến số lượng phim Việt ra rạp cả năm 2016 gấp đôi năm 2015 không phải là không có cơ sở.

Không phải tập trung vào dịp lễ Tết hay dịp hè để công chiếu như trước đây, số lượng phim hiện nay ra ồ ạt, không đợi ngày đợi tháng. Điểm qua danh sách các điểm chiếu phim lớn của các thành phố lớn, dường như không có tháng nào không có phim mới, trong đó có không ít bộ phim được dự đoán là “gây bão” phòng vé.

Những bộ phim này được truyền thông lăng xê “trên trời” kiểu như “không xem thì rất phí” và đi cùng là chiến lược PR hoàn hảo từ khâu ra mắt dự án phim, ngày bấm máy, dàn diễn viên, đạo diễn, kịch bản cho tới ngày công chiếu... Thậm chí, một số dự án không ngại xoáy vào đời tư diễn viên hoặc một số scandal xung quanh nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả vào bộ phim sắp ra mắt.

Một cảnh được xem là “tô hồng” cho nữ diễn viên chính Ngọc Trinh trong “Vòng eo 56”.

Có thể kể ra đây những cái tên như “Taxi, em tên gì” (đạo diễn Đức Thịnh – Đinh Tuấn Vũ),  “Nữ đại gia” (đạo diễn Lê Văn Kiệt), “Truy sát” (đạo diễn Cường Ngô), “Bao giờ có yêu nhau” (đạo diễn Dustin Nguyễn), “Gái già lắm chiêu” (đạo diễn Bảo Nhân và Nam Cito), “Bệnh viện ma” (đạo diễn Võ Thanh Hòa”… hay mới đây nhất là “Mặt nạ máu” (đạo diễn Đỗ Thành An), “Fan cuồng” (đạo diễn Charlie Nguyễn)... Ngoài ra, không thể không kể đến những bộ phim do nghệ sỹ bỏ tiền sản xuất như  “người mẫu bikini” Ngọc Trinh với “Vòng eo 56”, ca sỹ Lý Hải với “Lật mặt”, bà xã Công Vinh - ca sỹ Thủy Tiên với “Vợ ơi, em ở đâu”…

Vin vào truyền thông, báo chí và những chiêu trò của một “lá bài” để khuếch trương hình ảnh và bán vé, một số dự án phim công bố mức doanh thu “khủng” đến mức “thật bất ngờ”. Chẳng hạn như “Vòng eo 56” cán mốc 15 tỷ đồng sau 5 ngày công chiếu, “Taxi, em tên gì” đạt doanh thu 21 tỷ đồng sau 5 ngày công chiếu…

Khoan bàn về chất lượng phim, chỉ riêng chuyện doanh thu “khủng” cũng đã kéo một số lượng khán giả (không phải là nhỏ) với tâm lý tò mò cố hữu đếp rạp để xem. Về một mặt nào đó, chiêu này mang lại hiệu ứng khá tích cực, nhằm đảo lộn tình thế trong câu chuyện doanh thu.

Tuy nhiên, “phim tỷ đồng” lại là một khái niệm lơ lửng. Còn nhớ trong “Hội thảo tham vấn xây dựng Báo cáo Quốc gia thực hiện Công ước 2005 của UNESCO” về Bảo vệ và phát huy sự đa dạng biểu đạt văn hóa diễn ra vào cuối năm vừa qua, đạo diễn trẻ Nguyễn Hoàng Điệp cho rằng những con số khủng này cần xem lại bởi lẽ, “thực tế không có đơn vị sản xuất hay kinh doanh nào dám công bố một cách thực tế con số chính xác trong hoạt động kinh doanh phim mà họ đã đạt được”.

Khi chúng ta không thể nào biết được phía sau doanh thu kia là con số bao nhiêu thì một câu hỏi đặt ra là chất lượng phim có tỷ lệ thuận với chiến lược quảng cáo phim hay không? Rõ ràng, có một thực tế đáng buồn rằng, lượng thì nhiều mà chất chẳng được bao nhiêu. 

Năm ngoái, chúng ta có “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ), “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh) là 2 hiện tượng phòng vé bởi vì doanh thu khủng và chất lượng miễn bàn thì cho tới nửa đầu năm nay, chưa có bộ phim Việt nào ra rạp đáng để gọi là “hiện tượng” cả. Mặc dù trong đó có những bộ phim “đẹp long lanh” từ kịch bản cho tới dàn diễn viên được dự đoán gây “bão” thì khi ra rạp khiến khản giả “ỉu xìu” thất vọng.

Phim “Fan cuồng” nhạt khi ra rạp.

“Truy sát” - bộ phim được đầu tư hơn 20 tỷ đồng của diễn viên Trương Ngọc Ánh và đạo diễn Cường Ngô được kỳ vọng “soán” ngôi phòng vé vào năm 2016 thì khi ra mắt lại gây thất vọng bởi cốt truyện lủng củng, những chi tiết có phần giả tạo. Có người cho rằng đây là cuộc chơi “chưa tới nơi” của nữ diễn viên “Hương ga”.

“Vòng eo 56” tái hiện lại cuộc đời của “nữ hoàng thị phi” Ngọc Trinh do Vũ Ngọc Đãng làm đạo diễn khi ra rạp cũng khiến dư luận chia thành 2 phe “chọi” nhau chan chát. Bỏ qua câu chuyện nhân cách của nữ diễn viên chính, bỏ qua nhạc phim xúc động, “Vòng eo 56” với những tình tiết trôi tuột và làm cho số đông có cảm giác Ngọc Trinh làm phim chỉ để chứng minh một điều rằng “Trinh không có làm gái” – lại là một bước thụt lùi trong tay nghề của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng.

Bộ phim “Mặt nạ máu” ra rạp chưa đầy một ngày, diễn viên của phim là Tina Tình đã lên tiếng tố cáo vai diễn của mình bị cắt xén một cách thô bạo tới 90% và gọi bộ phim này là “phim thảm họa”. Cuộc tranh cãi qua lại giữa nữ diễn viên này và ê-kip sản xuất chưa ngã ngũ về bên nào thì khán giả đi xem đã phát chán vì “hù không tới, hài cũng không xong”.

Mới đây, nam diễn viên Thái Hòa đăng tải một “tâm thư” dưới hình thức clip trên trang cá nhân của mình, chia sẻ về doanh thu, những hạn chế và những điều tích cực của “Fan cuồng” – bộ phim mà khán giả “đứng ngồi không yên” chờ đợi vì những hình ảnh được tiết lộ trước đó qua báo chí. “Ông hoàng phòng vé” gửi lời xin lỗi, gửi lời cảm ơn khán giả. Tuy nhiên, “tâm thư” này cũng không thể cứu được một “Fan cuồng” chưa – tới – nơi và “không cuồng phòng vé”.

Kỳ vọng vào đạo diễn ngoại binh?

Để “thay máu” cho màu sắc phim Việt trong những năm vừa qua, không ít đơn vị sản xuất phim Việt đã mời đến bàn tay của một số đạo diễn ngoại. Có thể nói, họ đã và đang góp phần làm nên làn gió mới cho thị trường phim Việt Nam. Không ít bộ phim chất lượng được nhào nặn bởi bàn tay của những vị đạo diễn không mang quốc tịch Việt Nam, làm mãn nhãn khán giả nội địa trong thời gian qua.

Dàn diễn viên trong phim “Truy sát”.

 “Sám hối” – một bộ phim hợp tác giữa điện ảnh Việt Nam và Ấn Độ sẽ do đạo diễn Peter Hiền làm đạo diễn. Đây là đạo diễn khá nổi tiếng gắn liền với những sản phẩm điện ảnh bom tấn như siêu phẩm sử thi “Baahubali” (2015): The Beginning. Phần hành động trong phim đã mang về cho anh giải thưởng Best Fight Master (Đạo diễn hành động xuất sắc) tại Liên hoan phim Siima 2016 ở Singapore. Sau hơn 1 năm chuẩn bị, “Sám hối” đã bấm máy những cảnh quay đầu tiên vào tuần qua.

Ngoài ra, đầu tháng Tám tới, một phim Việt Nam chiếu rạp khác là “Mẹ đơn thân” (tên tạm) do hãng Sena sản xuất cũng sẽ khởi quay dưới sự chỉ đạo của một đạo diễn Hàn Quốc. Cuối năm nay, một dự án khác của Việt Nam là “I am wanted” dự kiến triển khai với nữ đạo diễn Thụy Điển Beata Gardeler. Một dự án đình đám trong nước do đạo diễn nước ngoài (Ken Ochiai - Nhật) thực hiện đã hoàn tất, chờ ngày ra mắt là phim hành động hài “Vệ sĩ Sài Gòn” (TNA Entertainment và CJ E&M hợp tác) cũng đang được chờ đợi.

Đạo diễn ngoại có cải thiện được sắc màu “ảm đạm” của phim Việt trong thời gian qua hay không? Câu hỏi này hẳn cũng có nhiều vấn đề cần nhìn lại. Và liệu việc “trông cậy” một lứa đạo diễn không phải “made in Vietnam” có phải là điều đáng vui mừng không đối với nền điện ảnh nước nhà – có lẽ nên để các đạo diễn của chúng ta lên tiếng sẽ hợp lý hơn.

Những bộ phim sắp tới chưa biết có vị gì nhưng điểm lại một số sản phẩm đã làm trước đây như “Lọ lem Sài Gòn”, một sản phẩm do đạo diễn Kim Guk Jin và Đỗ Mai Nhất Tuấn và sự xuất hiện của “Psy nhí” với tư cách diễn viên khách mời cũng “ảm đạm” không kém khi ra rạp.

Charlie Nguyễn, đạo diễn Việt kiều sau khi về nước và bắt tay vào thực hiện siêu phẩm hành động “Dòng máu anh hùng” trở thành hiện tượng một dạo và “Để mai tính”– bộ phim được xem là làn gió mới của phim Việt ở thể loại hài, lãng mạn, tình cảm… Sau đó, anh rẽ sang hướng làm phim mang tính thương mại nhiều hơn như “Cưới ngay kẻo lỡ”, “Để mai tính 2”, “Tèo em”… và dự án mới nhất là “Fan cuồng” – lại gây không ít thất vọng với khán giả cũng như giới chuyên môn.

Cường Ngô cũng là một trường hợp đặc biệt khi đảm nhận vai trò đạo diễn của “Ngọc Viễn Đông” và “Hương Ga”, 2 bộ phim được đánh giá cao về mặt nghệ thuật cũng như thị trường. Nhưng trong sản phẩm mới nhất  - “Truy sát” – dường như “bàn tay” của Cường Ngô lại chưa làm thỏa mãn công chúng yêu điện ảnh Việt Nam…

Thị trường phim Việt 6 tháng đầu năm nhìn chung vẫn chưa có những cú hích nào nổi bật mặc dù số lượng phim ra đều như “vắt chanh”. Trong khi đó chất lượng của đội ngũ đạo diễn ngoại binh lại lên xuống không ổn định. Nửa năm sau, tình hình có khả quan hơn không? Chưa có điều gì nói trước được!

Đậu Dung
.
.
.