Phim Việt bị chèn ép trên chính “sân nhà”

Thứ Tư, 12/06/2019, 10:18
Thị trường kinh doanh chiếu phim Việt đang trở thành một miếng bánh cực kỳ hấp dẫn với các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Trong cuộc đua này, có thể thấy, các doanh nghiệp trong nước đang đuối dần trước đối thủ nước ngoài.


Cùng với sự bành trướng cả về thị phần lẫn quy mô của các doanh nghiệp nước ngoài, cơ cấu người xem điện ảnh cũng đang biến dạng méo mó. Theo thống kê, chỉ có giới trẻ đến rạp xem phim là chủ yếu. Tầng lớp trí thức gần như không đến rạp xem phim vì không có phim dành cho họ. Nhà sản xuất phim Việt cũng lao đao trong cuộc chiến khốc liệt đưa phim ra rạp.

Phim Việt không đến được khán giả Việt

Từ khi Nhà nước đề ra chính sách tự do phát triển ngành điện ảnh đi cùng xã hội hóa ngành này thì các doanh nghiệp kinh doanh phòng chiếu nước ngoài bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam. Ban đầu là hệ thống Lotte Cinema, một doanh nghiệp của Hàn Quốc. Chỉ trong một thời gian ngắn, Lotte đã chiếm 30% thị phần rạp chiếu khắp lãnh thổ Việt Nam.

Sau Lotte, một doanh nghiệp khác của Hàn Quốc là CGV cũng nhanh chóng tràn vào, chiếm phần lớn còn lại miếng bánh thị phần này. Hiệp hội phát hành phim Việt Nam cho biết, ở thời điểm hiện tại, CGV đã vươn lên trở thành một “ông lớn” chi phối thị trường chiếu phim Việt Nam, với 43% thị phần. 

Như vậy, chỉ riêng CGV và Lotte Cinema, 73% thị phần chiếu phim Việt đã nằm trong tay doanh nghiệp nước ngoài đến từ Hàn Quốc. 27% còn lại thuộc về 3 doanh nghiệp khác là Platinum Cineplex của Indonesia và hai doanh nghiệp nội là Công ty cổ phần phim Thiên Ngân (Galaxy Cinema) và Công ty TNHH Bình Hạnh Đan (Star Cineplex). 

Tuy nhiên mới đây, doanh nghiệp của Indonesia làm ăn thua lỗ đã tạm dừng hoạt động. Nghe đâu, toàn bộ thị phần rạp chiếu của Platinum đã được CGV thế chỗ. CGV đang trở thành một doanh nghiệp nước ngoài hàng đầu trong việc phát hành phim tại Việt Nam. 

Cũng từ đây, phim Việt gặp khó khi ra rạp, bị chèn ép trong cuộc đua không cân sức với phim bom tấn nước ngoài. CGV đang lấn lướt và có ưu thế đặc biệt trong việc kiểm soát hai khâu quan trọng là phân phối và chiếu phim. Điều này trực tiếp đe dọa đến sự sống còn của các nhà phân phối phim nội địa.

Xuất hiện tại các cụm rạp hiện nay chủ yếu là khán giả trẻ.

Với thế mạnh của mình, CGV không chỉ cung cấp rạp chiếu mà còn là đại lý phát hành phim cho các hãng lớn của Mỹ như UPI, Pixar, Disney, Warner Bros. Ngoài ra, đơn vị này cũng được 2 hãng phát hành phim lớn nhất Hollywood là United International Pictures và Buena Vista International ủy thác phát hành độc quyền tại Việt Nam. 

Với quyền năng “khủng” đó, CGV toàn quyền đưa ra những điều kiện cho phim Việt và các nhà phân phối phim Việt, nếu các đơn vị này muốn đưa phim vào chiếu trên hệ thống của họ. Điều kiện mà CGV đang áp dụng hiện nay được xem là vô cùng bất lợi cho điện ảnh Việt. CGV chỉ cho phép phim Việt khi phát hành vào hệ thống khi các nhà sản xuất chấp nhận tỷ lệ ăn chia doanh thu vé là 55% cho CGV, 45% cho nhà sản xuất. 

Trường hợp thông qua nhà phân phối thì CGV vẫn yêu cầu 55% cho rạp, 45% cho đơn vị phân phối. Con số này khiến các nhà sản xuất, phân phối cảm thấy bất công vì họ sẽ không thể nào có lãi nếu tiếp tục làm phim. Chưa hết, ngay cả khi phim Việt khi được chấp nhận chiếu trên hệ thống CGV vẫn phải chịu sự phân bổ của đơn vị này trong việc phân chia giờ chiếu, số buổi chiếu. 

Khung giờ vàng (từ 17 đến 22h hàng ngày) trong các cụm rạp CGV hiện nay thường được ưu tiên để chiếu các phim bom tấn nước ngoài. Phim Việt thường phải chịu cảnh chiếu trong các buổi thưa vắng người xem như 8h sáng, 12h trưa, 23h đêm… Bị xếp trong các khung giờ như vậy, phim Việt khó mà có thể thắng lợi về doanh thu.

Năm ngoái, nhà sản xuất Ngô Thanh Vân từng khóc nghẹn trong họp báo vì phim “Tấm Cám - Chuyện chưa kể” của cô không thể thương thảo tỷ lệ ăn chia để vào hệ thống CGV. Năm 2016, phim “12 chòm sao - vẽ đường cho yêu chạy” của đạo diễn Vũ Ngọc Phượng vốn được giới phê bình đánh giá cao, sau đó giành giải thưởng Đạo diễn xuất sắc nhất tại Giải Cánh diều Vàng, nhưng đã bị chính CGV từ chối không đưa vào chiếu trong hệ thống. 8 nhà sản xuất và phát hành phim trong nước đã từng phải tổ chức cuộc họp, thống nhất gửi khiếu nại đến Hội Điện ảnh và các cơ quan ban, ngành liên quan, yêu cầu sự bảo hộ của các cơ quan này, nhằm bảo vệ điện ảnh Việt trong cuộc chơi không cân sức ở các hệ thống rạp nước ngoài hiện nay. Hy vọng sẽ sớm có những giải pháp cần thiết để phim Việt làm ra đến được với khán giả của mình, không phải đối mặt với nguy cơ thua trắng như hiện nay.

Những phim bom tấn của Mỹ được chiếu nhiều nhất trong các hệ thống rạp hiện nay (Ảnh minh họa).

Chỉ có một kiểu khán giả đến rạp 

Từ lâu, ở các nước phát triển, hệ thống cụm rạp chiếu phim bao giờ cũng rất đa dạng kiểu phòng chiếu, đa dạng loại hình phim chiếu. Khi khán giả đến một cụm rạp bất kỳ nào đó nghĩa là được tiếp cận một “thực đơn” phim vô cùng phong phú. 

Chỉ cần đến rạp thôi là sẽ chọn được phim để xem, phù hợp với nhu cầu, từ phim tài liệu đến phim nghệ thuật, phim bom tấn hay phim hoạt hình, phim tình cảm hay phim viễn tưởng, phim hài hay phim hành động, phim trẻ em hay phim cho cả gia đình, phim khoa học hay phim ngắn... Nghĩa là từ những thể loại phim đại chúng nhất hay các loại phim kén khán giả nhất, ít khán giả nhất cũng đều được chiếu liên tục trong một cụm rạp. 

Danh mục phim phong phú là để đảm bảo cho mọi loại đối tượng đều có thể đến rạp, xem phim điện ảnh, thay vì những phim truyền hình dài lê thê trên màn hình tivi tại nhà. Điều này còn giúp kích thích nền điện ảnh sản xuất phim ở nhiều thể loại, đảm bảo một sự phát triển cân bằng, hài hòa ở mọi thể loại.

Tuy nhiên ở thị trường Việt Nam, các cụm rạp thì nhiều nhưng chủ yếu dành để chiếu một vài loại phim đại chúng thôi, trong đó chủ yếu là phim bom tấn của Hollywood, một ít phim hài bình dân, phim hoạt hình cho thiếu nhi, hay phim tâm lý gia đình. 

Phim nghệ thuật, phim tài liệu, phim khoa học, các loại phim ngắn, thử nghiệm gần như không mấy khi được chiếu. Hoặc có chiếu thì chỉ trong khuôn khổ của các kỳ liên hoan phim, hay các tuần lễ phim, hay các dịp lễ lạt. 

Một đạo diễn lớn tuổi của điện ảnh Việt cho biết: “Thời kỳ chưa tự do phát triển điện ảnh tôi lại thấy khán giả có nhiều phim nghệ thuật để xem. Nhà nước quản lý các cụm rạp và phân phối phim chiếu. Nhiều tác phẩm nghệ thuật kinh điển của điện ảnh trong nước và thế giới được đến với khán giả. 

Thời kỳ đó dĩ nhiên rạp chiếu không đẹp không hiện đại như bây giờ. Nhưng đó là thời kỳ nhiều lứa tuổi đến rạp xem phim. Nay thì chỉ có lớp trẻ thôi. Người già hay những người trí thức lại ít đến rạp, không có nhu cầu đến rạp xem phim. 

Nói thẳng ra là tầng lớp cao trong xã hội đã mất thói quen xem phim rạp. Bởi vì những phim được chiếu chỉ là những phim bình dân, chủ yếu để đánh vào nhu cầu, tâm lý của giới trẻ, đối tượng dễ bán vé nhất. Đây cũng là lý do một số phim nghệ thuật hay của thế giới, đến thị trường Việt Nam vẫn “chết” như thường. 

Phim “Sat down” (Vô ảnh) của Trương Nghệ Mưu vừa rồi là một ví dụ. Phim được đánh giá là tuyệt tác, nhưng doanh thu phòng vé khi vào thị trường Việt Nam thấp thê thảm. Những khán giả thực sự của phim nghệ thuật họ đã mất thói quen đến rạp nên khi đột ngột có một vài phim hay, họ cũng không thiết tha”.

“Song Lang” - một phim nghệ thuật hiếm hoi của điện ảnh Việt vài năm trở lại đây.

Thêm một lý do khác cho việc thị trường chiếu phim Việt bị méo mó là khán giả Việt không nhiều người có kiến thức về điện ảnh. Phần lớn họ chỉ có khái niệm về phim chung chung. Phim trên máy tính, phim video, phim ngoài rạp, phim truyền hình họ đều gọi là phim tất. Trong khi điện ảnh là một ngành công nghiệp, phát triển mạnh mẽ cùng với công nghệ. 

Công chúng đến rạp xem phim điện ảnh là chìm đắm trong những vẻ đẹp được sáng tạo dựa trên tiến bộ về công nghệ. Người Việt phần lớn chỉ mạnh về văn học, nghĩa là xem để hiểu nội dung câu chuyện là chính, chứ thực sự chưa say mê hay định giá được vẻ đẹp, giá trị của âm thanh, khuôn hình, màu sắc, bố cục của tác phẩm điện ảnh. 

Muốn nghiền điện ảnh phải hiểu và phải có kiến thức về nó. Giới trẻ đi xem phim phần lớn theo trào lưu, hoặc giải trí đơn thuần. Họ tới rạp chiếu phim đôi khi không hẳn vì phim hay, mà là điểm check in đẹp hay một nơi phù hợp để hẹn hò, gặp gỡ. Tức là về mặt công chúng, thị trường chiếu phim Việt chưa thực sự tạo ra một lớp công chúng mê phim đúng nghĩa. 

Các nhà kinh doanh chiếu phim chỉ “hớt váng” bằng cách đánh vào tâm lý, nhu cầu hẹn hò của giới trẻ. Những phim thị trường bình dân, phim hài hay phim giải trí của Mỹ sẽ được ưu tiên chiếu vào các khung giờ đẹp để “dụ” giới trẻ. Phim nghệ thuật hay các loại phim nghiêm túc khác thường khó chen chân vào danh mục chiếu của các cụm rạp quyền năng, chen chân vào giờ vàng còn khó hơn bội phần.

Như thế nghĩa là đang có những nghịch lý bất lợi cho phát triển điện ảnh, nếu chúng ta xem xét nghiêm túc từ góc nhìn các rạp chiếu phim. Một thị trường chiếu phim chỉ nghiêng về mấy dòng phim, và thuần túy phục vụ một kiểu đối tượng thì không thể tạo động lực sáng tạo cho các nhà sản xuất. Đã có hiện tượng một số đạo diễn tài năng trong nước không còn mặn mà với việc làm phim nghệ thuật. Họ quay đi làm việc khác, hoặc chạy theo làm những phim phục vụ thị hiếu đơn thuần của công chúng, những phim mà sẽ có khả năng được các cụm rạp nhận chiếu trong hệ thống, những phim giải trí, câu khách đơn thuần.

Vũ Hội
.
.
.