Phim chuyển thể: Miếng bánh khó xơi

Thứ Hai, 05/12/2016, 15:42
Một số tác phẩm điện ảnh chuyển thể sẽ được ra mắt vào Tết Đinh Dậu này. Tuy nhiên, từ trước đến nay, mỗi một lần bộ phim chuyển thể nào đó công chiếu là thêm một lần diễn ra cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa tác phẩm chuyển thể và tác phẩm gốc.


"Mốt" phim chuyển thể?

Sau đề tài về tình yêu, viễn tưởng, anh hùng, hài, mấy năm gần đây, trên thị trường phim Việt xuất hiện nhiều bộ phim chuyển thể. Trong Tết 2017 này, một số bộ phim chuyển thể cũng sẽ được lên sóng.

Có thể kể ra đây “Cô gái đến từ hôm qua”, một tác phẩm điện ảnh của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, “Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh Kungfu” - bộ phim giả tưởng của đạo diễn Hoàng Phúc lấy cảm hứng từ tác phẩm “Lục Vân Tiên” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu - kể về chàng Lục Vân Tiên lạc vào xã hội hiện đại để đi tìm người yêu trong mộng. Cả hai bộ phim này vừa đóng máy xong và đang chờ ngày công chiếu.

Phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” được chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Trước đó, có thể kể ra đây một số bộ phim chuyển thể như “Chuyện của Pao” (chuyển thể từ truyện ngắn “Tiếng đàn môi sau bờ rào đá” của nhà văn Đỗ Bích Thúy), “Hương ga” (chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Đình Tú), “Cánh đồng bất tận” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư), “Quyên” (chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Văn Thọ), “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (chuyển thể từ tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh), “Bức huyết thư: Thiên mệnh anh hùng” (chuyển thể từ tác phẩm “Nguyễn Trãi phần 2 – Bức huyết thư” của nhà văn Bùi Anh Tấn)…

Trong lịch sử điện ảnh Việt Nam, không thể không nhắc đến các bộ phim tên tuổi như “Vợ chồng A Phủ” (chuyển thể từ tác phẩm “Tắt đèn” của nhà văn Tô Hoài), “Chị Dậu” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của nhà văn Ngô Tất Tố), “Làng Vũ Đại ngày ấy” (chuyển thể từ 3 tác phẩm của nhà văn Nam Cao, gồm: “Sống mòn”, “Chí Phèo”, “Lão Hạc”)… Hay gần đây nhất là bộ phim “Vĩnh cửu” của đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng (chuyển thể từ tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” của nhà văn Alice Ferney).

Thật khó để khẳng định phim chuyển thể có phải là trào lưu, là “mốt” ở thời điểm hiện tại hay không. Nhưng rõ ràng, khi mà các kịch bản hay ngày càng khan hiếm, đội ngũ biên kịch trẻ chưa đủ chín về tay nghề cũng như trải nghiệm, việc chuyển thể các tác phẩm văn học hay đang là một lựa chọn sáng suốt, an toàn.

Cũng vì thế mà dòng phim này đang là một “cái bánh” hấp dẫn khiến nhiều đạo diễn, biên kịch để ý.

Với đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, nói về sự phát triển của bất cứ trào lưu nào cũng khó đoán.

Tại thời điểm này, có thể ta thấy trào lưu này đang phát triển nhưng ở thời điểm khác thì chưa chắc. Một bộ phim thành công, thu được tiền tốt, gây tiếng vang, dễ trở thành xu hướng. Nhưng 3 phim chuyển thể sau đó thất bại, không được coi là xu hướng nữa.

“Làm phim rủi ro lắm. Mình không bao giờ đoán được thực sự khán giả thích gì. Không chỉ khán giả Việt Nam mà trên thế giới cũng vậy”, đạo diễn của bộ phim gây sốt phòng vé năm 2015 “Em là bà nội của anh” chia sẻ.

Nhà làm phim có văn hóa riêng

Với các nhà làm phim, phim chuyển thể là bài toán sáng suốt thì với công chúng, mỗi một phim chuyển thể được công chiếu là một lần “đụng độ” giữa những quan điểm trái ngược nhau, có khi kéo dài chưa có điểm dừng.

Nói đây là một “miếng bánh” khó xơi là vì vậy.  Bộ phim “Quyên”, “Cánh đồng bất tận” sau khi ra mắt đã trở thành “tâm điểm” của những tranh luận kịch liệt là hai ví dụ cho điều này.

Theo đó, tác phẩm văn học càng nổi tiếng thì phim chuyển thể càng bị “soi” nhiều. Có tác phẩm chuyển thể thất bại nhưng cũng có những phim chuyển thể mang lại “tiếng thơm” của nhà văn.

“Thê thiếp thành quần”, một tác phẩm văn học được đánh giá là bình thường của tác giả Tô Đồng thì khi vào tay của đạo diễn Trương Nghệ Mưu trở thành viên ngọc quý của điện ảnh Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung với bộ phim “Đèn lồng đỏ treo cao” là một trường hợp tiêu biểu.

Đây là một trong những bộ phim hay nhất của đạo diễn họ Trương, đồng thời là bộ phim đưa tên tuổi Củng Lợi lên hàng minh tinh.    

Với Tiến sỹ Đào Lê Na, giảng viên Trường Đại học KHXH và NV TP Hồ Chí Minh “lúc nào, khán giả ở mình cũng có 2 xu hướng: bộ phim này hay/dở hơn tác phẩm văn chương.

Cơ bản, chúng ta quên mất đó là 2 thể loại khác nhau. Văn chương có ngôn ngữ của văn chương và điện ảnh có ngôn ngữ của điện ảnh. Nhà văn có triết lý của nhà văn. Nhà làm phim cũng có triết lý của nhà làm phim.

Mỗi người đều kiến tạo thế giới theo cách riêng của mình. Trên thế giới, người ta dùng cụm từ “cuộc hôn nhân văn chương” để nói về mối quan hệ thú vị giữa văn chương – điện ảnh là vì vậy.

Và trong công việc chuyển thể phim từ tác phẩm văn học, nhất là tác phẩm văn học nổi tiếng (lắm lúc như con dao 2 lưỡi ấy), người làm phim có quyền cải biên bằng diễn ngôn văn hóa riêng của mình”.

Cô khẳng định lần nữa quan điểm của mình khi kết luận “Khi viết xong tác phẩm văn học, có nghĩa nhà văn đã chết rồi. Tác phẩm đó muốn sống thì phải được nhiều người đọc, tiếp nhận. Nhà làm phim cũng tiếp nhận dưới góc nhìn riêng của anh ta”.

Đồng tình với Tiến sỹ Đào Lê Na, nhà nghiên cứu văn học nước ngoài Phan Nhật Chiêu cho rằng, so sánh phim chuyển thể với tác phẩm văn học là một việc làm không văn minh và có phần khiên cưỡng của phần đông khán giả hiện nay.

Nếu có so sánh nào đó gọi là chấp nhận được, chính là so sánh với các bộ phim khác. Và văn chương hay điện ảnh đều có ngôn ngữ riêng của mình để tiến tới một chỉnh thể nghệ thuật.

Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu chỉ ra 2 xu hướng chuyển thể hiện nay. Xu hướng thứ nhất là nhà làm phim coi tác phẩm văn học như chất xúc tác, là một thứ gợi cảm hứng và khi chuyển thể thì không cần trung thành với nó.

Xu hướng còn lại nhà làm phim trung thành 100% tác phẩm văn học, nghĩa là tất cả mọi tình tiết, diễn biến, nhân vật đều giống tác phẩm văn học.

“Có những bộ phim khi xem, nhà văn không nhận ra nguyên tác của mình nên đi kiện. Tôi không đồng ý lắm. Không có luật nào nói rằng nhà làm phim phải theo sát nhà văn cả. Đó là những người không hiểu khoảng cách giữa hai thể loại văn chương và điện ảnh.

Khi viết truyện, các bạn đừng nghĩ rằng mình sáng tạo. Đừng ảo tưởng! Những gì chúng ta viết ra đều là một dạng chuyển thể hết. Đó là những chắt lọc của những gì ta đã đọc, đã thấy chứ không phải của ta. Bản thân sáng tác của ta đã là một dạng cải biên rồi, hay nói chính xác hơn là liên văn bản rồi.

Theo đó, tất cả mọi văn bản đều là liên văn bản. Những gì bạn viết ra đều móc nối từ một cái gì đó đã có từ trước. Tất nhiên, bạn sẽ có một số thay đổi, cải biên nhưng để nói sáng tạo hoàn toàn thì không. Không có ai hoàn toàn sáng tạo cả”, ông bày tỏ.

"Truyện Kiều" lên phim?

Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu đưa ra lời thách đố với các nhà biên kịch Việt Nam xung quanh việc chuyển thể tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Ông nói:

“Chưa  có tác phẩm nào ở Việt Nam nổi tiếng như “Truyện Kiều”. Có 70 bản dịch của tác phẩm này trên toàn thế giới. Các nhà làm phim Việt Nam có cách nào để đưa "Truyện Kiều" của Nguyễn Du lên màn ảnh không? Có cách nào không?

Từ trái qua: Nhà nghiên cứu Phan Nhật Chiêu và TS. Đào Lê Na.

Ví dụ như đoạn này: "Lâm Tri từ thuở uyên bay/ Phòng không thương kẻ tháng ngày chiếc thân/ Mày ai trăng mới in ngần/ Phần thừa hương cũ bội phần xót xa!". "Mày ai trăng mới in ngần" nghĩa là sao? Đôi mày của Kiều đẹp như vầng trăng mới, vầng trăng non. Và vầng trăng ấy in lên da thịt ta, hình hài ta và cuộc đời, số phận ta. Đôi mày ấy, bây giờ kiếm ở đâu cho ra? Chưa kể, "mày ai trăng mới", còn có nghĩa là mới vừa đây. Cô Kiều mới đây giờ đâu rồi? Các nhà biên kịch làm sao mà thể hiện được tâm tư, ẩn ức của Thúc Sinh lúc đó?

Hay như đoạn Kiều nhớ Kim Trọng: “Biết thân để bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung”. Làm sao bây giờ? Câu “Nhị đào thà bẻ cho người tình chung” ấy làm sao đưa lên phim cho nó vừa đẹp, vừa tục, lại vừa thanh như câu thơ của cụ Nguyễn Du bây giờ? Nó chính là những khát khao tình dục của Thúy Kiều được thể hiện một cách đẹp đẽ, sang trọng nhường ấy.

Nhất là đoạn trao duyên, có những câu như “Gặp cơn bình địa ba đào/ Vậy đem duyên chị buộc vào cho em/ Cũng là phận cải duyên kim/ Cũng là máu chảy ruột mềm chớ sao?”. Làm sao diễn tả được nỗi đau khổ, cay đắng của Thúy Vân khi là một người thay thế lúc đó?

Mỗi chữ của Nguyễn Du đều khủng khiếp. Không có chữ nào mà Nguyễn Du viết ra lại không cho thiên tài của mình vào trong đó. “Buộc”, chứ không phải “cho”, cũng không phải “nhờ”. “Buộc” tức là trói. Toàn những câu nói đau đớn, mỉa mai. Bằng cách nào mà phim thể hiện những tâm tư của Thúy Vân lúc đó?

Rồi những câu chữ đau đớn, mỉa mai này, có cách nào thể hiện được giọng ganh ghét, đố kị của Thúy Kiều không? “Trông ra ngọn cỏ lá cây/ Thấy hiu hiu gió thì hay chị về”, “Duyên này thì giữ vật này của chung”.

Chỉ có thiên tài Nguyễn Du mới làm được điều đó. Có lẽ vì thế mà truyện “Lục Vân Tiên” mặc dù nghệ thuật thua xa “Truyện Kiều” nhưng lên phim rất dễ. 

Hành động trong truyện “Lục Vân Tiên” thiên về minh họa, không gắn quá nhiều tới chiều sâu tâm lý nhân vật như “Truyện Kiều” nên dễ làm phim. Mà cái gì thuộc về hình ảnh, âm thanh, đương nhiên phim làm tốt.

Cho tới thời điểm này, “Truyện Kiều” chưa bao giờ được chuyển thể hay cải biên thành phim thành công. Chưa bàn tới việc phim chuyển thể có trung thành hay không trung thành với tác phẩm của Nguyễn Du, mà là một phim xem được cũng khó. Còn để hay như Nguyễn Du viết thì đừng mong. Nhưng biết bao giờ, chúng ta mới xem được một bộ phim về “Truyện Kiều” xem được?

Đậu Dung
.
.
.