Phim hành động Việt: Đã đến lúc "cởi mở" hơn

Thứ Hai, 17/11/2014, 09:30
Tại thị trường Việt Nam, nếu tính số đầu phim ra rạp hằng năm thì thực sự là một tín hiệu đáng mừng cho thị trường điện ảnh trong nước. Nhưng, nếu tính về thể loại thì đó chưa hẳn là điều đáng vui. Bởi, như thực tế đang chứng minh, những đề tài đang được khai thác nhiều quanh đi quẩn lại vẫn là tâm lí - tình cảm, hài, đồng tính, thi thoảng có vài ba bộ phim lịch sử theo đơn đặt hàng Nhà nước. Thay vào đó, những bộ phim về đề tài hành động thì đang có vẻ như bị "xiết" chặt hơn bao giờ hết.

Ngoại thì thoáng

Nhìn vào thị trường chiếu bóng trong nước, không khó để nhận thấy hằng năm số đầu phim bom tấn được nhập về chiếu luôn chiếm một lượng lớn. Tính ra mỗi tháng mỗi đơn vị sẽ có trung bình khoảng 2-4 phim ra rạp, Việt Nam có khoảng 3 đơn vị nhập phim vừa và lớn như CGV, BHD, Galaxy. Bên cạnh đó là các hãng nhỏ lẻ khác, trung bình mỗi tháng cũng được 1-2 bộ phim. Vậy tính ra một tháng cũng có khoảng trên dưới 10 bộ phim nước ngoài ra rạp, một năm như thế hơn 100 bộ phim.

So với khoảng 10 đầu phim trong nước một năm thì thị phần của phim Việt chiếm chưa đến 10% số phim ra rạp để phục vụ công chúng. Quá ít và quá chênh lệch. Vậy nhưng, ít chưa chắc đã được ưu tiên hơn, nếu không muốn nói là khắt khe hơn trong khâu kiểm duyệt. Có lẽ cũng bởi vì thế mà sự chênh lệch càng rõ ràng hơn. Ít nhất là với sự "nới lỏng" cho chất lượng của các bộ phim khai thác cùng đề tài hành động.

Mới nhất đây là bộ phim "John Wick" do Mỹ sản xuất được đơn vị Platinum phát hành chính thức trên toàn quốc từ 24/10/2014 thực sự là một bộ phim bạo lực và thuần tuý bạo lực từ đầu đến cuối. Nội dung bộ phim chỉ xoay quanh việc một gã gangter bị mất trộm xe hơi và con chó bị giết và để trả thù lại, anh ta đi giết hàng chục, thậm chí hàng trăm người khác, những kẻ đến từ một băng đảng mà con trai của người cầm đầu đã đánh cắp xe và giết chó của anh ta.

Từ phút thứ 5 của bộ phim đến phút cuối cùng tràn ngập cảnh đánh, bắn, giết với khung hình dữ dội toàn máu và cảnh chết chóc ngập tràn. Một bộ phim không có giá trị nhiều về mặt nội dung cũng như về nghề nhưng khán giả chăm chú xem và cười, thi thoảng, khi những màn đánh nhau có chút yếu tố hài nhẹ nhàng. Chấm hết! Khi bước chân ra khỏi rạp, người xem tự hỏi không hiểu một bộ phim như vậy tại sao lại được cấp giấy phép duyệt của Hội đồng duyệt phim quốc gia mà không hề bị cắt bớt những đoạn hành động máu me trên phim.

Cảnh trong phim “Bụi đời Chợ Lớn”.

Tất nhiên, "John Wick" không phải trường hợp duy nhất "lọt cửa" kiểm duyệt với những cảnh bạo lực như vậy! Nếu lục lại danh sách những bộ phim với đề tài tương tự được cấp phép chiếu ở Việt Nam trong vài năm trở lại đây có lẽ là điều khá khó khăn và đánh đố người xem lẫn người viết bởi nhìn đi nhìn lại bom tấn quanh năm chỉ toàn phim hành động.

Thế mới thấy thua thiệt cho nhà sản xuất - làm phim trong nước.

Nội khắt khe và khó trăm bề

Câu chuyện về "Bụi đời Chợ Lớn" có lẽ là một bài học lớn cho những nhà đầu tư - sản xuất phim trong nước khi những thước phim của bộ phim được cho là hành động dữ dội nhất trong lịch sử điện ảnh Việt hiện đại bị cấm phát hành - phổ biến trên toàn quốc dưới mọi hình thức. Thực tế mà nói, dựa trên bản phim được phát hành trên mạng Youtube, thì "Bụi đời Chợ Lớn" không hẳn là bộ phim xuất sắc bậc nhất của điện ảnh Việt. Đơn giản là bởi câu chuyện, mô-típ của bộ phim khá cũ, gần giống với những bộ phim xã hội đen của Hongkong thập niên 90 của thế kỉ trước nhưng có một thực tế không thể chối cãi là bộ phim được chỉ đạo võ thuật - hành động đẹp mắt, cầu kì và công phu. Hầu như toàn bộ diễn viên đóng thế của các Câu lạc bộ võ thuật trong thành phố đã được "trưng dụng" để phục vụ cho những đại cảnh hành động của bộ phim. Thế nhưng, toàn bộ sự dụng công đó đã không thể đong đếm được và bộ phim mãi mãi chỉ còn là những kỉ niệm đẹp của những người đã tham gia.

Cảnh trong phim “Hiệp sĩ mù”.

Cách đây 2 tuần, bộ phim "Hiệp sĩ mù" đã ra rạp trong sự "ngỡ ngàng" của khá nhiều khán giả. Sự ngỡ ngàng đó cũng là dễ hiểu khi Lưu Huỳnh lần đầu tiên mang đến cho số đông một tác phẩm điện ảnh gần như thuần tuý giải trí bên cạnh gương mặt mới như Ngọc Thanh Tâm. Công bằng mà nói "Hiệp sĩ mù" đã đáp ứng được những nhu cầu giải trí của một tác phẩm điện ảnh hướng đến số đông khi pha trộn một cách khá nhuần nhuyễn giữa hành động và tâm lí tình cảm, tất nhiên vế thứ nhất vẫn chiếm thời lượng lớn của bộ phim. Những pha hành động của Hiệp sĩ mù hoàn toàn là những hình ảnh sạch khi những màn giao tranh hầu như không có sự xuất hiện của máu hoặc những hiệu ứng tương tự. Bỏ qua những hạn chế của bộ phim, ví dụ như thoại quá khô cứng và "giáo điều", thì phải thừa nhận rằng "Hiệp sĩ mù" xứng đáng được đón nhận cũng như được hoan nghênh bởi những nỗ lực của ê-kip vì đã mang lại một sản phẩm sạch sẽ - chỉn chu nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu giải trí của khán giả bỏ tiền mua vé.

"Hương Ga" - hi vọng mới của điện ảnh hành động

Ngày 31/10/2014, bộ phim hành động - tâm lí "Hương Ga" chính thức được công chiếu trên toàn quốc. Cũng giống như "Hiệp sĩ mù", bộ phim được làm khá tốt công cuộc truyền thông cũng như  maketing. Đến bây giờ, những thông tin về bộ phim dài thứ hai của đạo diễn Cường Ngô được "phủ" khắp trên các mặt báo cũng như khắp hang cùng ngõ hẻm bằng những phương tiện quảng bá hiệu quả. Thế nhưng, xét ở một khía cạnh khác, chính sự phổ cập tốt khiến cho bộ phim được chờ đợi và có những kì vọng nhất định ở dòng phim hành động.

Cảnh trong phim “Hương Ga”.

Kì vọng nhất trong bộ phim này đồng nghĩa với áp lực lớn nhất lại chính là Trương Ngọc Ánh. Kể từ sau khi thể hiện xuất sắc với vai Dần trong "Áo lụa Hà Đông" của 8 năm trước, Trương Ngọc Ánh gần như không còn xuất hiện nhiều với các dự án điện ảnh trong nước, cho tới "Ngọc Viễn Đông" cách đây vài ba năm.

Có lẽ, chính vai nhỏ trong một phim ngắn (trong chùm phim ngắn) đó mà Trương Ngọc Ánh đã có mối tâm giao với đạo diễn Cường Ngô để "Hương Ga" gần như là một vai đo ni đóng giày với "kiều nữ họ Trương". "Đả nữ" chưa bao giờ là thế mạnh của Trương Ngọc Ánh, thế nhưng ở vai diễn trong tác phẩm "Hương Ga" thì Trương Ngọc Ánh phải có nhiều pha hành động bên cạnh những tình huống tình cảm mùi mẫn để đảm bảo có thể lấy được nước mắt khán giả.

Hẳn nhiên là thông qua một bộ phim, khó lòng mà có thể "khoác" hoặc thay đổi Trương Ngọc Ánh từ một diễn viên chuyên trị những vai nặng kí, nhiều diễn biến tâm lí phức tạp thành một diễn viên chuyên dòng phim hành động. Thế nhưng, thêm một vai diễn chính trong một bộ phim hành động thì kể như Trương Ngọc Ánh đã sắp hoàn thành bộ sưu tập các thể loại vai diễn mà cô đã đảm nhận trong suốt gần 20 năm sự nghiệp của mình.

Nói về những màn hành động, giống như "Bụi đời Chợ Lớn", "Hương Ga" cũng lâm vào tình cảnh... thiếu diễn viên võ thuật. Thực sự là trên hiện trường của bộ phim đã có vài phân đoạn mà chỉ đạo võ thuật của bộ phim yêu cầu dàn diễn viên phụ quá hùng hậu đến độ những đơn vị cung cấp phải "phàn nàn" với tổ sản xuất rằng: "Bên em xài "hao người" quá, anh giờ làm sao?".

Tất nhiên, đó chỉ là một lời phàn nàn vui nhưng trong đó cũng hàm chứa rằng bộ phim đã được đầu tư công phu kĩ lưỡng ở khâu hành động với rất nhiều đại cảnh hoành tráng được dàn dựng cung phu để mang đến cho khán giả những màn võ thuật hành động đã mắt nhất có thể. Có thể nói rằng mặc dù phim chưa ra rạp nhưng những phản hồi của khán giả hiện tại trên những trang mạng thì "Hương Ga" có vẻ "hot" không kém những bộ phim đình đám nhập khẩu.

Một dàn diễn viên đẹp. Một ê-kíp làm phim chuyên nghiệp đa quốc gia. Thiết bị máy móc hiện đại. Đạo diễn tu nghiệp nước ngoài và đã khẳng định được tài năng. Rõ ràng nhiêu đó yếu tố đủ để "Hương Ga" xứng đáng được chờ đợi như một trong những bộ phim hành động - tình cảm được đặt kì vọng sẽ làm "hồi sinh" một dòng phim đang chịu nhiều ánh nhìn khắt khe. Hi vọng rằng, "Hương Ga" sẽ phá "dớp" để hành động là một mảng đề tài được khai thác nhiều trong các năm sau và lúc đó, chúng ta có thể tự tin nói rằng: Điện ảnh Việt đồng đều ở khắp các "mặt trận"

Đức Thành
.
.
.