Phim hay mới "cứu" được điện ảnh Việt hậu COVID-19?

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:12
Làm thế nào để phục hồi nền điện ảnh Việt hậu COVID-19, đó là một bài toán đau đầu đối với các nhà làm phim và phát hành ở Việt Nam hiện nay. Có lẽ, điều duy nhất có thể tạo nên cú hích cho điện ảnh trong thời điểm khó khăn này, không gì khác chính là chất lượng của tác phẩm. Bài toán này, liệu sẽ được giải như thế nào khi phim Việt vẫn đang loay hoay trong “ao làng” nhà mình?


1.Điện ảnh Việt Nam hai năm qua đã có những khởi sắc khi liên tục các kỷ lục về doanh thu phòng vé được xác lập. Phim Việt dần dần lấy lại thị phần của mình trong bối cảnh phim ngoại đang lấn lướt phòng chiếu. Nhưng từ đầu năm 2020, đại dịch COVID-19 tạo nên một cú sốc lớn đánh vào thị trường điện ảnh vốn còn non trẻ. Trong 9 tháng qua, rạp phim “đóng băng”, nhiều phim bị hoãn chiếu, vô số dự án trong quá trình sản xuất buộc phải dừng lại.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc nội dung của CJ CGV, cho biết: “Trong 9 tháng đầu năm, doanh thu chỉ bằng 30% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là một con số rất thấp”. Theo ông Hải, năm 2018, số lượng phim Việt là 40, tổng doanh thu 750 tỷ đồng. Năm 2019, phim Việt có 41 phim, thu về 1253 tỷ đồng, tỷ lệ tăng trưởng theo doanh thu là 67%.

Các bộ phim trong cuộc đua doanh thu khủng năm nay đều hoãn chiếu, Trạng Tí, Thanh Sói, Lật mặt 5.

Thế nhưng trong 5 phim Việt có doanh thu lớn nhất nửa đầu năm 2020 chỉ có 1 phim hơn 100 tỷ đồng (trong khi năm ngoái, có 5 phim đều trên 100 tỷ đồng). Trong 3 tháng mùa dịch, số lượng vé bán ra tại các cụm rạp đã bị ảnh hưởng rất lớn. “Lộ trình đã vạch ra và đang thực hiện hướng đến mục tiêu điện ảnh Việt Nam sẽ có vị trí cao trên bản đồ thế giới vào năm 2025 với 120 triệu lượt khán giả đến rạp, 50% thị phần là phim Việt Nam, nay có thể bị đổ nếu tiếp diễn tình trạng này”.

Nhìn ra hai nền điện ảnh lớn trong khu vực đang phục hồi mạnh mẽ, là Trung Quốc và Hàn Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, nhưng hai bộ phim nội địa chứ không phải phim bom tấn nước ngoài đã giúp họ “giải cứu khủng hoảng phòng vé”. Ở Hàn Quốc, bộ phim “Ác quỷ đối đầu” (Deliver Us From Evil) vượt mặt bom tấn nước ngoài ở cuộc đua phòng vé.

Trong khi đó, bộ phim “Bát Bách” (The Eight Hundred) được xem là cứu tinh của điện ảnh Trung Quốc thời hậu COVID-19.  Sau 1 tháng chiếu, “Bát Bách” không chỉ ăn khách nhất Trung Quốc năm nay mà vọt lên top 1 toàn cầu với doanh thu khủng. Rõ ràng không cần phim bom tấn Hoollywod để kích cầu thị trường.

2.Vấn  đề được các nhà làm phim và quản lý ở Việt Nam quan tâm hiện nay là liệu chúng ta sẽ có những giải pháp nào để phục hồi nền điện ảnh trong bối cảnh khó khăn hiện nay? Ông Lương Công Hiếu, Tổng Giám đốc của Galaxy kêu gọi các nhà làm phim hãy dũng cảm đưa phim ra rạp bởi trong bối cảnh hiện nay, chưa có nhiều phim ngoại cạnh tranh.

Nhưng có một vấn đề tồn đọng nhiều năm qua ở thị trường điện ảnh, đó là hệ thống rạp chiếu phim gần như nằm trong tay các nhà đầu tư nước ngoài. Vì thế, thời gian phát hành, thời điểm chiếu phim đều bị hạn chế và áp đặt theo nhà phát hành. Theo nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh: “Để phim Việt ra rạp, các cụm rạp cần giảm phí phát hành, hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong thời điểm khó khăn này để đưa phim ra rạp”.

Trước đây, tỷ lệ ăn chia giữa nhà sản xuất và phát hành phim là 50-50, tỷ lệ này có thể giảm xuống trong bối cảnh hiện nay. Bà Ngô Thị Bích Hiền, Giám đốc BHD lo ngại: “Thời gian tới sẽ có khá nhiều phim ra rạp do đã lên lịch chiếu nhưng bị lùi. Vì thế, điều tôi quan tâm là chủ rạp sẽ lấy phần trăm thế nào, sắp xếp chiếu ra sao trong một ngày, chiếu bao lâu để khuyến khích phim Việt ra rạp lúc này”.

“Ròm” được chọn mở màn cho phim Việt hậu COVID-19.

Nếu các nhà phát hành không thiện chí và hỗ trợ phim Việt thì phim Việt vốn đã khó khăn trên con đường tìm đường đến với khán giả, giờ lại càng khó khăn hơn. Thực tế, trước đây, có một số bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao đã rất chật vật tìm đường đến khán giả, nhất là họ không nhận được sự hỗ trợ thiện chí từ các rạp chiếu phim. Hoặc chuyện phim Việt phát hành vào những khung giờ xấu vẫn thường xuyên diễn ra. Điều này đã được bàn thảo khá nhiều trong các cuộc hội thảo để tiến tới mục tiêu 50% thị phần là phim Việt.

Tuy nhiên, để phục hồi nền điện ảnh, ngoài những vướng mắc về vấn đề trên thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là chất lượng của các bộ phim ra rạp như thế nào. Chúng ta cần phải có những tác phẩm chất lượng, đa dạng hóa về nội dung để thu hút khán giả ra rạp. Dù khó khăn, nhưng đây cũng là cơ hội cho phim Việt, tận dụng quãng thời gian bom tấn nước ngoài chưa đổ bộ vào Việt Nam.

Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh khẳng định: “Chúng ta không nên truyền thông theo kiểu ôn nghèo, kể khổ rằng phim Việt khó khăn nọ kia, thực tế rất song phẳng. Điều chúng ta cần làm là khảo sát thị trường xem vì sao khán giả vẫn ngần ngại đến rạp. Và điều quan trọng hơn nữa là chúng ta làm những bộ phim thật hay, thu hút khá giả, mang lại niềm vui hay nỗi buồn, chạm đến trái tim khán giả, để họ không thấy phí thời gian đi xem”.

Chất lượng của phim ra rạp, đó là cứu cánh của phim Việt hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là một bài toán đau đầu đối với  các nhà làm phim và cũng là một vấn đề tồn tại của điện ảnh Việt nhiều năm qua. Làm sao để phát triển và hội nhập trong khi hàng năm, lượng phim Việt đang tăng lên, nhưng không đồng nghĩa với sự tăng trưởng về chất lượng.

3. Vừa qua, Cục Điện ảnh đã phát động cuộc thi “sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh 2020”. Đây là cuộc thi nhằm tìm kiếm những kịch bản hay, vốn đang khan hiếm của điện ảnh Việt Nam trong nhiều năm gần đây. Không có kịch bản hay, làm sao có những bộ phim chất lượng cao. Muốn có những bộ phim hay, chúng ta phải cởi trói từ chính khâu kịch bản, không né tránh các đề tài nóng.

Phim Việt nhiều năm nay chỉ loanh quanh các đề tài chiến tranh, cách mạng, thiếu nhi, bi hài, truyện kinh dị… chúng ta cần những cái nhìn gai góc hơn về xã hội đương đại để phản ánh cuộc sống hôm nay. Kịch bản là khâu quan trọng nhất để tạo nên diện mạo mới cho phim Việt trong bối cảnh hiện nay.

Đạo diễn, NSND Nhuệ Giang chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng phim Việt thì phải kỹ lưỡng và đầu tư hơn nữa trong khâu kịch bản. Chẳng hạn như đề tài chiến tranh, từ lâu thế giới đã chuyển sang làm phim với góc nhìn phản chiến, chúng ta cần nhìn ở con mắt của người đương thời, nhân văn và nhiều chiều hơn, chúng ta cũng cần những tiếng nói về cuộc sống hôm nay, những góc khuất trong đời sống con người đương đại.

Những phim Việt đáng chú ý năm 2019.

Đó chính là đề tài của điện ảnh nhưng có vẻ như điện ảnh Việt đang xa rời đời sống, chỉ quẩn quanh mấy câu chuyện giản đơn, thậm chí tầm phào”. Tất nhiên, kịch bản tốt, phim hay, còn cần sự hỗ trợ của truyền thông, quảng bá và cần sự chung tay của các nhà phát hành. Những mối quan hệ tổng hòa đó nếu vận hành nhịp nhàng sẽ tạo cơ hội cho điện ảnh Việt trong thời gian tới.

Tín hiệu mừng đầu tiên là việc lựa chọn phim “Ròm” mở màn cho mùa chiếu phim hậu COVID. Phim thắng  giải cao nhất tại Liên hoan phim Busan nhưng cũng lúc đó, ở Việt Nam, phim bị chịu án phạt nặng nề và cấm chiếu. “Ròm” đã chính thúc được chiếu rạp và gánh vác trọng trách “cứu tinh” rạp chiếu Việt đang “chết lâm sàng”. Rất khó để Ròm có thể làm nên một bom tấn ở Việt Nam trong thời điểm này như hai bộ phim của Hàn Quốc và Trung Quốc, nhưng sự lựa chọn “Ròm” ra rạp vào thời điểm này sẽ “là cú hích cho phim độc lập ở Việt Nam và mở đường cho dòng phim này tại rạp chiếu”.

Không biết “Ròm” có làm nên hiện tượng phòng vé hay không, nhưng rõ ràng điện ảnh Việt cần những bộ phim chất lượng để hồi phục sau đại dịch. Đó cũng là con đường dài hơi và cần thiết để điện ảnh Việt khởi sắc trong nước và vươn ra khu vực.

Lan Tường
.
.
.