Phim "ký sinh trùng" và thành công của chiến lược phát triển văn hóa Hàn Quốc

Thứ Bảy, 15/02/2020, 15:26
Tối 9/2, tại lễ trao giải Oscars lần thứ 92, phim "Ký sinh trùng" (Parasite) của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon-ho đề cập tới sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội đã giành được chiến thắng áp đảo với 4 giải thưởng quan trọng: Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất, Phim nước ngoài hay nhất và Kịch bản gốc hay nhất.


Sự thành công này cho thấy kết quả của hai thập kỷ Hàn Quốc luôn chú trọng đầu tư để phát triển và lan tỏa văn hóa Hàn Quốc trên thế giới, một "sức mạnh mềm" của quốc gia này.

Vị thế mới của điện ảnh Hàn Quốc 

Vài tuần trước, Jin-young Sung, người phụ trách quan hệ công chúng tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc ở Los Angeles được mời đến dự một bữa "trà chiều" dành cho trẻ em cùng với đứa con trai 7 tuổi của cô, "xung quanh tôi đều là những người Mỹ da trắng, tất cả chỉ nói về bộ phim Ký sinh trùng".

Với 30 triệu USD doanh thu trên đất Mỹ (trên tổng số 160 triệu USD trên toàn thế giới), bộ phim tâm lý xã hội mang sắc thái hài hước này đã được xếp hạng là một trong bẩy bộ phim tiếng nước ngoài có doanh thu thành công nhất trong lịch sử. Một chiến công oanh liệt cho một bộ phim có kèm phụ đề và với dàn diễn viên hoàn toàn xa lạ với công chúng Mỹ. "Chưa bao giờ xảy ra" - Jin-young Sung nhấn mạnh.
Đạo diễn Bong Joon-ho nhận giải phim hay nhất tại buổi lễ trao giải Oscars ở Los Angeles.

Đất nước Hàn Quốc đã vỡ òa trong hạnh phúc sau khi "Ký sinh trùng" vượt lên trên những bộ phim xuất sắc khác để giành giải Oscars về phim hay nhất, trở thành bộ phim nói tiếng nước ngoài đầu tiên giành giải thưởng này. Nhiều bài báo bày tỏ niềm hân hoan với sự vươn dậy của nền văn hóa Hàn Quốc, một thứ "quyền lực mềm", trước hiện tượng "Ký sinh trùng" này thì cũng  đã rất thành công  với trào lưu K- pop.

Trong một buổi họp vào chiều hôm thứ hai, đích thân Tổng thống Moon Jae-in đã đề nghị những người tham dự cùng vỗ tay chúc mừng đạo diễn Bong và ekip làm phim: "Thông qua một câu chuyện đậm chất Hàn Quốc "Ký sinh trùng" đã gây xúc động mạnh mẽ cho toàn thế giới", ông Moon nhấn mạnh.

Một số người hâm mộ tỏ rất thích thú khi thấy Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã chọn để trao giải cho một bộ phim đã "vạch trần những vấn đề của chủ nghĩa tư bản hôm nay". Lim Soo-hyang, sinh viên Khoa Luật ở Đại học Quốc tế Handong, thành phố Pohang đã cho biết cảm tưởng của mình: "Tôi rất hạnh phúc khi "Ký sinh trùng" đã giành được những giải thưởng danh giá, một bộ phim tuyệt vời mô tả rất chính xác mối quan hệ giữa những người giầu và người nghèo trong xã hội hiện nay".

Nam Dong-chul, người chịu trách nhiệm tổ chức Liên hoan phim Quốc tế Busan, cho biết ông rất ngỡ ngàng khi thấy Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật điện ảnh Mỹ đã trao giải phim hay nhất cùng với ba giải Oscars khác cho một bộ phim nước ngoài "điều đó nói lên rằng Viện đã mở rộng cửa cho các phim quốc tế. Việc trao giải này đã nâng cao rất nhiều vị thế của điện ảnh Hàn Quốc trên trường quốc tế".

"Ký sinh trùng" đã có một khởi đầu rất ngoạn mục trong dịp ra mắt khán giả tại Seoul, vài ngày sau khi đã giành chiến thắng ở Liên hoan phim Cannes. Trên thị trường quốc tế, "Ký sinh trùng" ra mắt đầu tiên ở Pháp ngày 5-6 và đã thu về 11,9 triệu USD tiền bán vé ở Pháp. Nhưng thị trường Mỹ mới là thử thách khắc nghiệt, là nơi quyết định sự thành bại của những bộ phim mới được công chiếu trước mùa trao giải. Ra mắt khán giả vào đầu tháng 10-2019, bộ phim ngay lập tức đã đạt doanh số kỷ lục cho một phim nước ngoài trên đất Mỹ.

Một cảnh trong phim "Ký sinh trùng".

Chỉ trong hai ngày nghỉ cuối tuần, bộ phim đã đạt con số 384.216 USD chỉ tại ba phòng vé. Thông tin về thành công của bộ phim tràn ngập trên mạng xã hội đã khiến Neon, người khổng lồ trong lĩnh vực phát hành phim quyết định vào cuộc. Trước khi nhận giải Oscars, doanh thu của "Ký sinh trùng" đã vượt qua ngưỡng 160 triệu USD và nhiều khả năng sẽ cám mốc 300 triệu USD trong những tháng sắp tới nhờ vào ánh hào quang của giải Oscars mà bộ phim này vừa nhận được.

Thành công của chiến lược phát triển văn hoá

Không phải ngẫu nhiên mà Bong đã có thể đưa nền điện ảnh Hàn Quốc vươn tới những đỉnh cao mới. Ngoài tài năng của cá nhân anh, thành công của phim "Ký sinh trùng" cũng là thành công của chính sách phát triển văn hóa trong hai thập kỷ vừa qua của Hàn Quốc.

Cần nhắc lại rằng sau nhiều năm thực hành chính sách ngăn cấm và kiểm duyệt gắt gao, vào đầu những năm 1980, Hàn Quốc đã thực hành một chính sách cởi mở hơn đối với việc nhập khẩu văn hóa, hệ quả là chỉ sau một thời gian ngắn nền công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc gần như đã bị đè bẹp trước làn sóng phim Hollywood tràn vào, chiếm lĩnh các phòng chiếu phim và đánh bật các phim nội địa ra rìa.

Chỉ sau hai thập niên, giờ đây Hàn Quốc đã vươn dậy để trở thành cường quốc điện ảnh đứng thứ 5 trên thế giới với 226,7 triệu vé được bán ra trong năm 2019. Mỗi người Hàn Quốc xem xấp xỉ  4,4 phim/ năm, nước có tỷ lệ xem phim vào loại cao nhất.  Đó là thành quả của hơn hai thập kỷ Hàn Quốc liên tục đưa ra những chính sách hỗ trợ cho sự phát triển mạnh mẽ của nền công nghiệp điện ảnh trong nước.

Năm 1999, "Luật hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp văn hóa" ra đời, đi kèm là việc thành lập một quỹ đặc biệt 250 tỷ won (212 triệu USD) cho dành cho tài khóa 5 năm. Một loạt các biện pháp cụ thể đã được đề xuất để tạo điều kiện cho ngành công nghiệp điện ảnh phát triển. Chẳng hạn như từ đầu những năm 2000, một hệ thống hạn ngạch được áp dụng (mỗi rạp chiếu phim phải chiếu các bộ phim Hàn Quốc ít nhất trong 73 ngày/ năm) đã hạn chế rất nhiều sự có mặt trên thị trường của các phim nước ngoài.

Sự thay đổi này là cú huých cho sự xuất hiện một "làn sóng mới" trong nền điện ảnh Hàn Quốc với các tên tuổi lớn như Park Chan-wook, Kim Jee-woon, Lee Chan-dong và Bong Joon-ho, trong đó Lee Chan-dong và Bong Joon-ho có thể coi là những gương mặt sáng chói nhất.

Nhóm Blackpink là một biểu tượng về sự thành công trong quảng bá văn hóa Hàn Quốc.

Những đạo diễn tài năng và kiêu hãnh này đã khước từ "lối mòn" của công nghệ làm phim "bom tấn" của Mỹ và tự sáng tạo ra những bộ phim đặc sắc và mang đậm văn hóa Hàn Quốc mà vẫn chạm đến được những vấn đề nóng bỏng của thời đại. Ở Hàn Quốc hiện nay, phim sản xuất trong nước luôn chiếm thị phần hơn 50%.

Không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực của công nghiệp điện ảnh, Chính phủ Hàn Quốc luôn tìm cách hỗ trợ cho các nghệ sĩ và các ngành nghệ thuật có tiềm năng: hỗ trợ dịch thuật cho văn chương, tổ chức triển lãm cho các ngành nghệ thuật tạo hình, hỗ trợ vé máy bay và sử dụng các kênh có ảnh hưởng tại các nước sở tại để phục vụ cho các chiến dịch quảng bá phim ảnh.

Từ nhiều năm nay, văn hóa của Hàn Quốc đã có một sức lan tỏa mạnh mẽ vượt ra ngoài biên giới của bán đảo Triều Tiên khi các nhóm nhạc K-pop trình diễn trên các sân vận động khắp thế giới; mỹ phẩm Hàn Quốc được đông đảo người dân hâm mộ, các món ăn Hàn Quốc ngày càng trở nên quen thuộc…

Jin-young Sung  cho biết: "Trước đây, khi bắt đầu công việc ở Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Los Angeles này, mỗi khi lên các chương trình giao lưu văn hóa, chúng tôi chỉ dám nghĩ đến các vở kịch hay các điệu múa truyền thống, nhưng giờ đây nhờ vào sự thành công của K- pop, chúng tôi có thể lựa chọn các hình thức biểu diễn hiện đại hơn".

Từ giữa mùa hè năm 2019, Jin-young Sung bắt đầu tập trung vào chiến dịch quảng bá cho phim "Ký sinh trùng". Tháng 10-2019, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Los Angeles đã tổ chức những hoạt động kỷ niệm 100 năm ngành điện ảnh Hàn Quốc với sự có mặt của Bong Joon-ho và toàn bộ đoàn làm phim "Ký sinh trùng" bay đến từ Seoul.

Trong tháng 1-2020, Trung tâm đã tổ chức một buổi đón tiếp quan khách tại một câu lạc bộ tư nhân ở Sunset Boulevard  với chi phí là 12.000 USD" thuê địa điểm chỉ trong một buổi tối. Còn số tiền cho toàn bộ chiến dịch quảng bá  bộ phim "Ký sinh trùng" ở Los Angeles là khoảng bao nhiêu? Theo Jin-young Sung, số tiền đó ước chừng "vài trăm ngàn USD"; đối với Hollywood, đó chỉ là một giọt nước trong biển cả, nhưng đối với các bộ phim Hàn Quốc đó cũng đã là một điều gì đó rất khác biệt.

Dương Quốc Bảo (Tổng hợp)
.
.
.