Phim nội địa "lép vế", phim thiếu nhi không có cửa vào mùa

Thứ Hai, 13/06/2016, 22:24
Phim nội địa “lép vế” trước phim ngoại. Sự thất thu và thất bại ngay trên sân nhà. Phim thiếu nhi Việt vắng bóng như một thói quen. Đó là những thái cực đối lập khi phim hè vào mùa… 


Phim ngoại "áp đảo"

Dạo một vòng các rạp lớn, đắt khách của Thủ đô Hà Nội như Rạp chiếu phim Quốc gia, hệ thống rạp chiếu phim CGV, Lotte, Platinum... nhìn vào danh sách các phim đang chiếu hoặc sắp chiếu, ta có thể thấy rằng phim ngoại đang “áp đảo” các bộ phim gắn mác “made in Vietnam”. Thực trạng nhìn vào “mà đau đớn lòng”  này không phải là điều cá biệt của mùa hè năm nay mà đã tồn tại suốt nhiều năm qua.

Ngoài một vài trường hợp được xem là hiện tượng phòng vé trong năm qua như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (đạo diễn Victor Vũ), “Em là bà nội của anh” (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh),… thì nhìn chung không khí phim Việt đìu hiu ngay tại thị trường nội địa và chưa đủ khả năng nhập cuộc vào “biển lớn”.

Siêu phẩm “Angry bird”, một trong những bộ phim hoạt hình dự đoán gây bão trong mùa hè này.

Trong khi đó, nhiều bộ phim đến từ thị trường ngoại địa thì được giới thiệu rầm rộ, bắt mắt và luôn được cập nhật những bộ phim mới nhất, thỏa mãn sự chờ đợi của công chúng yêu phim. Có thể kể ra ngay trong tháng 6 – mùa phim bom tấn chính thức khởi động với những cái tên như: “Teenage Mutant Ninja Turles 2” (Ninja Rùa: Đập tan bóng tối), “Lost in fear” (Địa ngục kinh hoàng), “Me before you” (Trước ngày em đến), “Xmen: Apocalypse” (Dị nhân 7), “Warcraft” (Đại chiến hai thế giới), “Robinson Crusoe” (Robinson lạc trên hoang đảo), “Independence Day: Resurgence” (Ngày độc lập: Sự hồi sinh)…

Thậm chí, “The Jungle Book”” (Cậu bé rừng xanh”, hiện tượng phòng vé tháng 5 thì sang tháng 6 vẫn còn dư âm với nhiều suất chiếu tại các rạp. Chưa tính đến việc, một loạt phim bom tấn khác đã được lên lịch và đợi ngày “bùng nổ” vào tháng 7 như Jason Bourne (Hồ sơ điệp viên Bourne), “Ghostbusters” (Biệt đội săn ma), “Star Trek” (Không giới hạn), “The BFG” (Người bạn khổng lồ)…

Những bộ phim nước ngoài kể trên luôn được các rạp săn đón và ưu tiên nhiều suất chiếu khác nhau, tha hồ khán giả lựa chọn. Ví dụ như, bộ phim “Teenage Mutant Ninja Turles 2” có 10 - 13 suất chiếu trong một ngày tại hệ thống rạp của Platinum hoặc CGV; hay như bộ phim “Lost in fear” có tới 18 suất chiếu trong một ngày tại Trung tâm chiếu phim Quốc gia…  

Chưa nói đến chất lượng, về mặt số lượng, phim Việt đã bị “đo ván” tại sân nhà. Trong danh mục phim chờ đợi của tháng 6, bộ phim Việt đáng kể nhất chỉ có một – “Bảo mẫu siêu quậy 2” (đạo diễn Lê Bảo Trung) với sự tham gia diễn xuất của cây hài Hoài Linh.

Ngoài ra, còn có “Bao giờ có yêu nhau” (đạo diễn Dustin Nguyễn) nhưng vẫn chưa có ấn tượng gì đậm nét, phim “Lật mặt 2” của ca sỹ Lý Hải bị giới chuyên môn chê thảm hại. Một số bộ phim khác được báo chí ca ngợi như “Tấm cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn Ngô Thanh Vân), “Fan cuồng” (đạo diễn Charlie Nguyễn)… thì mới chỉ tung bản trailer. Phải đến cuối tháng 7 hoặc tháng 8, chúng ta mới biết được có ra tấm ra món hay không.

Trong lúc đó, trên các trang xem phim trực tuyến, thu hút phần lớn đối tượng xem ở độ tuổi 16 – 28, tình hình cũng chẳng khá khẩm hơn. Nếu tại các rạp chiếu phim, phim Mỹ soán ngôi thì ở các trang phim trên mạng thì mỹ từ này thuộc về phim Hàn hoặc phim ngôn tình Trung Quốc. Phim chiếu trên các kênh truyền hình thì thôi… từ lâu, phim Việt đã mai một dần hoặc nhạt nhẽo, không ai xem. Thay vào đó là phim Hàn Quốc, Ấn Độ, Philippines, Mỹ…

“Bảo mẫu siêu quậy 2”, bộ phim Việt hiếm hoi được chờ đợi của mùa hè này.

Thậm chí, hồi tháng 4, thay vì đầu tư một bộ phim “made in Vietnam”, kênh HTV2 (Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh) đã mạnh tay chi tiền “khủng” mua bản quyền bộ phim “Hậu duệ mặt trời”, một bộ phim của Hàn Quốc, đã phát gần như song song với lịch chiếu miễn phí trên mạng.

Mặc dù không công bố số tiền trên là bao nhiêu nhưng theo thông tin từ báo chí, một kênh truyền hình Trung Quốc từng tuyên bố đã trả 250.000 USD/tập (gần 5,5 tỷ VNĐ) để được phát gần như đồng thời với Hàn Quốc, trong khi kênh truyền hình tại Nhật Bản thì khẳng định đã mạnh tay bỏ ra 100.000 USD/tập (hơn 2 tỷ đồng) cho bản quyền của bộ phim này.

Nếu phim nước ngoài, sau thời kỳ sốt phòng vé vẫn được nhiều khán giả quan tâm thì phim Việt, trừ một vài cái tên đặc biệt, được xem là “ca hiếm” thì hầu hết, phim khép lại, khán giả ra về và hết chuyện. Trong số đó, không ít phim được truyền thông “thổi phồng” và phù phép, khiến khán giả tò mò thì khi đi xem, không ít người cảm thấy thất vọng.

Có thể kể ra 2 bộ phim Việt gần đây là “Taxi, em tên gì” (do Đỗ Đức Thịnh và Đinh Tuấn Vũ đồng đạo diễn) và “Vòng eo 56” (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng)…   

Vắng bóng phim thiếu nhi 

Cuối tháng 5, hầu hết các em học sinh đều đã được nghỉ hè. Lướt một vòng lịch chiếu phim tại các rạp, những bộ phim dành cho thiếu nhi gây sốt vào tháng 6 này như “Cậu bé rừng xanh”,  “Doraemon: Nobita và nước Nhật thời nguyên thủy”, “Robinson lạc trên hoang đảo”, “Angry bird”… ; hay những “bom tấn” sắp tới như “Đi tìm Dory”, “Alice ở xứ sở trong gương”, “Kỉ băng hà 5: Trời sập”, “The Secret life of Pet” lại là sản phẩm của những nước nằm ngoài lãnh thổ Việt Nam. Những bộ phim này ngoài sự lôi cuốn, kĩ xảo hiện đại, sinh động, bắt mắt thì còn mang nhiều tầng ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mãn nhãn trẻ nhỏ, thỏa mãn cả những bậc phụ huynh.

Những bộ phim ngoại luôn được giới thiệu liên tục trên website của các rạp phim.

Trong khi đó, tính tới thời điểm này, phim Việt dành cho đề tài thiếu nhi ra rạp, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có “Bảo mẫu siêu quậy” – một tác phẩm không hẳn là xuất sắc lắm. Hơn 10 năm qua, chúng ta chưa có một bộ phim nào mới và đáng kể dành cho lứa tuổi các em, sống được trong lòng các em.

“Đất Phương Nam” (đạo diễn Vinh Sơn), “Đội đặc nhiệm nhà C21” (đạo diễn Vũ Hồng Sơn), “Kính vạn hoa” (đạo diễn Minh Chung – Đỗ Phú Hải)… mặc dù ra đời cách đây đã lâu nhưng đến bây giờ, vẫn là những bộ phim kinh điển của dòng phim truyện dành cho lứa tuổi này. 

Mảng phim hoạt hình của đơn vị nhà nước (tiêu biểu ở đây phải kể đến Công ty TNHH MTV Hãng phim Hoạt hình Việt Nam) sản xuất hằng năm cũng chỉ được chiếu cho các em xem vào các dịp lễ, tết rồi cất kho “lưu chiểu”. Những bộ phim hoạt hình do các đơn vị tư nhân sản xuất, có chất lượng, đạt giải thưởng lại chưa có cơ hội ra rạp.

Ví dụ như mới đây, nằm trong giải thưởng phim ngắn thuộc chương trình Lễ hội phim hoạt hình Việt Nam – Hàn Quốc, 3 bộ phim hoạt hình của Việt Nam đạt giải là “Cuộc phiêu lưu của Trứng, Chanh và Ớt”, “Bông hoa Mặt trời”; “Cáo, gà và chuột”… thì những khán giả nhí chưa có điều kiện biết đến.

Phim thiếu nhi, mảnh đất vàng hiện nay chưa được khai thác hết. Dù nhìn ra được tiềm năng nhưng nhiều người làm phim phải công nhận, làm phim thiếu nhi khó.

Vì vấn đề lợi nhuận không cao, vì khó chen chân vào rạp, công nghệ làm phim vẫn còn nhiều lạc hậu,… đủ thứ lý do khiến một nhà đạo diễn (có thể rất yêu thương trẻ em, khát vọng muốn làm một bộ phim thiếu nhi để đời) vẫn ngậm ngùi chọn làm phim “mì ăn liền” cho qua ngày đoạn tháng. Và cũng bởi sự chênh vênh, phiêu lưu ấy, các cánh cửa để phim thiếu nhi ra rạp gần như không có. 

“Tấm Cám: Chuyện chưa kể”, bộ phim được đánh giá cao qua trailer nhưng tới tháng 8 mới ra rạp.

Trong khi đó, về phía các đơn vị quản lý, dòng phim thiếu nhi chưa được quan tâm đúng mức. Chúng ta đang để dòng phim này thả nổi, mất phương hướng và tồn tại không có bản sắc khi những bộ phim sến súa, nhạt nhẽo của người lớn lên ngôi. Ăn gì, chơi gì và xem gì, mùa hè này sẽ là một mùa hè ra sao trong trí nhớ của các em nếu không phải sự trống rỗng trong đời sống hưởng thụ văn hóa?

Rõ ràng, các em đang “khát” phim thiếu nhi nhưng suốt thời gian qua, dường như, chúng ta đã không làm một điều gì cụ thể để hạ nhiệt cơn khát đó. Đã mấy chục năm qua đi nhưng “Mẹ vắng nhà”, “Sơn ca trong thành phố”, “Tuổi thơ dữ dội”… hay gần đây nhất với thế hệ người viết bài này, “Đất Phương Nam”, “Đội đặc nhiệm nhà C21”, “Kính vạn hoa”… vẫn là những bộ phim thiếu nhi “vàng” của lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Mà những bộ phim đó ra đời trong hoàn cảnh nền công nghệ điện ảnh nước ta gặp rất nhiều khó khăn (ít nhất so với thời điểm hiện tại). Chúng ta đang bỏ quên con trẻ! Chỉ có lý do ấy mà thôi, để lý giải cho toàn bộ khung cảnh ảm đạm, tẻ nhạt của dòng phim này suốt thời gian qua.

Đậu Dung
.
.
.