Phim online và khoảng trống pháp lý

Thứ Tư, 23/10/2019, 09:41
Phim online đang trở thành một xu hướng phát triển tất yếu trong thời đại công nghệ. Thế nhưng, việc kiểm soát chất lượng phim này vẫn còn bị thả nổi.


Điều đáng nói, Luật Điện ảnh sửa đổi 2009 - công cụ để quản lý lĩnh vực điện ảnh bộc lộ sự lỗi thời bởi chưa đề cập nội dung của loại hình điện ảnh mới này. Nói cách khác, có một khoảng trống, "khoảng trắng" trong Luật Điện ảnh sửa đổi 2009 về vấn đề quản lý phim online.

Bát nháo thị trường phim Online

Xem phim trên điện thoại di động hay các thiết bị di động cá nhân đang là xu hướng của rất nhiều khán giả, đặc biệt là những khán giả trẻ tuổi. Lựa chọn này như một tất yếu của thời đại công nghệ số khi mà sự tiện lợi, nhanh chóng, thỏa mãn tức thời cảm xúc đang là nhu cầu của giới trẻ hiện đại. 

Nắm bắt xu thế này, nhà mạng, doanh nghiệp, nhà sản xuất phim chọn kênh Internet để phối kết hợp giữa chiếu phim và quảng bá sản phẩm. Điều này không có gì để bàn nếu như tất cả các sản phẩm phim chiếu trên mạng là tốt, có giá trị thẩm mỹ cao. Nhưng thực tế, những sản phẩm của web drama phần lớn là những sản phẩm văn hóa kém chất lượng.

Phim “Căn hộ 69” là bộ phim online hiếm hoi bị cấm chiếu.

Dạo một vòng Internet với từ khóa phim online chúng ta  thấy sự lộn xộn của thị trường phim. Những cái tên web drama như “Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể”, “Ai chết giơ tay”, “Vi Cá tiền truyện”, “Nam Phi liên hoàn kế”, “Thập Tam Muội”, “Mẹ chồng chàng dâu”, “Cương thi biến”, phim ca nhạc “La la school”, “Glee” - phiên bản Việt...  đều thể hiện sự nhạt nhẽo, vô vị. 

Đặc biệt, những đề tài khó, thường bị “soi” rất kỹ khi lên màn bạc như hành động, giang hồ, kinh dị, tâm linh, đồng tính... được dịp bung nở trên môi trường trực tuyến... 

Ở những phim này, nội dung ý nghĩa, bổ ích ít, các tình tiết nhảm nhí, bạo lực nhiều. Số khác lạm dụng cảnh khoe thân phản cảm, kiểu ăn nói thô tục để câu khách. Nhóm “Ghiền Mì Gõ” chuyên sản xuất web drama xoay quanh chuyện giới tính, hội tụ toàn hot girl yêu thích đóng cảnh nóng. 

Nhiều bộ phim, cứ chừng 5 - 7 phút lại trình diễn một màn cảnh nóng. Môi trường số không chỉ lý tưởng cho web drama phát triển mà còn là nơi để phim điện ảnh tìm kiếm thêm lợi nhuận sau khi hết suất chiếu tại rạp. Lợi dụng sự tự do của không gian mạng, họ trình làng bản gốc vốn chưa được kiểm duyệt, cắt sửa. 

Ðiều báo động, những web drama nội dung hời hợt, giá trị nghệ thuật thấp vẫn thu hút lượt xem “khủng”. Đơn cử như series phim “Lan Quế Phường” của nhóm “Ghiền Mì Gõ”, mỗi tập đều thu hút từ 1 đến 4 triệu lượt xem, nhiều tập lọt top thịnh hành của YouTube.

Theo báo cáo của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen, năm 2016 có 97% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hàng tuần. Đây là tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và tỉ lệ này không ngừng tăng cao mỗi năm. Với độ phủ song này, lo ngại về sự bùng nổ của phim “rác” kéo thấp thị hiếu công chúng, gây lệch lạc, ảnh hưởng tới nhận thức, lối sống của người trẻ là có cơ sở.

Khoảng trống pháp lý

Việc quản lý, kiểm soát phim online đương nhiên là cần thiết, thế nhưng gần 10 năm nay vẫn không có cơ quan chủ quản. Không có cơ quan chủ quản bởi trước hết, chưa xác định được khái niệm/ bản chất của phim online. Có ý kiến cho rằng, phim online là phim. Ý kiến khác khẳng định web drama không hẳn là phim (mặc dù khi quảng cáo, PR đơn vị, cá nhân sản xuất vẫn thường gọi là phim).

Vậy, nếu không là phim thì nó là cái gì? Sản phẩm nghe nhìn hay chỉ là các video clip được đầu tư khá công phu? Nếu là phim điện ảnh thì phải nằm trong việc quản lý xét duyệt của Cục Điện ảnh. 

Nhưng nếu nó không phải là phim thì không phải qua cấp phép của Cục Điện ảnh và cũng không cần nằm trong phạm vi điều chỉnh của Luật Điện ảnh sửa đổi 2009. Nó cũng không phải phim truyền hình nên không chịu sự quản lý của Đài Truyền hình.

Nhà báo Việt Văn cho rằng: “Rất khó khăn bởi vì đối với phim này thì ai quản lý, thông thường mọi người nghĩ rằng Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch quản lý bởi vì nó là phim chiếu trên mạng mang tính chất kĩ thuật công nghệ. 

Còn những loại phim chiếu rạp do Cục Điện ảnh quản lý, tuy nhiên ở đây nó không phải phim điện ảnh và cần lưu ý rằng, phim wed drama rất nhiều tập, có những phim lên tới 70, 100 tập, thời lượng từ 20-30 phút/tập. 

Với thời lượng ấy, không ai có thể duyệt cho xuể được, theo Luật Điện ảnh thì số lượng này rất ít để duyệt phim, vậy với số lượng lớn như thế không thể duyệt được, hơn nữa nó không phải phim điện ảnh, không thuộc về Cục Điện ảnh”.

Còn đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp khẳng định: “Phải mặc định, đơn vị nào, cấp nào quản lý việc này. Bộ Thông tin - Truyền thông hay Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hay Cục Điện ảnh… Vấn đề là nên phân cấp thật rõ rệt để chịu trách nhiệm chính về việc này nhưng hiện nay tôi thấy giữa các bộ, ban ngành là không rõ ràng, dẫn đến hiện tượng thả nổi”…

Phim Người phán xử ngoại truyện bị phản ứng vì có quá nhiều cảnh bạo lực.

Thả nổi là trạng thái quản lý phim online gần 10 năm nay. Và đó cũng là khoảng thời gian những tác phẩm văn hóa không lành mạnh đã kịp đầu độc 1- 2 thậm chí là 3 - 4 thế hệ trẻ. Khung pháp lý của điện ảnh mạng là vấn đề được đặt ra trong rất nhiều hội thảo tổ chức gần đây của Cục Điện ảnh và Hiệp hội Điện ảnh. 

Ngoài vấn đề thiếu kiểm soát nội dung tác phẩm làm ảnh hưởng đến đời sống văn hóa của người xem thì vấn đề thị phần và quản lý kinh doanh điện ảnh trên mạng cũng cần được sớm tính đến bởi lẽ, đây là kênh phát hành phim tất yếu trong thời đại công nghệ 4.0. 

Việc phát hành, phổ biến phim sẽ liên quan trực tiếp đến phát triển thị trường điện ảnh, vì thế cần có chính sách để xây dựng thị trường điện ảnh cạnh tranh lành mạnh, hạn chế hoặc xóa bỏ tình trạng chèn ép, lấn át thị trường của doanh nghiệp lớn, cũng như cần có chính sách ưu đãi khi phát hành, phổ biến phim Việt Nam có giá trị nội dung, nghệ thuật trên môi trường online... 

Thêm nữa, nếu không có quy định cụ thể đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát hoạt động phim online, phim khai thác từ vệ tinh, sẽ dẫn đến thất thu thuế từ hoạt động phổ biến phim gắn với quảng cáo thương mại.

Phim online là xu thế tất yếu của thế giới. Với những đạo diễn trẻ Việt Nam yêu, đam mê điện ảnh thì phim online là một cơ hội để họ thực hiện giấc mơ. Bởi với những đạo diễn trẻ mới ra trường, phim chiếu rạp, phim điện ảnh không có nhiều cơ hội. Tạo dựng và phát triển một môi trường điện ảnh online chất lượng, loại bỏ những tác phẩm nhảm nhí, đi ngược mỹ cảm dân tộc là hướng đi đúng xu thế phát triển của thế giới.

Dự thảo Luật Điện ảnh (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình  Quốc hội trong thời gian tới, hy vọng cùng với những vấn đề như quy định về sản xuất phim; quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh; lưu chiểu, lưu trữ phim; quản lý nhà nước về điện ảnh… thì vấn đề phát hành phim; phổ biến phim, quản lý phim online – phim chiếu mạng nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. 

Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi được thông qua, sẽ là hành lang pháp lý quan trọng để nền điện ảnh Việt Nam phát triển vừa mang bản sắc dân tộc vừa theo kịp với xu hướng  của thế giới.

NSND Đặng Xuân Hải:

Phát triển các phương tiện chuyển tải điện ảnh thì xu hướng online là xu hướng phát triển chính, cho nên việc quản lý bản quyền tác phẩm, bản quyền tác giả, bản quyền các bên liên quan cần có một cơ quan chủ quản và cho phép được phát triển trên kênh này… Hiện nay Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch và Bộ Thông tin – Truyền thông đang thảo luận với nhau để xem ai là cơ quan chủ quản kiểm duyệt loại hình phim online này, tôi tin là từ nay đến khi có dự thảo sẽ có những đề xuất, quy định về cơ quan quản lý phim online. Hy vọng Luật Điện ảnh sắp tới có hẳn một điều khoản riêng cho quản lý phim trên mạng Internet. Đó cũng chính là khoảng trống pháp lý đặt ra cho chúng ta trong thời gian tới là phải sửa đổi, bổ sung Luật Điện ảnh, để có những giải pháp quản lý chặt chẽ hơn để cung cấp cho người xem phim những món ăn có giá trị chân thiện mỹ cao.

Đạo diễn Thanh Vân:

 Phải xác định rằng thế giới họ đã đi trước rồi và hiện nay người ta cũng phải chấp nhận những phim làm chiếu trên mạng, nó có một giá trị độc lập và  nó đang tham dự các liên hoan phim với tư cách độc lập, đang dần được chấp nhận. Phải chấp nhận đây là một xu hướng tất yếu của xã hội, của thế giới cho nên cần có luật cho sân chơi này.

Đạo diễn Thuận Thành:

Trước tôi có đi theo phim rạp 3 năm nhưng thị trường phim rạp đòi hỏi rất nhiều yếu tố như: Phải có kinh phí lớn, trình độ cao, trong khi đó phim online rất đơn giản, đôi khi chỉ cần một chiếc điện thoại online có thể làm phim. Thứ hai, phim online khán giả có thể xem mọi lúc mọi nơi, kinh phí họ không phải mất cho nên phim online đang là xu thế phát triển. Tôi rất mong muốn các cơ quan quan tâm hơn phim online hoặc tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho phim online phát triển, những nhà sản xuất, độc lập có những bộ phim nhân văn, thắt chặt hơn những phim phản cảm, sàm, nhảm nhí.

Hạnh Thủy
.
.
.