Phim tài liệu gian nan tìm đường ra rạp

Thứ Tư, 24/10/2018, 14:54
Trước khi chính thức ra rạp tại Việt Nam, “Đi tìm Phong” đã “lặn lội” 4 năm qua nhiều liên hoan phim quốc tế. Và cuối cùng, bộ phim may mắn được Galaxy Distribution phát hành. Tuy nhiên, không phải bộ phim tài liệu độc lập nào cũng may mắn như “Đi tìm Phong”.


"Đi tìm Phong" có làm nên cú hích?

Bộ phim tài liệu độc lập “Đi tìm Phong” (Finding Phong) của vợ chồng đạo diễn Trần Phương Thảo - Swann Dubus đã được chiếu tại 18 cụm rạp của hệ thống rạp Galaxy, CGV, Lotte Cinema và Cinner Star. 

Để đến được với nhà phát hành lớn tại Việt Nam như Galaxy Distribution, “Đi tìm Phong đã trải qua một chặng đường với gần 3 năm cho sản xuất và suốt 4 năm ròng rã chu du khắp các liên hoan phim quốc tế, cùng nhiều tháng trời chuẩn bị và vận động của các bên đồng hành. Việc phim được chiếu đồng loạt ở 18 cụm rạp lớn trên cả nước phần nào cũng đã thỏa lòng nhà sản xuất độc lập và những người đồng hành cùng bộ phim.

“Đi tìm Phong” kể về hành trình phẫu thuật chuyển giới của chàng trai Quảng Ngãi sinh năm 1988 tên Lê Quốc Phong (sau này đổi tên thành Ánh Phong). Phong ra Hà Nội học và trở thành họa sĩ thiết kế cho Nhà hát Múa rối Thăng Long. Nhưng trong sâu thẳm trái tim, Phong luôn bị giằng xé khi hiểu rõ mình thực sự là một phụ nữ bị nhốt trong cơ thể đàn ông. 

Hành trình đi tìm chính mình không chỉ là những dằn vặt đau khổ để được sống là mình mà còn là những giằng xé, mặc cảm tội lỗi với gia đình, với xã hội. Nhưng con người bản năng đã chiến thắng tất cả. Phong sang Thái Lan phẫu thuật chuyển giới. May mắn Phong luôn có gia đình ở bên cạnh, dù họ cũng rất đau khổ khi phải đối diện với sự thật về cậu em trai sẽ thành cô gái của mình.

Ánh Phong ngoài đời.

Đạo diễn Trần Phương Thảo mất 3 năm để hoàn thành bộ phim này vì chị muốn ghi lại những thước phim chân thực nhất về nhân vật của mình, trong đó có cả sự xù xì, thô ráp của cuộc sống, thậm chí cả những lời nói, hành động không đẹp. 

Phim có nhiều cảnh do Phong tự ghi hình bằng máy quay cá nhân, gồm các cảnh độc thoại, hoạt động thường ngày và cả những phản ứng của người xung quanh về Phong. Nhưng “Đi tìm Phong” không phải là một câu chuyện bi lụy, đó là một hành trình sống mạnh mẽ, lạc quan của Phong và những người bạn. 

Có thể nói, “Đi tìm Phong” là bộ phim tài liệu hấp dẫn, chân thực, ghi nhận sự dấn thân của những đạo diễn trẻ muốn mang đến một cái nhìn khác về phim tài liệu truyền thông. Nhưng làm sao để những thước phim chân thực đó đến được với khán giả? Đó vẫn còn là câu hỏi khó trả lời trong bối cảnh hiện nay. 

“Đi tìm Phong” may mắn nhận được sự chung tay của đạo diễn Hồng Ánh và ra rạp. Tuy nhiên, sau gần 1 tuần ra rạp, phim vẫn chưa có dấu hiệu tạo nên một cơn sốt phim tài liệu như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” cách đây 4 năm. Suất chiếu tôi xem vào lúc 3h15 tại CGV Vincom - Bà Triệu cũng chỉ có vỏn vẹn 10 người. Liệu “Đi tìm Phong sẽ trụ rạp được bao lâu?”. Đó là một câu hỏi còn bỏ ngỏ và chỉ có khán giả mới trả lời được.

“Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” rất thành công về phát hành.

Con đường gian nan

Còn nhớ, cách đây 4 năm, “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” qua bàn tay của “bà đỡ” Hồng Ánh tạo nên một con sốt. Đến giờ, khi bàn đến câu chuyện phát hành phim tài liệu ra rạp, người ta vẫn đưa ra dẫn chứng của “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” như một niềm hy vọng. 

Thành công của Hồng Ánh và công ty truyền thông của chị từ khâu truyền thông đến phát hành khiến tất cả những nhà làm phim tài liệu độc lập tại Việt Nam khi nghĩ đến vấn đề phát hành đều nghĩ đến Hồng Ánh. Ngay bộ phim tài liệu mới nhất của đạo diễn trẻ Phạm Thu Hằng “Mùa cát vọng”, khi được hỏi về việc sẽ phát hành phim như thế nào, Hằng cũng nghĩ đến việc sẽ liên hệ với đạo diễn Hồng Ánh để tìm cơ hội ra rạp cho phim. 

Hồng Ánh trở thành một thương hiệu trong vấn đề phát hành phim tài liệu độc lập, nhưng điều đó cho thấy chị khá đơn độc trong hành trình khó khăn này. “Tôi vui nhưng cảm thấy mình vẫn còn đơn độc trên con đường đồng hành với các bộ phim tài liệu Việt. 

Bản thân tôi không muốn bất cứ nhà làm phim độc lập nào đó, khi có ý định giới thiệu và đưa bộ phim tài liệu của mình đến với công chúng lại chỉ nhớ đến tôi. Tôi muốn có nhiều hơn nữa những bàn tay nâng đỡ của bạn nghề và các Mạnh Thường Quân khác”, Hồng Ánh chia sẻ với báo chí.

Đến nay vẫn chưa có Mạnh Thường Quân nào đủ dũng cảm đứng ra đảm nhiệm khâu phát hành cho phim tài liệu độc lập. Bởi bài toán của các nhà phát hành là câu chuyện lợi nhuận, ăn chia. Khi khán giả chưa mặn mà, khi phim tài liệu chưa đủ sức hút, họ sẽ không mạo hiểm. 

Năm 2016, đạo diễn Đặng Hồng Giang đã mang “Lửa Thiện Nhân” ra rạp. “Lửa Thiện Nhân” có hiệu ứng mạnh mẽ từ câu chuyện của “Chú Lính chì dũng cảm” Thiện Nhân nên thu hút khá nhiều khán giả từ già đến trẻ. 

Đạo diễn Đặng Hồng Giang chia sẻ, anh là người tiên phong “minh oan” cho phim tài liệu, rằng phim tài liệu sinh động, hấp dẫn, nó là đời sống chứ không đóng khung trong cách nhìn chủ quan của tác giả như cách làm phim tài liệu truyền thống. 

Nhưng Đặng Hồng Giang cũng chỉ thành công với “Lửa Thiện Nhân” bởi sau đó, series phim “Đáng sống” rất xúc động của anh lại vắng hoe khi ra rạp, mặc dù được BHD và rạp Tháng Tám chính thức phát hành. 

Chính đạo diễn đã phải thốt lên: “Tôi không hiểu thị hiếu của khán giả Việt Nam như thế nào”. Anh lo lắng cho một câu chuyện xa xôi hơn khi những nỗ lực của anh quá đơn độc và nó sẽ làm nản lòng những người trẻ đang trên con đường đi tìm kiếm tiếng nói của chính mình ở dòng phim này.

Phim “Lửa Thiện Nhân” tạo hiệu ứng khá tốt với công chúng.

Còn nhớ, năm 2017, lần đầu tiên sau 30 năm, Hãng phim Tài liệu Khoa học Trung ương chủ động phát hành bộ phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua” về ban nhạc Bức Tường tại hệ thống Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Nhưng cú hích mạnh mẽ này cũng chưa đủ làm nên sự thay đổi. 

Phim chỉ trụ rạp được 9 ngày và câu chuyện doanh thu thực ra không đáng kể. Đưa phim tài liệu ra rạp xem ra vẫn là bài toán nhọc nhằn. Có rất nhiều phim tài liệu vẫn còn “đắp chiếu” hay chỉ lặng lẽ ra mắt đồng nghiệp tại các phòng chiếu nhỏ mà không dám mơ đến doanh thu hay bán vé. 

Trong khi đó, tại Việt Nam đang có một lực lượng các bạn trẻ hào hứng theo đuổi dòng phim tài liệu độc lập. Họ chọn phim tài liệu là con đường của mình, đi vào những đề tài xù xì của cuộc sống và vòng ra nước ngoài tìm kiếm tài trợ từ các quỹ điện ảnh. 

Nhưng mong muốn của những nhà làm phim độc lập vẫn là câu chuyện làm thế nào phim đến được với khán giả Việt Nam. Nhiều phim đã phải đi đường vòng, dành giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế trước khi quay về công chiếu ở Việt Nam. Nếu “Đi tìm Phong” không có yếu tố “câu khách” về vấn đề chuyển giới, chắc gì bộ phim đã được đối tác nhận phát hành?

Theo đạo diễn trẻ Phạm Thu Hằng, đã đến lúc ranh giới giữa phim tài liệu sáng tạo và phim điện ảnh bị xóa nhòa, mà quan trọng là câu chuyện được kể như thế nào. Nhưng khán giả Việt thì vẫn đang bị đóng đinh với ý nghĩ, phim tài liệu khô khan, thiếu hấp dẫn nên việc họ bỏ tiền ra mua vé vẫn là một thách thức. 

Đạo diễn Hồng Ánh cho rằng điều này phụ thuộc vào nhà phát hành, chọn “đúng điểm rơi” của các thể loại phim khác nhau chứ không thể làm truyền thông một cách ồ ạt. Phim tài liệu hiệu ứng từ mạng xã hội rất quan trọng, nó phù hợp với những phòng chiếu nhỏ. 

“Tôi muốn phim phải tìm đúng đối tượng khán giả, vì đó là một thị trường hẹp nên không thể kêu gọi tất cả mọi người đi xem. Với phim tài liệu, đôi khi chúng ta phải hài lòng với những điểm chiếu nhỏ, chỉ 4-5 người. Thậm chí có thể chiếu ở các hội thảo, các trường đại học... Phải tìm nhiều cách để đưa phim đến khán giả chứ không ngồi chờ khán giả tìm đến mình”, chị chia sẻ.

Thực tế, các bộ phim tài liệu của các tác giả trẻ đã tìm mọi cách để đến với công chúng chưa? Rõ ràng là khó, khi đạo diễn chỉ biết làm phim và câu chuyện phát hành đối với họ vẫn còn mơ hồ. 

Còn các nhà phát hành, các Mạnh Thường Quân, họ đang ở đâu ở đâu, khi thị phần phim này quá hẹp và họ không nhìn thấy tiềm năng kinh tế? Phim tài liệu đóng một vai trò quan trọng trong đời sống vì nó là tấm gương phản ánh chân thực tiếng nói của thời đại. 

Còn nhớ, cách đây 30 năm, đạo diễn Trần Văn Thủy đã làm rung động dư luận bởi những bộ phim tài liệu của ông như “Hà Nội trong mắt ai”, “Chuyện tử tế”… Và đến bây giờ, nó vẫn được coi là những thước phim mẫu mực của phim tài liệu. 

Vì thế, rất cần sự chung tay của nhiều người để phim tài liệu có đất sống, đó là một động lực quan trọng giúp các nhà làm phim có thêm nhiệt huyết để tạo ra những tác phẩm có giá trị. 

Lan Tường
.
.
.