Phim về ban nhạc Bức Tường ra rạp: "Mạo hiểm" để đổi mới

Thứ Sáu, 10/03/2017, 15:19
Đó là những câu chuyện về Bức tường và Trần Lập, người đã đi vào huyền thoại về tinh thần sống, về tình yêu và đam mê. Sau 30 năm hoạt động “bí mật”, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương đã trở lại ấn tượng bằng những thước phim xúc động về một huyền thoại Rock của Việt Nam.


Chuyện không phải của ngày hôm qua

Tôi nhớ, cách đây 4 năm, Trần Lập ra cuốn tự truyện “Bên kia Bức tường”. Tôi đã ngồi cà phê với anh ở một góc quán nhỏ của Hà Nội. Ngày đó, Bức tường bắt đầu trở lại, dù có phần trầm lắng.

Tôi hỏi Trần Lập có buồn vì điều đó, anh cười, tinh thần thủ lĩnh trong anh lúc nào cũng thế, mạnh mẽ và quyết liệt. “Bên kia Bức tường” đã đưa ta trở về với những năm tháng tuổi trẻ, của những vấp ngã khó khăn, của những khát vọng, của cống hiến.

Anh từng viết rằng: “Bức tường được xây lên với gần 20 năm âm nhạc cùng những đỉnh cao mà nhiều người mơ ước. Bên kia là mồ hôi, nước mắt và những tháng ngày gian khó để biến ước mơ thành công. Thành công dù lớn hay nhỏ, dễ dàng hay khó nhọc, chật vật hay may mắn thì đằng sau nó vẫn ẩn chứa những giá trị.

Không hẳn cứ đương đầu, dám chấp nhận “chiến đấu” với những thách thức là sẽ thành công. Quan trọng hơn là chúng ta phấn đấu hay chấp nhận với thử thách. Danh tiếng đồng nghĩa với rơi vào tầm ngắm. Hiểu và bình thản được trước những gian nan để trưởng thành hơn mới là giá trị lớn sau tất thảy.”

Giờ người thủ lĩnh ấy đã phiêu diêu một cõi khác. Nhưng tinh thần sống của anh, sự bình an của anh vẫn còn đó. Tinh thần ấy, trái tim ấy đã đốt cháy Cung Thể thao Quần ngựa trong đêm nhạc tưởng niệm một năm ngày Trần Lập ra đi.

Và dòng chảy ký ức đó, một lần nữa lại được tái hiện bằng phim tài liệu “Chuyện ngày hôm qua”. Một câu chuyện xúc động, chắc hẳn sẽ chạm tới trái tim yêu Ban nhạc, yêu Trần Lập. Chúng ta sẽ gặp lại anh và Ban nhạc từ một góc nhìn khác của hai đạo diễn Đặng Linh và Hồng Thăng.

Đó là hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của ban nhạc Bức Tường, từ khi họ còn là những chàng trai giàu nhiệt huyết cho đến khi trở thành những người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh. Trên hành trình ấy, họ đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố; nhiều lần hợp tan, mâu thuẫn nội bộ; những áp lực của cuộc sống gia đình và đời sống showbiz.

Vượt qua tất cả, Bức Tường đã khẳng định vị thế hàng đầu của một ban nhạc rock bằng việc sáng tạo nên những ca khúc giàu chất nhân văn, mang tính thẩm mỹ cao và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đối với đông đảo các tầng lớp khán giả. Nhưng cú sốc khi ca sĩ Trần Lập - thủ lĩnh của ban nhạc qua đời, để lại một khoảng trống lớn trong tâm hồn những người ở lại.

Câu chuyện của Trần Lập và nhóm Bức Tường được kể trong phim.

Trần Lập mất, nhưng tinh thần sống, niềm đam mê của anh vẫn còn mãi. Điều đó đã tiếp thêm tinh thần sống và niềm tin cho nhiều người.

Đêm nhạc “Hẹn gặp lại” của Bức Tường ở Hà Nội đã chật kín khán giả, trong tình yêu, trong đam mê và nhiệt huyết mà thủ lĩnh ban nhạc cùng đồng đội anh đã truyền cho khán giả. Âm nhạc, lúc đó không đơn giản chỉ là thưởng thức. Âm nhạc đã trở thành kết nối đam mê, kết nối tình yêu vì những giá trị tốt lành, dài lâu cho cộng đồng.

Đạo diễn Đặng Linh chia sẻ lý do chị theo đuổi bộ phim “Chuyện ngày hôm qua”. Chị cũng là fan ruột của Bức Tường từ những năm tháng tuổi trẻ. “Âm nhạc của Bức Tường đã giúp tôi đứng lên trong những giai đoạn khó khăn của cuộc sống. Tôi nung nấu dự định làm phim về ban nhạc.

Rồi bắt đầu bấm máy từ khi anh Lập chưa ốm. Tôi không nghĩ anh đi quá nhanh như vậy. Rất tiếc, tôi không có được những thước phim về những ngày cuối cùng của anh. Nhưng quan trọng hơn, tôi được tiếp xúc với những người đàn ông tử tế, mạnh mẽ, sống hết mình với đam mê. Tôi nghĩ rằng, khi gặp những khó khăn trong cuộc sống, nếu chúng ta có đam mê, sống hết mình với nó, chúng ta sẽ vượt qua”.

Và chắc hẳn, đó không còn là câu chuyện của ngày hôm qua. Niềm tin, đam mê và sức sống ấy sẽ còn là câu chuyện của hôm nay, của ngày mai…

Cơ hội nào cho phim tài liệu ra rạp?

Phải 30 năm, sau thành công vang dội của “Hà Nội trong mắt ai” ở các rạp chiếu phim, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương mới chủ động đưa một bộ phim tài liệu ra rạp. Vì sao có một quãng cách quá lâu như vậy.

Ông Nguyễn Như Vũ - quyền Tổng Giám đốc Hãng phát biểu một câu ngắn gọn rằng: “Bởi đến bây giờ mới hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để ra rạp”. 30 năm qua, rất nhiều bộ phim tài liệu và khoa học có giá trị nghệ thuật cao nhưng đều ở trong tình trạng chiếu miễn phí, hay phát vé mời trong các cuộc hội thảo, liên hoan phim, còn lại đều trong tình trạng “đắp chiếu”.

Hãng sản xuất các bộ phim phục vụ mục đích tuyên truyền là chính. Một cỗ máy hơn 60 năm, quá cũ và trì trệ, nên rất khó thay đổi để tìm kiếm những cơ hội khác cho mình. Lý do ông Vũ đưa ra là vì Hãng phim Tài liệu và Khoa học không có nhiệm vụ phát hành.

Phim kể về chặng đường 20 năm của Bức tường.

Từ ngày thành lập hãng đến nay có truyền thống 60 năm sản xuất xong đưa sang Fafim phát hành. Đến thời kỳ mở cửa, các rạp tự chủ, họ loại phim tài liệu ra khỏi lịch chiếu vì không có doanh thu.

Từ đó, hãng phim càng thu hẹp, mỗi năm chỉ sản xuất cầm chừng theo đơn đặt hàng của nhà nước. “Nhiều năm qua, chúng tôi không đáp ứng được các điều kiện để ra rạp như nội dung mang nặng màu sắc chính trị tuyên truyền cứng nhắc, chất lượng nghệ thuật, kỹ thuật, kinh tế... Ra được đến rạp cũng phải tốn khá nhiều chi phí như băng rôn poster, truyền thông...”, ông Vũ thừa nhận.

Còn nhớ thập niên 80 của thế kỷ trước, hai bộ phim “Chuyện tử tế” và “Hà Nội trong mắt ai” của đạo diễn Trần Văn Thủy đã gây chấn động và thu hút hàng ngàn khán giả đến rạp xem phim tài liệu.

Thực tế, thời gian qua, “Lửa Thiện Nhân” của đạo diễn Đặng Hồng Giang và “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm đã tạo nên cơn sốt khi ra rạp. Tuy nhiên, những bộ phim đó cũng đếm trên đầu ngón tay. Và nó cũng phụ thuộc nhiều vào thị hiếu của khán giả.

Bởi sau một năm, khi Đặng Hồng Giang mang chùm phim tài liệu “Đáng sống” phát hành tại các rạp lại rất vắng khán giả. Không phải vì những câu chuyện của “Đáng sống” không xúc động. Đạo diễn Đặng Hồng Giang trong cuộc trò chuyện với tôi cũng không sao lý giải được thị hiếu của khán giả Việt Nam.

Vậy lần này, cơ sở nào để Hãng phim tài liệu quyết định mang phim tài liệu ra rạp. “Chúng tôi ra rạp không nhằm mục đích kinh doanh, chúng tôi mong muốn phim đến với khán giả bằng nhiều hình thức, nhiều lứa tuổi.” Đạo diễn Đặng Linh chia sẻ. “Chuyện ngày hôm qua” được hy vọng là một dấu mốc cho sự trở lại của phim tài liệu ra rạp. 

Ông Vũ nói: “Chúng tôi rất mừng vì đạo diễn trẻ có một sức sống mới, sức trẻ góp phần khá quyết định cho thành công của bộ phim. Chúng tôi rất nổi tiếng với những câu chuyện chính trị nhưng không hợp với rạp. Các bạn trẻ dám xông vào một địa hạt không phải là thế mạnh của hãng. Đây là một bộ phim tốt, cảm động, về câu chuyện và số phận con người. Xem phim, chúng ta sẽ trải qua nhiều cung bậc khác nhau của cảm xúc, lúc vui, lúc phấn khích, lúc buồn, có những lúc lấy nước mắt của khán giả”.
Poster của phim.

“Chuyện ngày hôm qua” dài 75 phút, sẽ hé lộ những tình tiết đặc biệt về ban nhạc, cuộc sống gia đình, tình yêu, tình bạn…”. Và chúng ta sẽ gặp lại người thủ lĩnh có tinh thần của “đá” Trần Lập.

Với sức lan tỏa của anh và những ảnh hưởng từ thông điệp mà anh để lại, chắc hẳn bộ phim sẽ thu hút nhiều khán giả đến rạp. Đó cũng là cơ hội mà như đạo diễn Đặng Hồng Giang có lần nói với tôi rằng, để “minh oan” cho phim tài liệu rằng nó cũng chân thực và thú vị như cuộc sống đang diễn ra vậy. Và nó cũng rất đáng để xem. 

Chuỗi sự kiện công chiếu phim “Chuyện ngày hôm qua” với mục đích gây Quỹ từ thiện cho các trẻ em bị ung thư tại Bệnh viện K Tân Triều - Hà Nội, để phần nào giúp các em vượt qua khó khăn và nuôi dưỡng ước mơ. Số tiền thu được từ việc bán vé, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân sẽ hỗ trợ phát hành phim và đóng góp vào Quỹ với tinh thần thắp lửa và truyền đi thông điệp “vì một cộng đồng khỏe mạnh”.

Việt Hà
.
.
.