Phim về nghề báo: Vẫn thiếu vắng trên màn ảnh

Thứ Sáu, 26/06/2020, 15:53
Nghề báo được đánh giá là "nghề nguy hiểm", thú vị, nhiều màu sắc và có tác động không nhỏ tới xã hội, nhưng phim về nghề báo lâu nay vẫn rơi vào tình trạng thiếu vắng trên màn ảnh. Mong muốn có được những bộ phim chân thực, sinh động về nghề báo, không chỉ của riêng những người cầm bút nhưng vẫn luôn là một thách thức không nhỏ với những người làm phim.


Đề tài hay nhưng lên phim lại nhạt

Nghề báo với những đặc thù nghề nghiệp và không ít chuyện hậu trường hấp dẫn vốn là mảnh đất màu mỡ đối với phim ảnh. Tuy nhiên, cho đến nay, số lượng phim về nghề báo không nhiều và đây vẫn là mảng đề tài rất khó để làm hay.

Thời gian gần đây, phim truyền hình vô cùng sôi động với hàng nghìn tập phim được sản xuất mỗi năm. Những bộ phim có đề tài về tình yêu, hôn nhân, chính luận, hình sự... liên tục được phát sóng thì những bộ phim về nghề báo vẫn có thể đếm được trên đầu ngón tay. Số ít phim lấy bối cảnh trọn vẹn là tòa soạn với nhà báo là nhân vật chính, còn lại hầu hết vẫn là những phim có hình ảnh, công việc của một hay một số nhà báo.

Được chắp bút bởi một nhà báo, phim “Nguyệt thực” nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.

Những bộ phim làm riêng về nghề báo có thể kể tới như "Nghề báo", "Phóng viên thử việc", "Đèn vàng", "Gái già xì tin", "Những phóng viên vui nhộn",  "Nguyệt thực", "Những nhân viên gương mẫu"... Còn những bộ phim có phản ánh vai trò của nhà báo như "Phía trước là bầu trời", "Chủ tịch tỉnh", "Cuồng phong", "Chạy án", "Chiếc mặt nạ da người", "Đàn trời", "Những chuyên án lạ"... Trong đó, mỗi bộ phim khai thác một khía cạnh khác nhau của nghề báo nhưng phần nào khắc họa được chân dung những người cầm bút cũng như những khó khăn, vất vả của họ trong công việc và cuộc sống.

Một trong những bộ phim truyền hình đầu tiên về nghề báo, phát sóng năm 2006 là "Nghề báo". Phim của đạo diễn Phi Tiến Sơn với sự tham gia của những gương mặt diễn viên nổi tiếng như Hồng Ánh, Hoàng Phúc... đã khai thác nhiều vấn đề thời sự nóng trong đó phản ánh vai trò quan trọng của nhà báo trong công cuộc đấu tranh chống tiêu cực.

Những câu chuyện liên quan đến tham nhũng, hối lộ, đạo đức nghề nghiệp cũng như những mối nguy hiểm mà nhà báo có thể gặp trong quá trình tác nghiệp được đạo diễn Phi Tiến Sơn thể hiện khá chân thực.

Chính vì vậy, dù hơn 10 năm trôi qua, "Nghề báo" vẫn được đánh giá là một trong số ít bộ phim làm về nghề báo tạo được dấu ấn với khán giả nói chung cũng như những người cầm bút nói riêng.

Sau này, bộ phim "Đèn vàng" của đạo diễn Mai Hồng Phong cũng nhận được nhiều thiện cảm của khán giả. Bên cạnh việc khai thác quá trình tác nghiệp của nhà báo trước những vấn đề bức thiết của đời sống, phim còn phản ánh rõ sự giằng xé của nhà báo trong công cuộc đấu tranh giữa mong muốn, khát khao ở công việc và thực tế cùng những góc khuất trong tâm hồn.

Phim “Đèn vàng” nói về góc khuất trong nội tâm những người làm báo.

Phát sóng gần đây nhất là bộ phim "Nguyệt thực" quy tụ dàn diễn viên trẻ, tài năng như Ninh Dương Lan Ngọc, Minh Luân, Tường Vy, Đức Thịnh... Phim phản ánh phần nào góc khuất của những phóng viên theo dõi mảng showbiz với những vấn đề xã hội nóng bỏng, sự đấu tranh giữa những quan niệm làm báo khác nhau: "truyền thống" hay "lá cải"...

Có thể nói, kể từ bộ phim truyền hình đầu tiên làm nghề báo đến nay đã tới 15 năm nhưng số lượng phim về nghề nghiệp đặc thù này vẫn rất ít so với các đề tài khác. Mặc dù được xếp hạng trong 10 nghề nguy hiểm nhất thế giới, phía sau những bài viết của các nhà báo vẫn luôn là muôn ngàn bí mật hấp dẫn khán giả nhưng phản ánh lên phim lại chưa tương xứng.

Một trong những lý do khiến chúng ta có ít phim hay về nghề báo đầu tiên phải kể tới nguồn kịch bản khan hiếm. Với những đề tài như tuổi trẻ, tình yêu, hôn nhân thì hầu như tác giả nào cũng có thể chắp bút được bởi đó là những vấn đề thuộc về con người. Hầu như ai cũng trải qua tuổi trẻ, từng yêu, lập gia đình hay quay quắt trong cuộc mưu sinh, các mối quan hệ xã hội…

Một cảnh trong phim “Nghề báo”.

Nhưng nghề báo với những đặc thù riêng không phải tác giả nào cũng hiểu rõ để phản ánh vào kịch bản một cách chân thực. Nhắc tới nhà báo, người ta sẽ nghĩ ngay đó là những người năng động, quyết đoán, khả năng giao tiếp tốt, phản ứng nhanh với các sự việc... nhưng thể hiện ra bằng ngôn ngữ, hình ảnh lại không hề đơn giản.

Ngay cả những bộ phim được đánh giá là thành công khi làm về nghề báo cũng không tránh khỏi những lỗi gượng ép hay phi logic khi miêu tả quá trình tác nghiệp của phóng viên. Nhân vật phóng viên được xây dựng là giỏi nghề, giàu kinh nghiệm nhưng lại có những câu hỏi ngô nghê hoặc hành động ngớ ngẩn khi tác nghiệp.

Đơn cử như "Tin vào điều không thể" của đạo diễn Vũ Hồng Sơn, dù có được sự tham gia của nhiều gương mặt diễn viên nổi tiếng nhưng lại chưa thành công trong việc khắc họa nhân vật nhà báo. Nhân vật nữ chính là tổng biên tập một tờ báo nhưng luôn sướt mướt, ủy mị, yếu đuối trong tất cả các mối quan hệ...

Không khó để nhận ra, các nhà làm phim cứ mặc định nhà báo là phải ăn mặc hầm hố, đeo nhiều máy ảnh, mặc áo ghi lê... khiến cho hình ảnh nhà báo trong mắt khán giả trở nên nhàm chán, kém hấp dẫn.

"Khát" cả kịch bản hay và diễn viên biết diễn

Có ý kiến cho rằng, nghề báo có những đặc thù riêng, nếu chỉ nhìn bên ngoài thì khó có thể phản ánh được chân thực. Rõ ràng, để viết đúng, viết hay về nghề báo, nhà biên kịch phải có sự am hiểu dày dạn, sâu rộng về nghiệp vụ báo chí. Cách tác nghiệp của nhà báo cũng phong phú phụ thuộc vào bản chất vấn đề phản ánh và tính cách nhân vật.

Chính vì vậy không nên có sự dập khuôn máy móc khi phản ánh công việc của nhà báo như một số phim gần đây. Gần đây, bộ phim "Nguyệt thực" nhận được nhiều phản ứng tích cực của khán giả có lẽ bởi phim được chắp bút bởi nhà biên kịch, nhà báo Chu Thu Hằng, Tổng bên tập Báo Văn hóa. Phim giúp người xem hiểu hơn về nghề báo, những trăn trở, suy tư của nghề báo trong cuộc đấu tranh giữa các quan điểm làm báo khác nhau, sự thích ứng của nghề báo trong sự thay đổi của nhu cầu bạn đọc...

“Những nhân viên gương mẫu” là bộ phim về nghề báo gần đây nhất được phát sóng.

Bên cạnh những khó khăn về kịch bản thì các diễn viên thừa nhận khi nhập vai nhà báo cũng không hề dễ dàng. Không nhiều diễn viên diễn cho ra được thần thái của phóng viên mà hầu hết vẫn chỉ tập trung vào ngoại hình như quan niệm lâu nay: nhà báo phải ăn mặc bụi bặm, cổ đeo máy ảnh, tay lăm lăm ghi âm...

Mới đây, trong bộ phim truyền hình "Sinh tử", diễn viên Thanh Hương vào vai Hoàng Ngân - một nữ nhà báo can trường, chuyên viết bài chống tham nhũng. Dù không phải vai chính nhưng vai diễn của Thanh Hương nhận được nhiều đánh giá của công chúng, trong đó có cả ý kiến trái chiều. Đa số ý kiến cho rằng vai Hoàng Ngân không thuyết phục, thiếu thực tế.

Thanh Hương cũng thừa nhận, dù không xuất hiện nhiều trên phim nhưng vai Hoàng Ngân khiến cô rất áp lực. Mặc dù cô đã nghiên cứu rất kỹ về nghề nghiệp nhân vật, tham khảo cách các phóng viên đi tác nghiệp nhưng để có được sự chân thực như những người làm báo ngoài đời vẫn chưa đạt được.

Không chỉ những diễn viên trẻ như Thanh Hương mà diễn viên nhiều kinh nghiệm Hồng Ánh cũng chia sẻ rằng, khi cô vào vai nhà báo Thúy Bình trong phim "Nghề báo" cũng gặp không ít áp lực. Làm sao để toát lên được một nhà báo có kỹ năng giỏi trong công việc... nhưng vẫn là một người phụ nữ với những tính cách đời thường là điều không hề đơn giản.

Mặc dù nghề báo vẫn được đánh giá là mảnh đất màu mỡ với các nhà làm phim nhưng để có được những bộ phim hay, chân thực lại là câu chuyện khác. Sự ra đời của phim về nghề báo vẫn tính bằng vài năm cho thấy các nhà biên kịch, các nhà làm phim chưa mặn mà với đề tài này. Có lẽ sẽ cần tới những cuộc thi kịch bản về đề tài nghề báo để thu hút những nhà biên kịch tên tuổi. Bởi nếu có được những bộ phim hay về nghề báo, sẽ không chỉ khiến khán giả hiểu hơn, yêu hơn những người làm báo mà còn góp phần khiến công tác tuyên truyền của báo chí luôn nhận được sự ủng hộ của nhân dân.

Tuấn Phong
.
.
.