Phố cổ kể chuyện nhạc cổ

Chủ Nhật, 17/05/2015, 10:00
Chuyện của xẩm, chuyện của chèo, của hát văn, của quan họ.. lần đầu tiên được kết nối trong một không gian thuần chất ở phố cổ Hà Nội. Những câu chuyện được kể bằng âm nhạc, bằng tâm huyết của nghệ sĩ trước những lo ngại về sự đổi thay, biến mất của âm nhạc truyền thống.
Chuyện nhạc phố cổ

Lần đầu tiên, "Chuyện nhạc phổ cổ" được trình diễn trong không gian thuần khiết ở phố cổ Hà Nội. Đó là những câu chuyện của tâm huyết và say mê của các nghệ sĩ. Không dàn âm thanh hay nhạc điện tử. Không có những băng rôn quảng bá. Lặng lẽ và mộc mạc như nó vốn thế, những câu chuyện của chèo, của ca trù, của hát văn, những câu chuyện về phận đời cổ nhạc đang được kể hằng đêm ở phố cổ.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân, người theo đuổi dự án này trong suốt hơn 20 năm nay chia sẻ: "Rất may mắn khi chúng tôi tìm được không gian trong trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ này. Đây là một không gian lý tưởng cho nhạc cổ, vì tôi muốn duy trì lối hát cổ, một hình thức trình diễn của các cụ ngày xưa. Ở đó là một không gian hoàn toàn mộc, không có âm thanh, khán giả có thể ngồi chiếu cói xung quanh, rất gần gụi. Giữa khán giả và nghệ sĩ không còn khoảng cách. Họ đang trò chuyện với nhau bằng âm nhạc".

Ở đó, người xem sẽ cảm nhận đầy đủ và trọn vẹn không khí xưa của cha ông, những câu chuyện âm nhạc bằng các hình thức khác nhau, của chèo, xẩm, hát văn, những vốn cổ truyền thống đã trải qua nhiều biến động của lịch sử vẫn âm ỉ chảy trong lòng đời sống.

"Tôi sẽ khôi phục lại hình thức "thẻ thưởng" bằng thẻ tre ngày xưa của các cụ... Không chỉ hát, đàn, mà cả một lối diễn xướng, một nghi lễ đang dần biến mất trong đời sống với quá nhiều mối bận tâm như bây giờ. Ngày xưa các cụ làm gì có phóng thanh, mà hát thật, đàn thật đấy chứ" - nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nói.

Đêm trình diễn đầu tiên của “Chuyện nhạc phố cổ”.

Trong buổi trình diễn ra mắt đầu tiên ở Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ, 54 Đào Duy Từ, khán giả đã được thưởng thức một đêm nhạc độc đáo như ngâm thơ cổ Đào Liễu, hát dâng hương, hát cửa đình, các trích đoạn chèo, tuồng kinh điển. Một không gian xưa cổ thuần chất đã được dựng lên ở chính mảnh đất ngàn năm văn hiến, nơi ra đời của những thể loại âm nhạc truyền thống, nơi biểu diễn của những gánh hát Thăng Long xưa.

Những người tham gia “Chuyện nhạc phố cổ” đều là những nghệ sĩ gạo cội của âm nhạc truyền thống. Đó là NSND Xuân Hoạch, nghệ sỹ hàng đầu Việt Nam về đàn đáy; NSND Thanh Hoài (hát chèo), NSƯT Thanh Bình (hát chèo, ca trù), NSƯT Vũ Ngọc (bộ gõ), NSƯT Công Hưng (đàn nguyệt), NSƯT Mạnh Phóng (hát chèo), nghệ sĩ Thanh Hà (hát chèo)...

Đây là các thành viên trong nhóm "Đông Kinh cổ nhạc", được thành lập khoảng 2 - 3 năm nay, những người đã biểu diễn chương trình "Tiếng trúc tiếng tơ" làm lay động khán giả Pháp và Việt Nam trong thời gian qua. Hiện nay, nhóm có thêm sự tham gia của một số gương mặt khác như NSND Minh Gái (hát tuồng), NSƯT Thúy Ngần (hát chèo), nghệ nhân Trọng Quỳnh (hát văn)...

Những nghệ sĩ đã tham gia bằng cả tình yêu của mình, không một chút đắn đo thiệt hơn. Niềm say mê của họ khiến khán giả xúc động, bởi nó nằm ngoài những bon chen lo lắng đời thường. Họ đến đây với một tình yêu duy nhất với âm nhạc truyền thống, với nỗi lo rằng, rồi đây ai sẽ hát và kể tiếp những câu chuyện của ông cha.

Chuyện đời...

Không phải đến bây giờ, mà hàng đêm, rải rác đâu đó vẫn có những đêm diễn của cổ nhạc ở Hà Nội. Nhưng những đêm diễn khá lặng lẽ và vắng bóng người xem. Khán giả chủ yếu là người nước ngoài say mê những giá trị độc đáo của văn hóa truyền thống Việt.Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân nói: "Không thể để cho người nước ngoài đi làm cái việc giữ gìn vốn cổ của chúng ta. Mà ngay chính những người Việt hãy yêu và duy trì vốn cổ của người Việt, đó chính là tuyên ngôn của chúng tôi".

NSND Thanh Hoài xúc động nói: "Đây là tâm huyết của tất cả anh em chúng tôi, những người luôn mong muốn gìn giữ lại vốn nhạc cổ của dân tộc. Tôi đã diễn ở nhiều nơi, nhưng lần đầu tiên có một không gian đặc biệt dành cho cổ nhạc, ở nơi chính cổ nhạc đã được sinh ra và lưu giữ.

Đây chính là nhà hát cổ, nơi biểu diễn của rất nhiều gánh hát Thăng Long xưa, âm nhạc cổ cũng chính nơi này mà ra. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc khơi dậy tình yêu với vốn cổ của dân tộc. Tôi rất mừng vì hôm nay có nhiều bạn trẻ đến nghe, họ sẽ dần dần hiểu thế nào là ca trù, hát văn, xẩm, hiểu rồi họ sẽ yêu, sẽ có ý thức giữ gìn và tiếp nối".

Những đêm diễn sẽ thay đổi liên tục hình thức sinh hoạt. Khi là sự kết hợp của nhiều thể loại âm nhạc truyền thống. Khi chỉ là câu chuyện của xẩm, hay của chèo, của hát văn. Tôi đã từng được lắng nghe chuyện đời của xẩm qua tiếng hát và cây đàn biến ảo của NSND Xuân Hoạch và NSND Thanh Hoài. Những giọng ca mộc, đầy cảm xúc, tiếng đàn nhị réo rắt, tiếng trống cơm trầm trầm, tiếng phách thanh thanh, các nghệ sĩ đã làm sống lại một không gian đậm chất xẩm truyền thống, đưa người nghe đi qua những cung bậc văn hóa đã tồn tại từ xa xưa của dân tộc.

Ở đó, không chỉ là câu chuyện của nhạc cổ, mà còn là những câu chuyện đời.  Người hát xẩm tự sự về thân phận của mình, họ kể về nỗi khổ của những người nghèo khó, những cảnh đời ngang trái. Có khi lại là những chuyện vui nhẹ nhàng hóm hỉnh, những bài châm biếm sâu cay các thói hư tật xấu, lên án những hủ tục, tố cáo tội ác của kẻ áp bức thống trị. Và ở đó, sẽ thấy được hành trình của xẩm qua thời gian. Xẩm xưa và xẩm nay...

Dù lặng lẽ, dù còn nhiều những lo ngại về sự đổi thay, biến mất của âm nhạc truyền thống trước làn sóng mạnh mẽ, ồ ạt của pop, rock, nhưng “Chuyện nhạc phố cổ”, với lối kể độc đáo, sẽ góp phần lưu giữ những giá trị thuần chất xưa.

NSND Xuân Hoạch: Không chỉ là câu chuyện của quá khứ

Tôi rất mừng vì không gian này quá đẹp, đúng tinh thần của cổ nhạc, không cần phóng thanh, không một chút điện tử, chỉ có tiếng đàn mộc, để nghệ sĩ có thể rút hết tâm tư của mình. Với không gian này, giữa người biểu diễn và người nghe gần gụi lắm, như những cuộc đối thoại bằng lời, bằng âm nhạc vậy.

Tôi mong muốn sẽ có nhiều khán giả trẻ hơn nữa, các lớp kế cận sẽ đến đây học tập để giữ gìn bản sắc của văn hóa dân tộc. Hội nhập là một tất yếu. Nhưng cùng dòng chảy đó, tôi muốn giữ từ những nét thuần chất nhất. Hiện tại chưa có thù lao gì nhưng tinh thần của chúng tôi luôn sẵn sàng. Cái quan trọng nhất là nó còn đau đáu ở trong máu mình và tôi muốn được truyền lại.

Tôi vẫn nói với bạn bè rằng, tôi sinh ra trót theo nghiệp này, ông cha đã giao cho tôi những cây đàn này, tôi không thể bỏ phí nó. Sau những đêm diễn ở đây, khán giả sẽ thấy kho tàng của ông cha vô cùng phong phú. Ông cha ngày xưa cũng thế, ra diễn ngoài chợ, diễn ở cửa đình. Âm nhạc cổ gắn liền với đời sống, từ đời sống mà ra, thời đó không ồn ào như bây giờ, nhưng cái quan trọng là giữ được sự mộc của nó.

Tôi cũng muốn các bạn trẻ đến xem và có thể có những kết hợp giữa âm nhạc dân tộc và hiện đại. Tôi ủng hộ điều đó. Vấn đề là làm như thế nào để có những cuộc đối thoại âm nhạc thực sự giữa xưa và nay. Các bạn trẻ có thể làm theo cách của các bạn, nhưng phải giữ được lời cổ ấy, đừng cải biên.

Chúng ta có thể làm cho nó mới, theo đời sống, đáp ứng được nhu cầu của bạn trẻ bây giờ. Nhưng phải suy nghĩ kỹ mới làm, chứ đừng làm xong mà mất đi bản sắc của cổ nhạc, khiến nó méo mó, dị dạng thì không nên.

Nhạc sĩ Vũ Nhật Tân: Cần một cơ chế cho việc bảo tồn vốn cổ

Tôi muốn giữ chương trình này thật thuần khiết, để duy trì và tuyên truyền vốn cổ cho người Việt và đào tạo những người trẻ. Tuyên ngôn của chúng tôi là người Việt phải duy trì và yêu vốn cổ của người Việt. Điều lo ngại lớn nhất là các cụ đã gần đất xa trời và tôi đang tìm thế hệ kế tiếp. Lo ngại nữa là chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về chính sách và kinh phí của nhà nước.

Chính các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm về việc bảo tồn vốn cổ của mình, chứ không phải chờ đợi một cá nhân nào, càng không thể trông chờ vào các tổ chức nước ngoài. Trước mắt, chương trình sẽ không bán vé, mà trông chờ vào các nguồn hỗ trợ, hảo tâm. Nhưng tôi mong muốn được hỗ trợ từ ngân sách, hoặc được xã hội hóa, vì không có gì hay hơn việc dân đến xem và nuôi chương trình.

Điều đó sẽ bền vững hơn. Tôi hy vọng sẽ đi đường dài, vì quá muộn rồi, không làm thì các cụ sẽ đi mất, trong khi đó, thế hệ kế cận chưa thấy. Tôi nghĩ, sự lôi kéo khán giả sẽ bằng nghệ thuật mộc của mình mà thôi. 

Việt Hà
.
.
.