Premier League đã có một mùa giải “điên rồ” như thế nào?

Thứ Năm, 21/04/2016, 15:37
Nếu ở đầu mùa giải 2015-16 này, các CĐV đặt cược cho CLB Leicester City dẫn đầu Premier League trước mùa Đông, chắc chắn họ sẽ nhận bị nhìn như thể từ sao Hỏa rơi xuống. Bởi mùa trước, Bầy cáo nằm dưới đáy bảng xếp hạng nhiều hơn bất kỳ đội nào khác, và chỉ thoát hiểm ở những thời khắc cuối cùng.


Còn nếu đặt "cửa" Chelsea - nhà ĐKVĐ - sẽ đứng thứ 15 trước kỳ nghỉ Giáng sinh, tiếng cười nhạo báng thậm chí có thể còn to hơn nữa. Năm ngoái là lần đầu tiên trong lịch sử Premier League có một CLB dẫn đầu từ đầu đến cuối mùa giải. Chelsea được so sánh với Arsenal "bất bại" của mùa giải 2003-04 hay Manchester United với cú ăn ba kỳ diệu mùa giải 1998-99, những đội bóng đã trở thành biểu tượng của bóng đá Anh.

Sự đảo lộn của Premier League nhìn từ Leicester City và Chelsea

Nhưng rốt cuộc điều tưởng như điên rồ nhất lại đang xảy ra. Chelsea - nhà ĐKVĐ, đội bóng đã giành tổng cộng 50 danh hiệu lớn nhỏ lại thi đấu vô cùng kém cỏi, và khi Giáng sinh đến, họ chỉ xếp trên nhóm xuống hạng có ba bậc. Jose Mourinho, người được biết đến với những thành công và phong thái tự tin - bị sa thải vào ngày 17/12, khi đưa đội bóng đến với kỷ lục khởi đầu tệ nhất của một nhà đương kim vô địch của Premier League.

Ngược lại, đội hình của Leicester City với thành phần chủ chốt là những cầu thủ đã quen chinh chiến ở các giải cấp thấp, còn phòng truyền thống chỉ có vẻn vẹn 3 chiếc cúp. Thế nhưng, họ lại chơi như một nhà vô địch thực thụ, đánh bại mọi đội bóng lớn nhỏ bằng lối chơi sắc lẹm và hiên ngang đứng đầu bảng xếp hạng - vị trí họ đã nắm giữ suốt từ Giáng sinh đến nay.

Tỉ lệ giành chiến thắng của các CLB chiếu dưới ở mùa 2015-2016 là cao hơn hẳn các mùa giải khác.

Bằng chứng rõ ràng nhất cho sự tương phản giữa hai đội bóng này không gì khác chính là cuộc đối đầu trên sân King Power ngày 14/12 năm ngoái. Leicester có được 3 điểm quan trọng củng cố vững chắc ngôi đầu bảng xếp hạng trước Giáng sinh. Sau trận đấu đó, Mourinho nhận trát sa thải. Cay đắng thay, người đã bắn phát súng cuối cùng chính là Claudio Ranieri - kẻ mà chính Chelsea đã đẩy đi để dọn chỗ cho "Người đặc biệt" vào năm 2004.

Rõ ràng sự vươn lên mạnh mẽ của Leicester City và bước lùi không tưởng của Chelsea chính là cú sốc lớn nhất của bóng đá thế giới trong mùa giải 2015-16 này, nhưng đó không phải là những trường hợp duy nhất.

West Ham United cũng là một cái tên khiến mọi người phải ngạc nhiên khi đánh bại Arsenal, Manchester City và Liverpool ngay trên sân khách; Bournemouth nhỏ bé cũng quật ngã hai gã khổng lồ Manchester United và Chelsea; còn Newcastle lâm vào khủng hoảng trầm trọng vẫn có thể giành trọn 3 điểm trước Tottenham và Liverpool - những trận đấu chỉ có khoảng 3% số người thắng cược.

Với những tay cá cược, có lẽ điều duy nhất mà họ dự đoán được: chính là Premier League 2015-16 là mùa giải khó dự đoán nhất từ trước đến nay. Theo phân tích từ các nhà cái, có đến 26% các trận đấu của mùa giải này kết thúc với thắng lợi nghiêng về những đội yếu hơn. Trong khi suốt một thế kỷ qua, con số này chưa bao giờ vượt quá 23%.

Có một điều rõ ràng là khoảng cách về lực lượng giữa những đội bóng hàng đầu và phần còn lại đã bị rút ngắn đáng kể ở mùa giải này. Cách hiệu quả nhất để chúng ta đo lường điều này chính là hệ số Elo. Đây là phương pháp chấm điểm khá đơn giản do nhà vật lý Arpad Elo phát minh, được áp dụng rộng rãi cho rất nhiều môn thể thao, đặc biệt là cờ vua.

Về cơ bản, hệ thống này cộng điểm cho người chiến thắng và trừ điểm bên thua cuộc, tuy nhiên số điểm thay đổi đó được tính toán dựa trên nhiều chỉ tiêu khác nhau như sức cạnh tranh của giải đấu, tỉ số chung cuộc, lợi thế sân nhà và tính quan trọng của giải đấu.

Trong một cuộc nghiên cứu năm 2013 do các nhà toán học thuộc trường đại học Warsaw và Amsterdam hợp tác nghiên cứu thì hệ số Elo đánh giá các trận đấu quốc tế chính xác hơn nhiều lần hệ thống xếp hạng quốc gia của FIFA. Và khi áp dụng vào Premier League, Elo cũng chứng tỏ được tính hiệu quả của nó. Với việc tính toán độ lệch chuẩn của cả giải đấu, hệ số Elo đã chỉ ra trình độ giữa các đội bóng được thu hẹp ra sao. Cụ thể, với độ lệch chuẩn càng nhỏ thì trình độ giữa các đội càng sát nhau, và mùa giải này chính là mùa giải có độ lệch chuẩn nhỏ nhất tính từ năm 2003 đến nay.

Xét về mặt nào đó, điều này là tín hiệu tích cực của Premier League - giải đấu từ lâu đã chịu sự thống trị của những đội bóng lắm tiền nhiều của. Bằng chứng là trong một thập kỷ qua, 4 vị trí dẫn đầu hầu như chỉ xoay quanh 6 cái tên duy nhất, và cũng chỉ có chừng ấy đội được quyền tham dự Champions League. Tuy nhiên ở mùa giải này, những vị trí đó đang bị hoán đổi liên tục.

Sự trỗi dậy của Leicester City hay lụi bại một cách bất thường của Chelsea mùa giải này chưa chắc đã mang tính ổn định bởi mùa giải này có quá nhiều biến động, và rất có thể đây chỉ là một quãng thời gian chuyển tiếp, trước khi Premier League chuyển mình sang một cấu trúc hoàn toàn mới, mà ở đó khoảng cách giàu - nghèo được thu hẹp đến mức tối đa.

Đâu là nguyên nhân?

Yếu tố đầu tiên được đặt lên bàn cân là tiền. Trong tháng Hai, Premier League đã ký một bản hợp đồng truyền hình trị giá 5 tỉ bảng/năm. Lợi nhuận từ thương vụ này sẽ được chia tất cả cho các đội tham dự, trong đó nhà vô địch được 150 triệu bảng, còn đội kém nhất cũng được 99 triệu bảng. Điều này khác hẳn với La Liga, giải đấu mà hai đội bóng dẫn đầu chiếm đến quá nửa nguồn thu từ truyền hình.

Điều khoản này đã phần nào giải thích lý do vì sao nếu xét tổng thể thì các đội bóng Anh có trình độ cân bằng hơn các giải khác nhiều. Nhưng chính sách này lại không nói lên sự phát triển của Premier League, bởi thực tế là từ năm 1991 đến nay, miếng bánh truyền hình đã luôn được chia như vậy. Các đội bóng vẫn được chia cho chừng ấy bánh, chỉ có điều miếng bánh này đã lớn hơn xưa rất nhiều.

Hai thái cực giữa Leicester City và Chelsea chính là hình ảnh phản chiếu sự “điên rồ” của Premier League mùa này.

Một yếu tố khác phải kể đến là Luật Công bằng tài chính (FFP), một quy định do UEFA đặt ra nhằm hạn chế việc các ông chủ với túi tiền không đáy vung tiền để mua chức vô địch. Trên lý thuyết, FFP sẽ đem đến tính cạnh tranh cao hơn giữa những đội bóng có các ông chủ giàu sụ và những đội bóng có kinh phí eo hẹp.

Nhưng thực tế điều này chỉ làm đóng băng một hệ thống vốn đã được phân cấp từ lâu. Những đội bóng mạnh như Arsenal, Liverpool, Chelsea và hai CLB thành Manchester từ lâu đã xây dựng một hệ thống các nguồn thu ngoài truyền hình. Do đó  họ vẫn có khả năng chi tiêu một cách thoải mái với số tiền thu được từ các hoạt động bán lẻ và bán vé. Trong khi đó, các đội bóng nhỏ hơn không bao giờ với nổi mức doanh thu đó.

Chelsea ở mùa giải 2014-15 đi đến chức vô địch bằng một chiến thuật duy nhất. Họ luân chuyển bóng một cách chậm rãi bằng những đường chuyền an toàn, khiến đối phương có bóng càng ít càng tốt, trước khi bất ngờ phất bóng cho Eden Hazard để tiền vệ này sẽ có pha đột phá thẳng vào khu vực cấm địa.

Theo thống kê từ Opta, vận tốc bóng trung bình từ những pha tấn công của các cầu thủ Chelsea chỉ khoảng 3,9 mét/giây, gần như chậm nhất giải đấu. Nhưng  với những cầu thủ có kỹ thuật thượng thừa thì vận tốc đó là đủ để đưa bóng xuyên qua hàng phòng ngự và ghi bàn. Một thống kê khác cho thấy số cơ hội trong khoảng 20m trước khung thành đối phương mà Chelsea tạo ra ở mùa giải trước nhiều thứ 4 cả giải, và hiệu suất ghi bàn của họ trên tổng số cú sút (không tính đánh đầu) là 10,5%, một con số không hề tồi.

Nhưng chỉ qua nửa đầu mùa giải này, những đòi hỏi của Mourinho dường như đã phản tác dụng. Năm ngoái, 10 cầu thủ trụ cột của Chelsea đã thi đấu đến 80% tổng thời lượng của cả mùa giải, tính cả ở đấu trường Premier League lẫn Champions League, con số kinh khủng nhất trong 5 năm qua. Để bù lại sự quá tải của mùa giải trước, đầu giải này họ tập trung muộn hơn 2 tuần, nhưng lại không mang về gương mặt mới nào.

Việc rút ngắn giai đoạn chuẩn bị  khiến những ngôi sao chưa kịp làm nóng trước mùa giải. Đồng thời Mourinho vẫn mắc kẹt với những cầu thủ có vận tốc luân chuyển chậm, và lần này con số đó xuống còn 3,5m/s. Chưa kể những pha dứt điểm của họ còn bị đẩy ra xa khỏi khung thành hơn 1,8m so với mùa trước. Ngay cả những yếu tố khác về chất lượng cú sút như độ khó, góc sút hay sức ép lên hàng phòng ngự đối phương cũng rất thấp. Theo Opta, chỉ có 6,5% số cú dứt điểm của Chelsea vượt qua được thủ môn đối phương, con số tệ nhất cả giải.

Khi mà Chelsea không bổ sung thêm cá nhân nào thì ngược lại, Leicester City lại lùng sục trong thị trường chuyển nhượng hòng tìm cho ra miếng ghép còn thiếu cho chiến thuật phòng ngự - phản công chớp nhoáng. Đã sở hữu Jamie Vardy với khả năng thoát khỏi sự đeo bám của hậu vệ đối phương để tận dụng những cơ hội nhỏ nhất, tất cả những gì mà đội bóng này cần là tìm một cầu thủ có thể đưa bóng lên tuyến trên càng nhanh càng tốt.

Mùa giải trước, vận tốc luân chuyển bóng của họ là 4,9m/s, một con số không hề tồi. Nhưng khi đó họ thiếu một người có khả năng gây sức ép và điều chuyển ở tuyến giữa. Đồng nghĩa, các tiền đạo có ít lựa chọn hơn trong những tình huống phản công và qua đó những đường lên bóng cũng dễ bị bẻ gãy hơn.

Cụ thể, Leicester City cần một tiền vệ sẵn sàng tung ra những đường chuyền đột biến, cùng khả năng cắt bóng và tắc bóng tốt, chỉ có như thế họ mới khiến cho đối thủ của mình không kịp tổ chức phòng ngự trước khi Vardy kịp thoát xuống. Và họ tìm thấy N'Golo Kante, một miếng ghép hoàn hảo đến từ SM Caen - đội bóng có tốc độ chạy nhanh nhất châu Âu.

Bản hợp đồng đưa Kante về tốn của họ 9 triệu Euro, và giờ đây tiền vệ người Pháp này đã giúp họ thu lại gấp nhiều lần con số đó.­ Anh dẫn đầu Premier League về số lần cắt bóng, đồng thời Opta cũng tính toán được rằng mỗi khi bóng được chuyển qua chân Kante thì khả năng Leicester City có cú dứt điểm về khung thành đối phương tăng đến 70%.

Giờ đây khi Premier League đã gần đi đến hồi kết, chúng ta lại chứng kiến sự "thích nghi tuyệt vời" của Leicester. Họ đang bảo toàn vị trí dẫn đầu của mình bằng lối chơi phòng ngự và kiểm soát bóng chặt chẽ hơn. Vào lúc này, Leicester City cần đến sự thực dụng chặt chẽ của Jose Mourinho và chính các nhà ĐKVĐ Chelsea năm ngoái để khép lại câu chuyện cổ tích đẹp nhất của bóng đá hiện đại bằng một cái kết có hậu.

Tất Đức
.
.
.