Premier League và mùa hè không giờ nghỉ!

Chủ Nhật, 17/08/2014, 21:00

Premier League là giải đấu lớn duy nhất không có kì nghỉ đông, và thực tế họ cũng chẳng có nốt kì nghỉ hè. Bởi quãng thời gian này chính là lúc họ bận rộn nhất, mệt mỏi nhất và đương nhiên, kiếm nhiều tiền nhất. Chỉ còn hơn 1 tuần nữa mùa giải mới sẽ bắt đầu, nhưng lúc này các CLB đang vắt chân lên cổ để hoàn tất những chuyến đi mà ở đó họ còn vất vả hơn cả thi đấu!

1.Sau một kì World Cup thất bại tơi bời, bóng đá Anh một lần nữa bị đặt dấu hỏi về sức mạnh và tham vọng thực sự. Hàng trăm lí do được đưa ra để giải thích và lí do nào cũng đúng cả. Trong số đó, chuyện các cầu thủ không có thời gian nghỉ và kiệt sức sau một mùa giải kéo dài là nguyên nhân cốt lõi. Mùa đông không được nghỉ, mùa hè cũng chẳng được nghỉ nốt. Thậm chí đây là quãng thời gian các ngôi sao ở các CLB lớn còn phải vắt kiệt sức phục vụ mục đích quảng bá hình ảnh, kiếm tiền du đấu và quan hệ công chúng.

Có thể những trận đấu vào thời điểm này không căng thẳng, không tốn quá nhiều nơ ron thần kinh, cũng chẳng cần cố sức, nhưng mật độ thi đấu, giao lưu, các hoạt động bên lề, hoạt động tài chính và đặc biệt là thời gian di chuyển lại tiêu tốn sức lực khủng khiếp, gấp nhiều lần so với mùa giải. Nếu khi vào mùa giải, các đội bóng chỉ di chuyển trong nước và thi thoảng đi lại tại khu vực châu Âu, thì chỉ trong gần 1 tháng trước mùa giải, họ phải đi khắp thế giới, hoat động ở 3 hạng mục chính: du đấu, hoạt động kinh doanh và hoat động chuyển nhượng. Do đó, khối lượng công việc sẽ cực kì khổng lồ và nó chính là chìa khóa quyết định thành bại của cả mùa giải sắp diễn ra.

Khoảng hơn 1 thập kỉ qua, các chuyến du đấu của những CLB Anh đã trở thành điều không thể thiếu vào các mùa hè. Họ không chỉ tạo ra các trận đấu, trình làng những hình ảnh mới, mà còn tạo ra sự kiện, những cuộc thâu tóm thị trường ngoạn mục. Nôm na, đó là những cuộc tranh giành thị trường theo từng năm. Ví dụ, từ khi Man Utd niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ cách đây 2 năm, họ đến Mỹ thi đấu và nhận được rất nhiều tình cảm. Trận giao hữu với Real Madrid mới diễn ra ở đây của Man Utd thu hút gần 110.000 khán giả đến sân, một kỉ lục chưa từng có ở đất nước bóng đá chỉ là một môn thể thao được yêu thích… thứ 5. Và từ đó, chắc chắn giá trị cổ phiếu và hình ảnh Man Utd sẽ tăng lên đáng kể sau chuyến đi này.

Địa điểm thi đấu của các CLB lớn tại Mỹ và châu Âu.

Tương tự như vậy là Arsenal. Sau khi chinh phục Việt Nam, Indonesia vào hè năm ngoái, năm nay họ tập trung vào thị trường New York. Có tin, nhiều khả năng Arsenal sẽ theo chân Man Utd đẩy mạnh kiếm tiền trên thị trường chứng khoán Mỹ và thị trường nước Bắc Trung Mỹ.

Những chuyến đi như thế này không chỉ phục vụ mục đích đầu tư mà họ còn bỏ tiền vào túi một cách nhanh chóng. Tính trung bình mỗi CLB lớn như Arsenal, Man Utd hay Chelsea, mỗi trận đấu của họ có giá từ 1 triệu bảng đến 2,5 triệu bảng. Thậm chí, có những trận đấu ở Mỹ như trận Man Utd và Real Madrid vừa có, giá lên tới khoảng 4,5 triệu bảng. Số tiền các CLB Anh thu về sau mỗi chuyến du đấu hè ngày càng tăng. Năm 2000, theo Deloitte nghiên cứu chưa đầy đủ, tổng số các CLB Anh kiếm được khoảng 6 triệu bảng tiền thi đấu mùa hè. Nhưng đến năm 2013, con số ấy đã vượt ngưỡng 50 triệu bảng. Như vậy, mỗi CLB thu về trung bình trên 2,5 triệu bảng tiền thi đấu. Đó là một nguồn thu lớn, nhất là với những CLB nhỏ. Bên cạnh đó còn là sự đón tiếp trọng thị không kém gì những nguyên thủ.

2.Nguồn lợi thu về ở những chuyến đi du đấu hè ngày càng cao, nhưng cái giá mà họ phải trả cũng rất đáng suy ngẫm để so sánh. Cứ bỏ qua sự thiệt thòi mà ĐT Anh phải gánh chịu thì những chuyến du đấu này cũng sẽ không có nhiều giá trị về chuyên môn hay sự chuẩn bị nhân sự. Tiếp đó, việc di chuyển quá nhiều sẽ tạo ra sức ì ngay khi mùa giải mới bắt đầu. Ở đây, di chuyển cũng là câu chuyện thú vị.

Quãng đường các CLB Anh di chuyển du đấu hè 2014 (tính bằng dặm).

Mùa hè năm nay, 19 trong tổng số 20 CLB Premier League tham gia du đấu. CLB duy nhất ở lại nhà tập luyện là Hull City. Tổng số quãng đường 19 CLB trải qua để du đấu quảng bá là 182.144 dặm, tức là tương đương khoảng gần 300.000km. Con số này còn ít hơn mùa hè năm ngoái (199,701 dặm). Các CLB chịu khó đi nhất là Newcastle và West Ham đến New Zealand, trong khi có tới 9 CLB đến thi đấu ở Mỹ, bao gồm hầu hết các tên tuổi lớn là: Man Utd, Liverpool và Man City. Chỉ tính riêng 3 CLB này di chuyển tại Mỹ để thi đấu ở giải giao hữu Guiness International Championship thôi cũng đã là 12.000 dặm.

Đến đây lại là một câu chuyện xã hội mà bóng đá chính là một "tay buôn" cự phách. Trước đây, chỉ có các ngôi sao đến Mỹ thi đấu để kiếm tiền trong những ngày tháng cuối sự nghiệp, để kích thích bóng đá ở đây. Nhưng khi đó, các CLB châu Âu chẳng ai bén mảng đến Mỹ cả. Nhưng kể từ sau khi Mỹ tổ chức thành công World Cup 1994, rồi có giải MLS giải VĐ bóng đá chuyên nghiệp), liên tục gây tiếng vang ở các kì World Cup gần đây, bóng đá bắt đầu có chỗ đứng vững chắc. Nền kinh tế đổ tiền vào bóng đá nhiều hơn, ngôi sao Beckham cũng đã mua lại một CLB Mỹ và xây tổ hợp bóng đá ở đây, khi đó các CLB lớn ở châu Âu đã không bỏ qua cơ hội để "khai thác" triệt để mảnh đất giàu có này. Đó là xu thế, là sự thể hiện xã hội và kinh tế thông qua bóng đá. Các nhà kinh tế học của đại học Massachusetts đã từng nghiên cứu đề tài về kinh tế bóng đá và ở đó họ nói rằng: hãy cứ nhìn vào xu thế bóng đá, ảnh hưởng bóng đá, và sự du nhập bóng đá sẽ thấy phần nào bức tranh kinh tế ở đó. Và Mỹ lúc này cũng đang cho thấy điều ấy.

Gần 110.000 người đến SVĐ xem trận giao hữu Man Utd và Real Madrid tại Mỹ.

Thế mới nói, những chuyến du đấu không chỉ đơn thuần là "đi chơi" mà  nó còn mang nhiều ý nghĩa hơn là những phút thi đấu "cho vui".

Trở lại với các CLB Anh du đấu thế nào. Năm nay các thị trường được tập trung nhắm tới gồm: New York, Mỹ, New Zealand và Bangkok. Tổng số khán giả đến xem các trận đấu của các CLB Anh ở hè năm ngoái đạt con số không tưởng: 2,3 triệu người (con số của trường ĐH Chester). Hè năm nay, đến lúc này đã có 1,92 triệu khán giả đến xem các trận đấu của 19 CLB Anh, và cho đến khi kết thúc dự kiến có thể số người đến sân sẽ vào khoảng 3 triệu. Cứ tưởng tượng, nếu trận đấu nào của Man Utd, Liverpool, Arsenal trên đất Mỹ cũng đạt tới cả trăm ngàn người, mỗi đội đá 3 trận thôi thì con số ấy sẽ là bao nhiêu?

Với những hoạt động di chuyển khủng khiếp, những trận đấu liên tục, những hoạt động bên lề nữa, các CLB không kiệt sức sau 1 tháng du đấu mới là lạ.

3.CLB di chuyển nhiều nhất mùa hè năm nay là Newcastle. Họ đi một quãng đường dài 24.687 dặm (khoảng 40.000km). Đường kính của trái đất tại đường xích đạo là 12.756km. Như vậy, Newcastle đã di chuyển quãng đường tương đương đi hơn 3 vòng quanh trái đất. Nhưng dẫu sao thì những chuyến đi mệt nhoài như vậy vẫn là điều tất yếu. Nó mang lại lợi ích cho đội bóng, và cho cả những nơi mà họ đến.

Với những hành trình xuyên lục địa như vậy, thế giới mới đặt ra một khái niệm cho các CLB đi du đấu triền miên, miệt mài. Họ gọi đó là những "gánh xiếc rong". Xét trên chừng mực giải trí, khái niệm đó chẳng sai chút nào. Nhưng nó chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn hồi cuối thập kỉ 1990, khi các CLB Anh là những người đầu tiên du đấu, khai thác thị trường thương mại châu Á. Đến giờ, không chỉ các CLB Anh mà các CLB Itallia, Đức, Tây Ban Nha, Pháp… đều đã du đấu. Nhưng dĩ nhiên, quy mô, tầm ảnh hưởng và phạm vi của họ vẫn không thể nào lớn mạnh, toàn diện và bao phủ lớn như các CLB Anh.

Những nguồn lợi quá lớn từ du đấu đã khiến tất cả đều phải bay, đều phải đi và đều phải thi đấu. Còn chuyện di chuyển bao xa, mất bao lâu hay thi đấu bao nhiêu trận, tham dự bao nhiêu sự kiện, mệt đến thế nào chẳng hề quan trọng.Và xét cho cùng, cả thế giới đều đã coi đây là quãng thời gian bóng đá "vui nhất", thú vị nhất, và đáng được mong đợi nhất!

Các CLB Anh đi đến đâu?

Chỉ duy nhất CLB Hull City là không đi ra khỏi nước Anh trong mùa hè này. Trong 19 CLB du đấu, thị trường châu Mỹ được khai thác nhiều nhất khi có tới 14 CLB đến các nước thuộc châu Mỹ. Sau một mùa hè 2013 đầy sôi nổi với những CLB lớn như Chelsea, Arsenal, Man Utd, Man City, thị trường châu Á hè năm nay không được "chăm sóc" tốt như năm ngoái. Chỉ có duy nhất 1 nước châu Á là điểm đến của 2 CLB (Everton và Leicester City), và đáng ngạc nhiên khi đó là Thái Lan và thủ đô Bangkok, nơi được xem như điểm nóng chính trị và bạo loạn trong thời gian qua.

Năm ngoái, Man Utd di chuyển du đấu tổng cộng 25.000 dặm nhưng năm nay họ chọn duy nhất Mỹ là điểm đến và quãng đường họ đi rút xuống chỉ còn một nửa là 13.478 dặm. Chelsea thay đổi chiều dài quãng đường nhiều nhất khi năm nay họ là 1 trong những CLB đi ít nhất (chỉ 3.735 dặm), trong khi hè năm ngoái họ đi tới 23.465 dặm.

Lê Giang
.
.
.