Qatar: Một bi kịch của Fifa

Thứ Ba, 17/06/2014, 08:40

Qatar, tại sao lại là Qatar? Đó chính là câu hỏi vẫn ám ảnh tất cả những người hâm mộ bóng đá trên toàn thế giới từ tháng 12 năm 2010 đến nay. Với họ, chuyện Qatar được chọn làm chủ nhà World Cup 2022 hầu như là một bí ẩn thực sự, một bí ẩn được che đậy bởi lớp vỏ quyền lực của FIFA, tổ chức bóng đá, cỗ máy bóng đá vĩ đại nhất hành tinh.

Với một quốc gia giàu có như Qatar, việc tổ chức một sự kiện tốn kém bậc nhất tầm cỡ World Cup có lẽ không phải là vấn đề quá lớn. Ở Qatar chỉ có hai thứ: dầu mỏ và tiền. Cái gì không có, họ đi mua. Nhân lực nào còn thiếu, họ sẽ đi thuê, kể cả đó là những cầu thủ bóng đá tốt nhất đi chăng nữa.

Như vậy, có thể dấu hỏi về năng lực của đội chủ nhà, thứ có thể sẽ khiến một mùa World Cup trở nên hấp dẫn hơn, gần như đã có lời giải đáp. Chính sách nhập cư rộng mở cùng hầu bao rủng rỉnh của những nhà đầu tư có thể giúp Qatar có được những cầu thủ tốt nhất theo diện nhập quốc tịch. Họ cần gì đến màu cờ sắc áo. Họ cần sự oai phong của một quốc gia bóng đá mà thôi, bất chấp sự oai phong ấy được xây dựng từ nền tảng những kẻ đánh thuê không hơn không kém.

Bin Hamman, quan chức bóng đá Qatar và FIFA bị cáo buộc đưa hối lộ.

Và nếu chấp nhận bỏ qua vấn đề chất lượng bóng đá Qatar, một nền bóng đá đứng hạng 95 trên thế giới theo bảng xếp hạng của FIFA (tức là tầm cỡ chỉ nhỉnh hơn chút so với các đội bóng Đông Nam Á), người hâm mộ sẽ đặt ra một câu hỏi khác. Đó là vấn đề khí hậu, và văn hóa của một quốc gia Hồi giáo. Mùa hè Qatar nóng như đổ lửa, thậm chí có những ngày nhiệt độ xấp xỉ 50 độ C. Với khí hậu ấy, ai có thể chơi bóng nổi và nếu khát cháy họng, người hâm mộ có thể uống bia ở đâu khi mà quốc giáo của Qatar nghiêm cấm bia rượu. Ngay lập tức phía Qatar đã có câu trả lời. Họ hứa sẽ lắp các hệ thống điều hoà không khí tại các sân vận động đăng cai World Cup. Và họ lập ra các khu ăn nhậu dành riêng cho khán giả nước ngoài, ngoại đạo trong suốt thời gian World Cup. Vậy là khán giả có câu trả lời rồi nhé. Vào sân thì không nóng, thậm chí còn mát rượi. Ra khỏi sân, nóng quá thì chạy vào khu ăn nhậu. Ăn nhậu xong, nếu thấy nóng, về khách sạn nằm mở máy lạnh hoặc lao xuống hồ bơi. Còn chưa đã ư? Lại lên sân vận động mà hưởng khí điều hòa từ một bầu trời nhân tạo.

Song, tất cả các vấn đề trên chỉ còn là quá nhỏ so với những vấn đề khác mà khán giả toàn cầu đang ngỡ ngàng về Qatar. Đó là việc họ nhận được phiếu bầu chọn đăng cai nhờ vào khả năng hối lộ không ngừng nghỉ của ông Mohamed bin Hamman, cựu quan chức bóng đá Qatar và FIFA. Ông này đã dùng ngân sách rủng rỉnh để hối lộ các quan chức khoảng 5 triệu USD để mua phiếu bầu. Chuyện này râm ran đã mấy năm nay, nhưng FIFA vẫn tảng lờ coi như không có. Nhưng gần đây nó trở thành một làn sóng ầm ĩ trở lại khi một cái tên cỡ lớn bị gắn với áp phe thiếu trong sáng này. Người ấy, không ai khác, là Michel Platini, Chủ tịch UEFA.

Theo điều tra độc lập của tờ Sunday Times, Anh quốc, hôm 2-6 vừa rồi, Platini đã tiết lộ rằng chính ông đã gặp riêng Mohamed bin Hamman trước khi Qatar được chính thức trao quyền đăng cai. Sau cuộc gặp riêng kia, chính Platini đã hé lộ khả năng bỏ phiếu cho Qatar và kèm theo đó là gợi ý của ông cho rằng nên dời World Cup vào mùa đông để tránh nóng.

Chuyện ấy không đủ để khẳng định Platini nhận hối lộ nhưng nó đã dẫn đến những nghi ngờ xoay quanh các vấn đề kéo theo khác. Ngay sau khi Qatar được trao quyền đăng cai, tập đoàn Qatar Sports Investment (QSI) đã mua lại CLB Paris Saint Germain và biến nó thành gã khổng lồ. Sau vụ mua lại ấy, con trai của Platini, Laurent, đã trở thành giám đốc điều hành của Burrda, một công ty con của QSI một cách quá dễ dàng và thuận lợi. Phải chăng, đó chính là một đền đáp đẹp lòng cho lá phiếu Platini đã mang???

Kèm theo phát hiện mới mẻ này, chuyện hàng ngàn công nhân nhập cư từ Ấn độ, Nepal, Bangladesh và các nước Đông Nam Á đang làm việc như nô lệ ở các công trình xây dựng phục vụ World Cup 2022 ở Qatar đã dấy lên làn sóng phản ứng lại sự kiện này. Chế độ lao động hà khắc có tên gọi Kafala đã cướp đi sinh mạng của 191 công nhân nhập cư Nepal và 218 công nhân nhập cư Ấn độ. Theo ước tính của tổ chức Liên đoàn các nghiệp đoàn lao động toàn cầu, có thể đến khi hoàn công các công trình phục vụ World Cup, sẽ có 4.000 nhân công nhập cư chết trong tư thế của những người nô lệ.

World Cup 2022 ở Qatar đã không còn là cuộc vui nữa rồi. Nó đã thành một thảm họa nhân đạo. Và nó bóc trần bộ mặt thật của bóng đá, bộ mặt thể hiện chính xã hội phân cấp giàu-nghèo cực mạnh hiện nay. Không còn vui thú nữa, không còn các chủ thuyết nữa, không còn lý tưởng nữa. Chỉ có người nghèo phục vụ người giàu mà thôi.

Và nếu FIFA vẫn tảng lờ sức ép yêu cầu rút quyền đăng cai của Qatar, chắc chắn World Cup 2022 sẽ là bi kịch của chính tổ chức vĩ đại ấy, sau khi những cuộc biểu tình rầm rộ ở Brazil năm nay là những tiết mục mở màn…

Hà Quang Minh
.
.
.