Quản lý phim chiếu mạng: Kỳ vọng ở “cây roi” của Cục Điện ảnh?

Chủ Nhật, 01/09/2019, 12:21
Vài năm trở lại đây, phim chiếu mạng (web drama) phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển này kéo theo hàng loạt vấn đề về nội dung, đòi hỏi phải có sự quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ của cơ quan chức năng. Đây là vấn đề được đặt ra cho Luật Điện ảnh sửa đổi tới đây.


Phim "rác" ngập tràn trên mạng

Sự phát triển vũ bão của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kéo theo bước bùng nổ của phim chiếu mạng. Đây là điều đã được các nhà chuyên môn dự báo từ trước như một xu thế tất yếu. Nếu như năm 2012, web drama vẫn là một khái niệm mới mẻ thì đến năm 2017, trào lưu này mới thực sự trỗi dậy và mang đến hàng loạt siêu phẩm. 

Đây là không chỉ mảnh đất màu mỡ để những gương mặt nghiệp dư hoặc mới nổi thử nghiệm khả năng diễn xuất, khả năng biên kịch, đạo diễn..., đồng thời quảng bá tên tuổi mà giờ đây nó còn thu hút cả những ngôi sao hàng đầu làng giải trí. 

Có thể điểm qua những cái tên đình đám như: Hoài Linh, Việt Hương, Hữu Châu, Kim Xuân, Trấn Thành, Trường Giang, Đại Nghĩa, Angela Phương Trinh, Nam Thư, Thu Trang... 

Do đó, từ những thước phim ngắn khá nghiệp dư xoay quanh chủ đề hài bựa, đến nay phim chiếu mạng được đầu tư chỉn chu từ bối cảnh, kịch bản, phục trang... và tốn kém kinh phí không thua gì phim chiếu rạp.

Series phim “Căn hộ 69” là bộ phim chiếu mạng hiếm hoi bị cơ quan chức năng xử phạt vì nội dung phản cảm.

Những web drama ấn tượng có thể kể đến “Tấm Cám – Chuyện Huỳnh Lập kể”, “Ai chết giơ tay”, “Vi Cá tiền truyện”, “Nam Phi liên hoàn kế”, “Thập Tam Muội”, “Mẹ chồng chàng dâu”, “Cương thi biến”, phim ca nhạc “La la school”, “Glee” - phiên bản Việt... Môi trường số cởi mở và không vấp phải sự kiểm duyệt khắt khe nên nghệ sĩ có thể thỏa sức sáng tạo ở nhiều đề tài đa dạng. 

Đặc biệt, những đề tài khó thường bị “soi” rất kỹ khi lên màn bạc như hành động, giang hồ, kinh dị, viễn tưởng, cung đấu, tâm linh, đồng tính... được dịp bung nở trên môi trường trực tuyến. 

Đầu năm 2019, web drama đánh dấu một bước ngoặt quan trọng ở khía cạnh chuyên môn khi trở thành hạng mục chính thức của Giải thưởng Ngôi sao xanh. Diễn viên Huỳnh Lập ẵm trọn hai hạng mục "Diễn viên phim chiếu mạng xuất sắc nhất" và "Phim chiếu mạng hay nhất” dành cho bộ phim “Ai chết giơ tay”. Giải thưởng này chính là minh chứng cho sự phát triển mạnh mẽ hơn nữa của web drama trong tương lai

So với phim chiếu truyền thống (trên màn ảnh nhỏ, chiếu rạp hoặc ra DVD), phim chiếu mạng không chỉ mang lại cho người xem nhiều thể loại phong phú mà còn tạo cơ hội để họ bình luận, đóng góp trực tiếp với nhà sản xuất. Khán giả cũng chủ động xem phim miễn phí ở bất kỳ đâu chỉ với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối Internet. Đây là cách làm giúp nhà làm phim và khán giả tương tác mạnh mẽ. 

Riêng nghệ sĩ, với web drama, ngoài việc kiếm tiền từ lượt view và doanh thu quảng cáo, họ còn thử sức tìm tòi để khẳng định tài năng, từ đó tìm kiếm những cơ hội lớn hơn cho sự nghiệp. Nhà sản xuất tự do phát hành tác phẩm mà không phải chực chờ nhà đài với đủ quy trình mua bán bản quyền rắc rối. 

Nhận thấy những ưu điểm vượt trội này, nhiều công ty cũng chạy đua phát triển mạng lưới chiếu phim online như: dịch vụ SCTV-VOD, dịch vụ truyền hình theo yêu cầu NextTV, dịch vụ VCTV ON, dịch vụ Fiml+, dịch vụ Danet...

Phim điện ảnh “Chị Mười Ba” chiếu mạng chứa nhiều cảnh bạo lực, đánh đấm khác xa với bản chiếu rạp trước đó.

Quản lý thế nào?

Tuy nhiên, chính vì sự thoải mái, tự do của môi trường mạng cũng là nguyên cớ khiến vô số phim “rác” có nội dung phản cảm, trái thuần phong mỹ tục mọc như nấm sau mưa. Để câu view, họ sẵn sàng sử dụng chiêu trò để giật gân. 

Các web drama về đề tài giang hồ, sặc mùi bạo lực thi nhau trình làng như “Ông trùm dẹp loạn giang hồ”, “Chết thì chịu”, “Người trong giang hồ”... Ở những phim này, nội dung ý nghĩa, bổ ích thì ít mà toàn nhấn vào các tình tiết nhảm nhí, bạo lực. 

Số khác lại lạm dụng cảnh khoe thân phản cảm, kiểu ăn nói thô tục để câu khách. “Tân Kim Bình Mai”, “Giải cứu Măm my” bị khán giả kêu gọi tẩy chay vì vô số cảnh hở hang, hài tục. 

Nhóm “Ghiền Mì Gõ” chuyên sản xuất web drama xoay quanh chuyện giới tính, hội tụ toàn hot girl thích cởi, khoái đóng cảnh nóng. Bỗng chốc nơi đây trở thành chốn để những cô gái ít tài nhiều tật tìm kiếm cơ hội nổi tiếng.

Môi trường số không chỉ lý tưởng cho web drama phát triển mà còn là nơi để phim điện ảnh tìm kiếm thêm lợi nhuận sau khi hết suất chiếu tại rạp. Lợi dụng sự tự do của không gian mạng, họ trình làng bản gốc vốn chưa được kiểm duyệt, cắt sửa. 

Nhiều khán giả phản ứng khi bản phim “Chị Mười Ba” chiếu mạng chứa nhiều cảnh bạo lực, đánh đấm khác xa với bản chiếu rạp trước đó. Hay “Bụi đời Chợ Lớn” của đạo diễn Charlie Nguyễn, dù bị cấm chiếu do cảnh đâm chém quá nhiều, thông điệp thì nhợt nhạt, nhưng nó nhanh chóng được công chúng truy lùng trên YouTube và thu hút lượt xem cao nhờ cú “phốt” này. 

TS Ngô Phương Lan - nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam bức xúc: “Với các phim đang phổ biến tràn lan trên Internet, luật không điều chỉnh và cơ quan quản lý cũng không tính tới. Nhưng nhiều phim chiếu mạng có hàng chục triệu lượt xem, gấp nhiều lần phim chiếu rạp". 

Ðiều đáng báo động là những web drama thảm họa, nội dung hời hợt, tính nghệ thuật thấp vẫn thu hút lượt xem “khủng”. Đơn cử như series phim “Lan Quế Phường” của nhóm “Ghiền Mì Gõ”, mỗi tập đều thu hút từ 1 đến 4 triệu lượt xem, nhiều tập lọt top thịnh hành của YouTube.

Nhiều web drama lạm dụng cảnh nóng, khoe thân phản cảm (Một cảnh trong web drama của nhóm “Ghiền Mì Gõ”).

Trong một buổi tọa đàm về các chương trình giải trí dành cho thiếu nhi, đại diện của kênh truyền hình VTV7 cho rằng rất nhiều bộ phim chiếu mạng đầu độc học sinh bởi nội dung phản cảm. 

Nhiều em chỉ mới học lớp 2, lớp 3 nhưng đã văng tục, chửi thề, ra rả tiếng lóng như đàn anh đàn chị giang hồ. Phụ huynh gặng hỏi và tìm hiểu thì mới té ngửa khi con mình học tập từ các diễn viên trong phim chiếu mạng đầy rẫy trên YouTube. 

Theo báo cáo của Công ty Thông tin và Đo lường toàn cầu Nielsen, năm 2016 có 97% người sử dụng Internet ở Việt Nam xem video trực tuyến hàng tuần. Đây là tỉ lệ cao nhất khu vực Đông Nam Á và không ngừng tăng qua từng năm. Với độ phủ sóng đó, lo ngại về sự bùng nổ của phim “rác” sẽ kéo thấp thị hiếu công chúng, gây lệch lạc, ảnh hưởng tới nhận thức, lối sống của người trẻ là có cơ sở.

Thế nhưng, nói như TS Ngô Phương Lan, dù phim “rác” có nội dung độc hại tràn lan nhưng việc xử phạt của cơ quan quản lý chỉ ở mức “gãi ngứa” nếu không muốn nói là buông lỏng. Luật Điện ảnh năm 2006 chỉ nêu: "Việc phổ biến phim trên Internet, khai thác phim từ vệ tinh để phổ biến phải thực hiện theo quy định của luật này và các quy định khác của pháp luật liên quan". 

Trong khi điều này chỉ áp dụng với các doanh nghiệp khai thác các tác phẩm trên Internet sau khi chúng đã chiếu ở rạp, chiếu trên truyền hình chứ không nhắc gì đến web drama (tức chỉ chiếu trên mạng chứ không ra rạp). 

Sau vụ xử phạt series phim dung tục “Căn hộ 69” năm 2014 với mức 10 triệu đồng do chiếu phim chưa được phép phổ biến tại nơi công cộng, đến nay hầu như chưa có thêm bộ phim chiếu mạng nào bị xử lý. Chế tài nhẹ hều này khiến cho các phim “rác” tha hồ tung hoành.

Tại hội thảo “Lấy ý kiến góp ý đề nghị xây dựng Luật Điện ảnh” vừa được tổ chức tại TP HCM, Cục Điện ảnh đề xuất đưa ra quy định quản lý đối với phim chiếu mạng, hạn chế tác động tiêu cực của loại sản phẩm văn hóa độc hại. Đề xuất này nhằm cập nhật Luật Điện ảnh cho phù hợp tình hình hiện tại. 

Dù nhận định kiểm soát phim chiếu mạng là vấn đề phức tạp nhưng bà Nguyễn Thị Thu Hà, Quyền Cục trưởng Điện ảnh vẫn khẳng định, Cục sẽ có những lộ trình thích hợp để quản lý, kiểm soát. 

Giải pháp dự kiến của Cục Điện ảnh là UBND tỉnh và thành phố quản lý nội dung các phim phát trên Internet do các doanh nghiệp có máy chủ đặt tại Việt Nam và đăng ký kinh doanh tại địa phương đó. 

Còn Bộ Thông tin và Truyền thông áp dụng các biện pháp kỹ thuật, bổ sung chế tài trong văn bản để kiểm soát các nhà phát hành có máy chủ ở nước ngoài. Nhiều nhà phát hành cho rằng đề xuất này sẽ tạo sự bình đẳng giữa việc phổ biến phim trên Internet và phim chiếu rạp.

Tuy nhiên, theo đạo diễn Phan Ðăng Di, môi trường mạng là môi trường mở. Mọi sự cấm đoán đều ít phát huy tác dụng. Công chúng cần biết chấp nhận những sản phẩm thượng vàng hạ cám và phải có bộ lọc để chọn cho mình tác phẩm chất lượng, tẩy chay tác phẩm yếu kém. 

“Ngọn roi” của Cục Điện ảnh chỉ giúp hạn chế được phần nào. Và trước khi chờ “ngọn roi” của Cục Điện ảnh được thực thi thì khán giả và chính nhà làm phim phải nêu cao trách nhiệm, ý thức chọn lọc của mình. Muốn hạn chế sự ảnh hưởng của những web drama độc hại, chúng ta cần những giải pháp để nâng cao khả năng cảm thụ nghệ thuật cho công chúng. 

Khi đó mỗi người mới tự có "màng lọc" để lựa chọn thưởng thức những tác phẩm giàu giá trị nội dung, nghệ thuật. Đó mới là giải pháp lâu dài và bền bỉ. 

Trang Nguyễn
.
.
.