Quanh án phạt cấm thi đấu 4 trận của Messi "Trâu bò" đánh nhau, "thiên tài" chết?

Chủ Nhật, 02/04/2017, 20:15
Chiến dịch vòng loại World Cup 2018 coi như khép lại tại đây với cá nhân Messi, khi anh chỉ có thể trở lại trong trận đấu cuối cùng gặp Ecuador vào ngày 10-10 năm nay. Đấy là thiệt thòi rất lớn với Argentina, khi họ đã rơi xuống vị trí thứ 5 ở khu vực Nam Mỹ và từ bây giờ, trận đấu nào với các vũ công Tango cũng là trận chung kết.


Tạm coi Messi đã có những lời lẽ không hay với trọng tài biên trong trận đấu giữa Argentina và Chile thuộc khuôn khổ vòng loại World Cup 2018 (dù thông tin này chưa hề được kiểm chứng), thì biên bản trận đấu - cơ sở pháp lý cao nhất gửi về FIFA - cũng không hề ghi lại thông tin này. Việc thủ quân Argentina phải bỏ lỡ 4/5 trận đấu cuối cùng trong chiến dịch săn vé đi Nga mùa hè 2018 đang cho thấy sự yếu kém và tính quan liêu đặc trưng trong cách điều hành của tổ chức bóng đá quyền lực nhất thế giới.

Messi bị cấm thi đấu quốc tế 4 trận.

Ở khách sạn Sun, thành phố Santa Cruz de la Sierra, Messi nhận tin FIFA vừa ban hành lệnh cấm thi đấu cấp ĐTQG 4 trận kèm khoản nộp phạt hơn 10.000 usd với lý do "Có hành vi lăng mạ trọng tài biên trong trận đấu giữa Argentina và Chile".

Như vậy, chiến dịch vòng loại World Cup 2018 coi như khép lại tại đây với cá nhân Messi, khi anh chỉ có thể trở lại trong trận đấu cuối cùng gặp Ecuador vào ngày 10-10 năm nay. Đấy là thiệt thòi rất lớn với Argentina, khi họ đã rơi xuống vị trí thứ 5 ở khu vực Nam Mỹ và từ bây giờ, trận đấu nào với các vũ công Tango cũng là trận chung kết.

Tuy nhiên, điều đáng nói là FIFA đưa ra án phạt này hoàn toàn dựa trên "suy đoán" bởi không có bất kỳ văn bản hay bằng chứng cụ thể nào chống lại Messi. Vậy lý do nào dẫn tới án phạt rất nặng của FIFA ban cho Messi?

Thực hư diễn biến

Máy quay truyền hình tối thứ 5 tuần trước bắt cảnh Messi tỏ thái độ không hài lòng sau khi trọng tài biên Emerson Carvalho phất cờ báo hiệu anh đã phạm lỗi với một cầu thủ Chile.

Messi trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong cuộc xung đột giữa AFA và FIFA.

Messi có thái độ, nhưng anh ta có chuyển thể cảm xúc của mình thành lời nói không? Theo biên bản ghi lại lời của 4 vị trọng tài tham gia điều khiển trận đấu, câu trả lời là KHÔNG! Cụ thể như sau:

Trọng tài chính Sandro Ricci: "Tôi không nghe thấy lời lẽ khiếm nhã nào từ Messi. Nếu nghe thấy, tôi đã ghi lại vào biên bản trận đấu nộp về FIFA rồi".

Trợ lý thứ nhất Emerson Carvalho: "Sau tình huống tôi phất cờ báo hiệu Messi phạm lỗi, tôi có nhìn thấy Messi giơ cao tay và cau có mặt mày như muốn phàn nàn về quyết định này. Nhưng chỉ thế thôi. Tôi ở quá xa để nghe rõ anh ta lẩm bẩm cái gì".

Trợ lý thứ hai Marcelo do Carvalho: "Tôi không nghe thấy từ miệng Messi một ngôn từ bẩn thỉu nào".

Trọng tài bàn Santa Cruz de la Sierra: "Theo quan sát cá nhân, tôi khẳng định Messi không xúc phạm trọng tài Carvalho".

Tổng thư ký LĐBĐ Chile, ông Sebastian Moreno cũng nhấn mạnh với phóng viên tờ Mundo Deportivo rằng, mọi quyết định liên quan tới vấn đề kỷ luật phải dựa trên biên bản trận đấu - cơ sở căn cứ pháp lý duy nhất.

Chuyện gì đã diễn ra ở FIFA?

FIFA có luận điểm của họ. Các chuyên gia khẩu hình được thuê về cắt nghĩa "câu lẩm bẩm" của Messi là "Mẹ mày cút xuống địa ngục đi" (ý ám chỉ trợ lý trọng tài Carvalho). Nhưng nghịch lý ở chỗ, băng ghi hình chụp lại cảnh này lại lấy nét đúng vào lúc Messi... cúi mặt và quay lưng về khía phán đài D.

Claudio Sulser - người đứng đầu Tiểu ban kỷ luật FIFA từng bị phàn nàn rất nhiều về công tác điều hành trong quá khứ.

Không có lấy một lời giải thích lọt tai từ FIFA. Theo tờ Sport, đã có một âm mưu chống lại LĐBĐ Argentina (AFA) của FIFA mà Messi vô tình trở thành vật tế thần.

Vào tháng trước, Chủ tịch FIFA Infantino đã cảnh cáo AFA về cách ứng xử và tình hình nội bộ của tổ chức này. Nhưng phía AFA ngoan cố, kiên quyết không chịu thay đổi nên FIFA muốn dằn mặt họ bằng hành động tước quyền ra sân của Messi - ngôi sao quốc dân.

Khi ngài chủ tịch đáng kính Julio Grondona qua đời cách đây 3 năm sau 35 năm đứng đầu tổ chức, AFA đã trải qua 3 đời chủ tịch mà với những lần bầu cử không thèm thông qua điều lệ của FIFA là vị trí phó chủ tịch và chủ tịch phải nhận được sự đồng ý của Ủy ban điều hành CONMEBOL (LĐBĐ Nam Mỹ).

Vấn nạn tham nhũng và thu thập quyền lực vào tay vài cá nhân đơn lẻ ở AFA khiến FIFA bất bình và liên tiếp cảnh báo AFA chấn chỉnh đội ngũ điều hành. Bằng không, FIFA sẽ cấm Argentina tham dự World Cup nhằm đảm bảo tính trong sạch và minh bạch theo đúng chủ trương của ngài chủ tịch mới nhậm chức.

Rào cản là FIFA nhận tài trợ của hãng sản xuất dụng cụ thể thao Adidas - đồng thời là đơn vị tài trợ chính của Lionel Messi. AFA tự tin FIFA sẽ không dám can thiệp vì mối quan hệ ràng buộc giữa Messi và Adidas.

Dưới sự bảo trợ pháp lý của Liên đoàn luật sư thành phố Buenos Aires, AFA đã tự mình đứng ra tổ chức 4 cuộc bầu cử ghế chủ tịch mà bỏ qua vai trò của liên đoàn tổng Nam Mỹ.

Nhà báo nổi tiếng Brunati chuyên theo dõi mảng bóng đá Tây Ban Nha và Argentina nhận định, FIFA cảnh cáo AFA bằng một án phạt dành cho Messi mà không cần phải đẩy vụ việc lên cao trào với các lệnh cấm tham gia thi đấu quốc tế.

Xuất hiện lợi ích nhóm

Cần nêu bật một chi tiết: Cơ quan trực tiếp ban hành án phạt là Tiểu ban kỷ luật FIFA, đứng đầu là Claudio Sulser - cựu cầu thủ bóng đá và luật sư Thụy Sỹ. Đây là vị quan chức gây nhiều điều tiếng trong quá khứ khi "ngó lơ" màn cổ động bằng các tấm biểu ngữ in hình Đức Quốc xã trong dịp World Cup 2014 trên các khán đài của CĐV đội Croatia và Đức.

Cũng tại kỳ vận hội bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, ông Sulser tiếp tục bỏ qua màn cổ động phản cảm phân biệt người đồng tính của giới cổ động Mexico. Theo nhiều nguồn tin, Sulser là cánh tay phải của nguyên Chủ tịch Sepp Blatter, trực tiếp tham gia rửa tiền cho vị này trong suốt quá trình gần 20 năm cai trị FIFA.

Trong một bài trả lời phỏng vấn bằng tiếng Italia hồi 2015, Sulser đã công khai bênh việc Blatter và chỉ trích những ai chống lại ông ta bằng lời lẽ: "Bọn họ là lũ vô ơn. Tìm đâu ra người tốt trên thế gian này như Blatter cơ chứ?".

Bây giờ, hãy nói đến phương thức biểu quyết án phạt trong Tiểu ban kỷ luật FIFA. Có 16 thành viên tham gia ban này, mỗi thành viên là đại diện của một quốc gia nằm trong FIFA do chính FIFA tiến cử. Nếu số phiếu chống vượt qua mức 54%, án phạt nghiễm nhiên được đưa ra. Trong câu chuyện của Messi, đồng loạt 16 người này giơ tay đồng ý với đề xuất của Sulser.

Song đáng nói ở chỗ, những thành viên liên đoàn trong Tiểu ban kỷ luật FIFA đa phần là những nền bóng đá... yếu trên thế giới: 2 châu Phi (Tunisia, Algeria), 3 châu Á (Hongkong, Pakistan, Australia), 3 quốc đảo (Cook, Tonga, Cayman), 3 Bắc Trung Mỹ (Jamaica, Samoa, Hoa Kỳ), 2 châu Âu (Bắc Ireland, Thụy Điển) và nhất là 3 thành viên từ Nam Mỹ (Chile, Ecuador, Venezuela).

Chỉ 6 thành viên từ Liên đoàn nằm trong tốp 50 FIFA, và có tới 6 thành viên nằm ngoài tốp 100 FIFA, cá biệt có 2 trường hợp đứng ngoài tốp 200. Đặc biệt hơn nữa, có cả... Chúa đảo của quần đảo Tonga tham gia biểu quyết. Giới quan sát tự hỏi: Lấy đâu ra tính công bằng trong các quyết định pháp lý, đặc biệt khi đại đa số những thành viên của ban kỷ luật lại tới từ những quốc gia không phát triển nền bóng đá?

Những tranh cãi trong quá khứ

Trước sự vụ của Messi, FIFA từng gây ra rất nhiều tranh cãi trong quá khứ liên quan tới các án phạt kỷ luật của mình. Tại World Cup 1994, Luis Enrique (đương kim HLV trưởng của Barca) bị Mauro Tassotti của Italia thúc cùi chỏ vỡ mũi.

Nhưng Tassotti thậm chí còn không bị đuổi khỏi sân, còn trọng tài điều khiển trận đấu ấy Sandor Puhl, người Hungary, lại được FIFA tin tưởng giao cầm còi trận chung kết. Mãi sau này, án phạt nguội 8 trận mới được đưa ra dành cho Tassotti dưới sức ép của dư luận.

Tại Mexico 86, tiền đạo Samir Shaker của Iraq nhổ nước bọt vào mặt trọng tài chính trong trận gặp Bỉ nhưng lại không phải chịu án phạt lập tức nào trên sân. Phải đợi FIFA xem băng hình và mổ xẻ chán chê, anh này mới bị cấm tham gia các hoạt động bóng đá trong 1 năm.

Năm 2016, tiền vệ phòng ngự Medel của Chile trong trận đấu giữa Chile và Paraguay đã dùng những lời lẽ thô tục và bẩn thỉu khi hét to "Argentina là ổ gái điếm". Tuy nhiên, anh này cũng chỉ bị cấm thi đấu 4 trận - một án phạt quá nhẹ.

Bản thân khu vực Nam Mỹ cũng thường xuyên là tâm điểm của các vấn đề kỷ luật. Trung vệ Jara của Chile đã giơ ngón tay thối vào mặt tiền đạo Cavani của Uruguay nhưng FIFA lại không can thiệp, mà trao toàn quyền cho CONMEBOL. Cuối cùng, Jara chỉ bị phạt 3 trận cấm thi đấu.

Cái húc đầu của Zidane là một sự kiện thu hút sự chú ý khác. Ban đầu, Zidane bị treo giò 3 trận, nhưng vì anh này tuyên bố giải nghệ ngay sau World Cup 2006 nên đã có ý kiến cho rằng cần cấm Zidane tham gia bóng đá trong khoảng thời gian tính bằng cơ số năm. Rốt cuộc, án phạt chỉ dừng lại ở mức "lao động công ích" vì Zidane là biểu tượng của người Pháp.

Cho đến bây giờ, quyết định được cho là đúng đắn nhất tới từ FIFA là án phạt 9 trận và 100.000 francs dành cho Luis Suarez sau hành động cắn vào vai Chiellini của Italia tại World Cup 2014. Tuy nhiên, những quyết định sáng suốt như thế lại không thường xuyên xuất hiện.

Đơn Ca
.
.
.