Quanh chuyện người đẹp “thi chui” bị tuýt còi, bị tước danh hiệu vì phẫu thuật thẩm mỹ

Thứ Năm, 13/04/2017, 09:00
Câu chuyện người đẹp Nguyễn Thị Thành bị thu hồi danh hiệu Á khôi cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017 vì sửa răng mới đây được nhắc đến nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, đây không phải trường hợp cá biệt. Trước cô, đã có một danh sách dài những người đẹp bị tước danh hiệu vì can thiệp phẫu thuật thẩm mĩ hay bị “tuýt còi” vì đi thi mà không xin phép...


Có lẽ chưa ở đâu mà câu chuyện một người đẹp bị “tuýt còi” vì “thi chui”, vì phẫu thuật thẩm mỹ lại ồn ào như ở nước ta. Thông tin được cập nhật liên tục và được sao chép từ tờ báo này đến tờ báo nọ. Chuyện cô này phẫu thuật thẩm mỹ chưa xẹp xuống thì chuyện một cô khác bị “tuýt còi” vì “thi chui” lại tràn lên mặt báo.

Và như một tiền lệ, mỗi lần có một trường hợp vi phạm, các phóng viên, nhà báo sẽ liên lạc với ông Nguyễn Đăng Chương - Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn để xin ông cho biết ý kiến, quan điểm của Cục về vấn đề này, có phạt không, có cấm biểu diễn không?… Tần suất tiếp phóng viên báo đài nhiều đến nỗi, ông Chương cũng “ngán”, có vài lần tắt luôn cả điện thoại, không liên lạc được.

Tuy nhiên, câu chuyện vẫn chẳng có gì thay đổi. Cục Nghệ thuật biểu diễn yêu cầu người đẹp tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế phải xin phép - ấy là việc của Cục. Còn việc những người đẹp đi thi mà không hoặc “quên” xin phép lại là việc của họ.

Hai câu chuyện lẽ ra liên quan lại chẳng có chút “dây mơ” gì với nhau. Để rồi, việc có những hoa khôi, á hậu, người đẹp bị tước danh hiệu ngay trong đêm trao giải, ngay sau khi nhận danh hiệu... Rồi báo chí vào cuộc, ầm ĩ một thời gian, và chuyện đâu vẫn hoàn đó. Nghĩa là danh sách những người đẹp bị Cục này xử phạt, cứ thế mà dài ra. 

Điều đó cũng có nghĩa, câu chuyện này đang rơi vào bế tắc. Những người đẹp “nhờn luật” hoặc đang bất chấp luật để đạt được mục đích của họ. Cục Nghệ thuật biểu diễn, trong vai trò tham mưu, thực hiện quản lý Nhà nước về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang và thi người đẹp, người mẫu gần như chỉ làm một công việc giống nhau với các vụ việc khác nhau (nhưng cùng bản chất), đó là: “tuýt còi”, tước danh hiệu, xử phạt, cấm biểu diễn. 

Và với số lượng các cuộc thi sắc đẹp nhiều như hiện nay, với số lượng các cô gái mong ước đổi đời và xem các cuộc thi sắc đẹp như một “tấm vé” bảo hành nhiều như hiện nay, Cục sẽ còn vất vả dài dài và sẽ tốn không biết bao nhiêu công văn, bút mực.

Cục cấm, người đẹp sẽ tìm cách lách luật hoặc “hồn nhiên” lách luật. Miễn sao đạt được mục đích của mình. Miễn sao cái tên mình trở thành từ khóa trên mạng. Để rồi nếu không được cái danh hiệu nào đi chăng nữa, cũng có cái tên để ký các hợp đồng quảng cáo, để bước vào showbiz, vào nghề. Cho nên mới có việc, Nguyễn Thị Thành – người đẹp từng gây ồn ào tại cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2016 khi tố Ban tổ chức “xử ép”, buộc cô phải rời khỏi cuộc thi vì cô thẩm mỹ hàm răng do bị tai nạn, nay lại “hâm nóng” tên mình trong cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017 vừa qua.

Người đẹp Nguyễn Thị Thành bị tước danh hiệu Á khôi 1 trong cuộc thi Hoa khôi Du lịch 2017.

Cũng lại là lí do sửa răng nói trên. Tuy nhiên, Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam khi đó cho biết, lý do bị tai nạn mà người đẹp này đưa ra là “ngụy biện”, là “nói dối”. Nghĩa là Nguyễn Thị Thành thừa biết luật nhưng vẫn lách luật mà đăng ký tham gia cuộc thi năm nay.

Chưa hết, trước nguy cơ bị Cục Nghệ thuật biểu diễn xử phạt vì chưa xin phép khi có tên tham gia cuộc thi Miss Eco International tại Ai Cập, quản lý của Nguyễn Thị Thành đã kịp thảo luận với Ban tổ chức cuộc thi này 3 phương án để cô này không vi phạm pháp luật Việt Nam, đó là Nguyễn Thị Thành sẽ tham gia cuộc thi ở vai trò thí sinh tự do đến từ Việt Nam, chứ không phải đại diện Việt Nam; hoặc là khách mời; hoặc là thí sinh đồng hành của cuộc thi… Việc “lách” hay cố tình này của Nguyễn Thị Thành chẳng phải ngoại lệ. Cô chỉ là cái tên mới nhất trong danh sách này mà thôi.

Còn Cục Nghệ thuật biểu diễn, sau nhiều năm “tuýt còi” với các người đẹp cố tình vi phạm, có lẽ, đã tới lúc nên ngồi lại để xem lại những điều luật do mình đưa ra, đã kín kẽ chưa, có chỗ nào cần thay đổi để phù hợp hơn với sự mở rộng của các cuộc thi nhan sắc hay chưa; cũng như việc giải quyết câu chuyện được xem là “ách tắc” suốt nhiều năm qua này.

Cựu người mẫu Thúy Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty Elite Việt Nam, Giám khảo Hoa hậu Trái đất 2009: Người đẹp “thi chui”, lách luật – đương nhiên sai nhưng luật cũng đang gây khó dễ

Việc những người đẹp tìm mọi cách để lách luật, “thi chui” ai cũng nhìn thấy rồi, vấn đề ở đây là cái gì cấm thì người ta sẽ làm cho bằng được, làm chui nhằm đạt được mục đích của mình.  

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, tôi cho rằng, luật pháp Việt Nam cũng gây khó cho các cuộc thi. Ví dụ, có nội dung, khi tham gia phải có bằng tiếng Anh chẳng hạn. Thực chất, có nhiều người rất giỏi tiếng Anh nhưng người ta không đi thi nên không có bằng. Thế là những người chưa có bằng phải tìm mọi cách để có bằng. Vậy thì việc này khác gì vẽ đường cho hươu chạy, phát sinh ra việc “chạy” bằng tiếng Anh?

Ở các nước khác, điều này là không cần thiết và rườm rà. Kể cả hai cuộc thi lớn nhất thế giới là Hoa hậu Thế giới hay Hoa hậu Hoàn vũ, thí sinh vẫn có thể trả lời bằng tiếng mẹ đẻ. Những người đẹp đến từ Venezuela, Brazil họ vẫn nói bằng tiếng mẹ đẻ của họ đấy thôi, chứ có phải tiếng Anh đâu. 

Bên cạnh đó, luật ở ta yêu cầu các thí sinh tham gia các cuộc thi sắc đẹp quốc tế thì phải là những thí sinh lọt Top 3 của các cuộc thi trong nước. Mà một năm có bao nhiêu cuộc thi sắc đẹp trong nước, và Top 3 ấy được bao nhiêu người, phải tùy vào điều kiện của các cuộc thi quốc tế chứ.

Với lại, ngoài 5 cuộc thi sắc đẹp quốc tế lớn nhất hiện nay yêu cầu thí sinh tham dự phải nằm Top 3, còn có cả trăm cuộc thi khác trên thế giới. Những cuộc thi này cũng gọi là cuộc thi quốc tế, nhưng thực ra chỉ là một cuộc thi nhỏ mà thôi. Họ chẳng yêu cầu gì quá đặc biệt, cũng chẳng cần thí sinh đó là hoa khôi hay phải nằm ở Top nào. Họ chỉ yêu cầu đơn giản về chiều cao, cân nặng, tuổi tác, và là người có kinh nghiệm trình diễn. Nhưng luật của mình đang không phù hợp với các cuộc thi sắc đẹp nước ngoài. 

Cựu người mẫu Thúy Hạnh.

Có một điều thế này, kiểu của người Việt Nam mình, cái khó ló cái khôn. Họ không được cấp phép thì tìm cách “lách”. Họ nói, họ tham gia nhưng chả đại diện cho ai cả, cũng chẳng đại diện cho đất nước. Họ đi cho bản thân họ, làm sao phải xin phép. Đương nhiên họ sai rồi nhưng vì luật khó quá nên họ không biết phải làm thế nào nên phải cố để “lách” luật.

Tôi cho rằng, mình phải xem lại những điều luật của Việt Nam mình đã phù hợp với các cuộc thi chưa? Luật ấy có thể áp dụng với những cuộc thi nào và nên cởi mở với những cuộc thi nào?

Còn về câu chuyện những người đẹp của chúng ta làm răng hay phẫu thuật thẩm mỹ… thì vô cùng lắm. Các cuộc thi quốc tế họ cũng không cấm điều đó. Họ chỉ yêu cầu không có hình xăm mà thôi, bởi bất kì ai, khi sinh ra cũng sẽ có một cái gì đó khiếm khuyết. Nhất là ở Venezuela, đất nước sản sinh ra các hoa hậu của thế giới, gần như 100% các cô đều “sửa” hết. Việt Nam mình đề cao vẻ đẹp tự nhiên, tôi nghĩ cũng bình thường thôi; nhưng yêu cầu về vẻ đẹp tự nhiên ấy nằm ở mức độ nào thì hợp lí, cái này thì phải xem lại. 

Bây giờ, có rất nhiều phương pháp can thiệp đến nhan sắc mà không cần phẫu thuật như bắn laze bằng máy. Hay nhiều người đi làm da nên da cô nào cũng trắng bóc cả ra. Da người Việt Nam mình hơi vàng, hơi ngăm đen cơ mà. Nên rất khó đánh giá một người đẹp có phẫu thuật thẩm mỹ hay không phẫu thuật thẩm mỹ.

Tôi thấy người Việt Nam mình đang quan tâm thái quá với các cuộc thi sắc đẹp. Các nước khác họ không quan tâm đến thế đâu. Trừ vài trường hợp đặc biệt kiểu như đất nước Venezuela. Nhưng ở các nước này, họ văn minh trong việc nhìn nhận về các cuộc thi sắc đẹp. Người Việt Nam đang nhìn nhận các cuộc thi ấy dưới góc độ khác, có phần tiêu cực nhiều hơn tích cực.

Ở ta, đang xảy ra tình trạng loạn danh hiệu. Các cuộc thi sắc đẹp vừa nhiều nhưng thực chất lại vừa ít. Ít ở đây, tôi muốn nói đến chất lượng. Và cái cần thì không đủ, cái không cần thì dư. Thành ra, chưa đi vào một quy củ nào hết.

Chưa kể, người giữ bản quyền thi các cuộc thi sắc đẹp quốc tế là một người khác. Đơn vị tổ chức các cuộc thi trong nước lại là một đơn vị khác. Vì thế nên, mọi việc cứ chồng chéo lên nhau.

Vẫn biết những người đẹp của ta đi thi mà không xin phép (hay còn gọi là thi chui) là sai luật, nhưng xã hội bây giờ cũng thay đổi nhiều, nên nhìn nhận sự việc thoáng hơn một chút, cởi mở hơn một chút để các bạn ấy có nhiều cơ hội hơn. Theo tôi, Việt Nam mình đang có rất nhiều người đẹp nhưng họ không đi thi, vì lí do này lí do khác.

(Du Nguyên ghi)

Đậu Dung
.
.
.