Quên đi "cái hội" SEA Games này?

Thứ Tư, 02/03/2016, 14:49
Cả Đông Nam Á lại nhốn nháo, tranh luận, thậm chí là dỗi hờn và dọa tẩy chay sau khi nước chủ nhà SEA Games 29 Malaysia đề xuất 34 môn thi đấu vào năm tới. Hàng loạt môn trong hệ thống thi đấu Olympic hoặc bị cắt gọt, hoặc bị loại bỏ không thương tiếc, và nếu vào tháng 7 tới, khi các đoàn thể thao Đông Nam Á ngồi lại với nhau, nếu vẫn không tìm được tiếng nói chung thì đây có lẽ là một trong những kỳ SEA Games hài hước, dị kỳ nhất trong lịch sử. Nhưng chẳng có gì bất ngờ, vì ở Đông Nam Á, không phải ai cũng như chủ nhà SEA Games 28 - Singapore.


Ba năm về trước, khi nhận quyền làm chủ nhà SEA Games 28 (2015), Singapore lập tức tuyên bố sẽ tổ chức một kỳ SEA Games sạch, đẹp, và công bằng. Thực tế thì chủ nhà nào cũng tuyên bố như thế, nhưng với riêng Singapore, điều đáng nói là những gì diễn ra sau đó đúng như những gì họ đã tuyên bố và hứa hẹn. 

Không chỉ đảm bảo việc hàng loạt môn thi đấu cơ bản trong hệ thống Olympic được tổ chức, và gần như không có những môn dị biệt, theo kiểu "chỉ riêng mình biết chơi", các quan chức, HLV, VĐV thể thao Singapore còn thể hiện một tinh thần thể thao đúng nghĩa trong tất cả những nội dung thi đấu mình tham gia. Kết thúc SEA Games 28, cả Đông Nam Á phải ngả mũ trước câu chuyện một VĐV Marathon Singapore khi đang dẫn đầu đường chạy đã quyết định quay lại, chỉ dẫn cho các VĐV nước khác chạy đúng đường, khi phát hiện nhiều VĐV đang chạy sai đường. 

Kết quả, VĐV Singapore sau đó không đoạt được huy chương như mong muốn.

Điền kinh Việt Nam thi đấu rất ấn tượng tại SEA Games 28.

Có thể nói, dù không đạt được huy chương vàng như lẽ ra mình đã có (nếu không đứng lại, chỉ đường) nhưng VĐV Singapore nói riêng, thể thao Singapore và đất nước, con người Singpore nói chung đã được một điều thật lớn lao, đó là chứng tỏ rất rõ quyền lực mềm của một nền thể thao - một quốc gia phát triển. Đầu những năm 90 của thế kỷ 20, một giáo sư người Mỹ đã đề ra học thuyết quyền lực mềm, nhấn vào các yếu tố giá trị quốc gia, văn hoá quốc gia, chính sách quốc gia, và coi đó như là một trong những phương cách chứng tỏ sức mạnh trong thời đại mới. 

Và kể từ thời điểm ấy, thế giới đặc biệt coi trọng quyền lực mềm, bên cạnh quyền lực cứng được thể hiện ở các khía cạnh quân sự, quân đội, quốc phòng. Và thực tế chứng minh, chính quyền lực mềm, chứ không phải quyền lực cứng mới tạo ra sự hấp dẫn của một quốc gia thời hiện đại.

Vì vậy mà khi kết thúc SEA Games 28, khi mà chủ nhà Singapore cho thấy một tinh thần cao thượng - một phong cách thi đấu cao thượng, không nhắm đến chuyện "vơ vét huy chương" thì họ cũng đồng thời  thể hiện rất rõ quyền lực mềm của mình. Và đó là một thứ giá trị mềm được cả Đông Nam Á ngả mũ thán phục.

Những tưởng sự thay đổi mang tính bước ngoặt của chủ nhà SEA Games 28  Singapore sẽ giúp lịch sử SEA Games chuyển qua trang mới, thế mà không, trước thềm SEA Games 29 vào năm 2017, chủ nhà Malaysia mới đây lại quay về thói quen của các nước chủ nhà trước đây: tìm đủ mọi cách để loại huy chương của đối thủ, và vơ vét huy chương cho mình, từ đó hy vọng đạt thành tích cao. Để thực hiện điều này, Malaysia không ngại đề xuất loại bỏ hàng loạt môn thi đấu trong hệ thống Olympic, nhưng không phải là môn thế mạnh của mình như thể hình, đấu kiếm nữ, bóng đá nữ, Boxing, cử tạ, vật, Judo... Còn với điền kinh - môn thể thao nữ hoàng, một trong những môn thể thao cơ bản, quan trọng nhất thì họ đề xuất cắt tới 8 nội dung, trong đó có những nội dung tưởng như không thể cắt bỏ như 10 môn phối hợp (nam), chạy 10.000m (nam, nữ), 3.000m vượt chướng ngại vật (nam, nữ)...

Đề xuất này không chỉ khiến các nước tham dự SEA Games, mà ngày cả Liên đoàn Điền kinh châu Á cũng bức xúc, và ông Tổng thư ký Liên đoàn Điền kinh châu Á mới đây đã không ngại bắn tiếng nếu Malaysia không thay đổi thì họ sẽ không cấp phép cho việc tổ chức môn điền kinh tại SEA Games 29. Nếu trường hợp này diễn ra, môn điền kinh vắng bóng tại SEA Games thì đấy đúng là một sự cố hài hước, không thể nào tin nổi.

Tuy nhiên, những người am hiểu thể thao Đông Nam Á, đặc biệt là am hiểu những "đòn thế" của các nước chủ nhà trước mỗi kỳ SEA Games lại cho rằng mọi thứ chẳng qua chỉ giống như một sự "dằn mặt" của chủ nhà, để đến tháng 7 tới, khi những quyết định chính thức được đưa ra, họ sẽ dễ bề đạt được mục đích của mình trong việc đàm phán, đổi chác để đưa được những môn mình mong muốn vào cuộc chơi. 

Người ta viện dẫn lại chuyện vài tháng trước thềm SEA Games năm 2005, chủ nhà Philippines thậm chí từng đề xuất loại bỏ luôn môn bóng đá nam - môn thể thao vua khỏi chương trình thi đấu của đại hội, nhưng thực tế sau đó bóng đá nam vẫn phải có mặt, vì một SEA Games không bóng đá sẽ là trở thành một trò hề. Việc đề xuất loại bỏ nó chẳng qua chỉ là một chiêu mánh, một đòn thị uy trước khi tung đòn thật mà thôi.

Những đề xuất kỳ lạ, khiến cả Đông Nam Á phản ứng của chủ nhà Malaysia mới đây khiến người ta phải nhớ lại kỳ SEA Games 21, được tổ chức ở chính Malaysia vào năm 2001. Năm đó, không chỉ loại bỏ hàng loạt môn thế mạnh của Thái Lan, Indonesia - những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với mình, và đưa vào đại hội hàng loạt môn thế mạnh của mình để chạy đua thành tích, chủ nhà Malaysia còn nhận được những sự ưu ái ra mặt của các trọng tài trong gần như mọi môn thi đấu, đặc biệt là những môn chấm điểm. 

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết "tốp 3 toàn đoàn" không còn là mục tiêu tối thượng của thể thao Việt Nam.

Năm ấy, sau khi mất đau hàng loạt huy chương về tay chủ nhà, ông trưởng đoàn thể thao Việt Nam Hoàng Vĩnh Giang thậm chí đã phải gặp một thành viên đoàn chủ nhà, hỏi thẳng: "Cứ với đà này, không hiểu các ông còn muốn tham dự SEA Games 2 năm tới ở Việt Nam không nữa?". Hai năm tới - năm 2003, Việt Nam chính là chủ nhà tiếp theo của SEA Games, vì thế ông Giang ngầm ám chỉ đến việc nếu muốn được chơi đẹp ở tương lai, ít ra thể thao Malaysia cũng cần chơi không tồi trong hiện tại. Sau đó thì sự công bằng mới dần dần được thực thi trở lại, và các VĐV của chúng ta mới đỡ thất thế khi phải đối đầu với các VĐV chủ nhà.

Đã từ rất lâu rồi, một câu hỏi lớn được đặt ra với thể thao Việt Nam: rốt cuộc chúng ta cần tham dự SEA Games với tâm thế nào? Phải ăn thua tới cùng để đảm bảo mục tiêu thành tích, và vì thế nếu được làm chủ nhà, cũng phải làm mọi cách để đạt được thành tích tốt nhất, giống phần lớn các nước chủ nhà khác? Hay không quá coi trọng chuyện thành tích, mà chỉ quan tâm đến việc cọ xát, nâng cao trình độ ở những môn thể thao cơ bản, nằm trong hệ thống thi đấu Olympic? 

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo giới mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Vương Bích Thắng cho biết bây giờ, với thể thao Việt Nam mục tiêu "top 3 toàn đoàn" không còn là mục tiêu quan trọng nữa. Chúng ta đã và đang đầu tư trọng điểm vào những môn thi đấu cơ bản để cố gắng có huy chương ở các đấu trường châu lục và thế giới. Nhưng theo ông Thắng, điều đó không có nghĩa là chúng ta vô cảm, dửng dưng với SEA Games. Ông cho biết, Việt Nam sẽ cố gắng cùng các đoàn thể thao khác trong khu vực kiến nghị và xây dựng một hệ thống các môn thi đấu chuẩn mực để tính chất "hội làng", "nặng tính ăn thua" của SEA Games rồi sẽ bớt đi. 

Hoan nghênh cách tiếp cận chính xác của thể thao Việt Nam, nhưng cũng phải lường trước, với những gì liên tục xảy ra trong những năm qua, cái ngày SEA Games không còn là "hội làng" chắc vẫn còn xa lắm!

Tái hiện "ao làng"

"Trước việc môn điền kinh bị loại bỏ một số nội dung như marathon, 10.000m, 3.000m chướng ngại vật, 7 môn phối hợp nữ, 10 môn phối hợp nam… lãnh đạo môn điền kinh cũng không khỏi thất vọng…Trưởng bộ môn điền kinh (Tổng cục TDTT) - ông Dương Đức Thủy bày tỏ quan điểm thất vọng khi chủ nhà SEA Games 29-2017 là Malaysia tính tới bỏ những nội dung trên trong cuộc đấu năm sau. 

"Trên quan điểm của tôi, môn điền kinh là môn thể thao cơ bản và quan trọng của Olympic. Chúng ta đưa môn thể thao vào thi đấu phải theo tinh thần Olympic mà không nên cắt bỏ. Làm như vậy chỉ mang tính đặc thù của 1 quốc gia. Tôi chỉ đơn cử, nếu những năm sau, các quốc gia chủ nhà khác lại không mạnh ở nhiều nội dung thì tuyên bố cắt bỏ nhiều nội dung như môn điền kinh. Như thế liệu có hay không?

Điền kinh là môn có số nội dung thi đấu nhiều nhất trong các môn thể thao (46 nội dung). Việc cắt bỏ một số nội dung khi mà môn đấu đã là môn được cả thế giới tham gia khiến nhiều người ái ngại về tính hấp dẫn của nó. Từ những kỳ SEA Games trước, môn điền kinh chỉ đưa thêm nội dung vào thi đấu chứ chưa chủ nhà nào cắt giảm nội dung".

(Nguyễn Đình - báo Sài Gòn Giải Phóng)

Càng ngày càng biến chất

"Đã qua 28 lần tổ chức, tương ứng với hơn nửa thế kỷ tồn tại song Đại hội thể thao ĐNÁ ngày càng biến chất, không chỉ "vui là chính" mà còn gây ra sự bức xúc với những điều vô lý đến mức kỳ dị. Thể thao quốc tế đang bùng nổ các loại hình thi đấu, tuy nhiên không có một đại hội thể thao nào lại giống như SEA Games, khi chương trình thi đấu sau mỗi kỳ lại thay đổi tới phân nửa. Sự biến dạng khủng khiếp đó hoàn toàn phụ thuộc vào nước chủ nhà, khi có quyền, thích như thế nào thì cứ việc bỏ môn này ra, đưa môn kia vào, tăng giảm nội dung một cách thoải mái.

Điều đáng nói, nó chẳng căn cứ vào bất cứ tiêu chí nào cả, một phân môn Olympic như bóng đá nữ rồi hàng loạt nội dung chính thức của bắn súng, vật cũng có thể bị loại để nhường chỗ cho "đặc sản" lạ hoắc của khu vực hay chủ nhà.

Tất cả miễn sao có lợi nhất cho quốc gia đăng cai. Chẳng thế mà ngoại trừ những nơi quá yếu như Brunei, Lào hay Myanmar, còn lại hễ nước nào tổ chức đồng nghĩa họ luôn đoạt ngôi số 1".

(H.T - báo Thể Thao 24h)

Diệp Xưa
.
.
.