Xung quanh việc giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede không nằm trong ban huấn luyện U.22 Việt Nam dự SEA Games:

Quyền lựa chọn của thuyền trưởng Hữu Thắng, và...

Thứ Tư, 02/08/2017, 21:34
Vì sao giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede không có mặt trong thành phần ban huấn luyện Đội tuyển U.22 Việt Nam tham dự SEA Games 29 tại Malaysia vào tháng tới? Sự vắng mặt ấy liệu có lãng phí, và khiến khát vọng đoạt huy chương vàng SEA Games của chúng ta bị giảm sút hay không?


Đấy là những câu hỏi mà giới quan sát đặt ra một cách nhức nhối. Và thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng nói rõ quan điểm của mình: "Ông Gede sẽ hỗ trợ chúng tôi theo cách khác".

Cách nào vậy? Xin được trả lời ngay, ông sẽ được giao nhiệm vụ trinh sát đối thủ mà U.22 Việt Nam sẽ gặp tại SEA Games, từ đó đưa ra những tư vấn với Ban huấn luyện Đội tuyển.

HLV Nguyễn Hữu Thắng nói thêm rằng, theo quy định thì ban huấn luyện chỉ được đăng ký sáu người, và ê kíp này đã được xác định là cực kỳ quan trọng, không thể thay thế, không thể thiếu vắng một ai.

Do vậy, nếu để ông Gede ngồi vào ban huấn luyện thì có nghĩa ê kíp 6 người sẽ phải "hy sinh" một người, mà đấy là điều HLV Nguyễn Hữu Thắng không hề mong muốn.

Ông Gede tích cực đóng góp chất xám ở các Đội tuyển U.15, U.19, U.20 Việt Nam.

Tới đây sẽ có người đặt câu hỏi, vậy tại sao ở các  Đội tuyển U.19 Việt Nam tham dự vòng chung kết U.19 châu Á 2016, U.20 Việt Nam tham dự VCK World Cup U.20 thế giới và U.15 Việt Nam tại giải vô địch U.15 Đông Nam Á vừa qua, ông Gede đều ngồi  trong ca bin huấn luyện cùng các ông HLV trưởng?

Có lẽ, chỉ có thể giải thích rằng cách thức xây dựng ban huấn luyện của U.19, U.20, U.15 Việt Nam của lần lượt các HLV Hoàng Anh Tuấn, Vũ Hồng Việt với U.22 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng là rất khác nhau. Nếu ở U.19, U.20, U.15 các ông HLV trưởng thấy được vai trò đặc biệt của ông Gede và muốn ông kề vai sát cánh với mình trong từng thời điểm bóng lăn thì với HLV trưởng Đội tuyển U.22 Việt Nam lại khác.

Trong một lần trao đổi với chúng tôi, HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết chiến tích lọt vào bán kết giải vô địch U.19 Châu Á của Đội tuyển U.19 Việt Nam năm ngoái có sự đóng góp rất lớn của ông Gede. Không chỉ nghiên cứu đối thủ, phân tích băng hình đối thủ, từ đó tư vấn HLV trưởng trong việc lên các phương án tác chiến khác nhau với từng đối thủ, ông Gede thậm chí còn có những đóng góp tích cực trong việc đề ra một chế độ dinh dưỡng khoa học nhằm xây dựng một nền tảng thể lực tốt cho các cầu thủ.

HLV Hoàng Anh Tuấn cho biết: "Tôi là một người từng trải qua rất nhiều các lớp HLV khác nhau của cả AFC lẫn FIFA, được trang bị, học hỏi rất nhiều các kiến thức huấn luyện hiện đại, nhưng tôi vẫn thấy sự có mặt của ông Gede là vô cùng quan trọng.

Nếu không có ông ấy, chúng tôi đã không thể đạt được mục tiêu giành vé tham dự VCK World Cup U.20 thế giới". Mới đây, sau khi cùng Đội tuyển U.15 Việt Nam lên ngôi vô địch giải U.15 Đông Nam Á, HLV trưởng Vũ Hồng Việt cũng cho biết: "Sự chính xác, hiệu quả trong những toan tính của ông Gede được thể hiện trong từng trận đấu.

Làm việc với một HLV ngoại như ông ấy, các HLV người Việt như chúng tôi chắc chắn sẽ học hỏi được rất nhiều điều". Theo thông tin riêng của người viết bài này thì không phải đến bây giờ, ngay từ năm ngoái, trong quá trình Đội tuyển Việt Nam tập luyện chuẩn bị cho AFF Suzuki Cup, cũng đã có những gợi ý từ chính các quan chức VFF về việc nên để ông Gede ngồi trong ban huấn luyện Đội tuyển, nhưng rõ ràng điều này đã và tiếp tục không trở thành hiện thực.

HLV trưởng Đội tuyển U.22 Nguyễn Hữu Thắng: “Ông Gede sẽ “do thám” đối thủ giúp chúng tôi”.

Ở đây phải thấy, việc VFF cùng các nhà chuyên môn đưa ra gợi ý như trên là điều đáng suy nghĩ, vì nó xuất phát từ mục đích mong muốn "chất xám" của ban huấn luyện Đội tuyển được nâng cao. Nhưng ngược lại, quan điểm của thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng cũng cần phải được tôn trọng, bởi xét cho cùng, ông Thắng là người chịu trách nhiệm cuối cùng và tối cao về chuyên môn Đội tuyển.

Ông biết mình đang xây dựng Đội tuyển theo cách nào, và sẽ phải chịu trách nhiệm về điều đó. Nếu quan điểm của ông Thắng là chính xác, cộng thêm việc Đội tuyển được sự ủng hộ nhất định của yếu tố may mắn, rất có thể chiếc huy chương vàng SEA Games sẽ thành hiện thực.

Đến lúc đó rõ ràng không ai trách cứ ông được. Ngược lại, nếu quan điểm ấy không chính xác, Đội tuyển không thể đạt được mục tiêu đặt ra thì ông sẽ phải trả giá. Và tới lúc đó đưa ra những kết luận cuối cùng trong câu chuyện này mới thực sự chính xác.

 Còn ở thời điểm hiện tại, khi U.22 Việt Nam đang tích cực tập luyện thì mọi chuyện chỉ nên dừng ở mức độ "gợi ý" chứ không phải là "áp đặt". Sau sự "gợi ý" ấy bất luận quan điểm của thuyền trưởng Nguyễn Hữu Thắng ra sao thì cũng nên tôn trọng thay vì mỉa mai, chỉ trích. Đơn giản vì thời điểm này không phải là lúc để tranh cãi, chỉ trích nhau.

"Giữa tôi và ông Jurgen Gede không có vấn đề gì cả. Tôi ngạc nhiên khi mọi người nói quá nhiều đến chuyện này" - HLV Nguyễn Hữu Thắng đã chốt lại vấn đề như vậy! 

"Tôi muốn được làm việc hết khả năng của mình..."

Giám đốc kỹ thuật Jurgen Gede đã nhiều lần nói như vậy khi trả lời báo chí.

Ông bảo: "VFF thuê tôi, và tôi muốn làm việc hết mình để không có bất cứ sự lãng phí nào xảy ra. Tôi rất muốn tư vấn và lên kế hoạch xây dựng, phát triển các đội tuyển trẻ. Vì phải có những đội tuyển trẻ tốt chúng ta mới có được một Đội tuyển Quốc gia tốt trong tương lai".

Có một điều rất thú vị là năm 2011, khi HLV trưởng Đội tuyển Quốc gia Henrique Caliso chủ động ra đi và chủ tịch VFF lúc đó khẳng định "muốn có một ông thầy người Đức thay thế" thì ông Gede đã được đưa vào... chung kết. Thời điểm  ấy thậm chí người ta đã nghĩ tới việc ông sẽ sớm ngồi lên ghế thuyền trưởng Đội tuyển, nhưng từ những dích dắc hậu trường mà vào phút cuối người được chọn lại không phải ông, mà là đồng hương của ông - HLV Falko Goetz.

Trước khi đến Việt Nam làm giám đốc kỹ thuật, ông Gede đã có nhiều năm làm việc ở  bóng đá Iran nên hiểu biết khá rõ về tình hình bóng đá châu Á hiện nay. Ông cho biết, với việc các Đội tuyển trẻ đang phát triển mạnh, Đội tuyển Quốc gia Việt Nam hoàn toàn có thể hướng đến mục tiêu "tốp 10 châu lục" trong khoảng 5 - 7 năm nữa.

Tuấn Thành 

Từng bỏ phí chất xám của ông Rainer

Đầu năm 2000, dưới sự hỗ trợ của Liên đoàn bóng đá Đức, bóng đá Việt Nam cũng từng có một vị giám đốc kỹ thuật người Đức - ông Rainer Willfeld.

Trong suốt 4 năm làm việc ở Việt Nam, ông Rainer từng được giao làm HLV trưởng các Đội tuyển trẻ U.15, U.17 Quốc gia và Đội tuyển nữ Quốc gia, nhưng chỉ trong những khoảng thời gian ngắn. Cũng có thời điểm ông "đứng lớp" giảng dậy các kiến thức bóng đá hiện đại cho các HLV người Việt Nam.

Nhưng công việc thường nhật nhất của ông là việc đi xem các đối thủ của Đội tuyển Việt Nam tại các giải đấu SEA Games, Tiger Cup (tiền thân của AFF Cup) thời đó, rồi đưa ra các tư vấn chuyên môn cho các HLV trưởng Đội tuyển.

Hình ảnh ông Rainer với chiếc camera cá nhân trên tay chăm chú ghi lại các trận đấu đối thủ vẫn là hình ảnh mà nhiều người hâm mộ bóng đá Việt Nam còn nhớ. Nhìn nhận lại chính một quan chức VFF thời điểm đó cho rằng chúng ta chưa tận dụng hết chất xám của ông Rainer.

Nếu mức lương 5000 USD/tháng của ông Rainer thời ấy được LĐBĐ Đức cùng một công ty Đức chi trả thì lương tháng cho giám đốc kỹ thuật Gede (cũng là người Đức) hiện nay do VFF hoàn toàn chi trả. Đợi một thời gian nữa để xem rốt cuộc chất xám của ông Gede liệu có bị "bỏ phí" giống như người tiền nhiệm, cũng là người đồng hương ngày nào? 

Ngọc Anh 

Diệp Xưa
.
.
.