Chủ tịch FIFA Sepp Blatter từ chức:

Quyền lực sụp đổ

Thứ Hai, 08/06/2015, 10:30
Chỉ 4 ngày sau khi tái đắc cử nhiệm kì thứ 5, Chủ tịch FIFA Sepp Blatter bất ngờ từ chức. Một cú sốc kinh hoàng chưa từng có đã diễn ra làm chao đảo thế giới bóng đá. Quyền lực kéo dài 17 năm bỗng chốc sụp đổ chỉ sau chưa đầy 100 giờ kể từ khi nó được củng cố tưởng như vững chãi hơn. Điều gì đã xảy ra? Và quyền năng Baltter đã vụn vỡ như thế nào?

1.Suốt 17 năm qua, Blatter được coi là vị Chủ tịch FIFA quyền năng nhất, đáng sợ nhất, và cũng… "dễ thương" nhất. Hình ảnh của ông vừa hài hước với những đề xuất vô lí đến mức gây cười, vừa "nhí nhố" như một cậu bé, nhưng cũng vô cùng đáng sợ với những cuộc thanh trừng tàn khốc, thậm chí là độc tài đến nghiệt ngã. Chính Blatter đã tạo ra một tổ chức FIFA khét tiếng, vừa bao trùm thế lực, vừa giống như một tổ chức mafia, với hình ảnh "Bố già" chính là gương mặt vị Chủ tịch.

Trong cuốn sách của nhà báo nổi tiếng Thomas Kistner xuất bản cách đây 2 năm, toàn bộ những hành vi mờ ám, những vụ bê bối hối lộ, thậm chí là cả những âm mưu được lột tả đầy đủ. Ở đó, Blatter chính xác là "Bố già" điều khiển toàn bộ một hệ thống đen tối, với những tham vọng bá chủ, những mánh lới kiếm tiền dưới gầm bàn, những trò mua bán giống như ngoài chợ đen.

Nửa thập kỉ qua, FIFA của Blatter trở thành tổ chức "ám muội", bị lên án, điều tra dữ dội với những cuộc "mua bán" quyền đăng cai tổ chức World Cup. Từ giải đấu năm 2010 ở Nam Phi đến việc trao quyền chủ nhà cho Brazil năm 2014 và đặc biệt là lần đầu tiên trong lịch sử, FIFA chọn nước chủ nhà của 2 kì World Cup kế tiếp năm 2018 ở Nga và 2022 ở Qatar. Hàng loạt cáo buộc mua bán, dàn dựng kết quả, hối lộ, đút lót, gian lận trong bỏ phiếu, thậm chí là cả những chuyện tham nhũng đã được lật ra, nhưng với quyền lực quá lớn, FIFA vẫn đứng vững, dù Baltter có bị công kích mạnh mẽ.

Chủ tịch Fifa Blatter từ chức chỉ 4 ngày sau khi đắc cử nhiệm kì thứ 5.

Tầm kiểm soát của Blatter lớn đến nỗi, những cuộc bầu cử Chủ tịch FIFA gần đây, ông không có đối thủ. Bởi khi có ai đó nhăm nhe làm đối trọng của ông, đều "biến mất" theo cách này hay cách khác. Đến mức, Chủ tịch UEFA, ông Michel Platini vài lần định tranh cử nhưng rồi cũng âm thầm rút lui. Đỉnh điểm là vụ Mohammed bin Hammam năm 2011, cựu Chủ tịch LĐBĐ châu Á, vừa tuyên bố tranh cử lập tức bị khép tội hối lộ và nhận án cấm tham gia hoạt động bóng đá vĩnh viễn. Trong vụ ấy, chính Blatter là người đứng phía sau.

Dưới triều đại Blatter, FIFA trở thành một "căn cứ" của một hệ thống ma quỷ, được núp bóng bởi một tổ chức bóng đá số 1 thế giới. Luận điểm này dù chưa ai có thể đưa ra luận cứ chính xác có thể phanh phui, nhưng nó dường như đã được thừa nhận và được chấp nhận như một điều tất yếu. Cũng phải nói rằng, ngoài cuốn sách "không có giá trị pháp lí" của Thomas Kistner, tất cả những điều tra, bằng chứng luận tội FIFA được đưa ra vài năm qua đều bắt nguồn từ Anh, nền bóng đá "căm thù" Blatter đến xương tủy, khi đã ngấm ngầm đánh bại họ trong nhiều cuộc chạy đua tranh quyền đăng cai World Cup (lần gần nhất nước Anh đăng cai giải đấu này là năm 1966).

2.Biến cố vừa xảy ra không ai lường trước được, bởi đây có lẽ là cuộc bầu cử được chú ý nhất từ trước đến nay dưới thời Blatter. Thứ nhất, uy tín của Blatter đã xuống rất thấp sau những bê bối quá lớn. Thứ hai, đây là lần đầu tiên vị Chủ tịch 79 tuổi này có nhiều hơn 1 đối thủ cạnh tranh. Nhưng cuối cùng Blatter vẫn tại vị nhiệm kì thứ 5 như một điều hiển nhiên. Ấy vậy mà chỉ chưa đầy 100 giờ đồng hồ, một triều đại kéo dài 17 năm sụp đổ, sau bài phát biểu dài kín 4 mặt giấy của người đàn ông quyền lực nhất thế giới bóng đá.

Trong bài phát biểu bất ngờ ấy, Blatter đã phủ nhận toàn bộ những gì ông tuyên bố trước đó, rằng ông sẽ nghỉ, rằng FIFA cần có cuộc cách mạng sâu rộng, và ông cảm thấy thiếu sự ủng hộ như trước. Điều gì vậy?

Đơn giản, những cuộc điều tra đã nhắm trực diện vào Blatter chứ không phải FIFA với một vài cá nhân như trước. Blatter đã nhận thấy không còn "tốt thí" nào đủ gan dạ và đủ lí lẽ để thay thế cho ông. Và cuộc điều tra này không chỉ dừng lại ở báo chí Anh nữa mà các công tố viên Mỹ, và cả cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) đã vào cuộc. Có thể nói, chính giới truyền thông Anh đã mở đầu cho cuộc tổng tấn công này. Nó được phát động cách đây gần nửa năm, khi Blatter chuẩn bị vận động cho cuộc tranh cử lần này. Một bước đột phá được truyền thông và LĐBĐ Anh đưa ra khi mang chuyện tấn công FIFA và Blatter lên đề xuất ở Nghị viện Anh. Có vẻ như nó đã hữu dụng.

Kết quả thu được quá mĩ mãn với những người Anh, khi cú đấm quyết định đến ở thời điểm quyết định nhất, ngay sau khi Blatter đắc cử. Cuối tháng 5 vừa qua, 7 quan chức FIFA đã bị bắt giữ ở Thụy Sĩ, chờ dẫn độ sang Mỹ để thẩm vấn, trong đó có Phó chủ tịch FIFA kiêm Chủ tịch LĐBĐ khu vực CONCACAF - Jeffrey Webb. Và chỉ trong vòng 1 ngày (2/6), đế chế Blatter tan thành mây khói với những nhát đòn chí mạng.

Rạng sáng ngày 2/6, tờ New York Times công bố tin đã phát hiện Tổng thư kí FIFA, Jerome Valcke (đồng minh đáng tin cậy của Blatter) nhận một lá thư cảm ơn từ LĐBĐ Nam Phi năm 2008, kèm theo là cách thức họ "biếu" 10 triệu USD tới cựu Phó chủ tịch Jack Warner (chủ tịch LĐBĐ CONCACAF) và phó của ông này là Chuck Blazer, cho cuộc bỏ phiếu giúp Nam Phi đăng cai World Cup 2010.

Lúc 8h sáng, FIFA nói rằng, đó là số tiền ủy quyền từ Chủ tịch Ủy ban tài chính Julio Grondona (cựu Chủ tịch LĐBĐ Argentina), người mới qua đời cuối tháng 7 năm ngoái ở tuổi 82. Họ khẳng định số tiền đó không phải của Valcke hay bất kì thành viên FIFA nào. Lúc 10h, hiệp hội báo chí Anh họp khẩn thông báo bức thư của Valcke hướng dẫn cụ thể việc chuyển 10 triệu USD cho Warner. Ngoài ra còn một số chi tiết về tiền tệ khác trong tài khoản của một số cá nhân liên quan với số người ban đầu lên đến con số 18. Đến 16h, FIFA tuyên bố họp báo vào lúc 17 giờ với sự tham dự của Chủ tịch Blatter, nhưng mãi tới 17h45 cuộc họp mới được tiến hành. 17h45, Blatter tuyên bố từ chức.

Như vậy có thể thấy vây cánh của Blatter đã bị lần tới. Chính bản thân vị chủ tịch cũng thấy rằng, những bê bối đã qua đang dần được đưa ra ánh sáng. Và chính bản thân ông cũng là mục tiêu của những cuộc điều tra mà Thụy Sĩ phối hợp với FBI đang tiến hành. Sáng ngày thứ ba (2/6), Blatter đến trụ sở FIFA lúc 7 giờ sáng, và ông có cuộc trao đổi kéo dài cả buổi sáng với luật sư và chuyên gia tư vấn. Khi đó, quyết định từ chức mới được Blatter đưa ra. Chỉ có những người thân cận ông mới biết, trước khi cuộc họp báo diễn ra vào 17h45 hôm đó. Trong lời phát biểu của mình, Blatter mệt mỏi, thất thần, khác hẳn với thần thái mà ông thể hiện trước đó vài ngày khi đánh bại đối thủ Ali Bin Al-Hussein (Hoàng tử Jordan).

Công tố viên Thụy Sĩ bắt giữ 7 quan chức FIFA hôm 29/5.

3.Sự tồi tệ của FIFA được phanh phui từ vụ bắt 7 quan chức ở Thụy Sĩ. Điều trớ trêu là khi đó, các công tố viên đã "giấu" các vị này phía sau một tấm bạt căng lên bởi một tấm… ga trải giường trong khách sạn. Hầu hết số người này nằm trong đường dây 14 quan chức FIFA dính líu với một số lãnh đạo cấp cao một số công ty đứng sau một mạng lưới tội phạm có liên quan đến trên 150 triệu USD tiền hối lộ, trong hồ sơ đã nằm trên bàn của Bộ Tư pháp Mỹ. Báo chí Anh gọi cuộc bắt giữ này là "cuộc đột kích lúc bình minh", là mấu chốt để hạ bệ một triều đại FIFA.

Ngoài ra, một cuộc tổng tấn công nữa cũng đang nhắm vào hệ thống bóng đá thế giới khi một cựu Chủ tịch LĐBĐ Brazil đang đối mặt tội danh rửa tiền lên đến trên 100 triệu USD (được cho là ông Ricardo Teixeira). Vị này cũng là một quan chức FIFA, và vụ này cũng đang bị cho là FIFA có liên quan.

Bê bối ở FIFA đang ngày một lan rộng với quá nhiều quan chức bị phanh phui. Có lẽ chuyện mọi thứ được đưa ra ánh sáng chỉ là vấn đề thời gian, và chiều rộng của vụ án này sẽ lan tỏa tới đâu. Có một điều đáng nói nữa là FIFA, hay nói trắng ra là Blatter đã không kịp trở tay sau cú tấn công toàn diện và trực diện của FBI (với sự hướng dẫn của truyền thông Anh). Có lẽ vì thế mà David Gill một quan chức cao cấp của LĐBĐ Anh, nằm trong Ủy viên ban chấp hành FIFA đã rút lui ngay sau khi Blatter tái đắc cử. Hơn nữa, Blatter còn bị chỉ trích vì đã lôi Julio Grondona, một người đã qua đời để đổ lỗi, chối tội. Hơn nữa, trong bài phát biểu từ chức rất dài, Blatter không có một lời xin lỗi hay đề cập đến bất kì bê bối nào của FIFA.

Báo chí Anh ban đầu đã thông tin rằng, để có pha "ghi bàn ở phút bù giờ" này, các nhà chức trách Thụy Sĩ đã đột kích trụ sở FIFA cách đây hơn 1 tuần, lấy hết dữ liệu điện tử và các văn bản, tìm cách phỏng vấn Blatter và Valcke như một phần của thủ tục tố tụng trong việc trao quyền đăng cai World Cup 2018 và 2022. 

Những câu hỏi tiếp theo về FIFA

Có thể nói, vấn đề cốt lõi để Blatter phải từ chức là khoản tiền 10 triệu USD, cùng sự tự mãn của ông sau khi đắc cử. Một câu hỏi lớn được đưa ra, liệu châu Âu có tạo ra một cuộc tẩy chay World Cup hay không. Ban đầu, Anh đã tuyên bố tẩy chay nếu vụ việc này không được xử lí đúng và rốt ráo. Tuy nhiên, Đức đã từ chối hoạt động tẩy chay. Tiếp theo, ai sẽ là người có thể thay thế Blatter? Có 3 ứng viên: Hoàng tử Ali của Jordan, cựu cầu thủ Luis Figo, Chủ tịch LĐBĐ Hà Lan Michael van Praag. Ngoài ra, người được nhắc đến nhiều nhất chính là Chủ tịch UEFA, Michel Platini. Đại hội FIFA bất thường bầu Chủ tịch mới sẽ diễn ra trong khoảng từ tháng 12-2015 đến tháng 3-2016.

Câu hỏi tiếp theo, liệu World Cup 2018 và 2022 có thể diễn ra ở Nga và Qatar hay quyền đăng cai này không có giá trị khi những bê bối mua bán được phanh phui? Nếu vụ việc được điều tra rõ ràng, nhiều khả năng FIFA nhiệm kì mới sẽ phải bỏ phiếu lại. Có thể Anh sẽ đăng cai World Cup 2018, còn World Cup 2022 sẽ lại là cuộc đua của Mỹ, Nhật Bản, Australia và Qatar. 

Lê Giang
.
.
.