Quyết liệt thay đổi để sân khấu “sáng đèn”

Thứ Tư, 17/06/2020, 10:56
Tình hình sân khấu nhiều năm nay vốn thưa vắng khán giả. Đại dịch COVID- 19 khiến cho sân khấu càng thêm phần khó khăn.

Nhận thức được điều này, ngay sau thời gian giãn cách, trở lại một cuộc sống “bình thường mới”, nhiều đơn vị nghệ thuật đã nhanh chóng “tung” vở mới, cùng với đó là nhiều chiêu bán vé để thu hút khán giả tới rạp. Mô hình “Nhà hát Online” được triển khai sâu rộng sau và đang nhận được những tín hiệu tốt từ thị trường. 

Cục nghệ thuật biểu diễn xác nhận sẽ hỗ trợ các nhà hát, đặc biệt là các nhà hát truyền thống để quảng bá, thực hiện các mô hình này. Cục cũng sẽ “chống lưng” bằng cách thường xuyên đặt hàng các nhà hát, để đảm bảo các nhà hát sáng đèn trở lại, đưa khán giả quay về với những đêm diễn sân khấu.

Phong phú kịch mục ngày quay trở lại

Ngay sau giãn cách, Nhà hát Kịch Việt Nam tổ chức lễ khởi công vở diễn mới mang tên “Nữ cảnh sát SBC”. Hai vở diễn nhà hát dựng xong thời điểm trước Tết Nguyên đán nhưng vướng đại dịch phải lui lại giờ cũng được tổng duyệt để đưa tới khán giả, đó là vở “Không thể khác và “Cô gái và chiếc xe máy”. 

Đại diện Nhà hát kịch Việt Nam cho biết, thời gian tới sẽ dựng thêm vở mới – những đề tài bám sát thời sự cuộc sống để tăng sự phong phú kịch mục cho khán giả có cơ hội lựa chọn vở xem phù hợp khi quyết định mua vé. Hiện Nhà hát đang có “lương khô” dự trữ là 40 kịch bản có chất lượng, sẵn sàng lên sàn diễn.

Nhà hát Tuổi Trẻ cũng ngay lập tức vào cuộc. Các nghệ sĩ vừa hoàn thành một kịch mục gồm nhiều chương trình hấp dẫn dành cho các em thiếu nhi trong dịp hè. Đặc biệt, để sáng đèn ngay lập tức và cũng để tri ân những y, bác sĩ đã tận tụy trong cuộc chiến chống dịch COVID-19, Nhà hát Tuổi Trẻ dự kiến sẽ phát miễn phí khoảng 3.000-4.000 vé cho con em và gia đình các cán bộ, công nhân viên, y bác sĩ ở Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Ngoài ra, Nhà hát cùng đã hoàn thành dàn dựng một vở chính kịch cộng với 2 chương trình ca nhạc đặc sắc sẵn sàng đón khán giả tới rạp từ tháng 5.

Nhà hát kịch Việt Nam quay trở lại với khán giả đầu tiên với vở Bệnh sĩ của tác giả Lưu Quang Vũ.

Nhiều Nhà hát khác cũng rộn ràng những vở diễn mới phục vụ khán giả. Nhà hát kịch Hà Nội công diễn  vở “Kẻ trộm”- một vở về đề tài Công an. Đoàn kịch Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh cũng gấp rút dựng vở mới, cũng về đề tài Công an, vở “Ngọn gió trong đêm”. 

Một đơn vị sân khấu xã hội hóa của Thủ đô là Sân khấu Lệ Ngọc cùng ngay lập tức biểu diễn trở lại bằng các vở “Thị Nở - Chí Phèo”, “Cây tre thần”, “Hoa sen lửa”. Không chỉ vậy, sau hơn 1 tháng sáng đèn Thủ đô vừa qua, sân khấu Lệ Ngọc còn tự tin mang 3 vở diễn này đi lưu diễn nhiều ngày ở phía Nam. Theo kế hoạch, sân khấu Lệ Ngọc sẽ biểu diễn 17 suất tại Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh bắt đầu từ cuối tháng 6 này.

Các Nhà hát truyền thống như Tuồng, chèo, cải lương ở phía Bắc tuy chậm hơn các nhà hát kịch một chút nhưng cũng đang gấp rút hoàn thành kịch mục, tập dượt để công diễn trong mùa hè những vở mới, với dự hỗ trợ của Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn.

Sân khấu Lệ Ngọc mang 3 vở diễn phục vụ khán giả phía Nam. Cảnh trong vở “Cây tre thần”.

Trong khi đó, ở phía Nam cũng sôi động thời điểm quay trở lại với khán giả. Sân khấu Kịch IDÉCAF công diễn trở lại những vở ăn khách trước đó như “Mưu Tú Bà”, “ Ngôi nhà không có đàn ông”, “Cái đẹp đè bẹp cái nết”…. với giá vé ưu đãi giảm từ 30%- 50%. Sân khấu 5B Võ Văn Tần bên cạnh diễn vở cũ thì tích cực dựng vở mới, chú trọng đến các vở hài kịch. 

Sân khấu Quốc Thảo biểu diễn miễn phí nhiều đêm cho các đối tượng khán giả là các cán bộ nhân viên ngành y, công nhân rọn rác và tình nguyên viên vở “Xin cảm ơn bạn”. Sân khấu Phú Nhuận mang đến cho khán giả vở “Mẹ và người tình”. Ngoài ra, sân khấu Thế giới trẻ cũng rộn ràng nhiều thể loại biểu diễn như kịch, ca nhạc, kịch thiếu nhi với số lượng vé bán được lên tới hơn 50% số ghế ngồi các suất diễn.

Cảnh trong vở “Mẹ và người tình” của sân khấu Phú Nhuận.

Đầu tư mạnh cho các chiến lược truyền thông

Một điểm dễ nhìn nhận, đánh giá và là bước thay đổi vượt bậc ở các đơn vị sân khấu lần quay trở lại với khán giả sau dịch COVID-19 chính là việc đầu tư mạnh mẽ cho công tác PR, truyền thông. Đây có lẽ là bước tiến bộ trong tư duy của các đơn vị sân khấu cần được ghi nhận. 

Trong những năm qua, mặc dù các ngành nghệ thuật khác, đặc biệt là điện ảnh, làm rất tốt khâu truyền thông, thì sân khấu vẫn như người ngủ mơ, thụ động đợi khán giả mua vé mà chưa chủ động đi tìm khán giả.

Theo thống kê, việc đầu tư cho công tác PR một sản phẩm nghệ thuật thường chiếm ít nhất 20% tổng doanh thu sản phẩm, nhưng riêng sân khấu, nhất là sân khấu phía Bắc, việc này chưa được chú trọng.  Phần lớn các Nhà hát chưa chuyên nghiệp hóa công tác này. 

Việc quảng bá sản phẩm còn làm rất rời rạc, nhỏ lẻ, manh mún, được chăng hay chớ chứ chưa có trọng tâm, trọng điểm. Chỉ có một số đơn vị sân khấu xã hội hóa phía Nam là có tư duy về việc quảng bá các vở diễn. 

Sau đại dịch, cùng với sự vào cuộc của Bộ Văn hóa- Thể thảo và Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn, mô hình “Nhà hát Online” được triển khai rộng khắp ở nhiều đơn vị sân khấu. Nếu chịu khó vào các trang web của nhiều nhà hát phía Bắc, trong đó có cả các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống, khán giả dễ dàng nhận ra một sự thay đổi tích tực từ phía các nhà hát. 

Phần lớn các đơn vị đã có sự thay đổi giao diện trang của mình, liên tục cập nhật thông tin từng vở diễn, từng suất diễn, thông tin về diễn viên. Việc bán vé online triển khai sâu rộng tạo sự thuận tiện nhất cho khán giả. Các chương trình khuyến mãi, tặng quà, giảm giá vé sâu liên tiếp được nhiều nhà hát đưa ra nhằm kích cầu khán giả.

Để khuyến khích các đối tượng khán giả trẻ tiếp cận sân khấu nhiều hơn, các nhà hát như Kịch Việt Nam, Tuổi trẻ, rồi phía Nam như 5B Võ Văn Tần, sân khấu Phú Nhuận, IDECAF đồng loạt giảm giá cho sinh viên. Các kênh tương tác với khán giả cũng được chú trọng nhiều hơn. 

Trên các trang web của mình, nhiều nhà hát có người chuyên trách để trả lời, lắng nghe, giải đáp các thắc mắc của khán giả về từng vở diễn, suất diễn. Một sự đổi mới đồng loạt của nhiều đơn vị nghệ thuật cho thấy các Nhà hát đang cố gắng thay đổi để tồn tại, vượt qua thời kỳ khó khăn sau dịch bệnh.

Cảnh trong vở “Mưu Tú Bà” của sân khấu IDECAF.

Lãnh đạo một số nhà hát cho biết, họ đã sẵn sàng dành kinh phí cho khâu truyền thông, quảng bá sản phẩm, điều mà trước đây gần như các đơn vị công lập là không có kinh phí cho việc này. 

“Chúng tôi sẵn sàng chịu thiệt đi một chút trước mắt, có thể diễn viên sẽ lĩnh thù lao ít hơn một chút, lãnh đạo cũng nhận lương khiêm tốn hơn để dành chi phí cho công tác tuyên truyền. Bởi vì chỉ khi khán giả biết đến nhiều hơn các thông tin về vở diễn, họ mới có lựa chọn đến với mình và khi đó chính họ sẽ nuôi sống mình. 

Đã qua rồi cái thời ngồi đấy để thụ động chờ khán giả tới, mà người làm sân khấu phải chủ động, quyết liệt đi tìm khán giả. Hơn nữa, với sức hút của nhiều loại hình nghệ thuật giải trí hiện nay, nếu mình không cạnh tranh gay gắt, và sẵn sàng cho cuộc cạnh tranh ấy, mình sẽ bị chính khán giả bỏ rơi”- một lãnh đạo của Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ.

Tất nhiên, song song với việc truyền thông, quảng bá sản phẩm thì vấn đề chất lượng nghệ thuật vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Các đơn vị nghệ thuật đều thấm nhuần điều này. Chất lượng tốt cùng với truyền thông, “bán hàng” tốt là “hai chân song song” mà mỗi đơn vị nghệ thuật sân khấu phải đi. Đấy là con đường để phát triển cũng như để ở lại lâu dài trong lòng khán giả. Để nhà hát lúc nào cũng luôn sáng đèn.

Bảo Bình
.
.
.