'Quỵt' nhuận bút, chuyện 'xưa như Diễm'

Thứ Sáu, 04/09/2015, 10:42
"Quỵt" nhuận bút, hay "ăn chặn" nhuận bút thực ra là chuyện "xưa như Diễm" trong ngành xuất bản ở ta. Những nhà văn nhà thơ, những người viết sách đều thấm thía câu chuyện này. Cho dù chúng ta đã gia nhập đầy đủ các công ước quốc tế về bản quyền, nhưng với các kẽ hở trong xuất bản như hiện nay, các đối tác liên doanh với nhà xuất bản, cụ thể là các đơn vị làm sách tư nhân có thể vô tư bóc lột công sức của người viết.
Một cuốn sách được chuyển bản thảo tới một đơn vị tư nhân, họ thường ký hợp đồng in 1.000 bản lần đầu với người viết. Và rồi về cơ bản, người viết chỉ được hưởng số tiền nhuận bút của 1.000 bản in lần đầu đó thôi, còn sau đó việc in bao nhiêu bản, tái bản bao nhiêu lần, bán bao nhiêu cuốn ra thị trường, thì chỉ có đơn vị đó biết và... Trời biết. Cơ chế kiểm soát số lượng in hay số lần tái bản ở ta quả thật mù mờ như mò kim đáy bể. Các nhà quản lý từ lâu buông lỏng hoặc thiếu chế tài cho việc này.

Không khó hiểu khi nhiều nhà văn phát biểu rằng, việc sáng tác của họ đang giống như một công việc đóng góp trí tuệ miễn phí cho xã hội. Mỗi cuốn sách in ra số lượng phát hành bèo bọt, thường chỉ 1.000 cuốn. May mắn sách được làm với các nhà xuất bản thì còn tử tế, chứ chuyển qua một số đơn vị tư nhân thì coi như xong. Tiền nhuận bút thường được các nhà sách ép "quy" ra sách. Và chỉ có ngần ấy. Bản thảo công sức chuyển sang cho họ, là mặc sức họ canh tác. Bán hết thì in nối bản tiếp, hay tái bản, không cần hỏi ý kiến, không trả tiền tác quyền cho tác giả.

Một nhà văn kể lại câu chuyện của chị. Một đơn vị tư nhân nhận làm cho chị một cuốn sách. Bìa sách in 2.000 cuốn nhưng bà chủ nhà sách chỉ trả nhuận bút cho chị 1.000 cuốn, với lý giải rằng, con số 2000 là để cho vui thôi, chứ sách ế chỉ in 1000. 1000 cuốn ấy, tiền nhuận bút "quy ra sách" là gần 200 cuốn. Nhà văn mang về 200 cuốn ấy để tặng bạn bè. Nhà sách "ép" mua thêm 300 cuốn nữa, nhà văn bỏ tiền túi mang thêm 300 cuốn nữa về.

Vị chi là nhà văn cầm 500 cuốn sách. 3 năm sau gặp lại chủ nhà sách, chủ nhà sách đon đả mời chị in cuốn tiếp theo. Nói về cuốn đã in, vị chủ nhà sách xịu mặt kêu khó khăn, bảo, cuốn đấy họ đang còn ế những 500 cuốn nữa. Nhưng vậy có 1000 cuốn, 500 cuốn nhà văn mang về và 500 cuốn "ế", tức là 3 năm đó đơn vị tư nhân không bán được 1 cuốn sách nào, trong khi họ lại đang mời chào muốn in cuốn sách thứ 2 cho nhà văn. Câu chuyện vô lý đó tự nó bộc lộ những kẽ hở trong xuất bản tư nhân hiện nay.

Tác giả Lê Hữu Nam và cuốn sách “Mật ngữ rừng xanh” của anh.

Quay lại câu chuyện tác giả "Mật ngữ rừng xanh" tố đơn vị làm sách tư nhân quỵt tiền nhuận bút. Với hợp đồng in 1.000 cuốn lần đầu tiên, riêng tác giả đã sở hữu 945 cuốn sách. Trong khi tại các nhà sách vẫn bày bán sách "Mật ngữ rừng xanh" với số lượng không nhỏ. Mặc dù vậy, đơn vị làm sách vẫn không thừa nhận đã tái bản sách.

Nhà văn Y Ban có lần rất bức xúc với việc các đơn vị tư nhân vi phạm bản quyền. Chị bảo, không lẽ làm đơn kiện. Nhưng kiện thì theo lá đơn ấy lấy đâu ra thời gian. Tốt nhất là tự bảo vệ mình bằng cách, đơn vị nào làm ăn trung thực, hợp đồng đàng hoàng, các điều khoản rõ ràng và thỏa thuận tốt về số lượng in thì mới "chơi". Không thì nghỉ cho khỏe, chứ cứ qua loa là các đơn vị làm sách tư nhân "được đằng chân lân đằng đầu" ngay. Đợi đến lúc "được vạ", là pháp luật bảo hộ chẳng hạn, thì "má đã sưng" rồi. Nhà văn đã nghèo, cứ theo mấy vụ kiện tụng lằng nhằng lấy đâu thời gian.

Câu chuyện liên quan đến tác giả "Mật ngữ rừng xanh" một lần nữa gióng lên hồi chuông về vi phạm bản quyền trong ngành xuất bản sách. Trong khi chờ hệ thống chế tài đủ an toàn để bảo vệ mình, mỗi người viết hãy chủ động "cứu mình" bằng cách tỉnh táo lựa chọn các đơn vị làm ăn tử tế, chu đáo để hợp tác. Và khi xảy ra những thiệt hại, hãy lên tiếng, như trường hợp tác giả Lê Hữu Nam vừa rồi. Hãy quẳng ra khỏi đầu cái ý nghĩ "có đáng bao nhiêu mà đi kiện".

Tiền nhuận bút "đòi" được có thể không nhiều, nhưng nếu người viết nào cũng nghĩ như vậy, không hành động, thì vô tình chúng ta đang bao che, nuôi dưỡng cho những cái không lành mạnh trong xuất bản.

Hội Quân
.
.
.