Mối quan hệ thầy ngoại - truyền thông: Rắn, mềm tuỳ lúc

Thứ Ba, 10/03/2015, 15:00
Cả làng bóng lẫn làng báo đều đang mổ xẻ khá nhiều quanh những quy định khắt khe về việc tác nghiệp của giới truyền thông mà HLV trưởng Đội tuyển (ĐT) Olympic Việt Nam Toshiya Miura đưa ra trong những ngày ĐT hội quân, chuẩn bị cho vòng loại giải U.23 châu Á.

Nhìn lại lịch sử các đời thầy ngoại của ĐT Việt Nam dễ thấy ông Miura không phải là người đầu tiên đưa ra những quy định, thậm chí là cả những lệnh cấm khiến nhiều người thấy sốc, nhưng quả đúng là những quy định của ông đã được thể hiện bài bản, khắt khe hơn tất thảy.

Ứng xử theo cảm hứng

Trong số hơn chục các ông thầy ngoại từng dẫn dắt bóng đá Việt Nam, tính từ năm 1995 đến nay thì những ông thầy người Brazil như Dido hay Tavares thường quan hệ với truyền thông theo... cảm hứng. Khi đang tức giận một cầu thủ hay một quyết định nào đó của VFF thì những ông thầy này thường không hé môi nửa lời, nhưng khi hứng thú lên cao họ lại sẵn sàng tuôn ra những lời không tưởng nhất.

Năm 2001, ông Dido từng cao hứng phát biểu trong một buổi truyền hình trực tiếp rằng: "Tôi không hiểu sao người hâm mộ Việt Nam lại hâm mộ giải bóng đá Ngoại hạng Anh đến thế. Có nhiều thời điểm tôi chẳng thà ôm đàn ghi ta hát còn hơn là mở ti vi xem các trận ở giải đấu này". Cũng trong năm đó, khi một nhà báo đặt câu hỏi: "Mong muốn lớn nhất trong ngày đầu năm là gì?" ông Dido không ngại ngần cho biết: "Mong muốn lớn nhất của tôi là dẫn dắt ĐT Việt Nam tham dự vòng chung kết World Cup".

 Đến năm 2004, chưa đầy 1 tháng trước thềm Tiger Cup trên sân Mỹ Đình (tên gọi cũ của AFF Suzuki Cup) thì HLV Tavares thậm chí đã tiết lộ với cố nhà báo Chánh Trinh trên một tờ báo thể thao rằng ông đã hối hận khi nhận lời quay trở lại dẫn dắt ĐT Việt Nam (trước đó, Tavares từng dẫn dắt ĐT Việt Nam  một thời gian ngắn vào năm 1995), và rằng: "Lần sau, nếu anh gọi điện thoại cho tôi mà không thấy tín hiệu trả lời thì tôi đã rời khỏi Việt Nam rồi đấy". Những phát biểu của Tavares khi ấy khiến báo giới, người hâm mộ và cả LĐBĐ Việt Nam phải một phen tá hoả.

Rốt cuộc thì ông thầy vẫn được biết đến với biệt hiệu "thầy điên" đã không ra đi trước thềm Tiger Cup như mình úp mở, mà chỉ ra đi (nói chính xác là bị buộc phải ra đi) sau trận quyết định mà ĐT Việt Nam do ông dẫn dắt thua tan nát ĐT Indonesia 3 bàn.

HLV Miura chỉ trả lời các câu hỏi đã được gửi và chọn trước từ hộp thư điện tử.

Ứng xử theo kiểu "chọn mặt gửi vàng"

Khác với Dido, Tavares, HLV người Áo Alfred Riedl lại ứng xử với giới truyền thông theo đúng kiểu... chọn mặt gửi vàng. Ở cả 3 chu kỳ làm việc tại Việt Nam, ông  Riedl thường rất chăm chú theo dõi báo chí Việt Nam, và đề nghị trợ lý ngôn ngữ dịch lại cho mình từng bài báo nhỏ, từ đó "qui hoạch" những phóng viên để... cởi lòng, và những phóng viên để... tránh xa.

Thế mới có chuyện trong phòng họp báo sau một trận đấu của ĐT U.23 quốc gia tại Agribank Cup năm 2006, Riedl từng "độp" thẳng một phóng viên của Thông tấn xã: "Tôi không trả lời câu hỏi của anh, vì trước đó anh đã có một bài viết không chính xác về tôi". Một lần khác, trong một cuộc trả lời phỏng vấn ở Trung tâm Thể quốc gia I -  Nhổn (Hà Nội), Reidl cũng từng nổi khùng với một phóng viên, khiến cho chính người trợ lý ngôn ngữ của mình cũng sốc: "Tôi không thể hiểu được tại sao anh lại hỏi tôi một câu ngu ngốc thế?".

Chưa bàn đến tính đúng sai trong những phát biểu và những quan điểm của Riedl, nhưng có điều chắc chắn những ứng xử theo đúng kiểu "để bụng"  và "chấp vặt" như vậy khiến ông dần dần đánh mất hình ảnh của một "quý ông" mà mình từng tạo dựng trong những ngày tháng đầu tiên hành nghề ở dải đất này.

Với Henrique Calisto - một người đã có gần thập kỷ hành nghề ở Việt Nam, và cũng là người rất hiểu văn hoá Việt Nam thì mối quan hệ với truyền thông có vẻ gần gũi, dễ chịu hơn. Thời Calisto, các phóng viên có thể thoải mái tác nghiệp từ đầu tới cuối trong các buổi tập của ĐTQG, và khi có những đề nghị phỏng vấn riêng, ông cũng rất ít khi chối từ. Calisto thậm chí không ngại ngồi cà phê hay đi bar và trút bầu tâm sự với những phóng viên mà ông đặc biệt tin tưởng.

Lần duy nhất ông thầy người Bồ Đào Nha tỏ ra khắt khe với truyền thông là quãng thời gian kết thúc vòng bảng AFF Suzuki Cup 2008 tới trước khi diễn ra trận chung kết giải đấu này. Đấy là quãng thời gian ông vẫn đồng ý cho các phóng viên vào chụp hình, quan sát các buổi tập định kỳ của ĐT, nhưng sau đó nhất định không chịu trả lời phỏng vấn.

Nhiều người cho rằng đấy là cách ông phản ứng lại giới truyền thông sau cả một núi chỉ trích đến từ một vòng bảng AFF Cup thiếu ấn tượng và 11 trận đấu không thắng của ĐT trước thềm AFF Cup ấy. Nhưng có gần gũi và hiểu những "mẹo" tâm lý của thầy "Tô" mới biết rằng đấy cũng chính là cách để ông giúp ĐT có sự tập trung cao độ trước những trận đánh quan trọng, có ý nghĩa thành bại tới cả một chiến lược của mình.

Một phong cách hoàn toàn mới

Trở lại với đương kim HLV trưởng ĐTQG và ĐT Olympic QG Toshiya Miura, năm ngoái, khi mới chân ướt chân ráo tới Việt Nam, ông Miura cũng tỏ ra đặc biệt gần gũi với truyền thông. Trong tất cả những cuộc tiếp xúc báo giới, dù chính thức hay không chính thức, lúc nào từ Miura cũng toát lên một nụ cười thân thiện. Nhiều người bảo có lẽ quãng thời gian dài làm bình luận viên bóng đá trên truyền hình khiến Miura rất hiểu công việc của giới truyền thông bóng đá và biết phải làm gì để tạo ra một mối quan hệ tốt đẹp đối với một bộ phận có sự ảnh hưởng không nhỏ tới cuộc sống và công việc của mình. 

Nhưng tới năm nay thì Miura lại bất ngờ đưa ra những quy định rất khắt khe với giới truyền thông, chẳng hạn như trong các buổi tập của ĐT Olympic, tất cả các phóng viên chỉ được tác nghiệp trong khoảng 15 phút hay một tuần chỉ trả lời phỏng vấn một lần, với điều kiện tất cả các câu hỏi phải được gửi trước qua email để mình chọn lựa.

Các phóng viên phải mặc áo bib mới được tác nghiệp trong các buổi tập của ĐT Olympic Việt Nam những ngày này.

Ngay cả các trợ lý hay cầu thủ trước khi trả lời phỏáng vấn cũng phải nhận được cái gật đầu đồng ý của Miura. Thế mới có chuyện ông từng không hài lòng ra mặt với một trợ lý khi được biết người này đã tự động phát ngôn trên báo chí, và đấy lại là những phát ngôn không trúng ý ông. Cũng cần phải nói thêm, tất cả những quy định của Miura với truyền thông đều đã được phòng truyền thông VFF văn bản hoá và gửi đến tận tay mỗi người.

Câu hỏi đặt ra: Vì sao ông thầy người Nhật bỗng nhiên đưa ra những quy định khắt khe với truyền thông đến vậy? Vì ông đã muốn quy định như vậy ngay từ đầu, nhưng ở giai đoạn mới chân ướt chân ráo tới đây hành nghề chưa có đủ các điều kiện để phổ biến? Hay vì ông đã nhận được sự tư vấn của bộ phận truyền thông VFF với một ông Phó Chủ tịch truyền thông mới trúng cử ở nhiệm kỳ VII với quan điểm và một cá tính khác hẳn vị Phó Chủ tịch truyền thông ở nhiệm kỳ VI?

Cả ông Miura lẫn những đại diện VFF đều không trả lời rõ ràng các câu hỏi này, nhưng có lẽ cũng chẳng cần phải đợi một câu trả lời rõ ràng, bởi điều mấu chốt ở đây không phải là HLV trưởng ứng xử ra sao với giới truyền thông, mà là kết quả cuối cùng mà HLV trưởng đạt được cùng ĐT. Chẳng thà có một vị HLV trưởng nói không với truyền thông nhưng có được những thành tích xuất sắc với ĐT còn hơn một ông HLV trưởng lúc nào cũng mở lòng với truyền thông nhưng lại tỏ ra mờ nhạt, yếu đuối trong công việc chuyên môn của mình.

Theo chúng tôi, nếu thấy việc đưa ra những quy định khắt khe với giới truyền thông, kể cả cấm cửa truyền thông là tốt cho ĐT thì cứ làm, và thay vì tranh cãi với những cách làm như vậy, hãy cứ đợi những biểu hiện cụ thể và thành tích sau cùng ĐT để trả lời chắc chắn xem cách làm ấy có chính xác hay không!

Chuyện Riedl

Hồi còn dẫn dắt ĐT Việt Nam, một lần HLV Alfred Riedl được mời tham dự một buổi phỏng vấn truyền hình trực tiếp và đã tỏ vẻ bất đồng ra mặt khi anh biên tập viên gợi ý sẽ soạn sẵn cho ông câu trả lời để khi lên sóng ông chỉ việc đọc lại. Thời ấy lại có chuyện Riedl nhận một khoản thù lao đặc biệt của một tờ báo thể thao để giữ chuyên mục "Riedl - quan điểm của tôi", nhưng lại xuất hiện những nghi ngờ rằng những câu chữ trong chuyên mục ấy không hoàn toàn do ông là tác giả (?)

Chuyện Calisto

Khi còn dẫn dắt ĐT Việt Nam, HLV Calisto rất chịu khó trả lời phỏng vấn riêng các nhà báo. Sau một cuộc trò chuyện kéo dài khoảng 3 tiếng đồng hồ với rất nhiều nội dung tế nhị được tiết lộ ,người viết bài này từng đề nghị: "Tôi sẽ viết bài, và sẽ gửi email để ông xem trước, sau đó mới đăng báo". Thật bất ngờ, Calisto lắc đầu và nói: "Không! Không việc gì phải gửi tôi trước khi đăng báo, vì tôi không làm cái việc thiếu văn minh ấy".

Chuyện Miura

Năm ngoái, ông Miura từng gây sốc khi phê phán nặng nề V.League và sự yếu kém về thể lực của cầu thủ Việt Nam trên một đài truyền hình trả tiền Nhật Bản. Ông thậm chí còn đề cập tới kiểu làm việc trễ nải, chậm chạp của nhiều nhân viên VFF. Sau đó rất nhiều tờ báo Việt Nam đã dịch lại và đăng tải cuộc trả lời phỏng vấn này. Không biết có phải vì lần trả lời nhạy cảm này của ông Miura hay không mà năm nay VFF đã công bố những điều chưa từng có xung quanh việc tác nghiệp, phỏng vấn của báo giới với HLV trưởng ĐTQG?


Phan Đăng
.
.
.