Liều tiên dược của ĐT Anh tại EURO 2016

Roy Hodgson và kế hoạch bí mật phục hưng Tam Sư

Thứ Ba, 14/06/2016, 14:19
Bản lý lịch trích ngang của Roy Hodgson khá hoành tráng. Nhưng sự nghiệp huy hoàng của HLV 68 tuổi có thể sẽ kết thúc theo một cách bi thảm: Bị ĐT Anh sa thải nếu thất bại ở EURO 2016.


Hodgson đã kinh qua 22 CLB và ĐTQG khác nhau. Nhưng chưa ở đâu như ghế nóng ĐT Anh, Hodgson bám trụ lâu đến vậy. Đây là năm thứ 4 có lẻ, Hodgson đứng mũi chịu sào nền bóng đá phức tạp nhất thế giới.

Chi tiết ấy cho thấy tham vọng và khát khao chứng tỏ của Hodgson trên mảnh đất quê hương. Tuy nhiên, suốt ngần ấy thời gian, thành tích tốt nhất của Hodgson cùng Tam Sư là… tứ kết EURO 2012. Còn tại World Cup 2014, tuyển Anh xách va li về nước sau vòng bảng. 

Roy Hodgson tìm thấy cộng sự đáng tin cậy - Ray Lewington (trái) tại “phòng chiến tranh”.

EURO 2016 là cứu cánh cuối cùng không chỉ cho sự nghiệp của Hodgson, mà còn là danh dự của cá nhân ông. Câu hỏi đặt ra: Ngoài 23 chiến binh tinh nhuệ, Hodgson còn vũ khí nào trong chặng “Tour de France 2016”?

Từ cú vấp nhớ đời…

Theo BXH FIFA, ĐT Thụy Sỹ của Hodgson (1992-1995) đứng thứ 3 thế giới. Nhưng thứ hạng ấy không đi đôi với thành tích họ đạt được. Tại hai giải đấu lớn tham chiến là World Cup 94 và EURO 96, kết quả tốt nhất Hodgson giành được là vào tới vòng knock-out đầu tiên.

Nếu thất bại ở Mỹ được chấp nhận và tha thứ vì trước đó, Hodgson giúp ĐTQG nước này chấm dứt cơn khát 28 năm không vào tới VCK World Cup thì việc bị loại sớm ngay từ vòng bảng trên đất Anh hai năm sau đó là thứ gì đó không nuốt trôi với CĐV xứ đồng hồ.

“Tại sao, một tập thể bách chiến bách thắng ở vòng loại (chỉ thua 1 trận) lại thể hiện một bộ mặt bạc nhược ở vòng đấu chính thức (thua 2, hòa 1)?”, tờ Le News chất vấn Hodgson.

Có một điểm cần làm rõ về chiến dịch EURO năm ấy của Thụy Sỹ: Trên lý thuyết, Hodgson không phải HLV trưởng. Ông đạt thỏa thuận chuyển tới Inter ngay khi giúp Thụy Sỹ giành vé tới Anh.

Thực tế, trong khoảng hai tháng 10-11/1995, Hodgson kiêm nhiệm hai chức vụ. Nhưng việc phải di chuyển liên tục giữa hai quốc gia (dù Italia và Thụy Sỹ chung biên giới) làm Hodgson mệt mỏi. Vậy nên, ông mới quyết định chuyên tâm cho công việc ở Inter.

LĐBĐ Thụy Sỹ mời Artur Jorge, HLV người BĐN như phương án chữa cháy. Nhưng niềm cảm phục dành cho Hodgson chưa hề nguôi ngoai. Vì thế, giới quan chức ở đây mời Hodgson dưới tư cách cố vấn đặc biệt, đưa ra những chỉ đạo từ xa.

Rào cản giao tiếp thời ấy là các dịch vụ trò chuyện trực tuyến chưa phát triển. Cách duy nhất để liên lạc xuyên biên giới là sử dụng dịch vụ “chuyển vùng” (tên gốc: roaming) với cước chi phí cao và chất lượng đường truyền… yếu.

Mọi chuyện thực sự tồi tệ khi trước giờ gửi danh sách đăng ký thi đấu lượt đấu cuối, Roy Hodgson đột nhiên không thể tiếp tục cuộc trò chuyện. Ông đang nói dở hai chữ “Marcel Koller” thì mất sóng.

Bên kia đầu dây, Jorge tưởng rằng Hodgson khuyên ông ta đưa Koller, tiền vệ trung tâm có xu hướng tấn công vào sân, nhất là sau màn thể hiện ấn tượng ở 30 phút cuối trận gặp tuyển Anh.

Hóa ra, Hodgson muốn nói “Koller không nên ra sân”. Scotland là một ẩn số được nhiều giới chuyên gia khai thác từ vài tháng trước giờ bóng lăn. Họ chơi rắn, cẩn thận, giữ vững cự ly và “thích” những khoảng trống đối phương để lộ.

Bàn thắng duy nhất trong trận đấu (của Scotland) tới từ pha mất bóng của Koller khi anh này muốn thể hiện tài rê dắt.

“Xong”, BLV Paul McCray thốt lên. Cái giờ phút McCoist ghi bàn, người ta đã biết chắc số phận của Thụy Sỹ. Vì Scotland phòng ngự rất khá.

…tới khái niệm "phòng chiến tranh"

Hodgson không chịu trách nhiệm trực tiếp cho thất bại của Thụy Sỹ nhưng trong đầu ông luôn xuất hiện nỗi ám ảnh đó. Trên một khía cạnh, lỗi một phần ở Hodgson.

Khoảnh khắc ấy cũng mở ra một chặng mới trong hệ tư duy của Hodgson. Chưa bao giờ, ông cảm nhận sâu sắc tầm quan trọng của công nghệ như lúc này.

EURO 2016 là cơ hội cuối cùng cho Roy Hodgson chứng tỏ năng lực.

Ở Anh, “war room”, tạm dịch “phòng chiến tranh” là khái niệm phổ biến từ trong kỷ nguyên mở của bóng đá Anh. Đại đa số các CLB ở Premier League và Championship đều xây dựng một phòng họp kín, nơi chỉ ban huấn luyện mới được phép bước vào. Thực ra, đây là công trình do HLV trưởng bỏ tiền túi xây dựng, cách trụ sở CLB trong bán kính 2 km, phục vụ chiến lược riêng do chính các HLV và cộng sự của mình phát triển, song song với yêu cầu từ giới chủ.

Hodgson là người phát minh ra “phòng chiến tranh”. Năm 1997, Blackburn Rovers sa sút trầm trọng sau chức vô địch 2 năm về trước. Lần đầu tiên Hodgson tham quan khu làm việc của Blackburn, cả trung tâm có đúng 2 chiếc máy tính. Hodgson băn khoăn làm thế nào để giúp “Hoa hồng gai” thoát khỏi cơn bĩ cực và trở lại kỳ đỉnh cao theo thỏa thuận với bộ máy lãnh đạo.

“Phòng chiến tranh” ra đời, 10 chiếc laptop và 1 bộ truyền tin (loại máy có kích cỡ tương đương chiếc tủ lạnh dung tích lớn, có thể truyền dữ liệu, fax tính theo phút, thường được dùng trong các tập đoàn viễn thông) nhập về từ Mỹ. 2 chuyên gia đầu ngành (tin học và kinh tế) được mời về với nhiệm vụ xây dựng bộ dữ liệu phân tích chỉ số cầu thủ và tư vấn kế hoạch kinh doanh dựa theo diễn biến trên sàn chứng khoán phố Wall.

Theo lời kể của Hodgson, “phòng chiến tranh” là nơi tập hợp những máy móc hiện đại chuyên phân tích dữ liệu, là nơi ông có thể chia sẻ ý tưởng với trợ lý mà không cần bận tâm tới ngoại cảnh, là nơi lộ trình phát triển được rút ngắn từ quãng năm xuống quãng tháng, là nơi tin tức và lời giảng chiến thuật gửi tới tận phòng cầu thủ trước giờ ngủ thay vì chờ tới sáng hôm sau mất công giải thích trên sân tập.

Áp lực hình thành nhưng đó là áp lực trong sự tự do tự tại. Hodgson thích điều ấy và các HLV khác ở Premier League cũng nghĩ vậy.

Bờ vai của lãnh đạo

Một “phòng chiến tranh” tốn 18 tháng thi công và đưa vào thực tiễn. Bởi vậy mà trong mùa giải duy nhất ở Blackburn, Hodgson không kịp thụ hưởng thành quả do mình nghĩ ra.

Nhưng 3 năm sau, người tiếp quản công trình dang dở Hodgson để lại đã tận dụng triệt để lợi thế của “phòng chiến tranh”. Blackburn nhanh chóng quay lại giải Ngoại hạng sau 2 mùa rớt hạng, và lập tức vô địch League Cup (tiền thân của Capital One Cup) năm 2002.

Tuyển Anh được nhiều người kỳ vọng sẽ tạo nên bất ngờ tại EURO 2016.

Trên tất cả, “phòng chiến tranh” cũng là nơi các HLV tìm ra những người bạn thật sự của họ trong môi trường bóng đá đầy toan tính, nhất là ở Anh. Đấy mới là tính ưu việt của “phòng chiến tranh”, đặc điểm mà không một mô hình nào có thể đáp ứng.

“Cánh tay phải” của Hodgson ở ĐT Anh là Ray Lewington. Hơn 4 năm qua, hai người họ dính lấy nhau như hình với bóng. Song có thật là 4 năm, hay nhiều hơn thế?

Chính xác là từ lúc Hodgson quay trở lại Anh năm 2007 và nhận lời dẫn dắt Fulham, ông đã “chấm” Lewington. Lúc ấy, Lewington là HLV tạm quyền ở Craven Cottage. Trong buổi họp đầu tiên với ban huấn luyện, Hodgson thử một bài test.

Ông đặt ra 5 câu hỏi chẳng liên quan gì tới bóng đá, sử dụng máy kiểm tra nói dối – công cụ không thể thiếu trong “phòng chiến tranh”. Có 5 người đứng trong khán phòng (không tính Hodgson), 4 trong số đó đạt 80%, tức trả lời “chưa chuẩn” một câu. Duy nhất có Lewington là diễn thuyết với tâm thế cởi mở phóng khoáng.

Gần 10 năm tin tưởng Lewington, Hodgson chưa từng nuối tiếc về quyết định của mình. “Anh thấy không? Lợi hại chứ?”, Hodgson tự hào vỗ ngực trước phóng viên tờ Telegraph.

Bây giờ, tại Augberge du Jeu de Paume (Pháp), nơi sinh hoạt hàng ngày của ĐT Anh trong chiến dịch EURO 2016, Roy Hodgson đã cho nhân bản “phòng chiến tranh”. LĐBĐ Anh (FA) thuê trọn 92 phòng, nhưng chỉ sử dụng phân nửa. 18/46 phòng còn lại, chuyên phục vụ nhu cầu lắp đặt thiết bị, máy móc “phòng chiến tranh”.

3 triệu bảng là số tiền FA chi ra hòng đáp ứng nguyện vọng của Hodgson. Cho một canh bạc cuối cùng: Vô địch EURO 2016.

Người ưa tiểu tiết

Hodgson có một người bạn tên Mike Ford - chuyên gia phân tích thị trường tại Mỹ. Công việc hàng ngày của Ford là thu thập dữ liệu, tìm hiểu xu thế người tiêu dùng.

Năm 2006, một CLB kiểu Mỹ thuộc giải NFL nhờ Mike Ford phân tích tiềm năng và rủi ro giúp họ phủ sóng tầm ảnh hưởng thương hiệu CLB trên toàn lãnh thổ xứ cờ hoa. Mike Ford hỏi chủ tịch CLB ai đóng góp nhiều nhất vào thành tích của đội. Câu trả lời là Alice Smith, cái tên không hề xuất hiện trong danh sách thành viên được gửi tới văn phòng của Mike Ford. 

Qua tìm hiểu, Mike Ford vỡ lẽ Alice Smith là… cô bán vé. Chủ tịch đội X bật mí Smith phân loại từng cuống vé, chia cơm suất tới gia đình của từng cầu thủ, tự tay giặt quần áo và lo toan khâu hậu cần. Alice Smith một tay cáng đáng những phần việc tưởng đơn giản nhưng gộp vào lại hóa nặng nhọc nhất.

Mike Ford khuyên Hodgson nên trau dồi khả năng lãnh đạo từ những con người tầm thường chuyên làm những công việc nhỏ nhặt. Đối mặt với một núi việc nhỏ, bạn sẽ biết cách làm tốt việc lớn. Đối với mặt việc lớn, bạn sẽ biết cách chia việc lớn ra từng việc nhỏ.

Tại EURO 2016, Hodgson mang theo 8 đầu bếp, 12 nhân viên dọn phòng và 6 quản lý chăm lo đời sống cầu thủ. Ông giải thích trên tạp chí Blizzard: “Thành công đến từ những chuẩn bị tầm thường nhất”.


Đơn Ca
.
.
.