Roy Keane: Chiến thuật gây sốc hay sự ức chế bị lột trần?

Thứ Hai, 03/11/2014, 13:15

Cách đây 1 tuần, làng bóng đá Anh đã dậy sóng với cuốn tự truyện có tựa đề "Hiệp hai" của Roy Keane (The Second Half). Cựu tiền vệ của Man Utd bỗng nhiên trở thành cái tên được  nhắc đến nhiều nhất, chẳng kém gì ngày anh còn thi đấu đỉnh cao, với những chi tiết gây sốc. Hàng loạt chuyện thâm cung bí sử của Man Utd được phanh phui, rất nhiều lời lẽ chi tiết khó tin được tiết lộ. Và một lần nữa, những cuốn tự truyện trở thành loại "vũ khí chết chóc".

1.Sự già nua được lấp kín trong bộ râu rậm, phủ kín gần hết gương mặt, Roy Keane vẫn giữ được cái phong độ, cá tính và khí phách ngày xưa. Ngày 9/10 vừa qua, ông điềm tĩnh, lạnh lùng xuất hiện trên sân vận động Aviva tại thành phố quê nhà Dublin (Ireland) để ra mắt cuốn tự truyện "Hiệp hai". Ngay từ khi cuốn sách còn chưa chính thức phát hành, những thông tin về nội dung của nó đã khiến cả nước Anh phát sốt. Ngươi ta kể rằng, trong đó Roy Keane đã kể lại tất cả những chuyện bí mật mà ông đã giữ kín hơn chục năm qua. Thậm chí, nhân vật trung tâm của Roy Keane chính là ông thầy cũ tại Man Utd, HLV huyền thoại Sir Alex Ferguson. Và quả thực, khi cuốn sách được bày bán trên kệ, nó đã phanh phui rất nhiều câu chuyện gây sốc.

Với sự cộng tác, giúp đỡ ngôn từ của Roddy Doyle, nhà văn nổi tiếng bậc nhất Ireland, cuốn sách của Roy Keane càng trở nên sắc sảo về cách diễn đạt, thâm thúy về ý tứ. Những chuyện khiến nhiều người bất ngờ là việc Roy Keane dù đánh giá cao Ferguson, nhưng anh vẫn khẳng định, ông thầy cũ là kẻ "không có tình người", là kẻ vụ lợi nhằm củng cố vị trí cá nhân. Keane tuyên bố thẳng thừng, sẽ không bao giờ tha thứ cho những gì Ferguson đã làm với anh trong suốt 12 năm thi đấu ở đây, mặc dù chính Ferguson là người mang anh về Man Utd và tín nhiệm trao băng đội trưởng.

Keane tiết lộ câu chuyện sau trận Man Utd thua Middlesbrough 1-4 vào năm 2005, rằng anh đã phát biểu trên kênh truyền hình MUTV, có ý trách móc đồng đội và lôi cả trách nhiệm của Sir Alex ra để đổ thừa. Sau cuộc phỏng vấn đó, Keane cho rằng anh đã cảm nhận rất rõ sự cay cú của Ferguson, dẫn đến việc anh phải rời Old Trafford. Keane cũng lột trần câu chuyện diễn ra vài ngày sau cuộc phỏng vấn đó. Anh nói rằng, mình đã có một cuộc cãi vã thẳng thừng với Ferguson, trợ lí Carlos Queiroz và thủ thành van der Sar trên sân tập. Anh "mắng" HLV của mình là "lão già bảo thủ", không ngại quăng những lời chửi bới nặng nề vào Queiroz khi ông này nói đến lòng trung thành: "Ông không có tư cách nói về lòng trung thành với tôi. Nếu có nó, ông đã không đến Real Madrid" (trước đó vài năm, Queiroz từng rời Man Utd để đến dẫn dắt CLB Real Madrid). Ngay lập tức, Keane bị xóa tên trong các trận đấu sau đó, phải nộp một khoản tiền phạt nội bộ. Kết cục của câu chuyện này là mùa giải năm sau đó, Keane đã nhận được lời nói lạnh lùng từ Ferguson rằng, anh có thể ra đi. Vài năm sau này, Keane đã xin lỗi Ferguson và Queiroz về vụ cãi vã này, nhưng ngay trong cuốn tự truyện này, anh cũng không quên nói rằng: "Giá mà ngày đó tôi không nói lời xin lỗi họ, bởi tôi chẳng sai gì cả. Tôi thực sự hối tiếc về lời xin lỗi ấy".

Tự truyện của Ferguson.

Một chuyện động trời nữa mà không ai biết, đó là vụ va chạm với đồng đội Peter Schmeichel năm 1998 trong chuyến du đấu ở Hồng Kông. Khi đó, Keane đã không ngần ngại choảng thủ môn này. Tuy nhiên, Keane cho rằng Schmeichel đã xấu tính tố cáo Keane đã đấm anh ta dù thực chất đó chỉ là một pha va chạm vô tình trong buổi tập.

Không chỉ có chuyện cá nhân, Keane còn tố cáo cả chuyện của tập thể, mà đó lại là chuyện hệ trọng, khi nói rằng chính Ferguson đã mắc mưu, bị các ông chủ Mỹ gài bẫy dẫn đến việc Man Utd rơi vào tay các tỷ phú Mỹ. Ferguson là người mê đua ngựa, ông đã cố gắng để mua một con ngựa từng đoạt chức vô địch thế giới, và sau đó mắc bẫy, buộc phải ngồi vào bàn đàm phán để bán cổ phiếu cho gia đình nhà Glazer. Điều đáng chú ý là ngày đó chính Keane là người khuyên can Ferguson không nên dính vào vụ mua ngựa đó.

Sự kiện nữa cũng đáng chú ý là vụ Keane từ chối không thèm đến dự lễ khánh thành bức tượng của Sir Alex mặc dù nhận được giấy mời. Anh viết: "Ông ấy biết mối quan hệ với tôi thế nào. Tôi không tin là ông ấy mời, có thể đó là lời mời của ban tổ chức, con trai ông ấy hay ai đó". Khi được hỏi rằng, mọi ngôi sao của Man Utd đã có mặt, kể cả van Nistelrooy, người cũng bị Sir Alex đẩy đi, cũng có mặt, Keane thẳng thừng: "Tôi không phải van Nistelrooy. Ông ấy chỉ muốn mọi người ở đó để chứng kiến quyền lực của ông ấy. Chắc chắn mọi người chỉ đứng đó và vỗ tay mà thôi".

2.Thật khó để kể hết những chi tiết gây sốc trong cuốn tự truyện của Roy Keane, nhưng điểm cốt lõi của nó là toàn những chuyện mà ít ai biết, tạo sự tò mò và làm dân tình "hốt hoảng". Đó cũng là cách thức chung của những cuốn  tự truyện của các ngôi sao. Nó phải có yếu tố bất ngờ, gây tranh cãi, thậm chí là tạo scandal để trở thành những điểm nóng và được gắn mác "best-seller" (sách bán chạy). Những chuyện của Keane công bố thậm chí còn được coi là "quá đà" và có thể khiến anh gặp nhiều rắc rối. Nhưng trước mắt, cuốn "The Second Half" đang được lùng sục tìm mua ở khắp nơi.

Có thể nói, đây chính là một chiêu bài mà rất nhiều cầu thủ, HLV đã sử dụng trong những cuốn truyện về mình. Ngay chính Keane cũng từng gây náo loạn bóng đá Anh ở cuốn tự truyện đầu tiên phát hành năm 2002, khi viết rằng, anh cố tình đạp đối thủ Alfie Inge Haaland của CLB Man City (năm 2001) vì cay cú, khiến cầu thủ này phải giải nghệ. Ngày đó, vì lời thú nhận này, Keane bị treo giò 5 trận và nộp phạt 150.000 bảng.

Ngay HLV Ferguson sau khi giải nghệ năm 2013 cũng đã xuất bản tự truyện với những chi tiết cũng tạo scandal. Trong đó Ferguson đã đưa ra quá nhiều chi tiết sai sự thật, và có cả chuyện nhầm quãng thời gian thi đấu của Roy Keane cho Man Utd (11 năm nhưng đúng ra là 12 năm). Ferguson viết huỵch toẹt rằng, Beckham đã thay đổi và gần như không còn là cầu thủ bóng đá từ khi yêu Victoria. Hay chuyện chỉ trích Gerrard, cho rằng anh này chỉ là cầu thủ "tầm thường".

Keane và cuốn tự truyện gây sốt.

Hàng loạt những cuốn tự truyện của các ngôi sao khác cũng đều được quảng cáo rằng, nó chứa những chi tiết sốc. Khi xuất bản sách về mình, Rooney nhắm mũi dùi vào HLV cũ ở Everton là David Moyes, cho rằng ông đã đá anh khỏi CLB. Vụ việc này sau đó trở thành vụ kiện cáo, và Rooney là kẻ thua cuộc trên tòa án nhưng thắng lớn về danh tiếng. Hay như vụ tự truyện của Ibrahimovic cũng vậy. Anh đã lôi Pep Guardiola vào cuộc với những câu chuyện giải thích tại sao xuất hiện mâu thuẫn giữa anh với ông này khi còn ở Barcelona.

Dường như thời đại này, gây sốc chính là yếu tố quan trọng nhất để một cuốn sách bán chạy. Từng có rất nhiều bài học nhãn tiền mà các ngôi sao bóng đá là những người hiểu rõ nhất, đó là những cuốn tự truyện mang tính "kể lể", giáo điều và mang tính "giáo dục sách vở" của Giggs, Scholes, Lampard… vẫn ủ dột nằm trong nhà kho mà chẳng có ma nào buồn đọc. Ngược lại, những cuốn tự truyện của một số cầu thủ không nổi tiếng lắm như Mark Ward lại được săn đón vì những chi tiết lạ, với một cuộc sống khủng khiếp trong tù. Hay cuốn tự truyện của huyền thoại George Best kể anh sống cùng các tử tù với tội danh giết người ra sao, đi vệ sinh trong căn phòng chứa gần 20 người như thế nào, ăn cơm bên cạnh bệ xí bẩn thỉu ra sao… Và bây giờ, khi cuộc sống cầu thủ quá xa hoa hào nhoáng, họ cần kể lại những thước phim động trời, khi ấy mới hi vọng một đời sống tương xứng cho tác phẩm của mình. Khi đó, những cuốn tự truyện đơn giản là những chiêu trò gây sốc tạo dư luận, hay là sự ức chế đã đến lúc bung ra và được lột trần?

3.Vậy mục đích của cầu thủ ra tự truyện là gì? Với họ, khoản tiền từ bán sách chẳng đáng là bao. Họ cũng đủ "độ" nổi tiếng mà chẳng cần nhờ vào bán mấy cuốn sách. Đơn giản, việc ra sách thể hiện đẳng cấp, thỏa mãn với thói quen được phơi mình ra để thiên hạ ngưỡng mộ. Và đương nhiên sức hút của cuốn sách được mặc định tương đương với sự nổi tiếng. Và để có được điều đó, tốt nhất là phải có những chiêu trò. Thậm chí, rất nhiều cuốn tự truyện được viết với lối hư cấu, cách hành văn như một tác phẩm văn học, tiêu biểu là cuốn "I am Zlatan" (Tôi là Zlatan) của tiền đạo Ibrahimovic.

Chẳng biết có bao nhiêu phần trăm sự thật trong cuốn tự truyện của Roy Keane, nhưng hiện tại, cựu cầu thủ của Man Utd đã tạo nên cơn sốt trên các kệ sách trên khắp thế giới. Và như vậy, Keane đang thành công!  

Cầu thủ xuất bản tự truyện như thế nào?

Hầu hết các cuốn tự truyện của cầu thủ ngôi sao đều được… thuê người viết. Những người viết là các nhà văn nổi tiếng hoặc các nhà báo lành nghề. Ví dụ như cuốn sách của Messi được nhà báo người Tây Ban Nha gốc Italia, Luca Caioli viết. Ông này còn là tác giả viết các cuốn tự truyện của C.Ronaldo, F.Torres, Fabregas, Ronaldinho, Neymar. Cuốn I am Zlatan (của Ibrahimovic) được viết bởi nhà báo David Lagercrantz. Tất cả những gì mà "chủ thể cuốn sách" phải làm là tâm sự, nói chuyện với người viết và sau đó sản phẩm được ra lò. Thậm chí có trường hợp cá biệt như Beckham, Mourinho… có khá nhiều nhà văn, nhà báo viết tự truyện về họ. Ví dụ Mourinho có nhiều cuốn sách viết bởi Diego Torres, Ciaran Kelly, Luis Lourence… Riêng Mark Ward, một cựu cầu thủ phải đi tù vì liên quan đến vụ buôn bán chất ma túy, ông đã tự viết truyện về mình trong phòng giam. Những trang bản thảo được viết trên giấy vệ sinh, những tờ giấy gói đồ tiếp tế do gia đình gửi vào… Đó cũng là một cách để cuốn tự truyện có tên "từ Premier League đến nhà tù" của ông bán rất chạy.

Trong các cuốn tự truyện được kết hợp giữa cầu thủ và nhà báo hoặc nhà văn này, cầu thủ sẽ nhận được tỷ lệ khoảng từ 30% đến 50% lợi nhuận từ phát hành.

Phan Đăng
.
.
.