SEA Games 29: Đằng sau những tấm huy chương

Thứ Hai, 28/08/2017, 09:49
“Làm ơn, xin hãy công bằng” là tiêu đề một bài viết trên tờ Bangkok Post. Người Thái – đại diện cho tiếng nói của 9 quốc gia khác – đang cạn dần kiên nhẫn sau những hành động o ép của nước chủ nhà.


Nhưng những gì đang diễn ra tại Kuala Lumpur chỉ là động tác sao chép thường thấy của những kỳ đại hội trước. Malaysia có vấn đề, nhưng không cần tới kỳ đại hội lần này để căn bệnh trầm kha của SEA Games lộ rõ chân tướng.

Quy chế kỳ cục

Trên lý thuyết, SEA Games là giải đấu chịu sự quản lý của Liên đoàn Thể thao Đông Nam Á, Ủy ban Olympic quốc tế và Hội đồng Olympic châu Á. Tuy nhiên, tất cả những sự quản lý này đều mang tính tham khảo và tượng trưng.

Điều lệ duy nhất mà nước chủ nhà SEA Games phải tuân theo là “số môn thi đấu tối thiểu” trong một đại hội (22). Còn lại, không có chế tài giới hạn các môn đăng ký. Và mỗi môn chỉ cần 3 quốc gia đăng ký tham dự là được tổ chức vì “đủ cơ cấu HCV, HCB, HCĐ”.

“Công bằng” vẫn là thứ gì đó xa xỉ ở SEA Games.

Cơ chế này dẫn đến những hiện tượng hết sức kỳ cục tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á, là việc các nước đăng cai liên tục đưa những môn thể thao địa phương hoặc không có tính chất Olympic vào thi đấu (Việt Nam có lặn, Myanmar có chinlone, Philippines có võ gậy). Nực cười nhất là câu chuyện hồi 2011, Indonesia đưa “trượt patin” vào thi đấu với 12 nội dung và giành trọn vẹn 12 HCV từ cái môn này.

Tồi tệ hơn là các hội đồng, ủy ban Olympic cũng không can thiệp vào những môn bị loại bỏ. Nghĩa là chủ nhà thích bỏ cái gì thì bỏ, cứ đủ số môn tối thiểu 22 là được. Indo từng bỏ bóng bàn khỏi chương trình thi đấu. Malay năm nay bỏ tới 8 nội dung thi đấu của điền kinh, vì đây là những nội dung họ đã không có huy chương ở 3 kỳ đại hội gần nhất.

"Đâu chỉ có Malaysia"

Thái độ của Malaysia đã chỉ ra căn bệnh trầm kha tại khu vực ASEAN trước mỗi lần Đại hội Thể thao khu vực diễn ra. Không riêng gì Malaysia, bất kỳ quốc gia nào đứng ra đăng cai SEA Games đều dùng đủ chiêu trò hay thậm chí bất chấp thủ đoạn để “đứng tốp” bảng tổng sắp.

Chẳng nói đâu xa, tới Singapore vốn trước nay nổi tiếng là kỷ luật, đề cao tính công bằng và minh bạch cũng không thể làm trái “luật bất thành văn” khi đăng cai SEA Games 28.

Trong trận chung kết bóng ném nữ giữa Malaysia và Singapore, các nhà báo nước chủ nhà đã liên tục thóa mạ những VĐV Hồi giáo với lời lẽ miệt thị nặng nề “Cút về làng chúng mày đi” – dẫn lại cáo buộc của Hiệp hội Nhà báo thể thao Malaysia.

Năm 2005, khi đăng cai SEA Games, Philippines đã tạo ra tiền lệ vô tiền khoáng hậu. Sau thất bại của đội nhà trước Myanmar tại chung kết cầu mây nữ, vì không thể chấp nhận sự thật mất vàng, Ban huấn luyện Philippines đã tưởng tượng ra kịch bản kỳ cục: Gửi đơn tố cáo, yêu cầu xét nghiệm giới tính với ba tuyển thủ của Myanmar bằng luận điểm “Phụ nữ thì sao bật nhảy đá mạnh được?”.

Kristianto đã giải nghệ ngay sau khi nhận tấm HCV đầy hổ thẹn tại SEA Games 26.

Tại SEA Games 27, Myanmar trong lần tái hội nhập đã tìm mọi cách biến ngày hội thể thao toàn khối thành sân khấu phô diễn và biểu dương sức mạnh. Mohammad Adhan (Indonesia) đã thắng hạng cân 55-60kg Pencak Silat, nhưng lại không thể nhận huân chương do Hội đồng trọng tài kiên quyết… không trao kỷ niệm sau đơn kiến nghị của võ sĩ chủ nhà.

Cùng năm, Nguyễn Thị Thanh Phúc – ĐVKĐ SEA Games, đương kim á quân châu Á nội dung đi bộ 20km khóc tức tưởi sau phần thi vì người về nhất Saw Marla Nwe của Myanmar đã dành phần lớn thời lượng đường đi để… chạy, đặc biệt ở những mét cán đích cuối cùng.

Hậu quả khôn lường

SEA Games là một đại hội thể thao lâu đời, có bề dày lịch sử từ năm 1959 dưới tên gọi SEAP Games. Nó đã bắt đầu sứ mệnh của mình với ý nghĩa cao cả là gắn kết các quốc gia Đông Nam Á và tượng trưng cho khối ASEAN thống nhất. Nhưng rốt cuộc, qua thời gian lại biến tướng để phục vụ cho những động cơ cục bộ.

Nhằm giải quyết các mục tiêu thành tích trước mắt, giới cầm quyền và cấp lãnh đạo sẵn sàng dùng mọi cách để “ép chín” VĐV, đưa họ lên bục podium nhận giải thưởng. Để rồi, chính những tài năng, tương lai của thể thao nước nhà này hoặc là vì áp lực quá lớn, hoặc là vì những ảo tượng tự tạo mà có quan điểm dễ dãi với nghề và nhanh chóng trượt dài trong sự nghiệp.

Rất nhiều câu chuyện buồn đằng sau những tấm huy chương đầy gượng ép tại SEA Games. Tháng 4/2014, khi Liên đoàn thể thao ASEAN công bố kết quả xét nghiệm doping, tấm HCV của Saw Marla New bị tước bỏ, trao cho Thanh Phúc do VĐV người Myanmar này dương tính với một loại chất cấm. Qua chia sẻ trên Myanmar Times, người ta biết rằng Saw Marla New đã dùng doping theo đề nghị của đội ngũ y tế.

Dian Kristianto – VĐV đã đưa hình ảnh SEA Games tới toàn thế giới sau màn mèo đuổi chuột đầy tai tiếng tại sàn Pencak Silat hồi 2011 – đã giải nghệ ngay sau khi được o bế giúp giành HCV.

Thực ra trước scandal ấy, Dian Kristianto đang là nhà ĐKVĐ thế giới (2010) tại hạng cân của mình. Ở đấu trường SEA Games, anh là chủ nhân của 3 tấm HCV (ở Philippines và Thái Lan).

Liệu có bao giờ, nhà VĐTG lại chạy trốn đối thủ và dùng cách hèn hạ nhất để đi tới vinh quang? Nếu không phải thì chuyện gì đã xảy ra với một VĐV đầy tài năng như thế? 

Năm 2008, tại Đại hội Thể thao bãi biển châu Á, do mặt cát gồ ghề không phẳng, lại trơn trượt nên trụ trái của Kristianto không vững, khiến cú vung chân phải của anh sai tư thế dẫn tới chấn thương nặng. Ba sụn sau bánh chè vỡ vụn. Kristianto đã dành nguyên 1 năm để lên bàn mổ và hồi phục chấn thương, chấp nhận lỡ hạn với SEA Games tại Lào.

SEA Games là biểu tượng cho khối ASEAN thống nhất và đoàn kết. Đáng tiếc, giải đấu này đã không diễn ra với mục đích và ý nghĩa cao cả đó vì bệnh thành tích.

Sau cuộc đại phẫu ấy, Kristianto biết rằng anh không còn là chính mình. Cái chân phải đã mất đi cảm giác ban đầu. Nhưng là cái nghiệp theo đuổi thì phải đi tới cùng.

Ông trời không phụ lòng người. Năm 2010, Kristianto vô địch thế giới. Và anh cưới vợ ít lâu sau, ở tuổi 25. Nhưng cuộc đời vô thường vốn mông lung như một trò đùa. Vào cái lúc Kristianto tưởng rằng mình sẽ được trọng vọng, hay chí ít là nhận được chút ưu ái từ liên đoàn sau lần tái sinh kia thì cũng là lúc, anh chuẩn bị bước vào bi kịch cuộc đời.

Với việc kỳ SEA Games 26 sẽ diễn ra tại Indo ngay sau đó, Kristianto tiếp tục bị đưa vào tham gia các phiên huấn luyện đặc biệt. Anh từng tâm sự rằng đám cưới đã phải rời lịch để chiều có thể lên trung tâm huấn luyện quốc gia. Nếu không, sẽ bị gạch tên khỏi thành phần dự tuyển.

Chính những phiên tập nặng sau giải VĐTG dù cái chân phải mới lành lặn chưa được bao lâu đã khiến Kristianto rạn tiếp xương bàn chân phải. “Tôi không còn cách nào khác là chạy vòng quanh sàn đấu để giữ lợi thế về điểm. Không thể mất vàng, vì tôi đã nén đau suốt bao ngày để chờ khoảnh khắc này”, Kristianto chia sẻ.

Sau tấm HCV ấy, Kristianto đã không thể đi lại bình thường. Anh trở về quê nhà Klaten, dồn hết tiền thưởng ra nước ngoài chữa trị vì lo sợ tàn phế. Sau đó, Kristianto cũng tuyên bố giải nghệ ở tuổi 26 phần vì sợ mất chân, phần vì không thể chịu được phán xét cay độc từ dư luận.

Kristianto hay Saw Marla New phải chịu trách nhiệm trước con đường họ lựa chọn. Nhưng là những người lớn tuổi có chức sắc mở cánh cửa dẫn tới bi kịch cuộc đời, thay vì đưa ra một định hướng tốt đẹp cho các VĐV của mình.

Đơn  Ca

Những trò lố của Malay

Những khẩu hiệu hô hào được Ủy ban tổ chức SEA Games 29 (Masoc) giương cao trước kỳ đại hội đã không hề đi đôi với hành động. Trên thực tế, kể từ khi SEA Games khởi tranh, chủ nhà Malay đã lần này qua lần khác gây khó dễ cho các đoàn thể thao khu vực.

Chỉ 28/38 môn thi đấu được phát sóng trực tiếp lên truyền hình. 10 môn còn lại không phải sở trường hoặc nội dung thế mạnh đều không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Đáng chú ý phần lớn trong số đó là các môn có tính chất quan trọng (bóng chuyền, futsal nam và bóng đá nữ). Đây cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2000, lịch phát sóng bóng đá nam bị lược bỏ khi hai trận Myanmar – Lào và Brunei – Myanmar không được lên hình.

Những đối trọng của Malaysia tại các nội dung bóng đá cũng bị gây khó dễ. Đội futsal nam Thái Lan phải bỏ tiền túi thuê taxi tới tập vì BTC không bố trí xe buýt. U22 Việt Nam và U22 Indonesia không đủ thời gian làm quen sân vì cổng chính bị khóa. Tại nội dung bóng đá nữ, Malaysia đã trả đũa Myanmar sau thất bại 0-5 bằng cách hủy lịch làm việc của tài xế theo đoàn khiến các cô gái Myanmar phải vạ vật tới 11h40 tối.

Bản thân ban điều hành SEA Games cũng tỏ rõ sự vô trách nhiệm và quan liêu trong quá trình giám sát các nhân viên chịu sự quản lý trực tiếp. Vào thứ năm tuần trước, một thành viên của ĐT bóng đá nữ Malaysia đã báo cáo sự việc một tài xế theo đội ăn cắp chiếc đồng hồ led phát sáng của cảnh vệ. Không những thế, qua xác minh, tài xế 27 tuổi này còn không thể trình diện bằng lái xe.

Ở một diễn biến khác, ban biên tập cuốn cẩm nang SEA Games 29 đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng là in nhầm hình quốc kỳ Indonesia thành cờ… Ba Lan, khiến Bộ trưởng Bộ Thanh niên và Thể thao Indonesia Imam Nahrawi buộc phải lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về mối quan hệ ngoại giao hai nước.

Đơn Ca
.
.
.