Sam Allardyce trở thành HLV ĐT Anh:

Big Sam và kinh nghiệm xương máu về bài học quản lý

Thứ Năm, 28/07/2016, 10:57
Sam Allardyce có 22 năm kinh nghiệm "gõ đầu trẻ". Ông ngồi trong cabin Ngoại hạng 467 trận, là HLV giàu kinh nghiệm thứ tư ở Premier League, chỉ sau Sir Alex, Arsene Wenger và Harry Redknapp.


Tân HLV trưởng ĐT Anh, vì thế, chắc hẳn sở hữu kho tàng kiến thức khổng lồ về nghiệp huấn luyện - một công việc đặc thù đòi hỏi rất nhiều yếu tố tổng hòa bên trong một thực thể.

Là HLV giỏi, bạn tất nhiên phải rành chuyên môn. Nhưng chuyên môn giỏi không đủ, nhất là khi bạn muốn xây dựng đế chế, thị uy quyền lực như ông chủ đích thực chứ không chỉ là kẻ làm thuê của giới chủ lắm tiền. 

Sam Allardyce - tân HLV trưởng ĐT Anh.

Gạt bỏ cảm xúc

Trong cuốn tự truyện của mình, Sam Allardyce thường nhắc về Neil Warnock như một người bạn thân, và cũng là "tấm gương" cho ông noi theo.

Câu chuyện Warnock bị QPR sa thải vẫn luôn chiếm một vị trí quan trọng trong sổ ghi chép của Sam Allardyce. Warnock thường tâm niệm một HLV phải kiêm nhiệm trọng trách của một người cha, một người bạn, một người thầy và một người cố vấn. Ông tìm gặp Amit Bhatia, GĐĐH tại Loftus Road để đưa ra lời khuyên CLB đang đi chệch hướng.

Warnock đã nhầm bởi những kẻ nắm trong tay quyền sinh sát như Bhatia không mấy khi chịu thỏa hiệp. Tin nhắn được gửi đến điện thoại Warnock ít giờ sau khi ông gõ cửa phòng Bhatia: "Chúng tôi ra quyết định sa thải vì thái độ xấc xược của ông".

Sam Allardyce nối tiếp mạch truyện: "Những năm tháng ở Blackpool dạy cho tôi cách gạt bỏ cảm xúc và làm việc theo lý trí". Khi Big Sam tiếp quản Blackpool, đội vừa kết thúc mùa giải ở vị trí thứ 4 từ dưới lên. Mùa tiếp theo, đội  cán đích ở vị trí thứ 11. Đó là lúc ông nghĩ mình nên rời đi bởi Blackpool thiếu tham vọng. Mà có cố cũng chẳng đạt được thứ gì to tát đâu.

Mùa sau đó, ông giúp Blackpool dự vòng play-off tranh suất lên Premier League, chỉ tiếc là để thua ở trận quyết đấu tranh vé. Trát sa thải gửi đến phòng làm việc của Big Sam đúng nửa giờ sau khi trận đấu khép lại. Ông yêu cầu chủ tịch giải trình. Câu trả lời vô tình không ngần ngại được đưa ra: "Ông bất tài nên đội mới thua".

Ngay cả khi xây dựng được mối quan hệ tốt với giới chủ, xin đừng huyễn hoặc bản thân. Sam Allardyce hiểu rất rõ chân lý này thời còn dẫn dắt Bolton. Dưới sự chỉ huy của Phil Gartside, Bolton hồi phục tình hình tài chính, cạnh tranh vé dự Cúp châu Âu.

Phil ra đi, Bolton bán toàn bộ đội hình chính theo yêu cầu của Tập đoàn NTL - chủ đầu tư mới. Big Sam đành chấp nhận chấm dứt cuộc chơi tại sân khấu đỉnh cao trong sự nghiệp. Vì ông không biết điều gì sẽ xảy đến trong 6 tháng tới. Chỉ đến khi tạm biệt khán giả sân Reebook, Big Sam mới thở phào: "Bây giờ, tôi mới dám nhìn lại và tận hưởng quá khứ yên đẹp".

Tăng cường giao tiếp

Cũng trong cuốn sách kể về cuộc đời mình, Sam Allardyce nói về quan niệm của mình trước khái niệm "HLV".

HLV là tầng lớp lãnh đạo, hẳn nhiên rồi. Nhưng thế nào là một lãnh đạo giỏi? Câu hỏi này tưởng dễ, nhưng để cắt nghĩa thì không đơn giản chút nào.

Niềm nở với giới phóng viên là chìa khóa giúp Big Sam sống sót trước sức ép dư luận.

Theo Allardyce, một HLV giỏi không chỉ tay năm ngón ra lệnh người khác đi theo mình. Một nhà lãnh đạo giỏi sẽ biết cách khơi nguồn cảm hứng cho người khác. Một HLV giỏi phải làm được như thế. Có 3 yếu tố để trở thành một HLV kiểu mẫu: Tính ganh đua, sự chăm chỉ và kỹ năng giao tiếp.

Trong những vật liệu cấu thành ấy, giao tiếp giỏi là tối quan trọng. Bạn phải đưa ra quyết định hàng ngày, họp chiến thuật hàng sáng, trả lời phỏng vấn báo giới sau mỗi trận đấu. Hãy tưởng tượng bạn là thí sinh trong lần thi tuyển vào ghế thuyền trưởng ở M.U.

Hồ sơ đẹp chưa thể chứng tỏ lòng trung thành của bạn với nhà tuyển dụng, ở đây là giới chủ. Mối quan hệ HLV - chủ tịch chỉ thực sự tốt đẹp nếu bạn nhận được lòng tin tuyệt đối từ người đứng đầu CLB. 5 phút đối đáp ngắn ngủi hoặc tiễn bạn ra về, hoặc đưa bạn tiến tới đường hầm SVĐ. Đó là lợi thế của kỹ năng giao tiếp.

Trong buổi phỏng vấn tại trụ sở FA cho chiếc ghế nóng tại Tam Sư, có một câu hỏi được đặt ra với Sam Allardyce: "Lấy một ví dụ điển hình về kỹ năng giao tiếp của giới huấn luyện". Và Big Sam chọn câu chuyện của… chính người tiền nhiệm Roy Hodgson.

Năm 1992, khi dẫn dắt ĐT Thụy Sỹ, Hodgson ngỏ ý muốn thay đổi thể thức giải VĐQG nhằm tạo điều kiện cho việc lên tuyển của các cầu thủ. Qua bữa ăn tối với chủ tịch LĐBĐ xứ sở đồng hồ, Hodgson đạt được mục đích của mình.

Toàn bộ các trận đấu diễn ra đồng loạt vào ngày chủ nhật, Cúp quốc gia được gói gọn trong 3 tháng, tránh tình trạng dàn trải ảnh hưởng tới thể lực của các cầu thủ. Nếu CLB nào từ chối nhả người, những cầu thủ thuộc biên chế đội đó có tên trong danh sách lên tuyển bị cấm thi đấu quốc tế vô thời hạn.

Sau này, Hodgson tiết lộ ông chủ động ca ngợi tiềm năng bóng đá Thụy Sỹ trong bữa ăn tối đó để lấy lòng quan chức.

Tất nhiên, sự quan liêu không phải lúc nào cũng xuất hiện. Ở Premier League, nơi có tới 4,7/7 triệu dân số toàn cầu theo dõi các trận đấu cuối tuần, khán giả gián tiếp phán quyết số phận HLV.

Nhưng HLV không tự mình ra sân thi đấu. Ông ta phụ thuộc vào màn trình diễn của các học trò. Allardyce phân ra hai loại cầu thủ. Kiểu 1 là những người ra sân đóng góp cho toàn đội. Kiểu 2 là những người mượn tập thể để khẳng định cái tôi. Oái ăm khi đa số các cầu thủ kiểu 2 là thần tượng của phần đông CĐV. Với những người này, hãy mềm mỏng và phát huy sức mạnh ngôn từ.

Nói nhảm với phóng viên

Báo lá cải với những thông tin giật gân, gây sốc bán rất chạy ở Anh. Cánh phóng viên luôn lục lọi đề tài mới lạ để câu khách. Thu hẹp phạm vi về báo chí thể thao, các tòa soạn hướng sự tập trung vào các HLV bởi đó là công việc nhạy cảm, dễ thao túng nhất.

Coi trận bóng là một lớp học thì phóng viên là giáo viên, HLV là học trò còn giới chủ là cha mẹ. Chẳng học sinh nào muốn điểm kém vì sợ bố mẹ mắng, thế là em nào cũng chăm chỉ học bài.

Nhưng bóng đá khác lớp học ở chỗ học giỏi không đi kèm với điểm cao, vì xác suất bị giáo viên "trù dập" là không nhỏ. Muốn thoát khỏi búa rìu dư luận, tìm ra điểm yếu của truyền thông, Sam Allardyce có lẽ là người đầu tiên khai thác được yếu tố này.

Hầu như tất cả những HLV hàng đầu từng làm việc ở Premier League đều trải qua những lần cãi vã với báo giới. Big Sam đã "trải nghiệm" đủ để hiểu ra, cách tốt nhất là tạo ra mối quan hệ tốt đẹp keo sơn với đám paparazzi.

Trước mắt Sam Allardyce là bộn bề công việc.

Allardyce phân tích: "Báo lá cải hay nói thẳng ra là những tờ khổ vuông A4 nhảm nhí rất thịnh hành tại đây vì xu hướng đọc của dân chúng Anh là vậy. Ở Italia hay Pháp, phóng viên thích nói về chiến thuật và nó làm người làm nghề  đau đầu. Bàn chuyên môn mới khó chứ tán dóc thì đơn giản, bạn cứ giả làm gã khờ, hùa theo mấy tay phóng viên rởm, nói mấy mẩu chuyện tếu táo. Thế thôi, và rồi thì không ai làm khổ bạn nữa".

Động cơ của Big Sam

Triết lý làm việc của Allardyce khá đơn giản: "Bạn được thuê để lãnh đạo một tập thể. Chấm hết". Sau 22 năm, Big Sam đã kinh qua 9 chặng dừng khác nhau. Nhờ đó, ông nhận ra nhiệm vụ tối cao và cũng là duy nhất của một HLV là làm việc vì chính bản thân. Chơi vì giới chủ, CĐV sẽ quay lưng. Chơi vì CĐV, giới chủ sẽ phàn nàn.

Cũng bởi lẽ này mà bóng đá ngoài đời khác xa trò giả lập trên máy điện tử Playstation, nơi những ngôi sao với chỉ số cao và phong độ tốt được ưu tiên. Muốn giữ ghế, các HLV phải tạo ra một môi trường chiến thắng, giàu sức cạnh tranh và bị ám ảnh bởi danh vọng.

Khi ấy, bạn dễ dàng điền tên bất kỳ cầu thủ nào vào đội hình xuất phát mà không cần đắn đo. Nghĩa là, yếu tố chuyên môn nhiều khi hoàn toàn "vô nghĩa". Bản chất của người HLV là tập hợp đám đông và điều khiển suy nghĩ của họ. Đó là định nghĩa chính xác nhất về một HLV giỏi, hay chính xác hơn là nhà lãnh đạo tài ba.

Thống trị phòng thay đồ

Nhìn chung, giữa cầu thủ và HLV luôn tồn tại một khoảng cách nhất định. Bóng đá nên như thế để đảm bảo sự ổn định lâu dài. Allardyce đồng tình một HLV giỏi là người biết cách thay thế cha mẹ của các cầu thủ. Song bên cạnh sự đùm bọc, người cha người mẹ còn phải răn đe, đưa đứa con của mình vào khuôn khổ.

Allardyce  khẳng định ông chưa bao giờ sợ sệt khi đối diện với Sir Alex, nhưng luôn dành sự nể phục và lòng kính trọng với "Lão già gân" ở khoản "quản lý phòng thay đồ, ngăn ngừa quyền lực đen".

Sir Alex bắt đầu bài tập vào 8h sáng hàng ngày cùng toàn đội. Sau 20 phút, ông sẽ quay về nhà thay quần áo trước khi quay lại trại huấn luyện. Nhưng Sir Alex luôn cảnh giác. Ông nghi ngờ Rooney và các đồng đội sẽ quay ra đánh bi-a thay vì miệt mài trên máy tập khi ông vắng mặt.

Một ngày, Sir Alex giả vờ thu dọn đồ đạc ra về. Ông luồn ra cửa sau, bất chợt xông vào. Cảnh tượng trước mắt Sir Alex là không ai chịu tập luyện, đám đông đứng ngoài cổ vũ Rooney và Young cá độ trên bàn bi-a. Sir Alex yêu cầu trò vui tiếp diễn, ông đứng ở miệng lỗ góc bàn, đặt đầu trước cửa bi lăn xuống, chỉ tay vào mặt Rooney: "Có giỏi thì đánh vào đây đi".

Đơn Ca
.
.
.