Sân khấu đang khủng hoảng diễn viên trẻ?

Thứ Năm, 08/06/2017, 14:17
Phải tới 9 năm sau Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc mới lại được tổ chức. Đó là một khoảng thời gian quá dài để kích hoạt sự phát triển của nền sân khấu, trong sự tiếp nối và kế cận của người trẻ. Điều đó cũng lý giải vì sao sân khấu thưa vắng những thế hệ trẻ kế cận.


Người trẻ còn mặn mà với sân khấu?

Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên sân khấu kịch nói chuyên nghiệp Toàn quốc 2017 có sự tham gia của 37 diễn viên thuộc 7 đơn vị đến từ trung ương và hai đoàn nghệ thuật địa phương là Nhà hát Ca múa nhạc Lam Sơn Thanh Hoá và Đoàn Kịch nói Nam Định.

Sau 5 ngày tranh tài, Ban tổ chức đã trao 5 Huy chương Vàng cho các diễn viên: Nguyễn Thị Kim Dung, Nguyễn Thanh Hương, Đào Chí Nhân (Đoàn Nhà hát Kịch nói Quân đội); Vũ Hồng Lê (Đoàn Kịch nói Công an nhân dân); Nguyễn Thị Duyên (Đoàn Nhà hát Kịch Việt Nam) và 11 Huy chương Bạc cho các tài năng xuất sắc.

Nhìn đi, ngoảnh lại, các đơn vị tham gia cũng chỉ có 7 đoàn đã quá quen thuộc và những người được giải cũng là những cái tên “gà nòi” của các đơn vị lớn.

NSND Hoàng Dũng - Chủ tịch Hội đồng giám khảo đánh giá: “Nhiều NSND, NSƯT đã dàn dựng bài thi cho các nghệ sĩ trẻ. Thậm chí, nhiều lãnh đạo các nhà hát, các đoàn nghệ thuật đã tham gia diễn xuất trong các bài thi để giúp các nghệ sĩ trẻ tỏa sáng. Các tiết mục tham gia rất phong phú về mặt đề tài. Nhiều diễn viên trẻ chủ động trong các bài thi, tự biên tập, tự dàn dựng, tự lo kinh phí, đầu tư trang phục, đạo cụ cho tiết mục của mình. Thậm chí, nhiều tài năng trẻ đã biết kết hợp nghệ thuật truyền thống trong bài thi kịch nói của mình một cách sáng tạo và hiệu quả. Khoảng lặng trong diễn xuất ở một số trích đoạn đã được diễn viên xử lý rất đắt”.

NSND Hoàng Dũng lạc quan hy vọng, các bạn trẻ này sẽ nắm vận mệnh của sân khấu kịch nói nước nhà. Nhưng liệu ông có lạc quan quá không, khi nhìn vào chất lượng và số lượng những diễn viên trẻ tham gia trong cuộc thi này. Các diễn viên trẻ dường như không còn mặn mà với cuộc thi tài năng trẻ này, nơi khởi đầu góp phần định danh cho con đường của một nghệ sĩ sân khấu chuyên nghiệp.

Con số 37 thí sinh của 7 đoàn tham gia quá khiêm tốn so với bề dày của một nền sân khấu như chúng ta. Người trẻ không còn mặn mà với cuộc thi, họ cũng không còn mặn mà với sân khấu trong thời buổi đìu hiu, ảm đạm này.

Các trích đoạn được chọn dàn dựng và biểu diễn trong cuộc thi đều là những trích đoạn của các vở sân khấu kinh điển như “Hamlet”, “Khát vọng Đác Kỷ”, “Rừng trúc”… nhưng rất khó để tìm được những tài năng hoàn hảo về thanh và sắc. Vì sao khán giả hay giới làm nghề vẫn mơ về giấc mơ thời huy hoàng của sân khấu, về những vai diễn để đời của những thế hệ vàng của sân khấu.

Sân khấu cần những người trẻ giữ lửa.

Chỉ là cuộc đua "nội bộ"

Đây là một cuộc thi mang phạm vi toàn quốc, nhưng lại thiếu vắng hoàn toàn một thị trường sân khấu rộng lớn từ miền Nam và cũng không có bóng dáng của đơn vị tư nhân nào.

Dù có hai đơn vị địa phương là đoàn Lam Sơn và đoàn Nam Định, nhưng sự lấn át về số lượng và chất lượng của các đoàn Hà Nội cho thấy, đây vẫn chỉ là cuộc thi nội bộ của các nghệ sĩ Trung ương với nhau. Trong khi, một môi trường kịch nói mạnh mẽ như khu vực phía Nam không có đại diện nào tham dự.

Lý giải về điều này, đạo diễn, NSND Trần Ngọc Giàu cho biết vì điều kiện kinh phí eo hẹp nên các diễn viên trẻ TP Hồ Chí Minh khó có thể tới được cuộc thi.

Ông cũng đề nghị ở cuộc thi sắp tới ban tổ chức cần có một sự hỗ trợ để khuyến khích cho các diễn viên trẻ ở TP Hồ Chí Minh có thể có điều kiện dự thi.Có như vậy qua cuộc thi mới có cái nhìn toàn diện hơn về thực trạng lớp diễn viên trẻ hiện nay.

Còn NSND Lan Hương, thành viên ban giám khảo cho rằng: “Nên thay đổi cách thức tổ chức, có thể chia thành từng khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các đoàn phía Nam tham gia. Bởi sân khấu vốn đang đìu hiu, vắng khách, việc dàn dựng một trích đoạn để tham gia cũng khá tốn kém, các đơn vị ở miền Nam thuộc các đoàn tư nhân, họ tồn tại trong thời điểm này còn chật vật, nói gì đến tham dự thi thố. Nhà nước, nếu tổ chức cuộc thi nên có những kế hoạch, sự hỗ trợ cần thiết để khuyến khích những người trẻ”.

Việc thiếu vắng các đoàn từ miền Nam đánh mất sự phong phú, hấp dẫn của cuộc thi, bởi thị trường sân khấu miền Nam có những khẩu vị riêng, khác hẳn với lối diễn truyền thống của sân khấu miền Bắc. Sự tham gia của hai đoàn địa phương cho thấy chênh lệch về trình độ diễn viên giữa các nhà hát ở Trung ương, Hà Nội với các đơn vị nghệ thuật địa phương.

Chương trình dự thi của Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi Trẻ, Nhà hát Kịch Hà Nội hay các đơn vị của Quân đội, Công an có phần nổi trội hơn so với các diễn viên ở các đơn vị nghệ thuật địa phương. Thậm chí, NSND Hoàng Dũng đã phải thốt lên rằng, có những diễn viên tôi chưa nhìn thấy khả năng đâu chứ nói gì đến tài năng. Nhiều người vì áp lực cuộc thi đã chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường nên chưa bộc lộ hết khả năng của mình…

Nhiều nghệ sĩ lớn, tâm huyết với sân khấu đều đau đáu với một nỗi niềm, làm sao thắp lửa tình yêu sân khấu cho những người trẻ. Cuộc thi này là một cú hích, khơi dậy tình yêu của họ. Nhưng 9 năm mới tổ chức, một khoảng thời gian quá dài khiến khoảng trống về diễn viên trẻ trong ngành sân khấu ngày càng lớn.

“Rõ ràng nhà nước thiếu sự quan tâm sát sao đối với sân khấu, nhất là trong thời buổi sân khấu đang chật vật đi tìm khán giả như hiện nay. Chúng ta không thiếu tài năng, nhưng tài năng phải được nuôi dưỡng, tiếp lửa, các em mới có thể toàn tâm toàn ý với sân khấu”, NSND Lan Hương cho biết. Sân chơi dường như mỗi ngày càng thu hẹp lại và cuộc thi tìm kiếm tài năng ở lĩnh vực cụ thể vừa rồi vẫn chỉ là cuộc đua nội bộ.

NSND Hoàng Dũng – Chủ tịch Hội đồng Giám khảo: Thế hệ trẻ sẽ nắm giữ sinh mệnh của sân khấu nước nhà

Lần này, các tiết mục tham gia rất phong phú về mặt đề tài: Cổ điển nước ngoài, dân gian, lịch sử Việt Nam, chiến tranh, hậu chiến và rất nhiều tiết mục phản ánh cuộc sống ngày nay... mỗi người một vẻ đã làm cho cuộc thi của chúng ta hấp dẫn và rất nhiều màu sắc gồm: cổ điển nước ngoài 05 trích đoạn, hiện đại nước ngoài 4, dân gian lịch sử 5, hiện đại Việt Nam 12.

Nhiều tiết mục, nhiều nghệ sỹ trẻ đã cho chúng tôi và khán giả thấy được tài năng của các bạn. Nhiều diễn viên trẻ chủ động trong các bài thi của mình tự biên tập, tự dàn dựng, tự lo kinh phí, đầu tư trang phục, đạo cụ cho tiết mục của mình rất có hiệu quả. Đây là lần đầu tiên Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Sân khấu Kịch nói mà các đề tài mang tính truyền thống được đặc biệt đề cao.

Có những tiết mục đã làm cho Ban giám khảo, trong đó có tôi giật mình vì sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của các bạn mà khi còn trẻ như các bạn chúng tôi chưa làm được. Và chắc chắn các bạn sẽ là những người sẽ thay chúng tôi nắm lấy vận mệnh sân khấu kịch nói của nước nhà. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều vấn đề chúng ta cần quan tâm, nhiều nghệ sỹ trẻ chọn trích đoạn chưa thật phù hợp với năng lực, sở trường của mình nên chưa bộc lộ hết khả năng của mình.

Nhiều trích đoạn không được luyện tập kỹ càng, không có bàn tay dàn  dựng của đạo diễn. Và có những thí sinh tham gia dự thi còn không thấy khả năng làm diễn viên chứ nói gì đến tài năng. Tôi khẳng định, sân khấu kịch gặp khó khăn về khủng hoảng khán giả nhưng không hề khủng hoảng về thế hệ diễn viên trẻ.

NSND Lan Hương - Thành viên Ban Giám khảo: Tài năng còn mỏng và “một chiều”

Tôi cho rằng, sân khấu chưa được các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm đúng mức, 9 năm, từ cuộc thi lần trước ta mới tổ chức cuộc thi tài năng trẻ lần này. Điều đó cho thấy nguyên nhân của sự khủng hoảng vì thiếu người kế cận.

Sân khấu phải luôn được thắp lửa, nên tổ chức cuộc thi này 3-5 năm một lần, để khuyến khích các bạn trẻ. Tôi trò chuyện và làm việc với nhiều diễn viên trẻ, họ có tài năng, tâm huyết nhưng bị quá tuổi đi thi, chỉ quá vài tháng. Đó cũng là điều đáng tiếc và hạn chế số lượng tham gia.

Tôi nhìn thấy tình yêu của nhiều diễn viên trẻ, say mê nghề. Tôi rất xúc động vì tình yêu của họ.  Có nhiều bạn tự viết kịch bản, tự biên tập, dàn dựng, có bạn vẫn giữ được cách diễn truyền thống, giản dị mà đầy cảm xúc. Tiếc là mọi người không có nhiều thời gian để xem nhau vì các diễn viên trẻ còn bận chạy sô, kiếm tiền.

Qua cuộc thi này, tôi cũng nhìn thấy những tài năng, nhưng tài năng còn mỏng và một chiều, các vai diễn chính kịch cần chiều sâu hơn. Có được một diễn viên trẻ hoàn hảo về thanh và sắc còn là điều hiếm hoi. Thế nên, vẫn còn đó nhiều lo lắng, nhưng vẫn phải hy vọng thôi, dù sự lo lắng chưa bao giờ hết, vẫn cứ trông ngóng sân khấu ngày càng chiêu mộ được những diễn viên hội tụ đủ nhiều yếu tố về thanh sắc và tài năng. 

Nhưng chúng ta vẫn phải tin yêu những người trẻ, quan trọng là phải có bệ phóng để giúp họ phát huy và vững tin vào tình yêu của mình.  Sân khấu đang vất vả cạnh tranh với truyền hình, bị truyền hình lấn át nên cần lắm sự đầu tư và quan tâm của các cơ quan chức năng. 

V. Hà
.
.
.