Sân khấu kịch TP HCM: Những hào quang đang tắt!

Thứ Sáu, 12/10/2012, 15:49
Những sân khấu tấp nập khán giả hàng đêm. Những vở diễn gây xôn xao dư luận. Tất cả những điều ấy dường như đã tắt lặng. Sân khấu vẫn sáng đèn, khán giả vẫn đến xem, nhưng đã rõ một thân thể mỏi mệt. Kịch bản yếu, diễn viên chạy show, những tiếng cười mua vui dễ dãi. Chính kịch đã trở thành món xa xỉ. Và những người làm sân khấu TP HCM buộc phải chấp nhận, làm sân khấu như một cuộc mưu sinh…

Những tượng đài mệt mỏi

Thời vàng của kịch Sài Gòn có thể điểm mặt những cái tên nổi bật như Thành Lộc, Hồng Vân, Hữu Nghĩa, Hồng Đào… Nay, nhìn lại những gương mặt cũ, thấy sự vững chãi của họ trên sân khấu, nhưng cũng thấy sự mỏi mệt vì phải vươn tay quá nhiều thứ để đắp đổi cho một sân khấu sáng đèn.

Sân khấu Idecaf hai năm qua dựng liên tiếp hai vở kịch cổ trang, đó là "Quyền lực tình yêu" và "Vua thánh triều Lê", cả hai vở đều do Thành Lộc đóng chính. Nhưng, cả hai vở ấy cũng đã không làm nên được một chân dung Thành Lộc rõ nét hơn, nếu như không muốn nói đó là bản sao mờ nhạt của chính anh. Với "Quyền lực tình yêu", vở kịch thơ đầy gượng ép, đã khiến Thành Lộc không có đủ đất để bung tỏa chính mình.

Với "Vua thánh triều Lê", thì dường như anh lại không đủ trẻ để vào vai vị vua trong sáng quả cảm. Sự chấp chới trong hình ảnh này của anh thấy rõ từ "Ngàn năm tình sử", khi anh đóng vai Lý Thường Kiệt. Vở diễn do chính anh dàn dựng, phần thiết kế rất hoa mỹ và phục trang rất đẹp, các diễn viên ca vũ rất chuyên nghiệp.

"Vua thánh triều Lê" bị coi là một thất bại của sân khấu Idecaf.

Nhưng chính Thành Lộc lại không thành công với vai diễn chính do anh chăm chút. Đến mức, vở diễn ấy sau ba năm, người ta chỉ còn nhớ những bản nhạc do Đức Trí sáng tác. Và hẳn nhiên, những người chấm giải Liên hoan sân khấu kịch nói năm đó có lý, khi vở diễn của Thành Lộc có huy chương, nhưng anh lại được huy chương vàng trong một vai diễn khác, vai giả gái trong vở kịch ăn khách "Hợp đồng mãnh thú".

Đi xem kịch Idecaf, Thành Lộc là cái tên để bán vé, khán giả thích coi anh diễn hài. Nhưng với những ai yêu mến anh từ sân khấu chính kịch, sẽ cảm thấy chạnh buồn. Một diễn viên quá giỏi nghề, tả xung hữu đột trên sân khấu, lại luôn phải làm con át chủ bài để giữ khán giả trong những vở diễn quá yếu, những lớp lang bày biện ra chủ yếu để gây cười. Khán giả kịch Sài Gòn vốn không khó tính, cái gì vui nhẹ nhàng xem xong về ngủ rồi quên, sáng mai lại đi làm. Nhưng, người làm nghề sẽ giữ lửa ấy được bao lâu?

Mới đây, kịch Phú Nhuận có vở diễn "Cúc cù cúc cu" do Trịnh Kim Chi làm đạo diễn. Nhưng chỉ nhìn sơ qua các lớp lang mảng miếng là biết NSND Hồng Vân đã nhúng tay quá nhiều. Nếu đã quen xem kịch Hồng Vân, khán giả dễ nhận thấy có những mảng miếng của chị được truyền lại cho lớp đàn em, từ cái cách nhấn nhá trong khi diễn cho đến những chi tiết đẩy câu chuyện trở nên hài hước hơn.

Sự xuất hiện của NSND Hồng Vân trong "Cúc cù cúc cu" được coi là một điểm sáng duy nhất cho một vở diễn nhàn nhạt.

Hồng Vân cũng giống Thành Lộc, diễn mọi thứ tỉnh queo, và hài kịch hay bi kịch để có thể diễn rất duyên dáng. Nhưng, với ""Cúc cù cúc cu" (có tên gọi khác rất câu khách là "Xin anh hãy ngủ với vợ em") thì Hồng Vân cùng với Hữu Nghĩa buộc phải đứng ra làm cặp đôi duyên dáng cho một vở diễn nhạt nhẽo. Chỉ có màn diễn xuất của Hồng Vân và Hữu Nghĩa tạo được hiệu ứng trên sân khấu bằng sự duyên dáng (của mảng miếng quăng bắt chứ không phải là sự hấp dẫn của nhân vật), còn những bi kịch của hai cặp vợ chồng trẻ (do Đức Thịnh - Thanh Thúy - Thanh Duy - Kim Huyền thủ vai) đều rất giả.

Và diễn viên xuất hiện trên sân khấu khá gượng gạo, nhân vật thiếu đời sống nội tâm… Hồng Vân đang phải liên tiếp vật lộn để dựng những vở mới cho hai sân khấu của mình, vốn đang được khai thác tối đa 6 suất mỗi ngày. Và đôi khi chị phải chấp nhận xuất hiện trong những vở diễn chỉ để mua vui như vậy.

Nhưng biết làm sao được, chị cần phải nuôi sống hàng trăm con người của hai kíp diễn trên sân khấu. Và đôi khi để cho khán giả cười, chị và những đồng nghiệp của mình phải tạo ra những câu thoại khiến khán giả đỏ mặt. Vì sự thiếu tế nhị, nếu không muốn nói là có phần dung tục, khi ám chỉ chuyện gối chăn. Chỉ còn biết ngậm ngùi thôi. Cơm áo đâu đùa với nghệ sỹ.

Những câu chuyện lỗi thời

Sân khấu Hoàng Thái Thanh được báo chí ngợi ca suốt hai năm qua khi dám dũng cảm bỏ qua hài kịch để duy trì một kịch mục nghiêm túc. Những vở chính kịch tạo nên cơn sốt như "Nửa đời ngơ ngác", "Hãy khóc đi em"… Những câu chuyện giản dị, nhưng được thể hiện bằng sự tinh tế trong dàn dựng và diễn xuất đã lay động lòng người. Tuy nhiên, trên sân khấu đã bắt đầu già nua bởi sự cũ kỹ trong tư duy đề tài, mới đây nhất là vở "Tục lụy".

"Tục lụy" của sân khấu Hoàng Thái Thanh bị cho là tư duy dàn dựng và đề tài quá cũ.

Những câu chuyện của vài chục năm trước, được dựng lại trong thời buổi khán giả sân khấu đã đổi thay quá nhiều, khiến cho mọi sự trở nên gượng gạo. Có những nút thắt để tạo thành mâu thuẫn và những cách giải quyết mâu thuẫn ấy, đến nay đã không còn hợp thời. Những người dựng kịch của sân khấu Hoàng Thái Thanh đã quen với sự chỉn chu của mình, luôn khiến khán giả không thể chê về bài trí sân khấu cho đến từng chi tiết trong đạo cụ.

Diễn viên của Hoàng Thái Thanh không có quyền phiêu lưu trong những câu thoại, mà phải mực thước, đối đáp nghiêm ngắn. Như những người cứng tuổi ứng xử với nhau, trân trọng và cẩn trọng. Tất cả những điều đó đều đáng quý, nhưng đặt vào bối cảnh nhiều đổi thay của sân khấu hiện tại thì lại trở thành lạc hậu. Tư duy dàn dựng vở diễn không mới, một kịch bản đã cũ, diễn viên mực thước như giảng viên đại học, sẽ khiến khán giả trở nên mệt mỏi.

Thành Lộc quá thành công trong vai giả gái của "Hợp đồng mãnh thú" khiến khán giả quên anh ở dòng chính kịch.

Cái lỗi lớn nhất của sân khấu này chính là không có kịch bản mới. Khi kịch bản mới không đủ hấp dẫn, mà kịch mục thì luôn cần được đa dạng phong phú, thì những người đứng đầu nhà hát "ăn mày dĩ vãng", tìm lại những vở diễn đã thành công trước kia (ở sân khấu 5B Võ Văn Tần và kịch Idecaf) dựng lại, với hai diễn viên gạo cội là Thành Hội và Ái Như, bên cạnh lớp diễn viên mới.

Và những điểm yếu dần bộc lộ, khi tư duy không thay đổi và mọi thứ đóng kín. Tất nhiên, cái mới là vô chừng, cái mới phụ thuộc vào việc bạn đứng ở đâu để nhìn nhận và phân tích. Điều này khó nói…

Ngôi nhà xưa và những ngôi nhà mới

Cái gốc của sân khấu kịch nói Sài Gòn chính là sân khấu 5B Võ Văn Tần. Tất cả những gương mặt trụ cột tại các sân khấu hiện tại đều được "đào luyện" từ mái nhà xưa đó. Sân khấu 5B hiện tại đang gặp một thế khó, chính là không chủ động được nguồn diễn viên. Với kinh phí hạn hẹp (vì là đơn vị nhà nước thuộc Hội sân khấu TP Hồ Chí Minh), sân khấu này thường phải dựng những vở chính kịch kén khán giả (để quan trên trông xuống, người ta trông vào) nên 5B chưa từng là một sân khấu ăn khách. Với lượng khách ổn định 250 ghế mỗi suất diễn, sân khấu này được coi là nơi lưu giữ nghề hơn là một sân khấu được mở ra để kinh doanh.

Thế nên, hầu hết những sinh viên của Trường Sân khấu điện ảnh TPHCM đều chọn đây là nơi để rèn và thực tập nghề. Có một số ít được giữ lại và cũng tự nguyện trụ lại làm nghề nghiêm túc. Còn một số diễn viên khác sau thời gian có chỗ đứng liền đi tìm một bờ bến khác. Thiếu hụt nhân lực dẫn đến một thực tế, sân khấu 5B không có ngôi sao trẻ. Những ngôi sao thế hệ trước như Việt Anh, Mỹ Uyên vẫn là những gương mặt trụ cột của sân khấu này. Và điều đó, sẽ dẫn đến một hệ quả tất yếu, thiếu đi sự tươi mới…

Dẫu là thế, nhưng sân khấu kịch TP HCM vẫn liên tiếp thêm những điểm diễn mới. Trong vòng 3 năm trở lại đây, ngoài sân khấu Nụ cười vàng của diễn viên Hoài Linh chuyên diễn hài, thì sân khấu Thế giới trẻ đang được mở ra như một không gian của những người trẻ tuổi.

Rất "câu khách" bằng những đề tài nóng như gái nhảy, trai gọi hay đồng tính, sân khấu này cũng từng bị phê phán vì diễn viên cười dễ dãi, nhưng vở chính kịch "Đời như ý" đã nhận được sự đồng cảm sâu sắc của khán giả. Nhưng đó mới chỉ là đốm lửa nhỏ trong toàn cảnh có màu ảm đạm…

Sân khấu TP Hồ Chí Minh đang xuống sức, thể hiện rõ ở sự cạn kiệt của đề tài và cách thể hiện. Những hào quang lấp lánh của một sân khấu thị trường đang có nguy cơ rệu rã. Bởi vì diễn viên sân khấu đang phải vắt kiệt mình cho phim truyền hình. Và đội ngũ sáng tác kịch bản sân khấu đang trở nên mỏi mệt. Không có đội ngũ kế cận, đây là câu chuyện có thật, mà ai cũng có thể nhìn ra…

"Tiếng chim vườn Ngọc Lan" trở lại!

Lương Mạnh Hải - Tăng Thanh Hà sẽ thay thế Thành Lộc và Thanh Thủy trong "Tiếng chim vườn ngọc lan" phiên bản mới.

Đã từng diễn rồi ngưng rồi khi dựng lại cũng bị ngưng, "Tiếng chim vườn Ngọc Lan" đã là một câu chuyện "nhiều tập" về kiểm duyệt sân khấu. Vở diễn này từng là một trong những vở diễn gây tiếng vang vì lần đầu tiên một vở kịch tại TP HCM đề cập đến nỗi đau thầm kín của người đồng tính với dàn diễn xuất nổi bật của Diệp Lang, Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thủy, Kim Xuân, Quốc Thảo... Nhưng chỉ dừng lại ở sân khấu thử nghiệm 5B Võ Văn Tần vì… đề tài nhạy cảm. Phải mất 4 năm đề nghị, sân khấu Idecaf mới được tái dựng vở diễn. Tuy nhiên, sau 2 tháng đưa vở diễn lên sàn tập, vở ngưng vì lý do sức khỏe của đạo diễn…

Theo thông tin hậu trường, nữ đạo diễn Minh Nguyệt quyết tâm phục dựng vở diễn của mình. Cách đây 4 năm, chị cũng đã dựng rất thành công vở diễn "Cánh đồng bất tận" trên sân khấu 5B. Và lần này, như một dịp quay trở lại với nghề sau nhiều năm vắng bóng, Minh Nguyệt quyết định đưa "Tiếng chim vườn ngọc lan" lên sân khấu Nhà hát lớn TP Hồ Chí Minh. Dự kiến, cặp đôi trẻ Lương Mạnh Hải - Tăng Thanh Hà sẽ đóng chính trong hai vai được đóng đinh cho Thành Lộc và Thanh Thủy. Chưa có lịch diễn cụ thể, nhưng có thể vở sẽ được diễn 3 đêm vào tháng 12/2012.  Hy vọng đây sẽ là một niềm vui cho sân khấu TP HCM.
                                                                                                           (Lê Chi)

Thái Minh Trí
.
.
.